TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giấc mơ truyền giáo

Thứ tư - 05/10/2022 07:21 | Tác giả bài viết: Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD |   830
Ở miền cực Nam của tổ quốc, Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tổ chức Đại Hội Loan Báo Tin Mừng lần V với chủ đề: “Hãy là chứng nhân đích thực của Tin Mừng” (Cv 1,8)
Giấc mơ truyền giáo

GIẤC MƠ TRUYỀN GIÁO

WHĐ (04.10.2022) - Hạ tuần tháng 9/2022, khi siêu bão Noru đang hoành hành ở một số tỉnh Miền Trung Việt Nam khiến nhiều nhà cửa tốc mái, mùa màng thiệt hại và mạng lưới điện bị tê liệt. Cũng rất may cơn bão khi vào đất liền đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên không thiệt hại về nhân mạng nhiều vì chính quyền và người dân cũng đã lường trước những điều tệ hại sẽ xảy ra nên có sự chuẩn bị để ứng phó.

Ở miền cực Nam của tổ quốc, Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tổ chức Đại Hội Loan Báo Tin Mừng lần V với chủ đề: “Hãy là chứng nhân đích thực của Tin Mừng” (Cv 1,8) trong dịp kỷ niệm 400 thành lập Bộ Loan Báo Tin Mừng với sự tham dự của đại diện 27 Giáo phận, hơn 20 Hội Dòng lớn trong cả nước tại Đền Thánh Đức Mẹ Tân Hiệp thuộc Giáo phận Long Xuyên. Dù điều kiện ăn ở không được thoải mái cho lắm vì tất cả đều phải dùng chung: Phòng ngủ chung, nhà vệ sinh chung, sinh hoạt chung… các tham dự viên từ giáo dân, tu sĩ, linh mục đến giám mục đều tỏ rõ lòng nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng trước lời mời gọi tha thiết của Chúa: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,48)

Các bài chia sẻ và huấn từ của các vị giám mục được mời đều có điểm chung là nguồn truyền giáo. Các ngài đã nhắc nhở các tham dự viên là mình không thể cho cái mình không có. Cho ở đây là loan báo Tin Mừng, đem niềm vui và bình an của Chúa đến cho những người nguội lạnh, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người nghèo, và nhất là những người chưa bao giờ được nghe loan báo Tin Mừng. Muốn cho người khác niềm vui và bình an của Chúa thì trước hết các nhà truyền giáo phải là người có lòng nhiệt huyết truyền giáo, có lửa truyền giáo. Họ phải là những người biết quỳ gối cầu nguyện với người chủ sai đi và phải là người am hiểu và học hỏi lời Chúa. Đức cha chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng có nhắc đến sứ điệp truyền giáo năm 2022 của Đức Phanxicô về nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân với tâm hồn đơn sơ và luôn biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần vì chính Người là hơi thở và nguồn của truyền giáo. Ngài cũng nhắn nhủ các tham dự viên là hãy để sứ điệp của Đức Thánh Cha hâm nóng ngọn lửa nhiệt thành truyền giáo của mỗi người để từ đó họ cũng biết nhóm lên ngọn lửa truyền giáo cho người khác.

 


Vị Tổng Giám Mục Sài Gòn với lối chia sẻ hài hước khi ngài bắt đầu bài nói chuyện về sự thiếu nhiệt huyết và thiếu lửa truyền giáo dù là những người được rửa tội từ thuở nhỏ và được Thánh Thần sai đi mà vẫn ngần ngại: “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi không thấy tôi về. Thần Khí Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi mà tôi không đi”. Nhiều người còn cho rằng truyền giáo là nhiệm vụ của các chuyên viên, của các linh mục, tu sĩ nhưng họ quên rằng ‘Giáo Hội, tự bản chất là truyền giáo’ (TG 2). Ngài tha thiết mời gọi các tham dự viên trước khi lên đường truyền giáo phải luôn trang bị hành trang cho mình là Lời Chúa và sự cầu nguyện. Chính nhờ Lời Chúa mới có thể soi dẫn con đường cho chúng ta tiến bước, và qua sự cầu nguyện là nguồn mạch thiêng liêng giúp chúng ta có thể hiểu rõ công việc và sứ vụ của chúng ta.

Vị linh mục tổng thư ký của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng cũng là người điều phối viên trong Đại Hội với lối diễn giải thật dí dỏm khi ngài dẫn chứng một lần nữa sứ điệp truyền giáo 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô do ngài lược dịch về ý nghĩa của một cuộc ra đi truyền giáo. Ngài có nhắc đến các Hội Giáo Hoàng truyền giáo trong đó có Hiệp Hội Thánh Nhi để cổ vũ việc truyền giáo giữa các thiếu nhi và Hội Thánh Phêrô Tông Đồ để nâng đỡ các chủng sinh và các linh mục tại các xứ truyền giáo. Đó là những hình thức cụ thể và thiết thực trong việc loan báo Tin Mừng vì nếu không có hậu phương vững chắc thì tiền tuyến cũng sẽ lung lay.

 


Một bài tham luận của một linh mục thuộc giáo tỉnh miền Bắc về Tân Phúc Âm hóa thật sự là bài chia sẻ thú vị và hữu ích khi ngài đã nói lên những thực trạng tại quê hương của các anh hùng tử đạo Việt Nam trong thời kỳ bắt đạo khủng khiếp nhưng nay đang dần mất đi sau thời kỳ loạn lạc, ly tán của người dân giữa hai miền Nam Bắc. Ngài cũng đưa ra vài đề nghị rất cụ thể với đường hướng mục vụ mới trong bối cảnh tương đối thuận tiện dù tình hình chính trị tại quê hương Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

Tôi cảm thấy đây chính là điều tôi mong mỏi từ những bài thuyết trình: cụ thể, thực tế, sâu sắc và có điểm nhấn rõ ràng. Chính bài chia sẻ này đã khiến tôi mấy ngày liền thao thức, và ngay trong giấc ngủ tôi cũng có một giấc mơ về truyền giáo trong bối cảnh ở Việt Nam vàng thau lẫn lộn. Tôi mơ là một ngày nào đó những người mang danh là Kitô hữu đừng sống hình thức nữa mà biết thực hành đạo, sống đạo giữa những người lâu nay nguội lạnh trong đời sống đạo hạnh, những người chưa biết Chúa qua lời ăn, tiếng nói, qua cách hành xử văn minh, qua việc thực thi công bình bác ái, và nhất là biết đem niềm vui và bình an đến cho người khác bằng những nụ cười, lòng vị tha và chia sẻ những gì mình có.

 



Những giáo dân tham dự cũng mang đến cho đại hội những trải nghiệm đời sống của người Kitô hữu qua những công việc tưởng chừng như rất tầm thường nhưng lại rất phi thường khi tự mình thu thập những tài liệu quí để in thành sách với nguồn kinh phí riêng để phân phát cho những nơi đang rất cần học hỏi và nghiên cứu. Cũng có những giáo dân đã lập nên những nhóm thiện nguyện với nguồn kinh phí từ những ngày công của mình để giúp đỡ những người nghèo hơn mình đến để lắng nghe và học hỏi Lời Chúa. Có những giáo dân người thiểu số đã từng “gùi Thánh Thể” đi khắp các buôn làng suốt bao nhiêu năm trời khi các linh mục không thể đến được do khó khăn từ phía chính quyền để mọi người có thể chiêm ngắm Thánh Thể và được rước Mình Máu Ngài. Những chứng từ thật sống động phù hợp với chủ đề: “Hãy là chứng nhân đích thực của Tin Mừng” (Cv 1,8).

Các diễn đàn, các buổi thảo luận nhóm theo giáo tỉnh, theo hội dòng cũng là dịp để các tham dự viên lắng nghe và đưa ra những ý kiến, những đường hướng cụ thể trong việc loan báo Tin Mừng chứ không chỉ đưa ra một mớ lý thuyết, những khẩu hiệu thật kêu rồi để đó từ năm này qua năm khác. Mỗi giáo phận, giáo tỉnh đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, có những đối tượng truyền giáo riêng nên cần những phương thức truyền giáo cụ thể chứ không chung chung được. Hầu hết các tham dự viên đều tham gia hết mình vì lòng nhiệt huyết truyền giáo và mong muốn sao sự truyền rao của mình mang lại nhiều hoa quả. Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của giáo hội và của mỗi thành viên trong giáo hội nên mỗi người cần có một sáng kiến riêng để đem lại nhiều ích lợi cho giáo hội.
Tôi còn nhớ trong chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô tại Hàn Quốc năm 2013, giáo hội Hàn quốc lúc đó chỉ có 11% Công giáo và họ đã đưa ra sáng kiến 2020 nghĩa là đến năm 2020 họ sẽ đạt được 20% người Công giáo tại Hàn quốc, và họ đã thực sự làm điều đó dù chưa đạt được như ý muốn. Ước mơ và hy vọng sẽ giúp chúng ta chắp cánh bay xa và ước mơ truyền giáo với Giáo hội Công giáo Việt Nam trong những năm tới ít ra cũng đạt được 10% người Công giáo trong tổng số 100 triệu dân Việt.


 



Ngày kết thúc đại hội trước khi lễ bế mạc, chúng tôi được thưởng thức một tiết mục đặc sản của miền Tây Nam Bộ khi các bạn trẻ diễn xuất việc loan báo Tin Mừng qua một tuồng ca kịch tân cổ giao duyên với những ca từ truyền giáo. Truyền giáo mà thiếu đi hội nhập, không chịu ‘cởi dép’ mình ra để đi ‘đôi dép’ vào nền văn hóa địa phương nơi mình được sai đến là một sự thất bại ngay cả khi các nhà truyền giáo ấy có thể dùng vũ lực hay tiền bạc để chinh phục họ. Các nhà truyền giáo ngày xưa khi đến Việt Nam, họ đã sẵn sàng từ bỏ tất cả để hòa mình vào văn hóa bản địa nên họ thành công và được yêu mến đến bây giờ. Nhà truyền giáo ngày nay cũng phải nối gót cha anh để sẵn sàng hội nhập khi am hiểu văn hóa và ngôn ngữ địa phương nơi mình được sai đến.

Hôm nay Giáo hội mừng lễ thánh Phanxicô Assisi, một vị thánh của hòa bình, một vị thánh của đại kết vì ngài đã có “sáng kiến truyền giáo” khi ngài có thể hòa mình với tất cả các tôn giáo, trong đó có Hồi giáo. Tại Đất Thánh, hầu như các thánh đường đều có sự hiện diện của anh em Phanxicô vì vị thánh tổ phụ luôn nhắn nhủ anh em mình hãy là khí cụ bình an khi biết đem yêu thương vào nơi oán thù, khi thứ tha là được tha thứ, khi cho đi là lúc mình lãnh nhận…

Nhà truyền giáo phải là người biết quên mình, luôn khiêm nhường, kiên nhẫn và tôn trọng đối tượng mình phục vụ. Bão lũ cuồng phong vẫn còn hoành hành trên thế giới và tại quê hương Việt Nam chúng ta. Chiến tranh, bất công, đau khổ bất vẫn còn đang diễn ra khắp nơi.

Xin thánh Phanxicô Assisi là vị thánh của hòa bình, vị thánh của hòa giải giúp cho các nhà lãnh đạo biết ngồi lại với nhau để đem lại sự bình an cho thế giới và giúp chúng con biết hoán cải chính mình, biết chìm sâu trong Đức Kitô để chúng con có thể đem Lời Chúa đến cho muôn dân bằng chính đời sống phục vụ không cần đền đáp của chúng con. Amen. 

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
Nha Trang, ngày 04/10/2022 – Lễ thánh Phanxicô Assisi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây