TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm C

“Các con hãy xin thì sẽ được”. (Lc 11,1-13)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm C

Thứ sáu - 25/07/2025 21:05 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   62
“Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng” (Lc 11, 1-13)

Chúa nhật tuần lễ thứ 17 thường niên C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN17TNc 5


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 11, 1-13)

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’”.

Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần. “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. “Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.


Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm C 
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Cuộc sống hôm nay có nhiều áp lực đè nặng trên đôi vai con người, những áp lực đó làm cho tinh thần và sức khỏe con người sa sút và lắm lúc như rơi vào bế tắc. Từ đây, con người cố gắng tìm ra một lối đi mới cho cuộc sống đó là đi chữa lành. Họ tìm tới những không gian tĩnh mịch, những cảnh vật thiên nhiên hoang sơ để mở tâm hồn mình ra, mở tâm trí ra, tất cả giúp cho tinh thần nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn và có nhiều khoảng trống để tiếp nhận lại nguồn năng lượng mới, giúp bắt đầu trở lại với cuộc sống cách tích cực. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 17 thường niên mở ra cho người tín hữu một lối nẻo về đời sống tinh thần, giúp họ giải tỏa tất cả những khó khăn, những thách đố và cả những thất bại trong hành trình cuộc đời, đó là con đường tiếp cận với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện.

Khó khăn lớn nhất của người tín hữu khi nhắc đến cầu nguyện đó là chỉ quan tâm tới bản thân, về những nhu cầu hiện tại và tham vọng tương lai. Thiên Chúa không muốn con người dừng lại nơi chủ nghĩa thực dụng đó, nhưng hãy bước ra khỏi chính mình để cầu nguyện cho tha nhân, cho cộng đoàn và cho cả kẻ thù. Bài đọc 1 trích từ sách Sáng thế kể lại gương đức tin của tổ phụ Abraham khi ông cầu nguyện cho hai thành phố đầy tội lỗi: “Trong những ngày ấy, Chúa phán: “Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng kêu thấu đến tai Ta hay không, để Ta sẽ biết rõ”. Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu”. Tâm tình cầu nguyện của tổ phụ hướng về tha nhân khi thấy họ đang đứng trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, họ chỉ là nạn nhân của tội lỗi và sự chết, tổ phụ cầu mong lòng nhân từ của Thiên Chúa, xin tha thứ và cứu sống họ.

Con người luôn mặc cảm tự ti về bản thân khi nói về nguồn cội của mình, xuất thân từ tội lỗi, thế nhưng thánh Tông đồ Phaolô đã minh định cho con cái của ngài nói chung, đặc biệt là con cái thành Co-lo-se rằng, họ đã được Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô cứu sống khi Ngài cho họ chung sống với Ngài trong mầu nhiệm phục sinh, khi mọi tội lỗi của con người đã được Ngài đóng đinh vào thập giá: “Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá”. Lòng nhân từ và khoan dung của Thiên Chúa không có bờ bến, không có giới hạn, tất cả như một dòng chảy của tình thương, lan tỏa tới mọi tâm hồn, mọi con người thuộc mọi thời đại và nơi chốn, bởi họ là con cái Thiên Chúa, là nạn nhân của sự chết và Ngài đã dùng chính cái chết của Ngài để cứu họ, cho họ được sống và sống dồi dào.

Trong hành trình theo Chúa của các Tông đồ, khó khăn các ngài gặp phải đầu tiên là việc cầu nguyện, họ không chấp nhận cầu nguyện như các nhà lãnh đạo tôn giáo bấy lâu nay họ thấy, họ như bế tắc chưa tìm ra lối nẻo để có thể thưa chuyện với Thiên Chúa Cha, Đấng mà Thầy Chí Thánh đã giới thiệu với họ, vì thế, họ đã xin Thầy chỉ dạy, giúp họ cầu nguyện cách nhẹ nhàng và ấm cúng: Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Người Do-thái chỉ cầu nguyện theo một lối mòn gọi là cầu xin hơn là cầu nguyện, bởi họ chỉ hướng tới những nhu cầu hàng ngày của mình, chứ chưa thực sự hướng tới một tương quan tinh thần giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Muốn gặp gỡ Thiên Chúa, con người cần phải mở lòng mình, mở tâm trí và mở cả đôi tay của mình, tất cả giúp thấy con người trần trụi của mình và tình liên đới giữa người với người, từ đó hướng về Thiên Chúa, con người có thể trò chuyện với Ngài cách gần gũi hơn.

Nói đến việc cầu nguyện, đầu tiên người tín hữu thường đối diện với những khó khăn như: không thể tập trung tinh thần để cầu nguyện; hơn nữa, việc cầu nguyện phải đem lại hiệu năng tức thì và đủ đầy, xin là phải cho và phải được; lúc cầu nguyện, người tín hữu coi mình như một em nhỏ, chỉ biết ngồi chờ sung rụng, chờ hưởng thụ chứ chưa thực sự cố gắng và bắt đầu từ chính mình. Cuộc sống đầy áp lực, vì thế khi cầu nguyện tất cả những yếu tố thực dụng cứ ẩn hiện trong tâm trí, không thể có một không gian trống rỗng trong tâm hồn để họ có thể nói chuyện với Thiên Chúa, nghe lời chỉ dạy của Ngài và tìm ý Ngài. Nếu có thể bước vào việc cầu nguyện, họ luôn mong rằng cầu là được, ước là thấy, những gì mình xin là sẽ được ngay và liền, nhưng tính hiệu năng của lời cầu xin có đem lại lợi ích cho mình, cho tha nhân hay không, vì thế, việc cầu nguyện như một nhu cầu về đời sống vật chất, quên nghĩ rằng cần có thời gian để mình thích nghi với những nội dung lời cầu nguyện, vì thế, khó khăn tiếp theo là không thể cầu nguyện được vì Thiên Chúa chưa nghe lời cầu của họ. Tâm trạng tiếp là khi cầu nguyện, con người như đứng đợi kết quả ngay và liền, chưa thực sự tin vào chính mình và lời cầu nguyện của mình, họ như một đứa trẻ xin cha mẹ nó cái gì đó cần và chỉ đứng đợi để nhận lại, Thiên Chúa là một người Cha tốt lành, Ngài sẽ cho gì lấy gì là tùy thuộc vào lợi ích của mình hôm nay và ngày mai, đừng thụ động nhưng hãy làm việc, hãy mở trái tim để cầu nguyện.

Mỗi khi cầu nguyện, tâm tình đầu tiên là hãy kiến tạo cho mình một không gian tinh thần thực sự, chính khi mình bước vào không gian tinh thần đó, tâm tình cầu nguyện và nội dung sẽ vượt ra khỏi giới hạn nhỏ bé của con người và hướng tới một Đấng cao cả, đầy yêu thương, họ sẽ nghe nhiều hơn là nói, sẽ hành động nhiều hơn là đọc lý thuyết, công thức, từ đó họ sẽ đặt mình là một con người nhỏ bé vào trong lòng bàn tay lớn lao của Thiên Chúa. Nếu chỉ dừng lại chung quanh những nhu cầu cá nhân thì chỉ là cầu xin, Thiên Chúa muốn khi con người cầu nguyện, hãy mở trí và tâm hồn hướng về Thiên Chúa và tha nhân. Tổ phụ con người đã kỳ kèo với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện khi Ngài có ý đánh phạt hai thành phố lớn, nếu người tín hữu luôn biết cầu nguyện cho sự yếu đuối của anh chị em, cho sự mong manh của phận người và cho những vấp ngã của những người con Thiên Chúa, hiệu năng của lời cầu nguyện sẽ gia tăng gấp bội, giúp mọi người tìm thấy sự bình an trong cuộc sống, giúp họ can đảm để vượt qua mọi thử thách. Vì thế, nếu xin Thiên Chúa đừng cất khỏi cuộc đời con mọi khó khăn thử thách, thì cuộc đời sẽ vô vị, nhưng hãy xin Ngài giúp con biết dựa vào Ngài để vượt qua mọi khó khăn thử thách, và đó mới thực sự là lời cầu nguyện chân thành và ý nghĩa nhất.

Lạy Chúa, trước mọi biến cố quan trọng trong chương trình cứu độ con người, Chúa luôn cầu nguyện, tìm thánh ý Cha, xin giúp chúng con luôn biết cầu nguyện tìm ý Thiên Chúa trong ơn gọi, trong hoàn cảnh hiện tại của chúng con, để chúng con sống và chu toàn bổn phận vuông tròn thánh ý Cha. Mỗi ngày sống, con người cần có thêm nguồn năng lượng mới để sống và làm việc, xin giúp chúng con ý thức rằng cầu nguyện là lúc chúng con tiếp nhận nguồn năng lượng thiêng liêng để sống ơn gọi làm con Chúa ngày một hoàn thiện hơn như lòng Chúa mong ước. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây