TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm C

“Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. (Ga 14, 23-29)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Giê-su: nguồn bình an của tôi

Chủ nhật - 25/05/2025 05:32 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   91
“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27).

Chúa Giê-su: nguồn bình an của tôi

snTM 250525a


Ngày 08/05/2025 vừa qua, toàn thể Giáo Hội Công Giáo vui mừng khi mật nghị Hồng Y đã bầu ra một vị giáo hoàng mới. Tân giáo hoàng tên là Robert Francis Prevost, và ngài đã chọn tước hiệu là Lêô XIV.

Lời chào đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV gửi đến toàn thể các tín hữu là lời chúc “Bình an ở cùng tất cả anh chị em”.

Hôm ấy, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV đã lớn tiếng nói, rất rõ ràng, rằng: “Anh chị em thân mến, đây là lời chào đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, vị Mục Tử nhân lành đã hiến mạng sống vì đoàn chiên của Thiên Chúa. Tôi cũng mong muốn lời chào bình an này thấm sâu vào lòng anh chị em, lan tỏa đến gia đình của mỗi người, đến mọi người, ở bất cứ nơi đâu, đến mọi dân tộc, đến khắp mặt đất. Bình an ở cùng anh chị em!” (nguồn: vaticannews).

Trước hàng ngàn người đứng chật kín quảng trường thánh Phê-rô, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV nói tiếp: “Đây là bình an của Đức Kitô Phục Sinh... Bình an này đến từ Thiên Chúa…”

Đúng vậy. Theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại, lời chào đầu tiên của Đức Giê-su, sau khi Phục Sinh, gửi đến các môn đệ, đó là: “Bình an cho anh em”.

Và, khi nói đến “Đây là bình an của Đức Kitô Phục Sinh”, chúng ta không thể không liên tưởng đến bài huấn từ đã được Đức Giê-su trao đổi với các môn đệ của mình vào những giây phút sinh ly tử biệt, năm xưa.

Trong bài huấn từ đó, Ngài đã nói với các ông rằng: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”

**
Vâng, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”

Nói ban-cho-anh-em-bình-an-của-Thầy, vì hôm ấy, các vị môn đệ rất xao xuyến. Rất xao xuyến là bởi, Đức Giê-su đã loan báo cho các ông biết, rằng: “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.

Suốt bao nhiêu năm Thầy và trò ở bên nhau, hôm nay chỉ còn một-ít-lâu-nữa-thôi, Thầy sẽ ra đi… hỏi sao các ông không buồn rầu xao xuyến, cho được!

Thấu suốt tâm trạng của các môn đệ, Đức Giê-su đã nói với các ông rằng: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3).

Nghe thế, các môn đệ rất bối rối và đã đặt ra nhiều câu hỏi với Đức Giê-su. Vâng, rất nhiều câu hỏi, và Ngài đã trả lời không xót câu hỏi nào.

Rồi, cuối cùng Đức Giê-su nói: “lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”.

Nói xong, Ngài nhấn mạnh: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”

Nghe thế, các môn đệ có hết buồn rầu xao xuyến! Vâng, chúng ta không thấy thánh sử Gio-an nói gì. Chỉ thấy Đức Giê-su tuyên phán: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27).

Một hồng ân… Có thể nói như thế.

***
Xưa, Chúa Giê-su đã “để lại” bình an cho các môn đệ. Và đã ban cho các môn đệ bình an của Ngài.

Nay, đối với chúng ta, cũng không là ngoại lệ. Chúa Giê-su cũng đã “để lại” và “ban cho” chúng ta bình-an-của-Ngài.

Để có thể có được bình an của Chúa ư! Không, không gì tốt hơn là hãy tham dự thánh lễ, mỗi ngày… mỗi tuần.

Trong mỗi thánh lễ, Chúa Giê-su, qua các vị linh mục chủ tế, Ngài vẫn tiếp tục nói với chúng ta, rằng: “Bình An của Chúa ở cùng anh chị em.”

Tham dự thánh lễ, mỗi ngày… mỗi tuần, chúng ta còn có cơ hội “nhớ lại mọi điều (Chúa) đã nói” qua phần phụng vụ Lời Chúa.

Nhớ lại mọi điều Chúa đã nói rất quan trọng. Rất quan trọng là bởi, điều này chứng minh rằng, chúng ta yêu-mến-Chúa. Khi chúng ta yêu-mến-Chúa, điều tất yếu sẽ xảy ra, đó là chúng ta không ngần ngại “giữ lời Chúa”.

Với những ai yêu mến Chúa và giữ lời Chúa… Chúa Giê-su có nói: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.

Cha-Thầy-và-Thầy-sẽ-đến-và-ở-lại-với-người-ấy. Vâng, đó… đó chính là dấu hiệu bình-an-của-Chúa-đang-ở-cùng-người-ấy.

****
Giờ đây, mỗi chúng ta hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi mình rằng: đã bao nhiêu năm là Ki-tô hữu: Bình an của Chúa có luôn ở cùng chúng ta? Bình an của Chúa có luôn ở cùng tôi?

Nếu chưa? Hãy tự hỏi điều gì khiến tôi không có sự bình an trong Chúa? Hãy tự hỏi, phải chăng “tội lỗi” chính là nguyên nhân khiến chúng ta không thể có sự bình an của Chúa?

Đó, đó là một câu hỏi rất chính đáng. Thế nên, chúng ta hãy nghe lại câu chuyện nguyên tổ Adam và Eva.

Chưa phạm tội hai ông bà có một cuộc sống rất bình an. Sau khi phạm tội, hai ông bà mất bình an. Thế là, khi “nghe thấy tiếng Đức Chúa… (hai ông bà) trốn vào giữa cây cối trong vườn để khỏi giáp mặt Đức Chúa”. Khỏi-giáp-mặt-Đức-Chúa chẳng phải là bình-an-của-Chúa không ở cùng, sao!

Vâng, phải tránh xa tội lỗi, chúng ta mới có được sự bình an… bình-an-của-Chúa ở cùng.

David… vua David là một con người đã từng trải nhiều sự bất an trong cuộc đời mình. Bị vua Sao-lê truy sát, sau này bị chính con ruột mình là Apsalon, phản nghịch. Thiên Chúa đã cứu ông. Đó là lý do ông đã để lại cho hậu thế một lời khuyên, lời khuyên rằng: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”.

Cảm nghiệm này, không chỉ có ở vua David, nhưng còn có ở các vị ngôn sứ xưa kia. Ngôn sứ Isaia như một ví dụ. Ông ta cũng đã khẳng định, rằng: Thiên Chúa… “Người là Đấng Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn đời, là Chúa Bình An.” (Is 9, 5).

Thiên Chúa… là Chúa Bình An… là “Đấng yêu thương tất cả chúng ta vô điều kiện.” Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV đã tái xác tín điều này, hôm 08/05/2025, trước khi ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi, cho Roma và toàn thế giới.

Chúng ta cũng tái-xác-tín như ngài! Vâng, nên làm như thế. Nên làm như thế bằng việc ghi khắc trong con tim mình, rằng: Chúa Giê-su: nguồn bình an của tôi.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây