TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Càng giữ Luật, càng Tự Do

Thứ ba - 27/02/2024 05:22 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   1779
Mùa Chay được mô tả như là một thời gian ân sủng để bỏ lại quá khứ tội lỗi để bước vào đời sống tự do trong ân sủng và sức sống của Thiên Chúa.
Càng giữ Luật, càng Tự Do

CÀNG GIỮ LUẬT, CÀNG TỰ DO

Sứ điệp Mùa Chay 2024 với tựa đề: “XUYÊN QUA SA MẠC THIÊN CHÚA DẪN TA TỚI TỰ DO”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh về sự tự do. Đây là cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do. Ý tưởng này nhắc nhở về lời mở đầu của Mười Điều Răn mà dân Chúa nhận được trong sa mạc (núi Sinai). Mùa Chay được mô tả như là một thời gian ân sủng để bỏ lại quá khứ tội lỗi để bước vào đời sống tự do trong ân sủng và sức sống của Thiên Chúa. Đây là thời gian “Thiên Chúa uốn nắn dân Ngài” thành một dân tự do. Khởi hứng đi từ chủ đề này, xin được nhìn lên Đức Giêsu trong vai trò của một người kiện toàn Lề Luật để khám phá ra sự tự do của những người con cái Chúa khi bước đi trong Ân Sủng.

Có một câu chuyện kể rằng, ở một giáo xứ nọ thật xa, có vị linh mục kia, ra dâng lễ, Ngài thấy lễ sinh không thắp đúng số nến, theo bậc lễ như luật dạy, thế là chỉ trỏ, mắng chửi, quạu cọ suốt buổi lễ. Buổi chiều đến, Ngài cùng giới trẻ đá banh tại sân nhà thờ, sau một pha va chạm khiến chân phải Ngài bị đau. Theo luật tại giáo phận của Ngài, khi dâng lễ thì Linh Mục phải mang giày. Vậy là tối hôm đó lên dâng lễ, chân phải Ngài đau không mang giày, nhưng chân trái vẫn mang giày nghiêm chỉnh đúng luật!

Có thể nói luật như hai bờ của dòng sông. Hai bờ khiến dòng sông trôi chảy về đích điểm là biển cả, thay vì tràn lan mất hút. Quả vậy, tôn giáo nào cũng có Luật, có Giới, để giữ gìn và thăng tiến việc tu tập hành trì. Như Kitô Giáo, tín hữu có Mười Giới Răn của Chúa, Sáu Giới Răn Hội Thánh (giờ là Năm). Vị Tỳ Kheo Phật Giáo thọ 250 giới, Tỳ Kheo Ni thọ 348 giới.

Đức Giê-su kiện toàn Lề Luật

Có thể nói, từ trước tới giờ, chưa từng có rabbi Do Thái nào có thể nói như Chúa Giêsu. Vì đối với người Do Thái, Luật Môsê là bất di bất dịch, thế nên chỉ có thể thi hành mà không được phép thêm hay bớt bất cứ điều gì. Thầy Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabat, chẳng kết án người đàn bà ngoại tình, nhiều khi sà xuống ăn uống mà chẳng rửa tay. Những chuyện đó, trái mắt những nhà “đạo đức” lắm.

Thực ra, khi đưa ra những cách giải thích mới mẻ, Chúa Giêsu không hề có ý bác bỏ Luật Môsê như người ta tố cáo Ngài, trái lại, Ngài chỉ kiện toàn Luật, hay nói đúng hơn, Ngài mang lại cho Luật Môsê một tinh thần mới, như lời Ngài khẳng định: ”Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (Mt 5,17). Chúa Giê-su đưa Lề Luật đến đỉnh cao và chiều sâu tinh túy của nó. Ngài đưa Luật vào trong Tâm, không còn hệ tại nơi điều này điều nọ cho bằng Tâm chí thành, kính tín, thương yêu.

Khi khẳng định: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi”, Chúa Giê-su mượn kiểu nói văn chương mà các kinh sư thời đó thường dùng. Qua kiểu nói này, các kinh sư cho thiên hạ thấy họ là những bậc thầy giải thích luật, nhưng không bao giờ cho phép mình sửa đổi bất kỳ chi tiết nhỏ nhặt nào của Lề Luật. Tuy nhiên, Chúa Giê-su hạn định lời khẳng định của mình: “cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. Có lẽ, phải hiểu cho đến khi cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, một trật tự Luật mới được thiết lập.

Điều quan trọng của Lề Luật

Chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu đề cập đến “kẻ nhỏ nhất” và “kẻ lớn nhất”. Điều này không phải diễn tả chiều kích hơn thua, nhưng là kiểu nói trong văn hóa sê-mít hầu bày tỏ sự tán thành hay không tán thành đối với cách hành xử của một người nào đó. Đàng khác, Tin Mừng của thánh Mát-thêu ngỏ lời với độc giả Do-thái. Điều quan trọng là phải chỉ cho họ thấy rằng Chúa Giê-su đã không thực sự hủy bỏ Lề Luật, ít nhất những lệnh truyền luân lý của Lề Luật (những chỉ thị về nghi lễ nhất thiết trở nên lỗi thời đối với những Ki-tô hữu gốc Do-thái), nhưng Ngài kiện toàn Lề Luật.

Chúa Giê-su sắp kiện toàn Lề Luật, thậm chí đưa nó trở về sự tinh tuyền nguyên thủy khi định vị những yêu sách của Lề Luật trước tiên ở nơi lòng dạ chính trực và phân định luật yêu thương như luật cao hơn tất cả mọi luật khác.

Ngày nay, nhiều người hay đồng hóa và giảm thiểu tôn giáo chỉ còn là lề luật! Ngày Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh, “phải” ăn chay. Tuy nhiên chẳng may ăn cái gì có tí thịt mỡ lẫn vào, hoặc lỡ quên tóm tém cục kẹo, thế là sợ hãi muốn chết đi được, cho rằng Chúa sắp phạt xuống hỏa ngục tới nơi. Đi xưng tội nhiều lần, rất tốt. Nhưng thiết nghĩ, lối suy nghĩ Bí Tích Hòa Giải là giúp cho hối nhân được sạch sẽ nên đi sau việc được tâm sự với Người Bạn thân thiết Giêsu, gặp gỡ và trao vào Tấm Lòng Giêsu mọi hay dở hư hèn yếu đuối. Khi ấy, việc xưng tội là cơ hội để giao tiếp sâu xa với Thầy Giêsu trong Tình Yêu cậy tin phó thác. Bí Tích Hòa Giải là một con đường gặp gỡ với Giêsu thay vì là công cụ giữ luật sợ phạm tội!

Chớ gì mỗi chúng ta cùng ý thức được điều đó, để giữa cuộc đời muôn vạn nẻo đường, chúng ta luôn biết khôn ngoan và tỉnh táo để lựa chọn cho mình con đường đúng đắn nhất đó là còn đường Giêsu. Bởi chỉ trên con đường của Chúa, chúng ta mới có thể bước đi bình an và nắm chắc phần thưởng Nước Trời.

“Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết. Lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con” (Tv 25,4).

Đức Hữu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây