TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C

“Ai là anh em của tôi?” (Lc 10,25-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C

Thứ tư - 09/07/2025 21:46 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   60
“Nhưng ai là anh em của tôi?” (Lc 10, 25-37)

Tin mừng Chúa nhật 15 thường niên -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN15TNc 4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 10, 25-37)

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.


Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C 
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


 

Suy niệm

Nhiều người Kitô hữu vẫn thắc mắc và tự hỏi: ai là anh chị em tôi, bởi tôi có gia đình, có Cha, có Mẹ, có anh chị em, có bà con, bạn hữu, thế thì tương quan anh chị em mà Thầy Chí Thánh chỉ dạy là tương quan thế nào, có phải tương quan huyết thống hay tương quan thiêng liêng, vì tương quan thiêng liêng mà tôi phải có trách nhiệm với những người khác, ngay cả những người tôi không có thiện cảm, không ưa thích, đó có phải là tâm tình tôn giáo đích thực tôi phải thực hiện không, hay đó là một áp lực tinh thần để rồi người tín hữu phải làm việc nhiều hơn, phải cho đi nhiều hơn và phải sống rộng lượng hơn. Câu chuyện trong bài Tin mừng Chúa nhật 15 thường niên nói riêng và phụng vụ Lời Chúa nói chung, sẽ chỉ rõ tương quan từ bản thân tới tha nhân thế nào, từ những mối tương quan đó có thể xây dựng một gia đình thiêng liêng ấm áp.

Trước khi chia tay với cộng đoàn, ông Môisen đã căn dặn mọi người hãy thực thi những huấn lệnh của Thiên Chúa, bởi đó là kim chỉ nam để thờ phượng Thiên Chúa, sống niềm tin và tình hiệp thông trong cộng đoàn được gọi là dân riêng của Thiên Chúa. Bài đọc 1 từ sách Đệ Nhị Luật giúp người đọc và người nghe hiểu ra phần nào Thiên Chúa muốn con người làm gì để tạo dựng tình hiệp thông: “Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi”. Lời dạy của Thiên Chúa luôn là chân lý, là sự sống, nếu con người chấp nhận thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất và thực hiện giáo huấn của Ngài. Những gì Ngài dạy bảo không vượt quá khả năng và sự hiểu biết của con người đâu, tất cả chỉ cần cố gắng ắt sẽ thành công: “Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: ‘Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?’ Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: ‘Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?’ Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Chúa Cha đã trao người Con duy nhất của Ngài cho con người, người Con đó đã đến, đã chỉ dạy cho con người con đường dẫn tới sự sống đời đời. Đón nhận lời chỉ dạy đó, con người được hạnh phúc, từ chối con đường đó, con người rơi vào hố sâu tội lỗi và sự chết, đó là lời nhắc của thánh Tông đồ Phaolô khi gởi lá thư cho giáo đoàn Colose: “Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài”. Thực hành giới luật của Thiên Chúa qua sự chỉ dạy của Đức Giêsu, con người không sợ lạc lối, trái lại, họ được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm có đầu là Đức Giêsu Kitô. Chính trong thân thể mầu nhiệm đó, con người được tiếp nhận sự sống của Thiên Chúa, được trở nên bạn hữu và là những người anh em của Đức Giêsu Kitô, vì thế, bất cứ ai dưới bầu trời này đều là con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau trong gia đình của Ngài.

Làm sao để giữ trọn lề luật, để sống đúng với tinh thần của lề luật, đó là những trăn trở của dân chúng, của các nhà lãnh đạo tôn giáo xưa và ngay cả các Kitô hữu hôm nay, bởi đó là những lề luật đến từ Thiên Chúa. Thánh Luca đã kể lại câu chuyện Đức Giêsu chỉ dạy cho các Tông đồ, cho cộng đoàn xưa và các tín hữu hôm nay qua dụ ngôn đặc biệt này: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương”. Một người nằm bên vệ đường với nhiều vết thương trên mình, những người luôn tự hào là lãnh đạo tôn giáo, là tín hữu ngoan đạo đi ngang nhưng tất cả dửng dưng với sự việc, chỉ người ngoại giáo mới có đôi mắt tình người sáng hơn, đã dừng lại, đón lấy và chữa lành. Ý nghĩa câu chuyện đó như mũi tên đang chọc vào đúng tinh thần của người tín hữu hôm nay, khi không biết ai là anh em của mình khi sống giữa cộng đoàn. Đáng buồn thay.

Sao Đức Giêsu lại lấy hình ảnh của một người ngoại giáo để dạy dỗ các học trò của mình, thiếu gì những câu chuyện đầy nhân văn trong cuộc sống của các anh em. Chắc Thầy mình có một lời chê quá tinh tế. Tính tự mãn đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Do-thái khi họ nghĩ rằng họ là dân riêng của Thiên Chúa, họ đâu cần giữ luật cách nhiệm nhặt nữa, kho tàng lề luật của họ đủ điều kiện để trở thành người công chính rồi. Hơn nữa, họ có một vị thần trổi vượt trên các thần linh khác là Thiên Chúa, Ngài luôn che chở và bảo bọc họ, thế nào cũng được gọi là công chính. Quan niệm đó đã làm cùn mòn những giá trị nhân văn, những hơi ấm tình người nhạt dần và tương quan con người với con người trở nên lạnh lùng. Đức Giêsu xuất hiện giới thiệu những tinh thần mới của lề luật, giúp họ thoát khỏi suy nghĩ chật hẹp bấy lâu, để họ cảm nghiệm được sự chăm sóc của Thiên Chúa thế nào và họ phải đền đáp ân tình đó qua việc đón nhận và chăm sóc anh chị em khi họ gặp những bất hạnh trong cuộc sống.

Quan niệm chỉ cần giữ luật tốt, chỉ cần tới nhà thờ vào những ngày được ấn định là đủ để có tên trong danh sách của Thiên Chúa, đó có phải là một lối suy nghĩ thiển cận không, bởi giới luật của Thiên Chúa tóm gọn trong hai điều: thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn và yêu thương tha nhân như chính mình. Yêu chính mình đã khó, đàng này Thiên Chúa còn đòi buộc yêu tha nhân như yêu chính mình. Thường con người chỉ yêu cái tôi của bản thân, yêu cái ích kỷ của mình hơn là yêu con người thực của mình, vì thế khi cái tôi và sự ích kỷ lên ngôi thì làm sao tương quan với tha nhân có chỗ đứng bên cạnh giới răn thứ nhất được. Nhiều lúc bước vào nhà thờ, chỉ biết ngồi xuống đúng chỗ mình, không can đảm lùi vào trong hay bước lên phía trước để những người đến sau có chỗ ngồi, sẵn sàng ngồi hàng giờ trước màn hình tivi hay điện thoại nhưng nán thêm một chút để cầu nguyện cho các linh hồn thì không dám. Buồn thay cho một lối sống đạo thực dụng và thiếu tình người.

Lạy Chúa, chúng con cứ suy nghĩ mãi vì sao Chúa lấy hình ảnh của người Sa-ma-ri-ta-nô, để nhắc nhở chúng con về tương quan tình người, xin Chúa đánh động tâm hồn mỗi người để chúng con đừng giữ đạo theo lý thuyết, theo sách vở, nhưng hãy giữ đạo theo tinh thần Tân ước, không chỉ giữ đạo nhưng phải sống đạo. Chúa dùng câu chuyện này để nhắc cho chúng con biết không phải đi lễ nhiều, đọc kinh dài hay nghiêm trang, thánh thiện khi tới nhà thờ, siêng năng trong công việc chung là đủ, nhưng cần phải sống đạo với một trái tim mở, cần phải sống đạo với tinh thần hiệp thông thiêng liêng, đó mới là điều Thiên Chúa đợi chờ nơi mỗi tín hữu Kitô hôm nay. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây