Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 13/11/2023 07:26 |
636
Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Ðức Giê-su Ki-tô, trong đó, công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khắc ghi và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người (PV 7).
TỰ ÐIỂN PHỤNG VỤ : A
A-men
(= Amen)
Lời tung hô của người Do Thái nói lên sự ưng thuận. Bắt nguồn từ động từ âman, diễn tả tính chất của những gì có cơ sở vững chắc, những gì bền bỉ. Theo nghĩa ẩn dụ, động từ này vừa ám chỉ phẩm chất của một người trung tín, vừa nói lên hành vi qua đó người ta tín thác nơi một người khác.
Tiếng A-men đôi khi được lặp lại để kết thúc bốn trong năm tập thánh vịnh (Tv 40,14; 71,19; 88,53; 105,48).
Thưa Amen có nghĩa là bằng lòng với điều vừa mới nói hay vừa được thực hiện. Tiếng Amen biểu lộ hành vi đồng lòng của dân đối với Công Trình Thiên Chúa như được các thừa tác viên thể hiện. Tiếng A-men cũng là hành vi tán đồng của cộng đoàn đối với những lời nguyện do vị chủ tế dâng lên nhân danh cộng đoàn. Lời A-men long trọng nhất chính là lời A-men ở cuối kinh Tạ Ơn, khi các tín hữu tung hô A-men bày tỏ sự tán đồng với Hiến Tế Thánh Thể, được kết thúc bằng Vinh Tụng Ca "Chính nhờ Ðức Kitô..." (Per Ipsum). Sự tán đồng này cũng chính là sự ưng thuận của dân Ít-ra-en đối với Giao Ước trong Phụng Vụ Xi-nai (xc. Xh 24,7).
Cũng cần đặc biệt nhấn mạnh đến lời thưa A-men của tín hữu khi hiệp lễ, được coi như một sự tin tưởng trọn vẹn vào lời Mình Thánh Chúa Kitô được linh mục hay thừa tác viên có thẩm quyền công bố.
A-na-pho-ra
(= Anaphore)
Từ ana trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là trên cao, và phora nghĩa là đem theo. Như thế, a-na-pho-ra là một hành động biểu thị cử chỉ hiến tế. Cũng vậy, trong tiếng Híp-ri, hiến lễ là lễ vật dâng lên Thiên Chúa (Ơlâh: hy lễ toàn thiêu, bởi động từ âlah: đưa lên). Ðiểm cốt yếu của hy lễ là việc tiến dâng lễ vật lên giới thần linh, là thế giới thánh thiêng, viên mãn.
Trong phụng vụ Ðông Phương, kinh a-na-pho-ra biểu thị phần trung tâm của thánh lễ, tương đương với phần kinh Tạ Ơn của phụng vụ La Tinh, không chỉ do cấu trúc của kinh Tạ Ơn, nhưng còn do chính bản văn. Nói khác đi, kinh A-na-pho-ra chính là phần hiến tế đúng nghĩa nhất trong thánh lễ.
Các kinh a-na-pho-ra nổi tiếng nhất là kinh trong phụng vụ do thánh Gioan Kim Khẩu và thánh Ba-xi-li-ô soạn. Nhưng cũng phải kể đến các kinh của Addai và Mari, Der Balizeh, Sérapion, thánh Mác-cô và thánh Gia-cô-bê...
Á Phụng Vụ
(= Paraliturgie)
Á phụng vụ là tất cả những hành vi đạo đức mang tính cộng đoàn, không thuộc về phụng vụ theo nghĩa chặt (việc cử hành thánh lễ, các bí tích, các phụ tích hay các Giờ kinh Phụng vụ) chẳng hạn như Chầu Thánh Thể (xc. Chầu Thánh Thể), việc chuẩn bị sám hối mà không cử hành bí tích Sám hối, Chặng đàng Thánh giá và lần chuỗi Mân Côi cộng đoàn và tất cả những hình thức đạo đức tập thể khác như tháng kính Ðức Mẹ, các Kinh Cầu...
Cần ghi nhận rằng việc phát triển một số hình thức đạo đức bình dân có thể làm sai lạc tinh thần Kitô giáo đích thực, là tinh thần cần được nuôi dưỡng bằng phụng vụ đúng nghĩa hơn là những việc sùng kính ít nhiều có tính cách chủ quan, gắn liền với những tình cảm mau qua. Khi phê chuẩn những việc đạo đức hoặc việc thánh thiện ấy, Công đồng Va-ti-ca-nô II thêm: "Phải chiếu theo các mùa phụng vụ mà xếp đặt các việc ấy cho hòa hợp với phụng vụ, để có thể được coi là phát xuất từ phụng vụ và để tiến dẫn Dân Chúa đến với phụng vụ, vì tự bản chất, phụng vụ vượt xa các việc ấy" (PV số 13).
Am-Rô-Xi-Ô (Nghi thức)
(= Ambrosien)
(Xc. Phụng vụ)
An-Pha
(= Alpha)
Chữ hoa đầu tiên trong mẫu tự Hy-Lạp. Vào lúc bắt đầu nghi thức Phục Sinh, trọng tâm của năm phụng vụ, vị linh mục vừa vẽ chữ An-pha phía trên đầu cây thánh giá và chữ Ô-mê-ga (chữ cuối của bảng mẫu tự) phía dưới thánh giá, vừa đọc:
"Chúa Kitô, hôm qua và hôm nay, nguyên thủy và cùng đích, An-pha, Ô-mê-ga, thời gian là của Chúa và mọi thế hệ là của Chúa, vinh quang và vương quyền là của Chúa, qua mọi thế hệ cho đến muôn đời. A-men" (xc. Kh 1,8; Ô-mê-ga).
Ngay đầu cuốn Tự điển phụng vụ này, cần nhấn mạnh rằng mọi Công trình Thiên Chúa đều có Ðức Kitô là trung tâm, Người là lời mở đầu và kết thúc cho tất cả các buổi cử hành phụng vụ. Vừa là Con Thiên Chúa, vừa là Con loài người, nên duy chỉ mình Người, qua vai trò trung gian và hy tế của mình, mới có thể đóng ấn trên Giao ước mới và vĩnh cửu, một Giao ước trong đó chúng ta được tháp nhập vào nhờ việc tham dự thánh lễ, các bí tích, các phụ tích và các Giờ kinh phụng vụ.
An Táng
(= Sépulture)
Ðó là việc chôn cất người quá cố tại nghĩa trang, có làm phép huyệt, rảy nước thánh và xông hương. Khi hạ huyệt, vị chủ sự nói vài lời, có thể triển khai thành lời nguyện giáo dân, kết thúc bằng kinh Lạy Cha và lời nguyện (xc. Quá cố, Chết, Tang lễ).
Áo Các Phép
(= Surplis)
Áo các phép có màu trắng, nhẹ, hơi rộng và dài quá đầu gối. Các giáo sĩ mặc áo này bên ngoài áo chức khi tham dự các buổi cử hành trọng thể. Ngày nay áo này ít được dùng, và được thay thế bằng áo trắng dài. Vị chưởng nghi, kể cả các tu sĩ, đôi khi mặc một áo các phép dài và thẳng gọi là áo Ghê-gô-ri-ô (xc. Áo ren).
Áo Choàng
(= Chape)
Ðó là áo khoác dài phủ hết thân người, dùng trong các cuộc lễ, may bằng một tấm vải hình bán nguyệt. Hai vạt áo khoác được giữ thẳng trước các khuy cài.
Áo choàng được dùng trong các buổi cử hành phụng vụ long trọng ngoài thánh lễ. Thông thường, đó là y phục của vị chủ sự, nhưng đôi khi cả người tham dự cũng mặc, gọi là những người mặc áo choàng. Trong những dịp trọng thể, các ca viên cũng mặc áo choàng đó.
Áo Choàng Vai
(= Camail)
Nguyên thuỷ là một chiếc mũ trùm đầu đan theo kiểu mắt lưới. Sau biến thành loại phẩm phục của giám mục, các kinh sĩ và một số phẩm chức khác trong Hội thánh. Loại áo này phủ kín vai, ngực và tay, được mặc bên ngoài áo ren khi tham dự các giờ kinh thần vụ long trọng (xc. Khăn phủ ngực).
Áo Dài Có Mũ
(= Coule)
Lúc đầu, đây là một loại áo khoác của các dân quê để che mưa nắng. Sau đó, nó trở thành áo riêng của các đan sĩ: một loại áo dài rộng, tay áo cũng rộng, có mũ trùm đầu, giống như áo dài mặc khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, dựa theo lời thánh Phaolô: "Khi được dìm vào nước Thánh tẩy để nên một với Ðức Ki-tô, thì tất cả anh em được mặc lấy Ðức Ki-tô" (Gl 3,27). Ðan sĩ lãnh nhận áo dài này khi khấn trọng, và sẽ mặc áo này ít là trong các giờ kinh chính. Áo này mặc bằng cách trùm qua đầu. Các linh mục triều cũng có thể sử dụng áo này thay cho áo dài trắng.
Áo Lễ
(= Chasuble)
Vào những thế kỷ đầu, đây là loại áo choàng được dùng như thường phục. Còn trong các nghi lễ phụng vụ, người ta sử dụng một loại áo choàng đặc biệt, dần dần trở thành một loại áo dành riêng cho các giáo sĩ, thuộc mọi cấp bậc, kể cả các thày giúp lễ. Chỉ mãi sau này, áo choàng mới trở thành lễ phục dành riêng cho giám mục và linh mục.
Áo lễ ngày nay lấy lại hình thức và kích thước như ban đầu. Trong vài thế kỷ gần đây, nó từng được thu gọn lại như cái hộp đựng đàn violon. Hình thức hộp đựng đàn này đã là cơ hội cho nghệ thuật thêu làm nên nhiều kiệt tác. Ngày nay, nhiều nước, trong đó có Ý, vẫn còn sử dụng kiểu áo đó.
Trong nghi lễ truyền chức, linh mục nhận áo lễ sau khi được xức dầu trên tay. Áo lễ mặc ngoài áo trắng dài và dây các phép. Ðó là áo của vị chủ sự thánh lễ. Khi đồng tế, ít nhất vị chủ sự phải mặc áo lễ.
Khi mặc áo lễ, vị linh mục mang lấy Ðức Ki-tô, và hành động trong tư cách của Người.
Áo Nhà Tạm - Áo Phủ Bình Ðựng Thánh Thể
(= Pavillon)
Áo nhà tạm là tấm vải phủ trên nhà tạm (xc. Khăn phủ nhà tạm). Áo phủ bình đựng Thánh Thể là tấm vải hình tròn phủ trên bình đựng Thánh Thể.
Áo Phó Tế
(= Dalmatique)
Ðó là loại áo khoác ngoài, có nguồn gốc từ vùng Dalmatia (ngày nay là một phần của Nam Tư) được sử dụng khá phổ biến trong đế quốc La Mã ở những thế kỷ đầu. Ðó là một áo lễ tay ngắn, nhưng được xẻ ra ở phía dưới cánh tay.
Khoảng thế kỷ IV hay V, áo này trở thành y phục riêng của các phó tế mặc bên ngoài áo dài trắng và dây các phép. Trong những buổi lễ đại triều, các giám mục có thể mặc áo này bên trong áo lễ: y phục này ám chỉ giám mục là phó tế đích thực, nghĩa là dấu chỉ bí tích của Ðức Ki-tô. Người Tôi tớ (xc. Phục vụ). Chức phó tế là sự tham dự vào sứ vụ của giám mục và những cộng tác viên của người, trong mối dây phục vụ.
Áo Ren
(= Rochet)
Áo ren là loại áo các phép có ren, các giám mục, các kinh sĩ và một số phẩm chức mặc ngoài áo chùng, khi tham dự những buổi lễ long trọng các vị không đích thân cử hành. (xc. Áo các phép).
Áo Trắng Dài
(= Aube)
Trong các tôn giáo, việc cử hành nghi lễ được hiểu như một sự mô phỏng hoạt động của thần linh. Người hành lễ, đặc biệt là vị tư tế hay vị chủ sự, phải giữ mình tinh sạch theo nghi tiết đòi buộc, được biểu trưng bằng y phục trắng. Vì vậy, các thợ dệt của Ít-ra-en đã làm cho tư tế A-a-ron và các con ông "những áo dài bằng vải gai mịn, một khăn chít bằng vải gai mịn, mũ tế bằng vải gai mịn, quần bằng vải gai mịn se, đai lưng bằng sợi gai mịn se..." (Xh 9,27-29).
Trong Tân ước, y phục trắng là dấu chỉ đặc biệt của sự phục sinh, của đời sống mới do mầu nhiệm Phục sinh đem lại cho chúng ta. Theo bốn tác giả Tin mừng, các thiên thần xuất hiện trong biến cố Phục sinh mặc áo dài trắng: "Thiên thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá rồi ngồi trên đó. Người có diện mạo rực rỡ và áo người trắng như tuyết" (Mt 28,3; Xc. Mc 16,5; Lc 24,4; Ga 20,12).
Khi Ðức Ki-tô vinh quang hiện ra với thánh Gio-an trong phần mở đầu sách Khải huyền, Người mặc một chiếc áo dài (podèrès trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là áo dài phủ tới chân). Ðó là y phục của vị thượng tế (1,13; Hc 50,11). Người hứa ban cho những tín hữu thông phần chiến thắng của Người được mặc áo trắng: "Họ sẽ mặc áo trắng cùng đi với Ta, vì họ xứng đáng. Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng; Ta sẽ không xóa tên người ấy khỏi sổ trường sinh" (3,4-5; xc. c.18). Thực vậy, đoàn lũ đông đảo những người được chọn xuất hiện trong y phục hoàn toàn trắng: "Ðứng trước ngai và trước Con Chiên, tay cầm nhành lá thiên tuế, họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta" (7,9-10).
Thánh Gio-an được nghe giải thích rằng những người mặc áo trắng này là "những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Ðền thờ của Người; Ðấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn" (14,15). Khi vị Hôn thê xuất hiện, sẵn sàng vào dự tiệc cưới Con Chiên, vẻ xinh đẹp của nàng được điểm tô bằng mầu trắng: "Nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền; vải gai đây chỉ những việc lành của các Thánh" (19,8).
Như vậy, áo trắng là y phục của những người được tái sinh, những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên: những người đã chịu Thánh tẩy coi như đang sống phụng vụ Nước trời và đã bước vào đời sống thần linh. Chính vì thế, khi lãnh bí tích Thánh tẩy, các trẻ nhỏ và người lớn đều mặc áo trắng trừ ngày Thứ bảy và Chúa nhật in albis. (xc. Bài ca Quasimodo). Trong ngày lễ bao đồng, các thiếu niên cũng mặc áo trắng.
Trong những cuộc cử hành phụng vụ, các linh mục, các vị chủ sự, cũng như các người tham dự, mặc áo trắng như dấu chỉ sự tháp nhập của họ vào đời sống Thiên Chúa, được phụng vụ thể hiện nhờ những nghi thức thánh. Màu trắng là màu của phụng vụ vĩnh cửu, là lời kêu gọi ta sống thánh thiện tinh tuyền để bước vào ánh vinh quang.
Cần ghi nhận rằng, đối với Hội thánh Ðông phương, màu trắng là màu của tang chế.
Âm Nhạc
(= Musique)
Âm nhạc được coi là ngành nghệ thuật cao nhất. Phụng vụ nhằm qui tụ và hiến dâng toàn thể nhân loại lên Thiên Chúa, nên không thể không dành cho âm nhạc một vị trí quan trọng, vì âm nhạc có khả năng rất lớn trong việc giúp cho những lời thánh thiêng cũng như những tâm tình cầu nguyện đạt tới hết tầm mức của mình; đồng thời âm nhạc cũng là một yếu tố hiệp nhất cộng đoàn đang ca hát và lắng nghe.
Công đồng Va-ti-ca-nô II nhấn mạnh đến vị trí ưu tiên của âm nhạc trong phụng vụ: "Truyền thống âm nhạc của Hội thánh toàn cầu đã làm nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi ngành ghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca làm nên thành phần cốt yếu và trọn vẹn của Phụng vụ long trọng" (PV số 112 và những số tiếp theo) (xc. Tiếng hát, Bình ca, Nghệ thuật).
Ân Xá
(= Indulgence)
Ân xá là ơn Hội thánh ban để tha hình phạt do tội lỗi gây ra, qua việc thực thi một vài hành vi cụ thể. Ban đầu, ân xá được gắn liền với các cuộc hành hương Ðất Thánh, sau đó được phát triển nhân cơ hội thánh Phan-xi-cô xin Tòa thánh ban ơn toàn xá cho những người viếng đền Portiuncula. Ðến cuối thời Trung cổ, việc gia tăng ân xá một cách thái quá, cùng với việc lãnh nhận dường như máy móc, là một trong những nguyên nhân đưa đến cuộc Cải cách của ông Luther.
Sau Công đồng Va-ti-ca-nô II, đức Giáo hoàng Phaolô VI đã ban hành tông hiến Giáo lý về Ân xá (01/01/1967). Cần ghi nhận rằng: việc ban ân xá không phải là lỗi thời, nhưng được gắn liền với tín điều Hiệp thông các thánh. Thực vậy, ân xá là việc tha thứ trọn vẹn hay một phần những hình phạt tạm thời do các tội đã phạm, dù các tội này đã được tha về phương diện lỗi phạm. Người tín hữu nhận được ân xá khi có lòng chân thành thực hiện một số điều kiện được quy định, qua sự can thiệp của Hội thánh. Là Thừa tác viên ban phát ơn cứu độ, Hội thánh có quyền ban phát kho tàng đền bồi của Ðức Ki-tô và của các thánh. Các ân xá, đại xá hay tiểu xá, được ban cho các tín hữu. Có thể giữ lại cho mình hay nhường cho người đã qua đời, nhưng không thể nhường cho người còn sống.
Trong phụng vụ, cần lưu ý rằng: linh mục có quyền ban ơn toàn xá cho người hấp hối (in articulo mortis), đặc biệt khi ban bí tích Xức dầu hoặc ban Của Ăn đàng. Ai tham dự nghi thức Suy tôn Thánh giá ngày thứ sáu tuần Thánh cũng được lãnh nhận ơn toàn xá, nếu có ý muốn lãnh nhận.
Theo truyền thống, việc tham dự thánh lễ và các bí tích không đem lại ân xá, vì thánh lễ và bí tích đã có hiệu quả trổi vượt là thánh hóa và tẩy luyện. Trong những trường hợp đặc biệt (rước lễ lần đầu, lễ mở tay, các cuộc lễ mừng kỷ niệm) nếu có ban ân xá thì không phải vì do tham dự thánh lễ hay bí tích, nhưng là vì những trường hợp đặc biệt đi kèm với việc cử hành thánh lễ hoặc bí tích. Mọi việc lành, nếu được hưởng ân xá, chỉ vì có liên hệ với đời sống phụng vụ, nguồn mạch và đỉnh cao của toàn bộ đời sống Ki-tô giáo (xc. Sống).
Ấn Tích
(= Caraetère)
Ấn tích là hiệu quả đầu tiên và bền bỉ của các bí tích chỉ lãnh nhận một lần: Thánh tẩy, Thêm sức và Truyền chức. Có thể làm mất ân sủng là hiệu quả cuối cùng của mọi bí tích, nhưng không thể mất dấu tích thiêng liêng in vào tâm hồn qua ba bí tích vừa nói trên. Ấn tích là một một năng quyền thánh được ban cho để cử hành phụng vụ. Chỉ có con cái Thiên Chúa được ghi dấu Thánh Thần để trở thành nghĩa tử (2 Cr 1,12; EP 1,13) mới được cử hành Giao ước chung cục trong Bửu huyết Ðức Ki-tô, được tiến vào công cuộc ngợi khen Vinh quang (Ep 1,14) nhờ tham dự vào địa vị của Con Thiên Chúa. Chỉ những người được đóng ấn của Thiên Chúa trên trán (Kh 7,3tt; 9,4) mới được tham dự phụng vụ thiên quốc. Khi tham dự phụng vụ dưới thế, đó cũng là tham dự trước phụng vụ trên trời.
Nhờ ấn tích Thánh tẩy và Thêm sức, mọi Ki-tô hữu được tham dự phụng vụ một cách sung mãn, liên kết với Ðức Ki-tô như Hôn thê với Hôn phu, và như thế, được tham dự vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, trong địa vị là người con, Ấn tích Truyền chức đồng hóa Ki-tô hữu sâu xa hơn với sứ vụ của Con Thiên Chúa nhập thể, để phục vụ ơn cứu độ (phó tế) và để tế tự (giám mục và linh mục), vì lợi ích của toàn Dân Chúa. Linh mục không phải chỉ là người hành động hiệp nhất với Ðức Kitô để dâng lên Chúa Cha mọi danh dự và vinh quang, nhưng còn là người hành động như chính Ðức Ki-tô (in persona Christi). Khi đứng trước cộng đoàn, linh mục là hiện thân sống động của Ðức Ki-tô trong Hội thánh, dấu tích của chính Hôn phu. Nếu không có ấn tích Truyền chức ghi trên một số phần tử của Dân Chúa, thì ấn tích của Thánh tẩy và Thêm sức sẽ mất đi năng quyền quan yếu nhất: tức là việc liên kết có tính khách quan và bí tích với Ðức Ki-tô, và việc tham dự sung mãn vào Hy tế của Người (xc. Cộng đoàn Phụng vụ, Tư Tế).