TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bước Vào Mùa Hồng Ân Cứu Độ

Thứ bảy - 30/11/2024 09:14 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   332
Với Chúa Nhật I Mùa Vọng, chúng ta bước vào năm Phụng Vụ mới theo chu kỳ là Năm C. Trong Mùa Vọng này, chúng ta sống lại tâm tình của dân Do-thái xưa chờ đón Chúa đến.
Bước Vào Mùa Hồng Ân Cứu Độ

BƯỚC VÀO MÙA HỒNG ÂN CỨU ĐỘ


Với Chúa Nhật I Mùa Vọng, chúng ta bước vào năm Phụng Vụ mới theo chu kỳ là Năm C. Trong Mùa Vọng này, chúng ta sống lại tâm tình của dân Do thái xưa chờ đón Chúa đến. Nhưng khác với dân Do thái, chúng ta biết rằng Chúa đã đến rồi trong thân phận yếu hèn của kiếp người, hiện nay Ngài vẫn hằng đến với chúng ta mọi ngày cách mầu nhiệm và Ngài sẽ đến sau cùng với chúng ta trong vinh quang, gần nhất vào ngày mỗi người từ giả cuộc sống trần thế này, và xa hơn vào ngày Quang Lâm của Ngài. Cũng như thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu, thánh Lu-ca đặt bài diễn từ về ngày Quang Lâm của Đức Giê-su vào lời giáo huấn sau cùng của Ngài ở Giê-ru-sa-lem, không bao lâu trước cuộc Thương Khó của Ngài[1]. Các bài đọc nhấn mạnh việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa, ban Đấng cứu độ cho trần gian là Đức Giê-su Ki-tô; đồng thời cũng nhắc lại lời hứa của chính Đức Giê-su: Người sẽ đến lần thứ Hai trong vinh quang.

Trong Kinh Thánh, những điềm báo về việc Thiên Chúa can thiệp dứt khoát trong lịch sử, đề tài này xuất hiện rất sớm, chẳng hạn như Đức Chúa gieo rắc sự kinh hoàng tại đất Ai-cập trước khi giải phóng dân Ngài (Xh 7, 14 - 11, 8). Đức Giê-su loan báo ngày tận thế theo cùng tiến trình: “Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc”, trong khi những người công chính “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Những điềm trời thường được các ngôn sứ sử dụng để loan báo những án phạt của Thiên Chúa trên các dân ngoại áp bức dân Ít-ra-en, cũng như trên chính dân Chúa chọn khi dân bất trung như Is 13, 10: “Quả vậy, tinh tú bầu trời và các chòm sao sẽ không chiếu sáng nữa, mặt trời vừa mọc lên đã tối sầm, mặt trăng sẽ không còn tỏa sáng”. Đức Giêsu nói đến ngày thế mạt: Con người có thể hiểu được lí do tại sao Chúa đưa ra những thực tế đang diễn ra ngay xung quanh, mà người ta không thể biết hết được, để nhắc họ luôn sẵn sàng chờ ngày kết thúc toàn thể vũ trụ con người. Chúa là chủ vũ trụ, có nghĩa là tất cả vạn vật đều phải tuân theo đường lối của Người. Một khi không còn là mục tiêu của Người nữa, nó sẽ lỗi hàng thất thứ, mặt trăng không còn chiếu sáng. Ai chống lại là tự lên án cho chính mình mà thôi.  Đức Giêsu nói đến ngày Người Quang lâm: Sẽ có những điềm lạ trên trời, dưới đất, dưới biển, các tầng trời bị lay chuyển, nhưng sau đó là đến ngày của Con Người. Tiên tri Đaniel nhìn thấy Con Người trong thị kiến: "Này đây xuất hiện trên đám mây một kẻ có khuôn mặt con người. Người được long trọng trao ban vinh quang và vương quyền, mọi dân nước và ngôn ngữ đều tùng phục Người"(Dn 7,13-14). Chính Đức Giêsu cũng nói việc Người lại đến: "Và bây giờ người ta sẽ thấy Con Người đến trong đám mây với quyền năng và vinh quang cao cả." Thánh Lu-ca gợi lên những hình ảnh truyền thống và quy ước về những xáo động trên đất và biển như khúc dạo đầu “Ngày của Chúa”, vì những hình ảnh nầy diễn tả những vùng vẫy sau cùng của những quyền lực sự ác trước khi chúng bị tiêu diệt; nhưng thánh ký không chú tâm đến những hình ảnh này; ông ngỏ lời với quần chúng ít quen thuộc với thể loại văn chương khải huyền Do-thái. Tất cả từ vựng này được sử dụng cốt nhấn mạnh quyền tối thượng của Đấng “ngự trong đám mây mà đến”.

Đức Giê-su đã loan báo nhiều lần rồi cho các môn đệ về cuộc trở lại đầy quyền năng và vinh quang của Ngài dưới danh hiệu Con Người; ở đây Ngài đặt danh hiệu này vào trong bối cảnh gốc của nó hầu như theo sát nguyên văn, thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en: “Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến” (Đn 7, 13). Do đó, danh hiệu mà Đức Giê-su tự nhận cho mình được khám phá với tất cả trương độ ý nghĩa của nó. Trong thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en, Con Người là thủ lãnh “dân thánh của Đấng Tối Cao”. Với tư cách là Con Người, Đức Giê-su mang lấy vận mệnh nhân loại. Vinh quang của Ngài cũng sẽ là tôn vinh tất cả những ai đã tin vào Ngài.

Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su đã gợi lên viễn cảnh này rồi ở nơi các dụ ngôn kêu gọi sự tỉnh thức của Ngài: “Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng , vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12, 40) và ở nơi việc Ngài so sánh Triều Đại của Ngài với trận đại hồng thủy xảy đến bất ngờ: “Vì ánh chớp lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng là như vậy trong ngày của Người” (Lc 17, 20). Ở đây, Đức Giê-su sử dụng hình ảnh “chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu” mà ngôn sứ I-sai-a đã dùng: “Nào kinh hoàng, nào hố sâu, nào dò lưới đang chờ đợi ngươi, hỡi cư dân trái đất” (Is 24, 17). Khi căn dặn các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô cũng theo truyền thống như vậy: “Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1Tx 5, 2), điều nầy không loại trừ thời kỳ gian nan khốn khó sau cùng: “Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2Pr 3, 10). Người Kitô hữu hãy luôn sống trong hi vọng: Cảnh đổ vỡ tan hoang sẽ nhường chỗ cho Đấng ngự trên mây, là Đức Giêsu quang lâm, một trời mới, đất mới, vinh hiển muôn đời. Đó chính là chương trình tái sáng tạo diệu kì của Tạo Hoá, chương trình cứu độ Thiên Chúa dành cho loài người, đó là niềm vui, vinh quang; những ai tin vào Chúa sẽ không còn sợ hãi. Để đạt được những hi vọng trên, người ta phải ở trong tư thế chuẩn bị. Ngày phán xét theo Kinh Thánh chắc chắn sẽ đến, mà ngoài Chúa, con người không thể biết được giờ nào, ngày nào. Đó là ngày của Chúa, ngày mà Chúa sẽ phán xét mọi người, mọi giai cấp, tôn giáo, chế độ; mọi bí mật sẽ bị tiết lộ phanh phui. Con người phải tỉnh thức và sống xứng với nhân phẩm của mình. Đừng để đam mê, tiền bạc, quyền lực quyến rũ, mà quên thân phận con người. Khi biết có kẻ trộm đến nhà, liệu người ta có đề cao cảnh giác mà canh chừng đêm ngày không? Hay là để mặc cho “lũ trẻ” trông coi, mặc cho vận may, để rồi chấp nhận hậu quả là mất tất cả.    

Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian. Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu, và gọi vào hưởng phúc Nước Trời.[2]

 

Đức Hữu


[1] Trong cả ba Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giê-su công bố bài diễn từ này vào dịp Ngài rao giảng về sự sụp đổ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21, 6). Viễn cảnh này làm xao xuyến các môn đệ đến độ các ông liên kết nó với viễn cảnh ngày tận thế. Về phần mình, thánh Lu-ca cẩn trọng ghi nhận giữa hai biến cố này có một thời kỳ trung gian, “thời kỳ dân ngoại” ở 22, 24 ngay trước đoạn trích này: “Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại”. Theo thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu, Đức Giê-su công bố diễn từ này trên núi Ô-liu, khi ngỏ lời với các môn đệ, hay chỉ một nhóm nhỏ, theo Mác-cô. Thánh Lu-ca định vị nó vào ở trung tâm Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nơi mà việc sụp đổ sắp xảy ra (thành thánh Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ luôn luôn là trọng tâm của những viễn cảnh sách Tin Mừng Lu-ca). Bên kia các môn đệ, Đức Giê-su ngỏ lời với đám đông; như vậy thành thánh Giê-ru-sa-lem nghe công bố ngày Quang Lâm của Đấng mà nó sẵn sàng giết chết. Người ta đặt vấn đề: tại sao Phụng vụ lại nhắc đến những biến cố hãi hùng, những tai hoạ khủng khiếp, thay vì những sứ điệp vui mừng về ngày Chúa đến?
 

[2] Lời tổng nguyện Chúa nhật I Mùa Vọng năm C

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây