TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm C

“Các con hãy xin thì sẽ được”. (Lc 11,1-13)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy vui sống lời kinh Chúa dạy

Thứ bảy - 26/07/2025 04:26 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   78
“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy. cứ gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

Chúa Nhật XVII – TN – C
Hãy vui sống lời kinh Chúa dạy

tbd 260725a


Cầu nguyện là gì? Theo định nghĩa thông thường, “Cầu nguyện là hình thức giao tiếp với thần linh hoặc đấng thiêng liêng, thường bao gồm việc bày tỏ lòng tôn kính, cảm tạ, hoặc xin ơn. Nó có thể là một hành động cá nhân hoặc tập thể, với nhiều hình thức khác nhau, từ đọc kinh, niệm chú, đến thiền định hay suy niệm.” (nguồn: internet).

Là một tín hữu Công Giáo, chúng ta được dạy rằng: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là dâng lời cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn lành phù hợp với thánh ý của Ngài. Cầu nguyện luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, Ðấng đến gặp gỡ con người. Cầu nguyện theo Kitô giáo là một liên hệ cá nhân và sống động của con cái với Cha là Thiên Chúa vô cùng nhân lành, với Con của Người là Ðức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong tâm hồn họ.”

Lại có lời dạy rằng: “Cầu nguyện là hơi thở của đức tin, là cách diễn tả đúng nhất của đức tin; nó giống như tiếng kêu phát xuất từ trái tim của người tin và tín thác vào Thiên Chúa.” (nguồn: internet).

Qua những lời dạy nêu trên, cầu nguyện quả là quan trọng dường nào, phải không, thưa quý vị!

Khi nói cầu nguyện, Đức Giê-su đã dặn dò các môn đệ của mình, rằng “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Chẳng những thế, Ngài còn dạy các ông, khi cầu nguyện, phải cầu nguyện như thế nào. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 11, 1-4).

**
Theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại: Một ngày nọ “Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. (Và khi) Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: Thưa Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”.

Đáp lại lòng khao khát của các môn đệ, Đức Giêsu đã dạy rằng: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển. Triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con xa chước cám dỗ” (x.Lc 11, 2-4).

***
Thật ra, không phải các môn đệ không biết cầu nguyện. Hầu hết các tín hữu Do Thái đều biết cầu nguyện. Theo truyền thống, họ cầu nguyện ba lần mỗi ngày và bốn lần trong ngày lễ Sabát hoặc các ngày lễ quan trọng khác. Ngoài các buổi cầu nguyện chung, người Do Thái còn cầu nguyện riêng và đọc kinh tạ ơn cho những sinh hoạt khác, trong ngày.

Thế thì, vì sao người môn đệ đó lại xin Đức Giê-su dạy cầu nguyện? Xin thưa, Do Thái giáo có nhiều hệ phái khác nhau và tùy theo mỗi hệ phái, cách thức cầu nguyện cũng khác nhau. Các khác biệt có thể kể đến như: “kinh đọc, mức độ thường xuyên của các buổi cầu nguyện, số lượng kinh cầu trong các buổi phụng vụ, cách sử dụng nhạc cụ và thánh ca, các lời kinh cầu theo ngôn ngữ tế lễ truyền thống hoặc tiếng địa phương.” (nguồn: internet).

Mười hai môn đệ là một tập hợp của nhiều vùng miền khác nhau, rất có thể, giữa các ông, với sự bảo thủ theo hệ phái, đã không có một sự thống nhất trong việc cầu nguyện. (Ví dụ ở VN – đi đàng thánh giá ở miền Nam, khác với đi đàng thánh giá ở miền Bắc).

Nay, sau nhiều lần chứng kiến Thầy-của-mình cầu nguyện với một tâm hồn ngây ngất hướng lòng lên Chúa Cha… chắc hẳn hình ảnh linh thiêng đó đã in đậm vào tâm trí các ông với những câu hỏi “vì sao”?

Vì sao mỗi lần Thầy Giê-su cầu nguyện, trời và đất như có sự tâm giao? Vì sao chỉ một lời Thầy Giê-su cầu nguyện “thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người…” (Lc 3, 22).

Có thể… có thể đó là lý do khiến các ông khao khát được chính ông Thầy của mình, chứ không phải “ông Gioan tu rừng”, dạy cho các ông cách cầu nguyện.

Và hôm nay, một-người-trong-nhóm-môn-đệ đã đến xin, Đức Giê-su đã nhậm lời.

Sau khi dạy cầu nguyện, Đức Giê-su bảo các ông, rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy. cứ gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

Và, như một cách nhấn mạnh cho thông điệp này, Đức Giê-su đã làm một so sánh rất thực tế đời thường: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Là một Ki-tô hữu, chúng ta có tin lời dạy (nêu trên) của Chúa không? Chúng ta xin và Chúa có nhậm lời? Câu trả lời có lẽ là cảm nghiệm trong thực tế của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng, khi xin nếu chưa được, Đức Giê-su dạy: “cứ lì ra đó” (x.Lc 11, …8) Nghĩa là: cứ xin… xin hoài… xin mãi… tất nhiên là trong sự xin vâng. “Đừng như ý con… mà theo ý Cha.”

****
Bài cầu nguyện Đức Giê-su dạy các môn đệ năm xưa, hôm nay, chúng ta gọi là “Kinh Lạy Cha”.

Hôm nay, “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy chúng ta dám nguyện rằng: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con ra khỏi sự dữ.”

Khi đọc những lời mở đầu của bài cầu nguyện này, một cách nào đó, chúng ta đã đặt Thiên Chúa trên hết tất cả những danh dưới gầm trời này. Và, đó là lý do, chúng ta hãy “yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” của chúng ta.

Khi đọc những lời cầu nguyện tiếp theo, đừng quên lời Đức Giê-su đã truyền dạy rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Thật vậy, chúng ta không thể nói tôi “yêu người” khi chúng ta không “tha kẻ có nợ chúng ta.”

Về điểm này, cố ĐTC Phanxicô, có lời chia sẻ, rằng: “Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su dạy chúng ta tha cho những ai lỗi phạm với chúng ta như Cha tha cho chúng ta, nên đây là lời kinh đem đến ý thức anh chị em với nhau, ý thức chúng ta là một gia đình. Thay vì hành xử như Cain thù ghét em trai mình, điều quan trọng là chúng ta phải biết tha thứ, quên đi những lỗi phạm với chúng ta, hãy có thái độ lành mạnh biết nói rằng ‘thôi quên đi’ và đừng tích tụ những cảm giác hiềm khích, phẫn uất hay muốn báo thù”.

Một lời nhắn nhủ của cố ĐTC Phanxicô, tưởng chúng ta cũng nên ghi khắc trong con tim mình, lời nhắn nhủ rằng: “Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta có thể cảm nhận Chúa đang nhìn mình và lời kinh này phải là đá tảng cho đời sống cầu nguyện của chúng ta”. (nguồn: INTERNET).

“Là đá tảng cho đời sống cầu nguyện của chúng ta.” Do vậy, mỗi khi đọc bài kinh cầu nguyện này, đừng đọc như một “con vẹt”, như là để “trả bài” trước mặt Thiên Chúa. Đọc như thế, có thể nói rằng, chúng ta đang biến mình thành “cái máy cassette tụng kinh”. Đọc như thế, có khác nào “lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời”.

Vâng, Đức Giêsu nói: “Đừng bắt chước họ.” Thế nên, để không bị gọi là lải-nhải-như-dân-ngoại, sau mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy “sống trọn lời kinh Lạy Cha”. Nói, theo cách nói của cha Antôn Nguyễn Trường Thăng, đó là: “Hãy vui sống lời kinh Chúa dạy.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây