31/05/2025
thứ bảy tuần 6 phục sinh
Đức Maria thăm viếng Bà Elisabeth
Lc 1,39-55
ĐÓN NHẬN MẦU NHIỆM CHÚA
“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,39-55)
Suy niệm: Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ain-Karim, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 7,5km, hai người chị em họ Ê-li-sa-bét và Ma-ri-a gặp nhau, chúc mừng nhau. Thế nhưng, đàng sau cuộc gặp gỡ có vẻ bình thường này là bao ý nghĩa mầu nhiệm đức tin cũng như cung cách đón nhận mầu nhiệm ấy. Cô gái trẻ Ma-ri-a, biểu tượng cho Tân Ước, Hòm Bia giao ước mới, thăm Ê-li-sa-bét, bà mẹ của vị ngôn sứ cuối cùng và vĩ đại nhất của Cựu Ước – Cựu Ước đón mừng Tân Ước khi hai người mẹ ôm nhau. Thai nhi Gio-an nhảy mừng trong lòng mẹ khi nhận ra thai nhi Giê-su, loan báo Đấng Cứu Thế đến với nhân loại, như vài chục năm sau sẽ loan báo trong hoang địa: “Đây là Con Chiên Thiên Chúa.”
Mời Bạn: Để đón nhận mầu nhiệm của Chúa trong cuộc đời, mời bạn học cách đáp trả của bà Ê-li-sa-bét: Bà ca ngợi người em họ mình là “Thân Mẫu Chúa tôi” cũng là tuyên xưng thai nhi trong lòng Đức Ma-ri-a là “Chúa” của mình. Ca ngợi Đức Ma-ri-a là diễm phúc cũng là ngợi khen kỳ công của tình thương Chúa. Bạn cũng vậy, để đón nhận mầu nhiệm đức tin, bạn cũng biết ca ngợi Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi khi tuyên xưng đức tin trong kinh Tin Kính, bạn cũng tiếp tục nhận ra Chúa bằng việc ca ngợi những việc tốt đẹp Chúa thực hiện nơi anh chị em mình.
Sống Lời Chúa: Ngợi khen Chúa trên môi miệng, và sống tình hiếu khách là dành chỗ trang trọng cho Ngài trong gia đình cũng như tâm hồn mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhạy bén nhận ra mầu nhiệm Chúa tỏ bày cho con qua những sự việc và con người bình thường của cuộc sống. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ bảy tuần 6 phục sinh
Ca nhập lễ
Hỡi dân riêng Chúa, hãy rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người – Alleluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử; xin lấy tình Cha mà ây yếm đoái nhìn: này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 18, 23-28
“Apollô trưng Thánh Kinh để minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Sau khi ở lại Antiôkia ít lâu, Phaolô ra đi, lần lượt ngài đi qua các vùng Galata và Phrygia, làm cho tất cả môn đồ thêm vững mạnh.
Bấy giờ có một người Do-thái tên là Apollô, quê ở Alexan-dria, rất lợi khẩu và thông biết Thánh Kinh, ông đến Êphêxô. Ông đã học thông đạo Chúa; ông nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về Ðức Kitô, mặc dầu ông chỉ biết phép rửa của Gioan. Vì thế ông bắt đầu hành động mạnh dạn trong hội đường. Khi Priscilla và Aquila nghe ông, liền đón ông (về nhà) và trình bày cặn kẻ hơn cho ông biết đạo Chúa. Ông muốn sang Akaia, thì các anh em khuyến khích ông và viết thơ cho các môn đồ xin họ tiếp đón ông. Ðến nơi, ông đã giúp các tín hữu rất nhiều, vì ông đã công khai phi bác những người Do-thái cách hùng hồn; ông trưng Thánh Kinh để minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 8-9. 10
Ðáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. – Ðáp.
Xướng: Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. – Ðáp.
Xướng: Vua chúa của chư dân, đã nhập đoàn với dân riêng Thiên Chúa của Abraham. Vì các vua chúa địa cầu thuộc quyền Thiên Chúa: Người là Ðấng muôn phần cao cả! – Ðáp.
Alleluia: Ga 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 16, 23b-28
“Cha yêu mến các con, bởi vì các con yêu mến và tin Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Ðã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thánh hoá và chấp nhận của lễ này, là biểu hiệu lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành lễ vật muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh hay Thăng Thiên
Ca hiệp lễ
Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con, thì Con muốn rằng: Con ở đâu thì chúng cũng sẽ ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con – Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin không ngừng bảo vệ chúng con. Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình để cứu chuộc chúng con, xin cho chúng con cũng được chia sẻ phần vinh quang phục sinh của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
CẦU NGUYỆN NHÂN DANH CHÚA
Lm. Giuse Vũ Công Viện
Phúc âm hôm nay là những lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giê-su trước khi về trời. Chúa Giê-su nhắn nhủ các Tông đồ, trong hoàn cảnh xa cách Thầy, cần gì, các ông cứ xin, nhưng không xin Thầy, mà xin Cha nhân danh Thầy và bất cứ điều gì họ xin nhân danh Thầy, chắc chắn Cha sẽ ban. Lời Thầy nói hôm nay là điều chắc chắn, họ cứ xin đi và họ sẽ được và niềm vui của họ sẽ được trọn vẹn. Nhưng thế nào là cầu xin nhân danh Thầy?
Khi nói “Nhân danh Thầy mà cầu xin cùng Cha Thầy” là chúng ta công nhận chức vụ trung gian của Chúa Giê-su. Nhờ cái chết của Chúa Giê-su mà chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ trung gian của Ngài mà chúng ta đến được với Chúa Cha. Như Ngài đã từng quả quyết: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Như vậy, nhân danh Chúa Giê-su mà cầu xin, có nghĩa là công nhận vai trò trung gian của Ngài giữa chúng ta và Thiên Chúa.
Nhân danh Chúa Giê-su mà cầu xin còn có nghĩa là thần phục ý của Ngài trong đời sống chúng ta. Chúng ta thường cầu xin những gì mà chúng ta cần, nghĩa là chúng ta trình bày những nguyện vọng của chúng ta hay của người khác lên với Chúa. Nhưng khi chúng ta làm công việc đó nhân danh Chúa Giê-su, là chúng ta biểu lộ thái độ khiêm tốn và sẵn sàng thuần phục thánh ý Chúa, chứ không phải là lên kế hoạch cho Chúa, để bắt Chúa thực hiện.
Nhân danh Chúa mà cầu xin còn có nghĩa là hợp nhất với Chúa Giê-su mà cầu xin nữa. Chính sự hợp nhất này làm cho lời cầu xin của chúng ta có giá trị và đáng được Chúa nhận lời. Bởi tất cả chúng ta đều là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa, nên chúng ta không có công trạng gì. Điều làm cho Thiên Chúa nhận lời chúng ta, đó là công nghiệp của Chúa Giê-su.
Chúng ta có nhân danh Chúa mà cầu xin điều gì lúc này không? Chúng ta có được toại nguyện chưa? Nếu chưa thì hãy cứ kiên trì, và trong chờ đợi, hãy tuân phục ý của Ngài. Và có thể ý Ngài trong lúc này là gửi đến cho chúng ta điều đang xảy ra hiện giờ. Cầu nguyện như thế mới là cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su.
Thánh lễ mà chúng ta dâng mỗi ngày, không những là nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô mà dâng, nhưng còn là dâng chính Chúa Giê-su và chính Ngài cũng dâng nữa. Hãy liên kết của lễ là cuộc đời, là con người của chúng ta với Chúa Giê-su, để của lễ cuộc đời chúng ta trở nên một với của lễ của chính Chúa.
CẦU NGUYỆN NHÂN DANH CHÚA GIÊ-SU (Ga 16,23b-28)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Đức Giê-su dạy chúng ta thái độ phải có khi cầu xin với Cha là phải tin và lấy danh Đức Giê-su mà kêu cầu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhận lời. Như thế, lời cầu xin của chúng ta phải ở trong tương quan Cha – con, nghĩa là phải thể hiện lòng tin tưởng phó thác; tin Cha sẽ làm những gì tốt nhất cho mình. Trong niềm xác tín đó, chúng ta luôn mang tâm tình tạ ơn, ngay cả những điều ta xin không được, những điều không hợp ý ta, những điều xem ra không lợi cho chúng ta. Tất cả đều được Cha an bài trong yêu thương và tốt đẹp nhất cho chúng ta.
2. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta có kinh nghiệm về sự bất toàn của mình, cũng như sự giới hạn về uy tín. Vì thế, có những điều chúng ta muốn không được và phải cần đến một trung gian làm cầu nối cho mình.
Hôm nay Đức Giê-su mạc khải cho các môn đệ về vai trò của Ngài trong mối tương quan với Thiên Chúa Cha, và Ngài hứa cho những ai nhân danh Ngài mà xin cùng Thiên Chúa Cha thì Người sẽ ban cho như ý. Đây là cách nhấn mạnh và cụ thể, rõ ràng, chứ thực ra, đã có lần Đức Giê-su nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”, hay: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Tại sao hôm nay Đức Giê-su lại dạy các môn đệ chi tiết và cụ thể đến như vậy? Thưa là bởi vì trước kia, khi Đức Giê-su còn ở với các ông, diện đối diện, nên việc cầu xin nhân danh Đức Giê-su là điều mà ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết, Đức Giê-su sẽ về với Chúa Cha, và như vậy, Ngài đảm nhận vai trò Trung gian giữa con người với Thiên Chúa Cha cách đắc lực và hiệu quả. Vì thế, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ hãy nhân danh Ngài mà xin với Chúa Cha thì sẽ được như ý (Ngọc Biển).
3. Đức Giê-su đã hoàn thành sứ mạng ở trần gian, Ngài loan báo cho các môn đệ là sắp đến giờ Ngài ra đi. Ra đi không phải để đi mất mà để hiện diện lại cách mới mẻ và sâu xa hơn: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian và giờ đây Thầy trở về cùng Chúa Cha”. Phương thế để giữ liên lạc với Ngài và có sức mạnh trung thành đến cùng trên đường thập giá trong sự dấn thân hằng ngày là cầu nguyện. Cầu nguyện với Cha nhân danh Đức Giê-su.
Ngài dạy chúng ta thái độ phải có khi cầu xin với Chúa Cha là: Chúng ta tin và lấy danh Đức Giê-su kêu cầu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhậm lời. Với tâm tình con thảo, như Giáo lý Công giáo dạy: “Việc cầu nguyện cùng Cha của chúng ta phải làm triển nở trong chúng ta ý muốn nên giống như Ngài và nuôi dưỡng nơi chúng ta một tấm lòng khiêm nhu tin tưởng” (GLCG số 2800).
Cha luôn dõi mắt theo từng người con mà ban phát như Đức Giê-su đã khẳng định: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10). Lời cầu xin của chúng ta nhân danh Chúa Con, luôn ở trong tương quan Cha – con, nghĩa là phải thể hiện niềm tin phó thác: Tin Cha sẽ làm những gì tốt nhất cho mình.
4. Sinh hoạt nền tảng nhất của người Ki-tô hữu chính là cầu nguyện. Nhưng mãi mãi, có lẽ chúng ta phải thốt lên như các môn đệ Đức Giê-su: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” vì chúng con chưa biết cầu nguyện. Thay cho một lời giải thích về cầu nguyện, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ kinh Lạy Cha, đó là tất cả cuộc sống của Ngài, một cuộc sống luôn diễn ra phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Như vậy, cầu nguyện là đi vào tri giao mật thiết với Thiên Chúa, hay nói như Áp-ra-ham Lincoln là đứng về phía Chúa. Thật ra, thái độ nền tảng của cầu nguyện là ra khỏi chính mình và đi vào tương quan với người khác. Người không thể đi ra khỏi chính mình và sống tương quan với người khác, không thể cầu nguyện một cách đúng đắn theo tinh thần của Đức Giê-su. Ai biết tôn trọng người khác và thiết lập với người khác tương quan đối thoại và lắng nghe, người đó mới có thể có đủ những điều kiện cần thiết để sống tương quan mật thiết với Đức Giê-su Phục sinh.
5. Truyện: Hiệu lực của lời cầu nguyện.
Một ngày kia, thánh Etienne, vị thánh thành lập hội dòng Grammont, khi ngài đang giảng thuyết trước một cử tọa rất đông đảo người lắng nghe. Bỗng có một người đứng dạy, dám nói thẳng với ngài: “Thưa cha, mặc dù cha nói nhiều đến sự kinh tởm của tội lỗi, con cũng chả thèm muốn hoán cải tí nào cả và con sẽ bực bội khi nghe tin cha cầu nguyện cho con”.
Ngạc nhiên trước những lời nói bạo gan này, vị thánh xúc động đến nỗi ngài phải khóc nức nở. Và ngay sau đó, ngài đánh chuông, tập họp các tu sĩ lại, và ngài nói với họ rằng: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho con người đáng thương này”.
Vài giờ sau đó, trái tim của kẻ tội lỗi cứng đầu đó hoàn toàn thay đổi, anh ta nhận ra tình trạng thảm hại của linh hồn anh ta và quyết định sống một cuộc đời mới.
Anh tìm đến gặp vị thánh, anh đã phủ phục dưới chân ngài và xin ngài tha thứ, anh ta cũng hứa sẽ từ bỏ hết các tật xấu và không bao giờ tái phạm chúng nữa.
Thánh Etienne, nhân cơ hội cuộc trở lại này, ngài đã tỏ cho các môn đệ của ngài thấy sự hữu hiệu của lời cầu nguyện.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đức Maria thăm viếng Bà Elisabeth
Ca nhập lễ
Tất cả những ai tôn sợ Chúa, hãy nghe tôi kể lại; Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, ngay khi còn cưu mang Thánh Tử Giê-su, Thánh Mẫu Ma-ri-a đã được Cha soi sáng và người đã đi thăm bà Ê-li-sa-bét. Xin cho chúng con hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được cùng Ðức Ma-ri-a ngợi khen Cha muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giê-su Ki-tô Con Cha là Thiên Chúa và là Chúa chúng con Người hằng sống và hiển trị cùng Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Xp 3, 14-18a
“Vua Ít-ra-en là Chúa ở giữa ngươi”.
Trích sách Tiên tri Xô-phô-ni-a.
Hỡi thiếu nữ Si-on, hãy cất tiếng ca! Hỡi Ít-ra-en, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi, và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Ít-ra-en là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.
Trong ngày đó, ở Giê-ru-sa-lem thiên hạ sẽ nói rằng: “Hỡi Si-on, đừng sợ! Tay đừng bủn rủn! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Với ngươi, Người làm mới lại tình yêu của Người. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui, như thuở tao phùng”.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Rm 12, 9-16
“Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà”.
Trích thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Anh em thân mến, đức ái không được giả hình: Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành. Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ. Hãy nhân nhượng tôn kính nhau. Hãy siêng năng, chớ biếng nhác: Hãy sốt mến trong tâm hồn và phụng sự Chúa. Hãy hân hoan trong niềm cậy trông, nhẫn nại trong gian truân và kiên tâm cầu nguyện. Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà.
Hãy chúc phúc cho những kẻ bắt bớ anh em: Hãy chúc phúc, chứ đừng chúc dữ. Hãy vui mừng với kẻ vui mừng, và khóc lóc với kẻ khóc lóc. Hãy đồng tâm hiệp ý với nhau: đừng tự cao tự đại, một hãy ưa thích những sự hèn kém. Ðừng tự đắc cho mình là khôn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6
Ðáp: Ðấng Thánh cao cả của Ít-ra-en ở giữa ngươi
Xướng: Này là Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi, tôi sẽ tin tưởng hành động và không sợ hãi: vì Chúa là sức mạnh và là sự ngợi khen của tôi, và Người đã đem lại cho tôi ơn cứu độ. – Ðáp.
Xướng: Hãy tuyên xưng Chúa và kêu cầu thánh danh Người; hãy làm cho các dân tộc biết việc Chúa sáng tạo; hãy nhớ rằng danh Người thật cao sang. – Ðáp.
Xướng: Hãy ca mừng Chúa, vì người đã làm những việc trọng đại; hãy công bố việc đó trong khắp hoàn cầu. Hỡi dân thành Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì Ðấng Thánh cao cả của Israel ở giữa ngươi. – Ðáp.
Alleluia: Lc 1, 45
Alleluia, alleluia! – Hỡi Trinh Nữ Ma-ri-a, phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 39-56
“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.
Trong những ngày ấy, Ma-ri-a chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giu-đê-a. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. Và khi bà Ê-li-sa-bét nghe lời chào của Ma-ri-a, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Ê-li-sa-bét được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Và Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.
“Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Ít-ra-en tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Áp-ra-ham và dòng dõi người đến muôn đời”.
Maria ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, xưa Chúa đã vui lòng chấp nhận cử chỉ bác ái của Thánh Mẫu Ma-ri-a, khi Người mau mắn đi thăm bà Ê-li-sa-bét. Nay xin Chúa cũng thương chấp nhận của lễ chúng con dâng và cho chúng con được hưởng nhờ ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Thiên hạ muôn đời sẽ khen rằng tôi phúc đức, bởi Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng và danh Người là thánh.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin cho Giáo Hội biết ca tụng Chúa vì bao công trình kỳ diệu Chúa làm nên. Và như xưa thánh Gio-an Tẩy Giả đã nhảy mừng vì nhận biết Ðức Ki-tô còn trong lòng mẹ, nay xin cho Giáo Hội, qua bí tích Thánh Thể này, cũng hân hoan đón rước Ðức Ki-tô hằng sống, Ðấng hiển trị muôn đời.
Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Ngày xưa, lễ Đức Maria thăm viếng Bà Êlisabét được mừng vào ngày 2 tháng 7 trong tuần bát nhật lễ sinh nhật Gioan Tẩy Giả, nay được chuyển vào ngày 31 tháng 5, phù hợp với việc cải cách lịch Giáo triều Rô-ma theo sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1969). Vì thế, lễ này ở trong khoảng cách ba tháng tính từ lễ Truyền tin (25 tháng 3) đến lễ sinh nhật thánh Gioan Tiền Hô (24 tháng 6).
Nguồn gốc lễ này có từ thế kỷ VI. Lễ được thánh Bônaventura và Dòng Phanxicô phổ biến ở khắp Tây Phương và nhờ Đức Giáo Hoàng Boniface IX truyền bá trên toàn thể Giáo hội La tinh năm 1389. Tuy nhiên, lễ này chỉ được thực sự lan truyền ở Phương Tây sau Công đồng Bâle mà thôi (1441).
Thông điệp và tính thời sự
a. Trong “Mầu nhiệm” Thăm Viếng, “phụng vụ gợi lại cho chúng ta hình ảnh Đức Trinh nữ Maria diễm phúc cưu mang người Con của mình, đang trên đường đến với Êlisabét để yêu thương giúp đỡ Bà cùng nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ” (Đức Phaolô VI, Tông huấn Marialis cultus, số 7).
Biến cố này đề cao Đức Maria trong cuộc thăm viếng Bà Êlisabét, nhưng hơn nữa, còn đề cao cuộc gặp gỡ giữa Đấng Mêssia – được Đức Maria cưu mang – với vị Tiền Hô của Người đang nhảy mừng trong lòng Mẹ.
b. Lời nguyện nhấn mạnh trước hết đến việc Đức Maria phục vụ người chị họ dưới sự linh ứng của Chúa. Đức Trinh nữ Maria là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38) và cũng là người đến với kẻ khác để phục vụ họ: Bà Êlisabét nói: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? (Lc 1, 43)
c. Chúa Thánh Thần linh ứng cho Đức Trinh nữ Maria thăm viếng người chị họ, thì cũng chính Người lại linh ứng cho Mẹ để chúc tụng Đấng đã đoái thương nhìn tới nữ tỳ hèn mọn của Người (bài Tin Mừng Thánh lễ: Lc 1, 39 – 56)
Bài ca Ngợi khen (Magnificat) của Đức Trinh Nữ Maria là một thánh thi ca ngợi lòng tri ân riêng tư của Đức Trinh Nữ (c. 46-50) trước khi ca tụng tâm tình cảm tạ của dân Giao ước (c. 51-55). Đức Maria nói: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả; Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, kẻ đói nghèo Người ban của đầy dư … vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời.
d. Trong một trích đoạn được đưa vào Các bài đọc – kinh Sách, Bède le Vénérable đã đề cao niềm vui của Đức Maria khi Thần trí Mẹ hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. “Nhờ đặc ân lạ lùng mà Mẹ được cháy lửa mến yêu thiêng liêng đối với Đấng Mẹ hoan hỉ cưu mang trong thân xác mình. Mẹ thật có lý để vui mừng một cách đặc biệt hơn các vị thánh khác trong Đức Giêsu… vì thế, trong Hội thánh có thói quen rất tốt lành là hằng ngày mọi người hát thánh thi của Đức Mẹ khi nguyện kinh chiều”.
Niềm vui của Đức Maria – là hình ảnh của Hội thánh – cũng trở nên niềm vui của toàn dân Giao ước: “Vui ca lên nào, thiếu nữ Sion: Vì kìa Thiên Chúa đến ngự trong nhà ngươi…” (xướng đáp).
Enzo Lodi
THÂN MẪU CHÚA ĐẾN VỚI TÔI
(LỄ ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABÉT)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Đức Maria Thăm Viếng Bà Êlisabét hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Khi Thánh Mẫu Maria vừa cưu mang Chúa Giêsu, Cha đã soi sáng cho Thánh Mẫu đi thăm viếng bà Êlisabét. Xin Chúa cho chúng ta hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được cùng Đức Maria ngợi khen Cha muôn đời. Trong khoảng thời gian giữa Lễ Truyền Tin và Lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Hội Thánh mừng Lễ Đức Maria đi thăm viếng bà Êlisabét. Lễ này mừng biến cố hai bà mẹ gặp nhau, nhưng nhất là, mừng Chúa Cứu Thế trong lòng Đức Mẹ gặp gỡ vị Tiền Hô của mình trong lòng bà Êlisabét. Lễ này tràn ngập niềm vui của Bài Thánh Ca “linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”.
Hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để nhảy mừng vì được Chúa thương tình đoái đến ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Diễm Ca nói: Người yêu của tôi đến. Bà Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần liền kêu lớn tiếng rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi. Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.
Hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để ngợi khen những kỳ công Chúa đã làm cho ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách thánh Bêđa Khả Kính nói: Đức Maria ngợi khen Đức Chúa hoạt động nơi Người… Em thật diễm phúc vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã cho em biết. Bấy giờ bà Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Xin hãy đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi.
Hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để vững dạ an lòng vì Chúa đang ngự giữa ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách ngôn sứ Xôphônia nói: Đức Vua của Ítraen đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Trong bài Đáp Ca, ngôn sứ Isaia cho thấy: Giữa Xion, Đức Thánh của Ítraen quả thật là vĩ đại! Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Đức Mẹ đồng trinh Maria, Mẹ thật diễm phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã cho Mẹ biết. Trong bài Tin Mừng, bà Êlisabét nói: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Mẹ thật diễm phúc vì đã tin, và Mẹ đã không giữ niềm hạnh phúc cho riêng mình, nhưng, đã mau mắn ra đi loan truyền và kể lại những kỳ công Chúa đã làm cho Mẹ, hầu, tất cả những ai tin, thì cũng được phúc như Mẹ. Trong Kinh Magnificat, Mẹ đã tuyên xưng những ơn riêng Chúa đã ban cho Mẹ cách đặc biệt, sau là, kể ra những ơn chung Thiên Chúa không ngừng ban cho nhân loại đến muôn đời. Thần trí Mẹ hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. Mẹ không kể gì là do công trạng riêng, vì cho tất cả sự cao trọng của mình, là do bởi ơn Chúa, Đấng quyền năng đã nâng ta: từ chỗ nhỏ bé thấp hèn, nên mạnh mẽ cao sang. Mẹ dạy ta biết mau mắn đón nhận đức tin và kêu cầu danh Chúa, để ta được thông phần sự thánh thiện và được hưởng ơn cứu độ. Bài Thánh Ca của Mẹ được đọc vào giờ Kinh Chiều thật là thích hợp, vì tâm trí ta sau một ngày làm việc mệt mỏi và ngổn ngang trăm mối, lúc sắp được nghỉ ngơi, có thể hồi tâm để cùng nhau suy gẫm, hầu, nhắc ta năng tưởng nhớ đến mầu nhiệm của Chúa mà thêm lòng sốt mến, và năng suy niệm các gương lành của Mẹ mà thêm vững mạnh trên đường nhân đức. Khi Thánh Mẫu Maria vừa cưu mang Chúa Giêsu, Cha đã soi sáng cho Mẹ đi thăm viếng bà Êlisabét. Ước gì ta hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được cùng Mẹ ngợi khen Cha muôn đời. Ước gì được như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn