TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Trầm tư dưới chân Thánh giá

Thứ ba - 30/03/2021 04:53 |   1080
(Suy niệm bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh giá)

Trầm tư dưới chân Thánh giá

 
 
TRẦM TƯ DƯỚI CHÂN THÁNH GIÁ
(Suy niệm bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh giá)


Kinh nguyện chuẩn bị

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Cứu Thế, con quỳ trước Thánh giá hồng phúc của Chúa đây. Xin cho trí lòng con chăm chú nghĩ tới cuộc Khổ nạn. Xin Thánh giá Chúa dựng thẳng trước tâm hồn nghèo nàn của con, để giúp con hiểu hơn và ghi nhớ Chúa đã hoàn tất những gì, gánh chịu những gì và gánh chịu vì ai.

Xin ơn Chúa đến giúp con, xin cho lòng con bớt dửng dưng và đần độn; xin cho con quên đi, dù chỉ trong nửa giờ, sự tầm thường của những ngày sống, để đặt bên Chúa mối chân tình, lòng thống hối, niềm cảm tạ của con. Ôi Vua của mọi tâm hồn, xin ôm lấy quả tim yếu đuối, nghèo nàn, sầu khổ và nhọc mệt của con trong tình yêu bị đóng đinh của Chúa. Xin làm cho nó cảm thấy hướng về Chúa tự bên trong. Xin khơi dậy trong con những gì còn thiếu là lòng trung tín và niềm thương cảm, để suy ngắm cuộc Khổ nạn và cái Chết đáng tôn thờ của Chúa.

Con sẽ suy ngắm bảy lời của Chúa trên Thánh giá, bảy lời sau hết Chúa đã thốt lên trước khi cái chết bắt buộc Chúa – Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha - phải im lặng mãi mãi trên chốn dương gian này. Chúa đã thốt lên những lời phát xuất tự đáy con tim đó trong lúc tâm hồn lai láng đau khổ và đôi môi khát nước cằn khô. Chúa nói với hết mọi người, nói cho chính con nữa. Xin cho quả tim con đi sâu, đi thật sâu vào đó, để con thấu hiểu trọn vẹn. Đừng để những lời ấy xóa mờ trong quên lãng, nhưng sống mãi và hữu hiệu trong tâm hồn không sinh khí của con. Chúa hãy đích thân thốt lên những lời ấy cho con đi, để con nghe được âm thanh của Chúa.

Một ngày kia, vào lúc con chết và sau lúc con chết, Chúa lại sẽ nói với con, và những lời ấy sẽ là tiếng đầu mở màn hạnh phúc vĩnh cửu hay tiếng cuối khởi sự nỗi khổ không cùng. Lạy Chúa, ước mong giờ con chết, con được nghe miệng Chúa thốt ra những lời nhân thứ yêu thương; đừng để con lỡ dịp. Vậy giờ đây, xin cho lòng con ngoan ngoãn đón nghe những lời sau hết của Chúa trên Thánh giá.

 

LỜI THỨ NHẤT: “CHA ƠI, XIN THA CHO HỌ, VÌ HỌ KHÔNG BIẾT VIỆC HỌ LÀM” (Lc 23,34).

Chúa bị treo trên Thánh giá, nơi họ đã đóng đinh Chúa vào; Chúa chẳng còn cách nào thoát khỏi trụ đài dựng đứng giữa trời và đất như thế nữa. Vết thương thiêu đốt toàn thân, mão gai xâu xé da đầu, đôi mắt đầm đìa máu thắm, tay và chân bị xuyên thâu như bởi một thanh sắt nung đỏ, tâm hồn Chúa là cả một đại dương sầu khổ và thất vọng.

Những kẻ trách nhiệm còn đó, dưới chân Thánh giá; họ chưa chịu đi khuất để ít nhất bỏ Chúa chết một mình. Không, họ cứ đứng đó, cười đùa, tin chắc mình có lẽ phải. Cảnh tượng trước mắt không là một bằng chứng sờ sờ đó sao, không chứng minh rằng thái độ của họ đối với Chúa hoàn toàn phù hợp với công lý, khiến họ có quyền hãnh diện như là đã tôn vinh Thiên Chúa đó sao? Họ cười nói, đùa giỡn, xúc phạm; và ác tâm đó gây cho Chúa một nỗi thất vọng còn ghê gớm hơn mọi đau đớn trong thân mình. Làm sao có người lại đê tiện đến thế? Giữa Chúa và họ còn một chút liên hệ nào nữa không? Có ai lại đi làm khổ một người cho đến chết như vậy không? Làm khổ cho đến chết bằng sự dối trá, giả hình, điêu ngoa, bội phản, đê tiện, rồi còn mặc lấy cái vẻ của lẽ phải, tạo ra cái dáng của ngây thơ, khoác lên bộ diện của ông quan tòa liêm chính! Thiên Chúa lại để cho xảy ra cái đó trong vũ trụ của Người được sao? Tràng cười khinh mạn của các kẻ thù lại có thể vang lên cách mồn một và đắc thắng trong thế giới tạo vật của Thiên Chúa được sao? A! Lạy Chúa, nếu là chúng con thì sẽ giận dữ thất vọng đến mức nào! Nếu là chúng con thì sẽ nguyền rủa kẻ thù, nguyền rủa cả Thiên Chúa. Nếu là chúng con thì sẽ hét to lên, sẽ phát điên lên mà bứt tung bàn tay khỏi đinh thập giá để tống cho một quả vào mặt!

Thế nhưng Chúa lại nói: “Cha ơi, xin tha cho họ, họ không biết mà!” Thực hết hiểu nổi Chúa! Trong tâm hồn xâu xé, đớn đau tột độ của Chúa, còn có chỗ cho một lời như vậy ư? Thực hết hiểu nổi Chúa! Chúa yêu mến kẻ thù Chúa, gởi gắm họ cho Chúa Cha, cầu xin cho họ. A! Lạy Chúa, con xin lỗi nói phạm đến Chúa: Chúa còn bày đặt cho họ một lời chữa tội vô lý nhất, khó tin nhất: họ không biết việc họ làm! Họ biết hết đó chứ! Họ chỉ giả vờ không biết thôi; mà giả vờ không biết tức là càng biết rõ. Đây là uẩn khúc sâu kín nhất của tâm hồn! Nhưng người ta ghét uẩn khúc đó, chẳng muốn cho nó ra ngoài ánh sáng ý thức. Thế mà Chúa lại bảo họ không biết việc họ làm! Họ chỉ không biết một điều thôi, đó là tình yêu của Chúa đối với họ, một tình yêu chẳng ai có thể biết nếu không đích thân yêu mến Chúa, vì chỉ tình yêu mới giúp hiểu Ân huệ Tình yêu.

Chớ gì tình yêu không hiểu nổi của Chúa cũng thốt ra trên tội con lời tha thứ đó. Xin Chúa hãy nói với Chúa Cha cho con nữa: “Cha ơi, xin tha cho nó, nó không biết việc nó làm!”. Ồ, con biết chứ, con biết hết, con chỉ không biết tình yêu của Chúa thôi!

Xin cho con nhớ lại lời thứ nhất này của Chúa trên Thánh giá mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, con nói cách máy móc thuộc lòng lời thứ tha cho những ai xúc phạm. Ôi lạy Chúa, không biết đã có lần nào con thực sự bị xúc phạm mà có thể tha thứ từ trên thập giá của tình yêu hay không? Nhưng dù sao, con cần sức mạnh của Chúa để tha thứ, tha thứ tận đáy lòng, cho những ai mà tính kiêu căng và ích kỷ của con coi như những thù địch.

 

LỜI THỨ HAI: “TÔI BẢO THẬT ANH, HÔM NAY ANH SẼ ĐƯỢC Ở VỚI TÔI TRÊN THIÊN ĐÀNG” (Lc 23,43).

Chúa đang hấp hối, thế mà trong tâm hồn lai láng đau khổ của Chúa vẫn còn có chỗ cho nỗi khổ của tha nhân. Chúa sắp chết, thế mà Chúa vẫn băn khoăn về một tên tử tội vừa xưng thú là cuộc đời khốn nạn của hắn chỉ xứng với khổ hình ghê rợn hắn đang phải lãnh. Chúa trông thấy Mẹ yêu dấu, thế mà Chúa lại ngỏ lời trước với đứa con hư hỏng. Sự câm nín như bỏ rơi của Thiên Chúa làm nghẹn lời, thế mà Chúa lại nói đến Thiên đàng. Bóng tử thần lởn vởn trước mắt, thế mà Chúa vẫn nhận ra được ánh sáng vĩnh cửu. Khi hấp hối, chẳng phải con người chỉ còn biết nghĩ đến mình cô đơn và bị ruồng bỏ đó sao? Thế mà Chúa lại quan tâm đến những linh hồn sắp cùng Chúa bước qua ngưỡng cửa Vương quốc. Ôi tấm lòng từ ái! Ôi tấm lòng hào hiệp quảng đại! Một tên tử tội khốn khiếp tìm cách ép Chúa một tí mà Chúa lại hứa cho hắn trọn cả Thiên đàng. Phải chăng mọi sự đều đổi mới nhờ cái chết của Chúa? Phải chăng một đời bê tha tội lỗi được biến đổi ngay khi Chúa đến kề bên? Chúa thốt ra trên một đời người những lời khuynh đảo, và đó là lời tha lỗi, tha cả cuộc sống xấu xa đê tiện. Trước một biến đổi như thế, chả còn gì ngăn cản nó đi vào chốn thánh của Cha.

Tuy nhiên, Chúa nghĩ xem, cùng lắm là ta sẽ lưu tâm đến dấu thiện chí của tên vô lại ấy để giúp hắn tí cơ may thoát hiểm. Nhưng còn những thói hư, tật xấu, hung ác, dơ bẩn, đê tiện… chẳng lẽ chỉ cần một xúc cảm tốt và một tia sáng hối hận lờ mờ trên thập giá là đủ hủy diệt hết ư? Chẳng lẽ hạng người như thế lại được nước Thiên đàng mau lẹ như những tâm hồn sám hối, lâu năm thanh tẩy, như những thánh nhân dành cả cuộc đời thánh hóa xác hồn để xứng đáng với Thiên Chúa ba lần thánh ư? Thật không thể chấp nhận nổi! Thế nhưng Chúa, Chúa lại đưa ra phán quyết vô điều kiện, và hồng ân ấy đi sâu vào tâm can tên trộm, biến ngọn lửa hỏa ngục của cơn hấp hối thành ngọn lửa ngời sáng tình yêu thiên linh. Tất cả những gì là công trình của Chúa Cha còn sót lại nơi hắn thì tình yêu ấy đã rọi sáng tức khắc; tất cả những gì xấu xa ghê tởm, chống lại Thiên Chúa trong cuộc đời hắn thì tình yêu ấy đã mau chóng tiêu diệt; và tên trộm cùng Chúa tay trong tay bước vào nhà Cha.
Xin Chúa cũng ban cho con ơn không bao giờ ngã lòng, nhưng dám chờ đợi tất cả, và nói mạnh hơn, dám đòi hỏi tất cả nơi lòng tốt của Chúa. Ơn được can đảm thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin nhớ đến con khi Chúa vào trong Nước của Ngài”, dầu con là đứa tội lỗi tệ mạt.

Ôi lạy Chúa, chớ gì Thánh giá của Chúa cũng dựng thẳng bên chân giường chết của con. Chớ gì miệng Chúa cũng hứa với con: “Quả thật, Ta bảo con, hôm nay con sẽ ở với Ta trên Thiên đàng!”. Chớ gì lời ấy khiến con nên xứng đáng đi với Chúa và trong Chúa vào Nước của Cha, với xác hồn hoàn toàn được cái chết của Chúa thánh hóa và xá giải.

 

LỜI THỨ BA: “THƯA BÀ, ĐÂY LÀ CON BÀ –  HỠI CON, NÀY LÀ MẸ CON” (Ga 19,26).

Nay đã đến giờ Mẹ Chúa lại phải đứng kề bên Chúa lần nữa… để chứng kiến Chúa hấp hối. Người mà Chúa đã phán với tại Ca-na: “Thưa bà, giữa tôi với bà nào có việc gì. Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4), người ấy nay không còn nài xin phép lạ nữa, nhưng vẫn phải có mặt. Đây là giờ liên kết Con với Mẹ nhưng cũng là giờ chia ly, giờ của cái chết, giờ rứt khỏi tay từ mẫu, khỏi tay sương phụ đứa con trai độc nhất của mình.

Chúa đăm đăm nhìn Mẹ lần cuối. Chúa đã không trừ cho bà mẹ đó một điều gì cả. Chúa đã chẳng muốn là nguồn vui cho cuộc sống Người, trái lại chỉ là cớ đắng cay và sầu khổ. Tuy nhiên, đấy bao giờ cũng là ân sủng, vì đấy bao giờ cũng là tình yêu của Chúa. Và sở dĩ Chúa yêu Mẹ, ấy là bởi Mẹ đã nâng đỡ, phục vụ Chúa trong nỗi vui mừng cũng như trong sự đắng cay; vì chính như thế mà Người đã trở nên Mẹ Chúa trọn vẹn. Ai là mẹ, là anh em, là chị em của Chúa, nếu chẳng phải là kẻ thực hiện thánh ý Cha trên trời? Mặc dù đớn đau như cắt, tình yêu của Chúa cũng rung lên nét âu yếm mà trên thế gian này, vẫn thường nối kết đứa con với bà mẹ. Cái chết của Chúa còn thánh hiến, thánh hóa những giá trị cao quý và dịu dàng đó nữa, những giá trị khiến rung cảm tâm hồn và làm đẹp trần gian. Không, cái đó không thể chết trong con tim Chúa, dù con tim ấy bị tử thần nghiến nát ra trăm mảnh; Chúa muốn cứu nó để đưa lên trời. Và bởi lúc ấy Chúa cũng đã yêu mến trái đất, nên rồi đây sẽ có một đất trời mới; vì khi chết để ban cho chúng con ơn rỗi vĩnh cửu, Chúa đã cảm xúc trước những giọt nước mắt của một bà mẹ, đã băn khoăn về phận số của một sương phụ còn ở lại dương gian, đến nỗi đã ban cho bà mẹ ấy một đứa con và ban cho đứa con ấy một bà mẹ.

Nhưng dưới chân Thánh giá, Mẹ không chỉ cảm thấy nỗi đớn đau của một bà mẹ có con bị người ta làm khổ. Mẹ đứng đó nhân danh chúng con, như bà mẹ của mọi kẻ sống, hiến tế Quý Tử cho chúng con. Nhân danh chúng con, Mẹ đã thốt lên lời xin vâng trước cái chết của Chúa. Dưới chân Thánh giá, Mẹ là Giáo hội, là dòng dõi E-va, đang tham gia vào trận chiến bao la giữa con rắn và Con của người nữ. Nên khi ban bà mẹ ấy cho môn đệ dấu yêu, là Chúa ban Mẹ Chúa cho chúng con tất cả. Vì Chúa cũng muốn nói với con: “Con ơi, đây là Mẹ của con!”

Ôi lời đem lại cho chúng con một ân huệ vĩnh cửu! Lạy Chúa Giê-su, dưới chân Thánh giá, kẻ xứng danh môn đệ dấu yêu của Chúa là kẻ từ lúc ấy đem Mẹ Chúa về nhà mình, người mẹ mà đôi tay trinh trong hiền mẫu từ nay sẽ phát ban mọi ân huệ do cái chết của Chúa trào tuôn. Xin cho con ơn biết yêu mến và kính tôn Mẹ Chúa. Xin cũng nhìn con hèn yếu mà nói với Mẹ: “Mẹ ơi, con của Mẹ đây này!”.

Vì một tấm lòng trung trinh và thanh khiết như Mẹ Chúa hẳn sẽ nhân danh vũ trụ mà chấp thuận đám cưới giữa Chiên Con với Hiền thê Hội thánh, với nhân loại đã được máu Chúa cứu chuộc và thanh tẩy. Sở dĩ con nghe Chúa phó mình cho trái tim từ mẫu của Mẹ, là vì Chúa đã không chết vô ích cho con; con sẽ có mặt vào lúc mở đầu tiệc cưới vĩnh cửu của Chúa, khi toàn thể nhân loại được biến đổi mãi mãi và kết hiệp với Chúa không cùng.

 

LỜI THỨ TƯ: “LẠY THIÊN CHÚA CON, LẠY THIÊN CHÚA CON, NHÂN SAO NGÀI BỎ CON?” (Mt 27,46).

Cái chết đang lại gần, không phải là cái chết thể lý vốn đem đến giải thoát và bình an, nhưng là cái chết tượng trưng vực thẳm, tận diệt, tuyệt vọng. Cái chết đang lại gần, cái chết nói lên sự bất lực khủng khiếp, cô đơn nặng nề, tước bỏ trọn vẹn, lúc mà tất cả sụp đổ, chạy trốn, chỉ còn sót lại một  sự ruồng bỏ chua xót, đau thương. Và trong đêm tối của tinh thần, của giác quan ấy, trong sự trống rỗng con tim ấy, linh hồn Chúa vẫn kiên trì cầu nguyện; nỗi cô độc gớm ghê của con tim ngập tràn đau khổ ấy đã trở nên nơi Chúa một tiếng kêu van lạ lùng. Ôi lời cầu nguyện của đau khổ, lời cầu nguyện của cảnh bị bỏ rơi, lời cầu nguyện của bất lực vô bờ bến, ngươi quả đáng ca tụng. Lạy Chúa Giê-su, nếu Chúa đã biết cầu xin trong một nỗi khốn cùng như vậy, thì còn hoàn cảnh bi đát nào mà con người không thể kêu lên với Chúa Cha? Còn nỗi thất vọng nào mà không thể trở nên lời cầu nguyện khi tìm đến ẩn thân trong cảnh bị bỏ rơi của Chúa? Còn sự câm nín lớn lao nào mà lại quyết tâm không muốn biết rằng một tiếng kêu im lặng như thế vẫn có thể đạt được niềm vui thiên quốc?

Để nói lên nỗi khốn cùng của Chúa, để biến cảnh cô đơn hoàn toàn của Chúa nên một lời kinh, Chúa đã xướng lên câu đầu tiên của một Thánh vịnh (Tv 22). Quả vậy, những lời Chúa nói: “Lạy Thiên Chúa con, lạy Thiên Chúa con, nhân sao Ngài bỏ con?” là câu đầu tiên của khúc ai ca cổ xưa ấy, khúc ai ca mà chính Thánh Thần Chúa đã đặt trên môi, trên lòng vị hiền nhân Cựu Ước, như một tiếng kêu cứu tuyệt vọng. Thành ra ngay cả Chúa, con dám nói thế, trên đỉnh cao sầu khổ, đã không muốn một lời cầu nguyện nào khác ngoài lời cầu nguyện muôn người trước Chúa đã thốt trên môi; và có thể nói là khi cử hành cuộc hy tế trang nghiêm mà mình là hy lễ, Chúa đã dùng những công thức sẵn mang tính cách phụng vụ, để qua đó nói lên trọn vẹn nỗi lòng.

Xin cho con biết cầu nguyện với lời của Giáo hội Chúa, để những lời đó trở nên cách diễn tả của lòng con.

 

LỜI THỨ NĂM: “TÔI KHÁT” (Ga 19,28).

Về lời ấy, Gioan thánh sử chú thích như sau: “Bấy giờ Đức Giê-su biết mọi sự đã hoàn tất, thì Người kêu to: “Tôi khát” để Thánh kinh nên trọn”.

Chúa lại xác minh một lời Thánh kinh nữa, một lời Thánh vịnh được Thánh Thần linh ứng từ lâu trước cuộc Khổ nạn Chúa. Quả thế, trong Tv 22 câu 16, đã có nói đến Chúa thế này: “Cổ họng con khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau”. Và trong Tv 69 câu 22: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng. Con khát nước, lại cho uống dấm chua”.

Ôi người nô lệ của Chúa Cha, đã vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá đau khổ. Bên kia những gì xảy ra cho Chúa, Chúa thấy cái mình phải tìm cách đạt được; bên kia những hành vi của Chúa, Chúa thấy cái mình phải hoàn thành; bên kia những chướng ngại tràn lan, Chúa thấy rõ ràng bổn phận. Ngay trong cơn hấp hối, giữa lúc nửa tỉnh nửa mê, Chúa vẫn lo sao để mọi chi tiết đời mình đều phù hợp với hình ảnh vĩnh cửu mà tâm trí Cha đã cưu mang.

Nên thực chẳng phải vì nghĩ đến cơn khát không tên đang dày vò tấm thân đẫm máu của Chúa, tấm thân phủ đầy vết thương và trần phơi dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời chính ngọ, nhưng vì vâng phục đến cùng thánh ý Cha mà Chúa như muốn nói với một sự khiêm tốn thẳm sâu lạ lùng: “Vâng, điều thánh ý Cha đã tiên báo về tôi qua miệng các ngôn sứ, chính điều đó đang thực hiện. Vâng, tôi khát!” Ôi tâm hồn cao quý, vương giả, coi việc chịu khổ hình ghê gớm nơi thân xác chỉ là vấn đề tuân phục lệnh trên! Mà Chúa đã hiểu tất cả sự ghê tởm của cuộc Khổ nạn như thế: như một sứ mạng phải chu toàn chứ không là một đòn mù quáng của định mệnh, như thánh ý Chúa Cha chứ không phải tâm can độc dữ của con người, như tình yêu cứu chuộc chứ không là âm mưu của kẻ tội lỗi. Chúa đã gục xuống để chúng con được cứu thoát, Chúa đã chết để chúng con được sống, Chúa đã khát để chúng con được uống nơi nguồn nước mà Chúa mới mạc khải hôm nào đây, trong lễ Lều Trại: “Ai khát hãy đến với Ta, và hãy uống kẻ tin vào Ta; vì như lời Thánh kinh, tự lòng Người có những sông nước sống tuôn chảy” (Ga 7,37-38).

Chúa đã khát vì con, Chúa đã khát tình con, ơn cứu rỗi con; nên như nai khát nước nguồn, Chúa ơi, hồn con cũng khát Chúa!

 

LỜI THỨ SÁU: “MỌI SỰ ĐÃ HOÀN TẤT” (Ga 19,30)

Thực ra, Chúa đã nói: “Chấm dứt rồi!”. Vâng, lạy Chúa, giây phút chấm dứt của Chúa đã đến rồi: chấm dứt cuộc đời, chấm dứt danh dự, chấm dứt hy vọng nhân loại, chấm dứt chiến đấu và những công trình đã thực hiện lâu nay. Tất cả thực đã chấm dứt; tất cả đều trống rỗng và cuộc sống Chúa sắp tan biến. Bất lực! Tuyệt vọng!... Nhưng chính sự chấm dứt này lại hoàn thành đời Chúa, vì chấm dứt trong tình yêu và trung tín là một kết thúc rực rỡ. Thất bại của Chúa là một chiến thắng oai hùng.

Ôi lạy Chúa, chừng nào con mới hiểu được quy luật này của đời Chúa, mà cũng là quy luật của đời con: chết là sống, từ bỏ là chiếm lại, khó nghèo là sung túc, khổ đau là ân sủng? Khi nao con mới hiểu: chấm dứt có nghĩa là được hoàn thành?

Vâng, Chúa đã hoàn thành: hoàn thành sứ mạng Cha trao, nốc cạn một hơi chén đắng, gánh trọn cái chết kinh khủng, xong xuôi việc cứu rỗi đời. Chúa đã chiến thắng tử thần, đập tan tội lỗi, chinh phục ma vương, mở cửa sự sống, cho con cái Thiên Chúa được hoàn lại tự do! Cơn lốc Thánh Thần từ nay có thể mạnh thổi. Và thế giới âm u dần cháy lên với ngọn lửa tình yêu Chúa, vũ trụ sầu khổ phực thiêu trong hỏa lò thần tính Chúa, địa cầu chìm trong biển lửa hạnh phúc của sự sống Chúa! Mọi sự đã hoàn tất!

Chúa là Đấng hoàn thành vũ trụ, xin cho con nên hoàn thiện trong tinh thần của Chúa, lạy Ngôi Lời của Cha, Đấng đã hoàn tất hết thảy trong thể xác và trong cái chết đớn đau của mình.

Ước gì một ngày kia, lúc hoàng hôn cuộc sống, con cũng có thể nói: “Mọi sự đã hoàn tất. Con đã chu toàn sứ mạng Chúa giao cho con”. Ước gì con cũng có thể lặp lại theo Chúa lời kinh tế hiến, khi tử thần lảng vảng quanh con: “Cha ơi, giờ đã đến… Con đã tôn vinh Cha trên trần gian, khi hoàn tất công việc Cha giao con thực hiện. Thì giờ đây, xin hãy tôn vinh con bên Cha” (Ga 17,1-5).

Ôi Giê-su, dù sứ mạng Chúa Cha trao cho con là lớn hay nhỏ, quan trọng hay tầm thường, êm ái hay cay đắng, thì xin vẫn ban cho con ơn hoàn thành theo gương Chúa, Đấng đã hoàn thành hết thảy, ngay cả cuộc đời con, để con sống đời con cho tốt đẹp.

 

LỜI THỨ BẢY: “CHA ƠI, CON TRAO LẠI HỒN CON TRONG TAY CHA” (Lc 23,46)

Ôi Chúa Giê-su, kẻ bị bỏ rơi nhất trong loài người, ôi trái tim tan nát vì đau đớn, Chúa đã kiệt lực. Đây là lúc cùng tận, lúc mà hết thảy đều bị tước bỏ, ngay cả linh hồn, ngay cả tự do chọn lựa giữa ưng thuận hay từ chối, lúc mà ta không còn thuộc về ta. Bóng thần chết đã lấp ló đứng chờ. Nhưng ai tước bỏ như thế? Cái gì tước bỏ như thế? Hư vô ư? Định mệnh mù quáng ư? Thiên nhiên tàn nhẫn ư? Không! Chính là Chúa Cha, chính là vị Thiên Chúa khôn ngoan và lân mẫn. Do đó, Chúa đã phó mình. Hoàn toàn tin tưởng, Chúa trao mình lại trong đôi tay vô hình hiền dịu của Chúa Cha, đôi tay mà chúng con, vì không tin, vì quá bám víu lấy mình, tưởng là thòng lọng gớm ghê của định mệnh mù quáng và của thần chết. Chúa biết đấy là tay Chúa Cha, và đôi mắt Chúa, tối mờ vì thần chết, vẫn còn nhận ra Chúa Cha, vẫn còn đặt trong ánh mắt an bình đầy tình hiền phụ của Chúa Cha, và miệng Chúa thốt lên lời cuối cùng đời Chúa: “Cha ơi, con trao lại hồn con trong tay Cha”.

Chúa trao tất cả vào tay Đấng đã ban cho mình tất cả. Chúa đặt hết vào tay Chúa Cha, không đòi bảo chứng, không chút giới hạn. A! Nhiều lắm, nhưng cũng nặng trĩu và cay đắng biết bao! Cái làm nên gánh nặng đời Chúa: loài người, thô bạo, sứ mạng, thập giá, thất bại, cái chết, Chúa đã phải gánh lấy một mình. Nhưng bây giờ, chẳng còn gì phải gánh nữa, và Chúa có thể trao lại tất cả và chính mình trong tay Chúa Cha. Tất cả! Tay Chúa Cha mang rất tốt, rất dịu dàng. Đôi tay của người mẹ! Đôi tay đó úp lên hồn Chúa, như người ta ấp ủ một cánh chim non trong lòng bàn tay với cả ý tứ mến thương. Bây giờ chẳng còn gì nặng nữa. Tất cả đều nhẹ, đều là ánh sáng, ân sủng, an toàn dưới bóng con tim Chúa Cha. Nơi đây người ta có thể khóc hết nước mắt và được Chúa Cha lau khô bằng cái hôn hiền phụ.

Ôi Chúa Giê-su, một ngày kia Chúa cũng trao linh hồn hèn hạ và thân xác khốn khổ của con vào trong tay Chúa Cha chứ? Lúc ấy, xin Chúa hãy đặt khối nặng đời con, khối nặng tội lỗi con đừng trên đĩa cân công lý nhưng trong tay Chúa Cha. Chạy trốn đâu, ẩn khuất đâu ngoài bên Chúa, Đấng đã cay đắng chịu mọi khổ hình vì tội con. Hôm nay, con đến với Chúa, quỳ trước Thánh giá Chúa, hôn đôi chân đã chảy máu vì im lặng bước theo con trên quãng đường quanh quéo của đời con. Con ôm lấy Thánh giá Chúa, ôi Bạn Tình vĩnh cửu, Lòng của muôn lòng, Trái Tim bị đâm thủng, Trái Tim hết sức kiên nhẫn, Trái Tim vô cùng quảng đại. Xin thương xót con. Xin đem con vào tình yêu Chúa. Và khi cuộc đời lữ thứ của con sắp chấm dứt, khi ngày đã gần tàn, khi bóng tử thần vây bọc lấy con, thì xin Chúa cũng thốt lên lời sau hết của Chúa: “Cha ơi, con trao lại hồn con trong tay Cha”, ôi Chúa Giê-su từ ái! A-men.

* Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi dịch từ: Spiritualité pascale, phần Documents et Prières. Paris, DDB, 1957. Trang 275-278.

 
Tác giả: Linh mục Karl Rahner SJ
Dịch giả: Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi

WHĐ (09.03.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây