TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CHTT: Bài 35 - Lời nguyện dâng tiến

Thứ tư - 12/06/2024 01:49 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS |   384
Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

CỬ HÀNH THÁNH THỂ: BÀI 35 - LỜI NGUYỆN DÂNG TIẾN

Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

vn120624a


BÀI 35: LỜI NGUYỆN DÂNG TIẾN

INGHI THỨC  

Sau phần tung hô tưởng niệm với câu xướng “Đây là mầu nhiệm đức tin” của chủ tế và lời đáp của cộng đoàn, chủ tế dang tay đọc lời nguyện dâng tiến, chẳng hạn: Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa, … được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần” (Kinh nguyện Thánh Thể II).

II/ LỊCH SỬ - Ý NGHĨA

Ngay từ thời kỳ sớm sủa nhất của Hội Thánh, các tín hữu đã biết rút tỉa được những hàm ý mà Chúa Giêsu đã muốn trong lệnh truyền của Ngài: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19; 1Cr 11,26) bằng một xác định riêng biệt được gọi là anamnesis. Tưởng nhớ ở đây là vì mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô trong lời truyền phép. Khẳng định này/mệnh lệnh này được liên kết với phần Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể trước đó cũng như nối kết và dẫn đến khẳng định về việc dâng tiến như một thực tại duy nhất được hoàn thành trong sự dâng tiến: “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lạichúng con dâng lên Chúa…”.[1]

Đặc tính của các Kinh nguyện Thánh Thể đều gồm chứa và trình bày việc dâng tiến hy lễ. Thông thường, dâng tiến được nối kết với tưởng niệm, cho nên, sau kinh Tưởng niệm là Lời nguyện dâng tiến. Đồng thời, Lời nguyện dâng tiến cũng tuyên bố Hội Thánh đang dâng tiến “bánh và chén” hay một điều tương tự lên Thiên Chúa.[2]

Trong Lễ quy Rôma, dâng tiến và chấp nhận lễ vật là chủ đề xuyên suốt nhưng lại lặp đi lặp lại không hệ thống. Chẳng hạn, trước phần Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể, đã có rất nhiều lời van xin Thiên Chúa chấp thuận, chúc lành, và chứng nhận việc dâng tiến và hy lễ; có những lời kêu xin Thiên Chúa chấp nhận bánh ban sự sống và chén từ nhiều lễ phẩm Ngài ban cho. Trong phần Tưởng niệm, chúng ta lại thấy tiếp tục những lời van xin Thiên Chúa chấp nhận hy lễ của 3 gương mặt quan trọng: (1) một là Abel, người công chính, đã dâng những gì tốt đẹp nhất lên cho Chúa (x. St 4,4); (2) hai là Abraham, tổ phụ của những kẻ tin, đã sẵn sàng hiến dâng điều quý giá nhất của mình cho Thiên Chúa là Isaac - đứa con độc nhất của ông vào lúc tuổi già (x. St 22); (3) ba là Melkisede, vị tư tế đã hiến dâng bánh và rượu cho Thiên Chúa và chúc lành cho Abraham (x. St 14,17-24). Rồi lại có một lời khấn xin sau đó ước mong cho hy lễ được dâng trên bàn thờ trên trời.[3] 

Trong các Kinh nguyện Thánh Thể mới, Hội Thánh hạn chế sử dụng hạn từ hiến lễ một mình, chỉ dùng khi kết nối với tưởng niệm, trong đó, nói đến sự dâng tiến cách rõ rệt với ý thức rằng chúng ta đang tiến hành công trình của Chúa Kitô và chúng ta bước vào trong hy tế cùng kinh nguyện của Người:[4] đó là dâng tiến “bánh trường sinh và chén cứu độ” (Kinh nguyện Thánh Thể II); là dâng lên Chúa “hy lễ hằng sống và thánh thiện” (Kinh nguyện Thánh Thể III); là dâng lên “Mình và Máu” Đức Kitô (Kinh nguyện Thánh Thể IV). Cho dù ba gương mặt (Abel, Abraham, và Melkisede) cùng với lễ vật của họ được Thiên Chúa chấp nhận, nhưng những lễ vật ngày xưa ấy chỉ là vật chất, không thể so sánh với lễ vật “thanh khiết, tinh tuyền, thánh thiện” của chính Chúa Kitô, chóp đỉnh của mọi hiến tế (x. Hr 10,4-10).[5]

Tuy nhiên, vẫn có một mối hiệp nhất mật thiết giữa hy lễ độc nhất của Đức Kitô với hy lễ tưởng niệm của Hội Thánh được liên kết với Đức Kitô đúng như Kinh nguyện Thánh Thể III diễn tả: chúng ta không chỉ dâng lên Chúa Cha hy lễ hằng sống và thánh thiện của Chúa Kitô mà còn dâng lên cả hiến lễ của Hội Thánh nữa. Cả 2 thực sự chỉ là một vì trong mỗi Thánh lễ, Hội Thánh tham dự vào hành vi tự hiến của Chúa Kitô khi Người đổ máu trên thánh giá mà dâng hiến chính mình cho Chúa Cha (x. Ep 5,2; Gl 2,20; Dt 9,14) và dâng chỉ một lần trong một thời gian và không gian nhất định (x. Hr 7,27).[6] Thánh lễ là hy lễ của Chúa Kitô và Thánh lễ là hy lễ của Hôi Thánh vì Hội Thánh lấy lễ Hy tế Vượt qua mới làm hy tế của mình. Hội Thánh tiếp nhận hy tế của Chúa Kitô và dâng hiến cùng với Người. Hội Thánh đặt tay mình trong tay của Chúa Kitô và hiến dâng hy tế của giao ước mới và vĩnh cửu cùng với Người.[7] Của lễ là chính mình Người dâng lên Chúa Cha vẫn tiếp tục hiện diện trên các bàn thờ của chúng ta, vì ở ngay bên hữu Chúa Cha, Đức Giêsu Phục sinh vẫn hằng liên lỉ dâng hiến chính mình cho nhân loại, hành động tự hiến của Ngài đã đi vào vĩnh cửu và không bị giới hạn bởi thời gian và không gian (x. Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 47).[8]

Bàn về việc dâng tiến (offerimus) trong Kinh nguyện Thánh Thể, tác giả Roguet cho biết như sau:

Trong kinh Tưởng niệm, cái cốt yếu làm cột trụ cho tất cả là việc dâng tiến. Việc này được bao hàm trong nghi thức truyền phép. Nhìn qua, ta thấy dường như nghi thức truyền phép chỉ là tường thuật lại một biến cố đã xảy ra. Nhưng với con mắt đức tin, ta nhận ra đó là việc làm cho Mình và Máu Chúa Kitô hiện diện trong bánh và rượu. Tuy nhiên, còn có gì hơn thế nữa; việc truyền phép còn làm nên một hiến tế. Và hiến tế bao gồm việc dâng tiến và sát tế. Trong Bữa tối sau hết cũng như trên thập giá, Chúa Kitô đã dâng chính mình Người (x. Ep 5,2; Gl 2,20; Dt 9,14) cho Chúa Cha và cho chúng ta. Vì Người bảo ta phải làm điều Người đã làm, nên đến lượt ta cũng phải dâng Người lên. Trong Bữa tối và trên thập giá, Người dâng chính mình Người và chỉ một mình Người thôi. Nhưng từ khi loài người đã được cứu chuộc nhờ Thập giá, và qua bí tích Rửa tội, đã trở nên thân thể Người, thì trong Thánh lễ, không những có Chúa Giêsu dâng chính mình Người cho Chúa cha, mà còn có Hội Thánh cùng dâng với Người, Hội Thánh không thể làm điều Chúa đã làm để tưởng niệm Người mà lại không dâng chính Người.[9]

Tuy nhiên, Hội Thánh mà cụ thể là các tín hữu thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô không chỉ tham dự vào tình yêu tự hiến của Con Thiên Chúa trên thập giá, không chỉ dâng hiến Đức Kitô mà còn dâng toàn thể Hội Thánh và cộng đoàn đang hiện diện lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, với ước muốn có thể học biết để dâng hiến chính mình cùng với Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Cha và với nhau (QCSL 79f). Về điểm này Kinh nguyện Thánh Thể II chưa rõ lắm, nhưng các kinh nguyện khác phản ánh tương đối tỏ tường: Chúng con dâng lên Chúa hy lễ hằng sống và thánh thiện này để tạ ơn Chúa. … Nguyện xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng con trở nên của lễ muôn đời dâng tiến Chúa (Kinh nguyện Thánh Thể III); Chúng con dâng lên Chúa hy lễ giao hòa hoàn hảo của Người, mà Chúa đã ban cho chúng con. Lạy Cha chí thánh, chúng con khẩn khoản nài xin Cha thương đón nhận cả chúng con nữa cùng với Con Cha (Kinh nguyện Thánh Thể Hoà Giải II); Vì thế, giờ đây chúng con cung kính cử hành những gì Chúa Giêsu Kitô đã truyền dạy chúng con. Chúng con dâng lên Cha bánh trường sinh và chén cứu độ mà loan báo cái chết và sự sống lại của chính Người. Người ưu ái dẫn đưa chúng con đến cùng Cha, nên chúng con nài xin Cha đón nhận chúng con cùng với Người (Kinh nguyện Thánh Thể cho Thánh lễ Trẻ em - mẫu thứ I); Người đã tự phó mình trong tay chúng con để nên lễ vật giao hòa và bình an, nên hy lễ của chúng con, nhờ đó chúng con được lôi cuốn đến cùng Cha (Kinh nguyện Thánh Thể cho Thánh lễ Trẻ em - mẫu thứ II).

Việc dâng hiến chính mình được hoàn tất khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, bởi lẽ Hội Thánh có ý cho các tín hữu không những dâng của lễ tinh tuyền, mà còn học cho biết dâng chính mình, và, nhờ Ðức Kitô làm môi giới, mỗi ngày một hiệp nhất hơn với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người” (QCSL số 79f)Đây là lý do chúng ta cầu nguyện trong phần thứ II của Epiclesis: Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần” (Kinh nguyện Thánh Thể II); Chúng con nài xin Chúa đoái nhìn hiến lễ Hội Thánh dâng lên Chúa, và khi Chúa nhận đây chính là của lễ mà Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa, xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa, thì trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh nguyện Thánh Thể III).

III/ MỤC VỤ

1) Vì còn đang ở trong Kinh nguyện Thánh Thể, chủ tế nên đọc lời nguyện dâng tiến một cách khoan thai và trang nghiêm.[10]

2) Đại danh từ “chúng con” trong lời đọc của tư tế [Chúng con dâng lên Chúa] được hiểu là toàn thể Hội Thánh, cách đặc biệt là cộng đoàn đang hiện diện nơi đây mà dâng lên Chúa Cha hy tế cứu độ. Vì vậy, thái độ của mỗi tín hữu là biểu lộ “tinh thần đạo đức sâu xa và lòng bác ái đối với anh em cùng chung tham dự một cử hành” (x. QCSL 95). Thái độ này được thể hiện qua sự chú ý lắng nghe lời cầu nguyện của chủ tế và ý thức sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô. Lòng bác ái trong đời cộng đoàn và trong đời sống người Kitô, được linh mục nêu lên trong lời kinh Khẩn nài Chúa Thánh Thần lần II (x. NTTL 113 & 122).[11]

 

[1] Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 28, 135, 211; Enrico Mazza, The Eucharistic Prayers of the Roman Rite (trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press/A Pueblo Book, 1986/2004), 177.

[2] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC:  FDLC, NE, 2003),  91, Mazza, The Eucharistic Prayers of the Roman Rite, 177.

[3] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 196; Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 91.

[4] Joseph A. Jungmann, SJ, The Eucharistic Prayer and the Meaning of Sunday, 2nd edition, trans. Robert L. Batley (Hammond: North State Press/Fides Publishers, 1965), 35.

[5] Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 401-02.

[6] Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass (West Chester: Ascension Press, 2011), 117.

[7] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Eucharistic Prayer and the Meaning of Sunday, 31-33.

[8] X. Phạm Đình Ái, Cử hành Hy lễ Tạ ơn (Cà Mau: Nxb. Phương Đông, 2014)313.

[9] A.M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 35

[10] Lê Ngọc Ngà, “Nghệ thuật Cử hành Thánh lễ,” truy cập 19/11/2024, https://gpcantho.com/nghe-thuat-cu-hanh-thanh-le/Phụng Vụ.

[11] Ibid.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây