TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vai trò người giáo dân

Thứ sáu - 16/04/2021 03:41 |   1261
“Nhờ đặc tính công giáo, mỗi phần tử thực thi những đóng góp của riêng mình cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo Hội"

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN

HẬU CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II TẠI CHÂU Á VÀ VIỆT NAM


 

I- LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU (FABC)

Nhân dịp Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viếng thăm mục vụ tại Manila vào tháng 11 năm 1970, có 180 Giám Mục Châu Á tham dự để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm mục vụ trong một Châu lục đa tôn giáo được hình thành trong những nền văn minh cũng như truyền thống lâu đời. Tại buổi gặp gỡ này các Giám mục đã minh định rằng, cuộc sống của các dân tộc tại Châu Á đã được đâm rễ sâu trong những truyền thống rất đa dạng, những truyền thống xem ra khác nhau, nhưng chúng lại đan kết chặt chẽ với nhau. Bắt nguồn từ mối đan kết này, các Giám mục cảm thấy cần phải thể hiện sự liên đới chặt chẽ với nhau nhằm đấu tranh chống lại sự nghèo đói và bất công trong xã hội Châu Á, và trên hết là để thực thi nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Từ ý thức này các Giám Mục quyết định thành lập Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC, The Federation of Asian Bishop’ Conferences). Để có thể đạt tới được mục đích đề ra, liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á  đã nhắm đến vai trò của người Giáo dân. Tại cuộc họp toàn thể FABC lần thứ nhất vào tháng 4, 1974, ở Đài Bắc, Đài Loan, các Giám mục đã nói: “với sự kỳ vọng lớn lao, chúng tôi hướng tới các Kitô hữu giáo dân, cách đặc biệt, các giáo lý viên, những người cộng tác với chúng tôi vào công truyền giáo qua nhiệm vụ của họ. Quả thật, trong thời gian qua, đội ngũ giáo lý viên hiện diện như những cộng tác viên rất đáng trân trọng, và hy vọng rằng, con số giáo lý viên sẽ tăng lên trong những năm tới. Chúng tôi mong rằng, càng ngày các giáo lý viên càng ý thức việc chia sẻ nhiệm vụ Giáo Hội, đó là ghé vai gánh vác trách nhiệm loan báo Tin Mừng”[1].

Tuy nhiên, một đường hướng đưa ra để canh tân vai trò người giáo dân theo tinh thần Công Đồng Vat. II vẫn chưa được xúc tiến cách mạnh mẽ. Tại hai cuộc họp toàn thể FABC lần II (1978) và lần III (1982) tuy có nhắc đến sự hiện diện của người Giáo dân trong Giáo hội, nhưng đơn giản chỉ là lời mời gọi người giáo dân ý thức về Phép Rửa đã lãnh nhận, họ phải dấn thân làm chứng cho Tin Mừng trong sự tự nguyện và có trách nhiệm, đặc biệt trong các lãnh vực xã hội và chính trị.[2] Như vậy, trong một vùng đất được in sâu về sự phân chia giai cấp trong xã hội, thì việc tìm một con đường canh tân vai trò người giáo dân trong Giáo Hội tại đó không là một chuyện giản đơn. Thế nhưng, Giáo Hội Chúa Kitô không đơn thuần là một cơ chế phẩm trật, nhưng còn là Nhiệm Thể Chúa Kitô (x. LG số 8), Giáo Hội luôn được mời gọi vượt thắng cám dỗ về việc quản trị Giáo Hội theo cung cách trần thế. Khi ban hành hiến chế Lumen Gentium, các Nghị phụ Công Đồng đã muốn nhấn mạnh đến điều này:  “Nhờ đặc tính công giáo, mỗi phần tử thực thi những đóng góp của riêng mình cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo Hội, để tất cả và từng người được tăng triển nhờ cùng chia sẻ mọi sự và cùng hiệp lực đạt đến tình trạng viên mãn trong tình hợp nhất….

Thật vậy, sự khác biệt giữa các thành viên có thể hoặc do nhiệm vụ, như trong trường hợp những người thi hành thừa tác vụ thánh để mưu ích cho anh chị em mình, hoặc do trạng huống và bậc sống, như trong trường hợp những người gia nhập bậc tu trì, cố gắng nên thánh bằng con đường khổ chế và khích lệ anh chị em bằng gương sáng của mình… Quả thật, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia sẻ cho nhau những điều thiện ích, và lời nói sau đây của vị Tông Đồ cũng có giá trị cho từng Giáo Hội: ‘Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa’ (1 Pr 4,10)” (LG số 13). Từ chỗ đó Công Đồng nhấn mạnh: “Các chủ chăn phải biết rõ giáo dân đóng góp rất nhiều vào thiện ích của toàn thể Giáo Hội. Các ngài biết rằng mình được Đức Kitô thiết lập không phải để chỉ riêng các ngài lãnh lấy tất cả sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới, nhưng để nhận lãnh trách vụ cao cả là chăn dắt các tín hữu và nhìn nhận các phận vụ và đặc sủng của họ để mọi người theo cách thức riêng của mình đồng lòng cộng tác vào trọng trách chung này”. (LG số 30).

Như bị thôi thúc bởi đòi hỏi này, Kỳ họp khoáng đại lần IV vào tháng 9 năm 1986 taiọ Tokyo, các Giám mục thuộc liên hội đồng Giám Mục Châu Á, đã lấy người giáo dân làm tiêu điểm cho cuộc họp với chủ đề: “Ơn gọi và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội và trong vùng đất Châu Á”, và điểm đáng ghi nhận, tại cuộc họp này người giáo dân được mời tham dự như là dấu chỉ tích cực của các Giám Mục Châu Á về việc nhìn nhận vai trò của người Giáo dân trong đời sống của Giáo Hội.

FABC IV đã trình bày hai điểm chính yếu:

1- Nhiệm vụ người Giáo dân trước những thách đố hôm nay tai Châu Á

2- Nhận diện sứ vụ của người Giáo dân

 

1- Nhiệm vụ người Giáo dân trước những thách đố hôm nay tai Châu Á

Các tham dự đã trình bày khía cạnh tích cực cũng như tiêu cực về xã hội Châu Á. Nơi đại lục này xuất hiện nhiều tôn giáo quan trọng và lớn lao, chính các tôn giáo này đã mang lại những khám phá, sự phát triển  và hình thành các nền văn hóa và các quốc gia. Bên cạnh đó cũng xuất hiện không ít hiện tượng tiêu cực như sự xung đột, tạo ra sự phân rẽ giữa các hình thức chính trị và xã hội, cũng như sự bành trướng về các hình thức cạnh tranh của các nền kinh tế thế giới và sự bóc lột của các nền kinh tế này. Đứng trước thực trạng này, các tham dự viên FABC IV đã nhấn mạnh đến sự cấp bách và ưu tiên hàng đầu là mời gọi người giáo dân chia sẻ trách nhiệm với Giáo Hội, dấn thân phục vụ gieo vãi men Tin Mừng, để mang lại niềm hy vọng, sự công bằng, niềm vui và chân lý cho những con người sống trên lục địa này.

1.1 Người giáo dân phục vụ trong các lãnh vực đa dạng khác nhau

 - Nguyên nhân của sự kiện ở Châu Á ngày càng nhiều người nghèo và phẩm giá con người ngày càng bị chà đạp, chính là thiếu môt hệ thống chính trị vững mạnh và trong sáng, các tham dự viên đề nghị người giáo dân tham gia vào lãnh vực chính trị để chống lại những sự bóc lôt của các thế lực nước ngoài. Chính khi tham gia như vậy, người giáo dân sẽ nỗ lực làm cho men Tin Mừng được đày men, cho tình yêu, sự công bằng được thấm nhập vào các công việc chính trị. Vấn đề đáng quan ngại tại Á Châu chính là sự giới hạn về tự do tôn giáo, gia đình và giáo dục. Giáo Hội Châu Á đang đối diện với nạn phân biệt chủng tộc, nam nữ,  quyền căn bản con người bị chà đạp, chủ nghĩa dân tộc khơi dậy sự phân rẽ trong các sắc tộc, con số thất nghiệp khổng lồ và các vấn nạn xã hội khác, FABC IV đã khẳng định, đây là bổn phận cấp thiết mà người giáo dân được Giáo Hội giao phó, nỗ lực tìm các cách thế để làm cho tinh thần Tin Mừng được thấm nhập vào bức tranh xã hội này, chẳng hạn như đối thoại với các Giáo Hội Kitô khác, với các thành viên của các tôn giáo, cũng như các phong trào xã hội khác nhau[3].

- Trong lãnh vực giáo dục, FABC IV trình bày hai lãnh vực mà người giáo dân có thể đảm nhận: 1/ dấn thân chống lại nạn mù chữ và dốt nát, 2/ đòi hỏi được trình bày một nền giáo dục Kitô giáo. Các tham dự viên nhấn mạnh: dấn thân và cộng tác vào công việc giáo dục là nhiệm vụ chính yếu của người giáo dân.[4]

- Đối với lãnh vực truyền thông: Các tham dự viên nhận định rằng: lãnh vực truyền thông có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng, vì thế FABC IV đã kiến nghị các Giáo Hội địa phương nên thiết lập hệ thống đào tạo về truyền thông cho người giáo dân với hy vọng rằng, chính họ là những nhân tố tích cực làm cho Tin Mừng được mọi người đón nhận qua các phương tiện truyền thông hiện đại trong thế giới hôm nay.[5]

- Đối với lãnh vực chăm sóc sức khỏe: Giáo Hội Châu Á hôm nay đang đối diện với một vấn nạn quan trong về vấn đề đạo đức sinh học, chẳng hạn như nạn phá thai, những chủ trương đi ngược lại với định chế hôn nhân tự nhiên, trợ tử, ngừa thai, nạn nghiện rượu và ma túy. Vì thế, người giáo dân cần được trang bị kiến thức nền tảng về luân lý Kitô giáo để dấn thân phục vụ trong các lãnh vực về sức khỏe[6]

- Đối với lãnh vực kinh tế:

a- Trong công việc trần thế: cho tới lúc này, Giáo Hội Công giáo chưa mang lại một ảnh hưởng đáng kể nào, có nghĩa là các sinh hoạt trần thế đều xa lạ với tinh thần Tin Mừng, chẳng hạn như khi làm việc người ta thường có cái nhìn tiêu cực về công ăn việc làm. Vì thế, các tham dự viên mời gọi người giáo dân phải trình bày ý nghĩa tích cực trong công việc làm ăn . Làm sao cho mọi người nhận ra giá trị nhân bản trong lao động, đó như là dự phần vào công việc của Đấng Tạo Hóa.[7]

b- Ý thức trách nhiệm xã hội trong kinh tế: Trong quá trình lao động, người giáo dân được nhắc nhở phải làm sao cho tiếng nói của công bình, chân lý và tình yêu được vang vọng trong mọi tầng lớp lao động, để mọi thành quả lao động luôn in dấu tinh thần Tin Mừng[8].

1.2 Bổn phận của người giáo dân trong gia đình

Thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội Châu Á chính là hiện trạng gia đình ngày nay: sự nghèo đói, sự áp bức, tình trạng bóc lột và tước bỏ phẩm giá, sự phân rẽ và đối nghịch. Đứng trước hiện trạng này, FABC IV mời gọi người giáo dân tích cực dấn thân để phúc âm hóa gia đình, biến gia đình Kitô hữu thành “Giáo Hội tại gia”, làm sao đưa văn hóa hội nhập vào đời sống đức tin để có thể trở thành một tập quán như được thủ đắc cách tự nhiên.[9]

 

2.  Khám phá sứ vụ của người giáo dân

2.1 Cùng với Đức Kitô người giáo dân như là người giải phóng trong môi trường xã hội.

Chúa Giêsu cần phải được khám phá như là người giải phóng dân Châu Á. Vì thế, Giáo Hội Công giáo phải tìm cho được chỗ đứng đặc biệt và đích thực trong bối cảnh đa văn hóa và đa tôn giáo tại lục địa này. Do đó, Giáo Hội cần khích lệ người Giáo dân dấn thân tích cực vào môi trường sống để như những người môn đệ, họ cùng với Chúa Kitô loan báo Tin Mừng giải phóng. Quả thật, mỗi một người giáo dân là một nhà giải phóng. Như chúa Giêsu, họ được mời gọi dấn thân trong cách đồng truyền giáo nhằm mang lại cho cuộc sống con người ngập tràn tình bác ái và sự công bằng xã hội. Sự dấn thân này phải luôn mang đậm nét phong hóa và truyền thống của dân tộc. Người giáo dân trong môi trường sống của mình khi giới thiệu Tin Mừng, phải làm thế nào để những người nghe có thể tiếp cận với Tin Mừng mà không có một cảm giác xa lạ với truyền thống văn hóa của họ. FABC nhận ra khả năng của người giáo dân có thể thi hành được điều này qua các cuộc tiếp xúc mang tính cách tình làng nghĩa xóm, qua các cuộc đối thoại được xây dựng bằng các mối tương giao trong xã hội, chẳng hạn như cùng ngành nghề, cùng môi trường làm việc…[10]

2.2 Sứ mạng truyền giáo của người giáo dân

Qua Bí tích Rửa tội, người tín hữu dự phần vào sứ vụ giải phóng của Chúa Giêsu Kitô, có nghĩa là người tín hữu không sống co cụm trong nhà thờ với những bổn phận thuộc đời sống đạo đức phải thi hành, nhưng còn phải hướng tới việc làm cho mọi người được tiếp cận với Tin Mừng. Vì thế, FABC IV đã nhấn mạnh, người Giáo dân phải thi hành trong đời sống thường ngày ba nhiệm vụ đã nhận lãnh qua Phép Rửa. Với chức vụ tư tế, người giáo dân dự phần vào mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Kitô, có nghỉa là dự phần vào  những đau khổ, cái chết và sự Phục sinh của Chúa. Với chức vụ tiên tri, người giáo dân được yêu cầu phải làm cho mọi sinh hoạt thường ngày thành những chứng tá cho đức tin. Với nhiệm vụ vương đế, người giáo dân dựng xây vương quốc Thiên Chúa ở trong và ở ngoài Giáo Hội qua những việc làm ghi đậm đức ái, sự thật và công bằng.[11]

2.3 Canh tân về cơ cấu:

Tinh thần hiệp thông, tính tập thể và đồng trách nhiệm: Theo tinh thần của Công đồng Vat. II, Giáo Hội được yêu cầu công nhận người giáo dân là thành viên của Giáo Hội với các khả năng và đặc sủng riêng biệt. Bởi đó, Giáo Hội Á Châu phải nghĩ đến việc canh tân cơ cấu của Giáo Hội. Canh tân không chỉ là củng cố và đa dạng hóa các tổ chức đoàn thể trong Giáo Xứ và Giáo Phận, nhưng là kiến tạo một bầu không khí hiệp thông, tính tập thể và đồng chịu trách nhiệm đối với các sáng kiến phong phú và năng động qua các hoạt động của người giáo dân trong việc cộng tác với hàng giáo sĩ.[12]

2.4 Hoạt động tông đồ của người giáo dân

Các tham dự viên FABC IV đã nhận định rằng, hiện trạng tông đồ giáo dân tại các Giáo Hội Châu Á còn đóng khung trong các hoạt động đoàn thể Giáo xứ và thường lệ thuộc hoàn toàn vào sáng kiến của các cha xứ[13]. Vì thế, FABC IV yêu cầu Giáo Hội tại Châu Á cần mạnh dạn phát huy vai trò người giáo dân tham gia vào công việc tông đồ cách tích cực hơn, khích lệ các sáng kiến, và mời gọi họ dự phần vào các hoạt động tong đồ như là những cộng sự viên chứ không đơn thuần là người thi hành các chỉ thị.

a- Canh tân mối tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân. FABC IV khẳng định rằng, không thể nào chỉ canh tân từ một phía giáo sĩ hay giáo dân, nhưng sự canh tân phải khởi sự từ cả hai. Giáo sĩ và giáo dân có mối tương tác với nhau cách chặt chẽ. Vì thế, trong Giáo Hội không có sự kỳ thị hay áp bức. Linh mục có bổn phận giúp người giáo dân ý thức trách nhiệm của họ trong giáo Hội để họ cùng chia sẻ trách nhiệm xây dựng Hội Thánh Chúa với người linh mục[14].

b) Huấn luyện cho người giáo dân: người giáo dân cần được huấn luyện bao gồm ba lãnh vực này:

-  Huấn luyện toàn bộ về kiến thức đức tin qua các lớp giáo lý

- Huấn luyện cách đặc biệt về kiến thức cũng như lãnh đạo liên quan đến các hoạt động mục vụ như Hội đồng mục vụ, các đoàn thể, các nhóm đặc sủng…

- FABC IV nhấn mạnh đến chương trình huấn luyện: như các khóa huấn luyện dài ngày và ngắn ngày, khóa huấn luyện cuối tuần.[15]

2.5 Linh đạo Giáo dân

FABC IV nhấn mạnh đến linh đạo của người giáo dân: Qua Bí tích Rửa tội, người giáo dân được dự phần vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô, do đó, người giáo dân như là thành phần của Dân Thiên Chúa, hiệp thông với Chúa Kitô và thân thể mầu nhiệm của Người. Vì thế, linh đạo của người giáo dân cũng mang đặc tích Lời chúa và Bí tích. Có nghĩa là, đời sống của người tín hữu phải không thể tách rời khỏi Lời Chúa và Bí tích. Để có thể chu toàn sứ vụ của mình, người giáo dân nhất thiêt phải chăm chú đọc, lắng nghe và sống Lời Chúa, cũng như phải siêng năng lãnh nhận các Bí tích.[16]

 

II – GIÁO HỘI VIỆT NAM

1- Thư Chung 1980

Công đồng Vat. II bế mạc, Giáo Hội Việt Nam vẫn còn đang ở trong tình trạng phân cách Bắc – Nam. Mãi cho tới 1980, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới có cuộc gặp gỡ toàn bộ các Giám Mục Bắc –Nam với bức Thư chung 1980 nổi tiếng . Qua bức thư này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trình bày lại tư tưởng của Công Đồng về Giáo Hội như là một thực thể sống động và mọi sinh hoạt của Giáo Hội là nhằm đưa loài người và “tất cả thực tại của thế giới loài người đến thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý của Thiên Chúa”[17]. Điều đó có nghĩa Giáo Hội tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô là phục vụ mọi người hầu qui tụ mọi người vào Vương Quốc sự sống. Việc phục vụ này không dành riêng cho một ai trong Giáo Hội, nhưng là tất cả mọi người, vì thế Thư chung cũng đã dành hẳn số 12 để ngỏ lời với giáo dân:

“Chúng tôi xin dựa vào Công đồng để nói với anh chị em rằng: Ơn gọi của anh chị em là nên thánh giữa đời bằng cách sống Phúc âm của Chúa Kitô trong các phận sự trần thế (TL. 31; MV. 43). Nhờ anh chị em, Giáo hội hiện diện ngay trong xã hội và góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của Dân tộc. Nghĩa vụ cao cả của anh chị em là sống làm người tín hữu trung thành của Hội thánh Chúa Kitô và làm người công dân tốt của Tổ quốc. Để giúp anh chị em chu toàn nghĩa vụ đó, chúng tôi đặc biệt nhắc nhở anh chị em vài điểm sau đây:

Anh chị em hãy tin vào ơn Chúa Thánh Thần đã được đổ xuống trong lòng để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của anh chị em: cầu nguyện riêng, cầu nguyện chung trong gia  đình và trong xứ đạo. Và nhất là anh chị em hãy đào sâu đức tin bằng việc học và dạy giáo lý ngay trong gia đình của mình. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về việc dạy giáo lý, đã lưu ý chúng ta rằng: ‘Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, kèm theo và phong phú hóa mọi hình thức dạy giáo lý khác’. Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa (Cv 2 2, 42; 1, 8; TL. 11; TĐ. 11; LBTM. 71)

Nhưng trước tiên gia đình của anh chị em phải được xây dựng theo phép đạo. Chúng tôi tha thiết kêu gọi anh chị em thanh niên quan tâm vun trồng tình yêu trong sạch, và khi lập gia đình liệu cho hôn nhân của mình được chan chứa phúc lành của Thiên Chúa.

Các nỗ lực để xây dựng gia đình công giáo theo tinh thần Phúc âm phải đồng thời làm phát triển nơi anh chị em và con cái những đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình, và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Nhờ hiện diện và sinh hoạt tích cực giữa đời như vậy, anh chị em sẽ làm sáng Danh Chúa và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng Đất nước.”[18]

Ở đây điểm tích cực của Thư chung được nhìn thấy chính là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam công nhận vai trò của người giáo dân trong việc làm cho Giáo Hội được hiện diện trong xã hội qua các góp phần xây dựng đời sống vật chất cũng như tinh thần của Dân tộc, hay nói cách khác là đồng hành cùng với Dân tộc. Tuy nhiên, Thư Chung chỉ nhấn mạnh đến việc sống sao cho “tốt đạo” qua việc chuyên chăm học Giáo lý, siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích, và xây dựng một gia đình vững mạnh theo tinh thần Phúc âm. Thư chung không nói đến những chỉ dẫn thần học về nghĩa vụ và trách nhiệm của người giáo dân trong việc tham gia vào các hoạt động của đời sống Giáo Hội; vì thế, người giáo dân khó nhận ra chỗ đứng và vai trò của họ trong Giáo Hội theo tinh thần Công Đồng Vat. II, họ sẽ mãi mang tâm trạng của những người “cấp dưới” chỉ biết thi hành mệnh lệnh của “cấp trên”.

 

2- Đại Hội Dân Chúa 2010

Kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài, và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã khai mở đại hội Dân Chúa với ước mong nhận được sự đóng góp ý kiến xây dựng Giáo Hội Việt Nam từ các thành phần Dân Chúa, hầu đưa ra một định hướng nhằm phát triển Giáo Hội trong tương lai. Đại Hội được khai mở với sự háo hức của các thành phần Dân Chúa tại Việt Nam, nhất là về phía Giáo Dân. Háo hức, vì Công Đồng Vat. II đã được khai mạc 50 năm, thế nhưng thành quả của Công Đồng hình như vẫn còn nằm gọn trong các văn kiện mà chưa được đưa phát huy cách cụ thể trong đời sống Giáo Hội. Đây đó, cũng có những cải cách, đặc biệt trong các cử hành Phụng vụ, được mệnh danh là cải cách theo tinh thần Công Đồng, nhưng thực tế những cải cách đó chỉ mang lại những gì hào nhoáng bên ngoài, để rồi, thay vì đưa người tham dự tới gặp gỡ với Thiên Chúa, người ta lại tạo ra một cái gì đó dung tục trong sự thánh thiêng!

Nhìn lại 50 năm Công Đồng, hình như vẫn còn có gì đó khúc mắc giữa mối tương giao Giáo sĩ và Giáo dân, và người ta tự hỏi đâu là những thực hành Công Đồng theo chỉ dẫn của Hàng Giáo Phẩm Việt Nam? Quả thật, Đại Hội Dân Chúa khai mở làm mọi người nức lòng!

Tài liệu làm việc của  Đại hội Dân Chúa 2010 cũng kỳ vọng:  “sẽ mở hướng cho Giáo Hội tại Việt Nam tiến bước trên chặng đường mới, giữa lòng một đất nước đang đổi thay nhanh chóng trong một thế giới cũng đang không ngừng biến chuyển. Đại Hội Dân Chúa biểu hiện một Giáo Hội hiệp nhất, cùng nhau kiếm tìm và thực thi thánh ý Thiên Chúa, để hoàn chỉnh những gì còn thiếu sót, đồng thời nghiên cứu và phát huy những phương thức mới, hầu tiến bước vững vàng hơn trong cuộc hành trình đức tin với ý thức ngày thêm sâu sắc về mầu nhiệm Giáo Hội, về tình hiệp thông và sứ vụ của đoàn môn đệ Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam”[19]

Hiểu như thế,  Thư Chung Hôi Đồng Giám Mục đã minh định: “Đại Hội Dân Chúa đã được diễn ra như một cử hành phụng vụ để cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa, như một hội ngộ gia đình để sống tình huynh đệ, đồng thời như một diễn đàn, để các đại diện của mọi thành phần Dân Chúa sử dụng quyền tự do thiêng liêng của con cái Chúa, nói lên những nhận thức của trí tuệ được đức tin soi sáng, những thao thức của trái tim được đức mến nung nấu, và những khát vọng của ý chí được đức cậy khơi dậy, nhằm xây dựng và củng cố ngôi nhà Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta hôm nay và ngày mai”[20].

Với khao khát mong muốn làm sáng tỏ vị trí và vai trò của người giáo dân trong đời sống Giáo Hội theo tinh thần Công Đồng Vat. II, Đại Hội Dân Chúa đề nghị:

  • Giáo hội Việt Nam cương quyết thực hiện mô hình Giáo hội hiệp thông và tham gia, Để thực hiện mô hình này, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người giáo dân tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội.
  • Các linh mục cần phát huy cung cách lãnh đạo mang tính tham gia thay cho thái độ độc quyền và độc đoán, cần được học hỏi về phương pháp quản trị điều hành giáo xứ theo một cách thức có khoa học và tổ chức.
  • Cần có qui chế chung trong việc tổ chức giáo phận, giáo xứ, liên quan đến vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của giáo dân.
  • Cần đẩy mạnh hơn nữa việc huấn luyện giáo dân và tổ chức các khóa thần học giáo dân giúp họ được chuẩn bị tốt đẹp khi tham gia vào các lãnh vực đa dạng của Giáo hội và trần thế.
  • Tôn trọng tiếng nói và đề cao sự tham gia của phụ nữ trong các sinh hoạt của giáo xứ, giáo phận.[21]

Đáp lại những đề nghị nầy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 đã chỉ dẫn: “Công đồng Vatican II đã mở đường cho sự tham gia đa dạng của giáo dân vào đời sống Giáo Hội, ngay cả trong việc đào tạo linh mục. Giáo Hội khắp nơi đều thu lượm được nhiều hoa quả từ định hướng này. Trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam, giáo dân đã và đang góp phần thật phong phú và quảng đại cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, như mang Tin Mừng của Chúa đến những vùng xa xôi hẻo lánh, chia sẻ công sức tiền của, nhất là những lời cầu nguyện và bao hy sinh âm thầm để xây dựng sự hưng thịnh và sinh động của cộng đoàn Dân Chúa. Thật đáng trân trọng những đóng góp quý giá đó, nay Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ. Đồng thời, cần canh tân những đường hướng và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội.”[22]

Đại Hội Dân Chúa đã kết thúc, nhưng thành quả của Đại Hội vẫn còn là dấu chấm hỏi. Tuy nhiên, người giáo dân Việt Nam vẫn hy vọng rằng, Đại Hội Dân Chúa 2010 không là một biến cố đơn thuần là để kỷ niệm một biến cố, nhưng là “thời điểm của ân sủng, là kairos qua đó Thiên Chúa muốn làm bừng dậy cuộc canh tân Giáo Hội của Ngài tại Việt Nam”[23], và vì thế, người giáo dân vẫn tràn ngập tin tưởng rằng, thành quả của Đại Hội Dân Chúa sẽ đâm chồi nẩy lộc, người giáo dân Việt Nam thực sự trở thành cộng sự viên của hàng Giáo sĩ trong việc xây dựng và phát triển Giáo Hội, chứ không mãi là những thần phần tiêu cực, thụ động trước thúc bách canh tân của Giáo Hội để đem Tin Mừng đến cho mọi người, không mãi là những tín hữu chỉ biết sống lo toan phần rỗi cho riêng mình, nhưng biết tham gia “vào các sinh hoạt trong cộng đoàn với tất cả tinh thần trách nhiệm, không chấp nhận ‘độc tài’ nhưng cũng không đồng hóa ‘tham gia’ với “dân chủ cực đoan’, vì tất cả đều phải vâng phục Thiên Chúa và cùng nhau hướng đến mục đích chung là xây dựng và phát triển cộng đoàn.”[24]

Để sự kỳ vọng nầy không trở thành vô vọng, có lẽ người giáo dân đang chờ đợi hàng giáo sĩ bắt đầu hành động bằng việc phát huy cung cách lãnh đạo mang tính tham gia thay cho thái độ độc quyền và độc đoán, và khởi sự xây dựng các chương trình huấn luyện cho họ dựa trên nền tảng linh đạo của người giáo dân.

Tác giả: Lm Antôn Hà văn Minh

 

[1] Sứ Điệp của Liên Hội Đồng Giám mục Châu Á lần I, trích trong”For all the people of Asia”, số 36.

[2] X. Sứ Điệp của Liên Hội Đồng Giám mục Châu Á lần III, trích trong”For all the people of Asia”, số 60.

[3] X. Sứ Điệp của Liên Hội Đồng Giám mục Châu Á lần IV, trích trong “For all the people of Asia”, số 33.1.

[4] X. Nt số 3.5

[5] X. Nt số 3.5.4.

[6] X. Nt  số 3.9.4

[7] X. Nt số 3.7.4

[8] X. Nt số 3.8.5

[9] X. Nt số 3.4.4 và số 3.4.8

[10] X. Nt. số 4.1.3

[11] X.Nt. số 4.4

[12] X. Nt. số 4.5.2

[13] X. Nt số 4.6.2

[14] Nt số 4.7.1.2

[15] Nt số2.7.2.1 – 4.7.2.3

[16] Nt, số 4.8.1 – 4.8.6

[17] Thư chung 1980, số 7.

[18] Thư Chung 1980, số 12.

[19] Tài Liệu làm việc Đại Hội Dân Chúa 2010, số 1.

[20] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung công bố ngày 01.05.2011, số 48.

[21] Bản đúc kết các đề nghị tại Đại Hội Dân Chúa 2010, số 11.

[22] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 27.

[23] Đề Cương Giáo Hôi tại Việt Nam: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ, số 1.

[24] Tài lieu lànm việc Đại Hội Dân Chúa 2010, số 16.

 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây