TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khóa tập huấn Ca trưởng và đệm đàn

Thứ ba - 27/04/2021 07:03 |   1145

Ghi nhận về Khóa tập huấn Ca trưởng và đệm đàn

 
Một thủ tục không thể thiếu được, đó là tất cả mọi người trong hội trường sốt sắng đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi… để nguyện xin Chúa cho khóa Tập huấn Ca trưởng và đệm đàn được mọi tốt đẹp theo Thánh ý Chúa.

Mở đầu cho khóa tập huấn, cha Matthêu Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng Ban Thánh Nhạc đã chia sẻ về Mục vụ Thánh Nhạc. Đây giống như kim chỉ nam cho mọi phụng vụ thánh nhạc: Ca trưởng và đệm đàn…

Cha trưởng ban chia sẻ: lúc trước đây, có quan niệm: Thánh nhạc chỉ là nữ tỳ của thánh lễ mà thôi. Thậm chí có cha xứ bảo: không có ca trưởng, ca đoàn, nhạc công… thì một mình cha làm lễ vẫn thành. Tuy nhiên, theo phụng tự Thánh nhạc, thì Thánh nhạc là một phần không thể thiếu trong Thánh lễ, vì Thánh nhạc tạo cảm xúc và giúp cho mọi người giáo dân sốt sắng hơn, để nâng tâm hồn lên với Chúa hơn. Thánh nhạc chính là chất xúc tác cho Thánh lễ được tốt đẹp hơn lên.

Tiết nhạc lý thực hành và Xướng âm do Sơ Lệ Nghĩa và thầy Vĩnh Căn phụ trách. Đây gần như là phần ôn tập cho các ca trưởng và người đệm đàn nhà thờ, đã có sẵn vốn. Nhưng sang đến phần quãng, hợp âm, hòa âm… thì có nhiều học viên còn nhiều bỡ ngỡ vì chưa có khái niệm… Tuy nhiên, cũng có một số ít người rất am hiểu, cũng làm cho người phụ trách ôn bài có thêm sự hào hứng. Những bài mang tính lý thuyết, tuy rằng nghe khô khan và nhàm chán, nhưng vốn liếng nhạc lý căn bản này chính là “khẩu quyết”, giúp cho ca trưởng và người đệm đàn rất nhiều trong việc tiếp thu dễ dàng những bài thực hành trong việc điều khiển và thực hành đệm đàn.

Sơ Lệ Nghĩa cũng góp phần trong việc xướng âm, nhờ những trải nghiệm ca trưởng, để phát âm chuẩn giọng và giữ chắc phách. Và với chút duyên dáng sẵn có, Sơ đã khuấy động cho các nhóm Giáo xứ lên xướng âm các bài hát nhỏ rất dí dỏm như bài: Thằng Tư vào quán mà ăn hủ tíu – Nó ăn bánh xong húp nước lèo – Thằng Năm hỏi sao bồ ăn nhiều thế - Nó thưa đã lâu tớ bị bắt phèo. Những bài xướng âm cũng tạo nên khí thế vui vẻ để các Giáo xứ đua tranh với nhau trong sự học tập.

Tiết Đệm đàn là một trong những tiết học được trông chờ nhất. Vì các học viên vốn tự học và tự đệm đàn trong nhà thờ, mà hầu như chưa qua một khóa tập huấn nào. Tiết này được thầy Duyên Quốc Kỳ, một trong những người dạy đàn khá lâu năm cho những người đệm đàn nhà thờ. Thầy chia sẻ rất nhiều trải nghiệm tréo cà ngỗng giữa ca đoàn hát một đàng và người đệm đàn một nẻo. Theo thầy thì người đệm đàn nhà thờ phải rất nghiêm túc, không được phô diễn kỹ thuật chạy ngón, luyến láy một cách không cần thiết. Tiếng đàn chỉ vừa làm nền, tạo cảm xúc cho ca đoàn được nâng tiếng hát lên một cách sốt sắng. Cuối cùng, vì không đủ thời giờ, nên thầy chỉ cho các học viên sử dụng loại đệm đàn “mì ăn liền” dựa vào 3 bậc hợp âm chính: I, IV, V là tạm đủ cho bài hát.

Thầy Da Mihi (Thoát) là thủ cầm nhà thờ Chính Tòa, trụ trì những mấy chục năm nay. Tiếng đàn của thầy, được nhiều người cho là mẫu mực của người đệm đàn nhà thờ. Tiếng đàn luôn vừa phải, khi cao trào dâng lên, khi sâu lắng… tất cả đều được thầy tiết chế một cách có chủ định, với mục đích chính là để chắp cánh cho tiếng hát lời ca của ca đoàn trào dâng cảm xúc nâng tâm hồn lên với Chúa. Đặc biệt là tiếng bass chân của thầy hòa âm phụ lực cho tay trái với các bậc IV, V về chủ âm bậc I nghe hài hòa, nhịp nhàng rõ nét trong từng câu nhạc.

Với một tài năng như thế, nhưng thầy vẫn luôn khiêm tốn. Vào tiết đệm đàn nhà thờ, thầy vẫn chân chất bình dị để trao đổi cho anh chị em học viên những cách sử dụng hiệu quả những kỹ năng trên mặt đàn. Thầy Thoát chỉ dẫn một cách cụ thể các chức năng của đàn vừa lý thuyết và thực hành… khiến học viên tiếp thu rất tốt và rất thích cách chỉ dẫn của thầy.

Thầy Trương Hữu An, tốt nghiệp nhạc viện Huế, là một tay Pianist có tiếng ở của đất Ban Mê… Với kỹ năng ngón chải chuốt điêu luyện, nhưng thầy vẫn khuyên người đệm đàn trong nhà thờ không được đàn quá tay điệu đà phóng túng như ở sàn diễn ngoài đời. Thầy truyền đạt lại những kỹ năng đệm đàn tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả trong nhà thờ. Thầy chỉ cách hòa thanh trộn tiếng, cách rung của giọng Violon… Cách đệm theo các điệu: Slow, Boston, Slowrock… được chiếu trên màn hình có người đệm đàn mẫu để học viên theo dõi cách đệm đàn. Những truyền đạt về cách đệm đàn của thầy An cũng phần nào đáp ứng được nguyện vọng của học viên.

Đến tiết khoa thanh nhạc, các học viên cũng tỏ ra khá háo hức. Cha nhạc sĩ Thiều Quang, một con người trẻ và đầy năng nổ đã làm cho căn phòng của tiết học vang lên những giai điệu của đủ thể loại: Opera với Ave Maria, Chúa là chân thiện mỹ… và những thể loại nhạc xanh, đỏ, nhạc nhẹ có đủ sắc màu để các học viên có được dịp thưởng ngoạn. Thú thật, dù là ở trong Ban Thánh Nhạc nhưng dường như chưa mấy ai được nghe cha “khoe giọng” một cách khỏe khoắn, đầy nội lực với giọng ngân rung, luyến láy kỹ thuật một cách mạn nhĩ như thế. Vốn cha đã tốt nghiệp khoa Thanh nhạc TP, nên cha trao đổi những trải nghiệm kỹ thuật: Ca trưởng có giọng ca tốt thì có lợi điểm khi tập hát cho ca đoàn được chuẩn tông… Cách lấy hơi, cách giữ giọng. Tránh hát gồng lên, gào thét và tránh phát âm quá cao độ của bản thân mình không có. Không phát âm khi đau cổ, viêm họng… làm tổn hại đến thanh quản. Tránh ăn nhậu bia rượu và nước đá làm phá thanh quản. Nên dùng dầu gió xanh, nước cam thảo, ngậm nước muối… rất tốt cho sự giữ gìn thanh quản. Một kỹ thuật đặc biệt của khoa thanh nhạc: Khi phát âm không được uốn lưỡi, cũng như khi phát âm nhạc nhẹ những âm: tr, s, r… thành ra ch, như chữ “trinh trong” thành ra “chinh chong”. Chữ “sao” ra “xao”. Chữ “Maria” phát âm ra “Ma zi a”. Đây là điều gây bất ngờ nhất cho các học viên.

Ca trưởng điều khiển ca đoàn. Có lẽ đây là tiết được các học viên nao nức trông đợi hơn cả. Tiết này của thầy Vi Nam và Sơ Hoài An. Rất tiếc Sơ Hoài An bận việc mục vụ, nên không góp mặt được.

Nhưng với thầy Vi Nam cũng đã làm cho các học viên nức lòng khi hướng dẫn. Từ tư thế đứng của nhạc trưởng với chân trước nhẹ tấn và chân sau trụ… để khi khi đưa người ra phía trước có chân trụ và nhoài người phía sau đều có trụ. Rồi tư thế hai bàn tay đưa ra vừa phải, những ngón tay xoe ra vừa tầm… Rồi những cái hích bàn tay thật nhẹ, trông rất điệu đà. Phải nói, nhìn thầy Vi Nam đánh nhịp, dù chỉ là những nét cơ bản, nhưng trông rất có hồn và cuốn hút học viên. Là một ca trưởng, phải làm sao thu hút được ca viên nhìn về phía mình như thôi miên mới là thành công của bước đầu. Tránh tình trạng ca viên chỉ nhìn vào bài mà chẳng biết ca trưởng đánh nhịp múa may quay cuồng như thế nào. Ca trưởng còn phải tập có một tinh thần nhẫn nhịn, một sự hòa đồng thân thiện, không nóng nảy bẳn gắt với ca viên, làm mất hòa khí của buổi tập hát. Những chia sẻ của thầy Vi Nam, quả là những điều bổ ích cho các ca trưởng.

Và những điều học được trong khóa này, thầy Vi Nam cũng đưa vào thực hành ngay ở trong Thánh lễ mãn khóa. Đó là đưa 4 anh chị ca trưởng: Lý, Trúc, Tuấn, Tuyết vào thực hành đánh nhịp trong thánh lễ bằng chính 4 bài hát của nhạc sĩ trong Ban Thánh Nhạc: Văn Sỹ, Vi Nam, Hồng Bính, Hữu Chánh. Lúc này thầy Văn Sỹ mới có đất dụng võ để tập hát cho học viên và hướng dẫn 4 ca trưởng trong trong thánh lễ bế mạc.

Bên ngoài mưa gió vẫn không ngừng ngơi ngớt, nhưng 3 ngày tập huấn thoáng chốc đã tới lúc phải kết thúc…

Sau buổi tập huấn cuối cùng, thay mặt Ban Thánh Nhạc, thầy Vi Nam, Phó Ban Thánh Nhạc đã có đôi lời chia sẻ tâm tình với các học viên. Trong niềm vui, thầy Vi Nam tỏ ra xúc động:

Sự góp mặt đông đủ của anh chị em học viên đến từ mọi miền xa xôi của các giáo hạt khu vực I, là niềm khích lệ lớn lao cho Ban Thánh Nhạc chúng tôi. Trong thâm tâm, Ban Thánh Nhạc cũng chỉ ước ao một con số 50 – 70 học viên là mừng lắm rồi. Ban Thánh Nhạc không ngờ con số học viên cứ tăng dần, đến nỗi Ban Thánh Nhạc phải in ấn tư liệu đến 3 lần mới đáp ứng đủ cho các học viên.

Ban Thánh Nhạc cũng rất cảm kích trước sự đáp ứng lời mời của Ban Thánh Nhạc để các anh chị không quản mưa gió đến đây ghi danh học khóa Tập huấn Ca trưởng và đệm đàn. Ngoài ra, Ban Thánh Nhạc cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực của các anh chị trong khóa tập huấn này với một tinh thần học hỏi rất cao. Điều đó cũng làm cho anh em bên Ban Thánh Nhạc phấn chấn hơn.

Những thành quả của khóa học này chỉ là dấu nhấn, để Ban Thánh Nhạc đưa ra tham khảo cho những khóa học lần sau. Rất mong anh chị em sẽ tiếp tay hưởng ứng với Ban Thánh Nhạc ở những khóa sau.

Xin được đại diện cha Trưởng Ban Thánh Nhạc, gửi lời chân thành cám ơn đến quý anh chị em học viên rất nhiều. Ban Thánh Nhạc cũng rất cảm kích khi thấy những anh chị lớn tuổi, là cây đa cây đề trong phục vụ ca trưởng và đệm đàn ở Giáo xứ, vẫn đến đây tham dự khóa học, để cho thế hệ sau thấy được nơi anh chị một tinh thần khiêm tốn mà noi theo. Tất cả cũng vì sự hiệp nhất và sự đồng cảm của anh chị em với Ban Thánh Nhạc.

Xin gửi lời cám ơn đến quý anh bên Ban Thánh Nhạc, đã luôn đồng hành cùng khóa học để cùng trao đổi những bài học trong giáo trình và những trải nghiệm quý báu cho các anh chị học viên trong suốt khóa học.

Chúng tôi cũng xin gửi lời cám ơn đến anh An Thanh (Toàn) bên bộ phận kỹ thuật, ghi hình và âm thanh, đã không quản ngại vất vả để theo sát những diễn tiến những khóa học để có những hình ảnh ghi lại một cách đầy đủ. Ngoài ra, cũng xin chân thành gửi lời cám ơn đến ban ẩm thực và đặc biệt là anh Vi Tử Lê (Thiện) đã lo lắng việc về hành chính và ẩm thực để chúng ta có chương trình học, có những bữa cơm ngon và sốt nóng. Chúng tôi cũng xin cám ơn anh Nguyễn Đức Tiến: Trang trí.

Thay mặt cho Ban Thánh Nhạc, gửi lời xin lỗi đến quý anh chị, nếu trong việc tổ chức khóa tập huấn có điều gì thiếu sót, chưa ổn. Rất mong quý anh chị em lượng thứ và thông cảm cho Ban Thánh Nhạc. Hẹn gặp lại anh chị trong những khóa học trong tương lai, hy vọng sẽ có được sự chỉn chu hơn.

Xin gửi lời cầu chúc sức khỏe đến quý anh chị và hẹn gặp lại lần sau.

Tiếng vỗ tay rào rạt như không muốn dứt sau những lời chia sẻ đầy tâm tình của anh Phó Ban Thánh Nhạc. Bên ngoài trời vẫn đổ mưa, nhưng dường như nắng ở trong tâm hồn mọi người. Có chút bịn rịn trong phút chia tay.

Một thánh lễ đầy sốt sắng do Cha Tổng Đại Diện cử hành với lời nhắn gửi với các học viên: “Khóa học Tập Huấn Ca Trưởng và Đệm đàn này là dịp để các anh chị em trau chuốt tiếng đàn, tiếng hát thật đẹp, thật thánh thiện, mục đích là để nâng tâm hồn mọi người lên với Chúa, chứ không phải là nơi để các anh chị trổ tài thi thố tài năng như một sàn diễn sân khấu… Rất mong các các anh chị đem những điều học hỏi được trong khóa học này, về phục vụ trong Giáo xứ mình một cách tốt đẹp”.

Sau Thánh lễ, Cha trưởng ban Thánh nhạc rất vui mừng với thành quả đạt được, đã cám ơn sự tích cực phục vụ của Ban Thánh Nhạc đồng thời cám ơn sự nhiệt tình của các học viên, nhất là những ca trưởng thâm niên nhiều năm cống hiến cho Thánh ca, Thánh nhạc của Giáo phận.

Để tổng kết, cha Tổng Đại Diện và cha trưởng ban Thánh Nhạc đã trao Chứng chỉ cho 121 học viên trong khóa Tập huấn Ca trưởng và đệm đàn, trong sự hân hoan đón nhận của các học viên.

Đây là thành quả của những hoa trái đầu mùa mà Ban Thánh Nhạc vừa thu hoạch trong khóa Tập huấn Ca trưởng và đệm đàn vừa qua. Hy vọng cây trồng Thánh nhạc sẽ lớn lên tốt tươi và hứa hẹn sẽ trổ sinh nhiều hoa trái bội thu hơn ở những vụ mùa thu hoạch lần sau.

Xin chào và hẹn gặp lại.

 



 

Ghi nhận: Nguyễn Văn Kính - Ban Thánh Nhạc


HÌNH ẢNH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây