TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy đến nhà thờ…

Thứ sáu - 23/02/2024 19:18 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   845
“Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.”

Chúa Nhật II – MC – B
Hãy đến nhà thờ…

tbd 240224a


Như chúng ta được biết, tông đồ Gio-an có lời dạy rằng: “Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1Ga 4, 9-10).

Và, Giáo Hội Công giáo cũng đã tuyên xưng rằng: Đức Giê-su “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.”

Lời dạy của tông đồ Gio-an, cũng như lời tuyên xưng của Giáo Hội, không xuất phát do trí tưởng tượng của một ai đó, nhưng là do chính Đức Giê-su công bố, hơn hai ngàn năm xa trước đó.

Thật vậy, trong những ngày còn tại thế, một ngày nọ, Đức Giê-su đã dạy cho các tông đồ biết rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.”

Đức Giê-su đã “nói rõ điều này không úp mở.” Vâng, không úp mở, thế nhưng, với các tông đồ năm xưa, lời dạy này xem ra có vẻ như không hợp ý các ông chút nào.

Khi nói tới cuộc tử nạn và Phục Sinh của Thầy Giê-su, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô nghĩ rằng, đó là điều không thể xảy ra. Và, đó là lý do niên trưởng Phê-rô đã có một sự phản ứng quyết liệt. Chuyện kể rằng: ngài Phê-rô “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.”

Trách gì? Thưa, thánh sử Mác-cô không nói gì. Nhưng thánh sử Mát-thêu cho biết, ngài Phê-rô nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”

Có thể nói, đây là một lời “trách” đáng yêu. Ấy thế mà, Đức Giê-su lại không hài lòng về lời “phát biểu” của ngài Phê-rô.

Hôm ấy, sau khi nghe Phê-rô nói như thế, Đức Giê-su đã “quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Sa-tan, lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Tư tưởng của Thiên Chúa là gì? Phải chăng chính là lời Đức Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô, rằng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”!?

Thưa đúng vậy. Đức Giê-su đã tuyên bố như thế. Và Ngài đã có một cuộc hiển dung trên một ngọn núi cao, trước sự chứng kiến của ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, như một cách để mở đôi mắt tâm linh của các ông, ngõ hầu các ông thấy rõ đâu là “Ý Của Thiên Chúa”.

Vâng, sự kiện “Đức Giê-su Hiển Dung” đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**
Chuyện được kể rằng: Một ngày nọ, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình”.

Ngài đưa các ba chàng ngự lâm này, đi đâu? Thưa: “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao”.

Khi Thầy và trò đã ở trên núi, chuyện kể tiếp rằng: Đức Giê-su “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.”

Ba người môn đệ còn thấy “ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.” Chứng kiến sự kiện vô tiền khoáng hậu này, ông Phê-rô không thể kiềm chế cảm xúc nên đã bộc lộ ý tưởng của mình với Thầy Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, một cho ông Ê-li-a.”

Ý tưởng của ông Phê-rô hay chứ, nhỉ! Thưa, rất khó trả lời. Khó trả lời là bởi “Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.” Hôm ấy, theo lời kể của thánh sử Mát-thêu, các ông còn “ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17, 6).

Không, không kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất sao được! Bởi vì, hôm ấy “Có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

Rồi, khi nỗi kinh hoàng lắng dịu, các ông nhìn quanh… “nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.” (Mc 9, 8).

Vâng, chỉ còn Thầy và trò. Và, khi Thầy và trò “ở trên núi xuống”. Đức Giê-su đã “truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe nhưng điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.” Ba vị môn đệ “đã tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu ‘từ cõi chết sống lại’ nghĩa là gì”.

***
Đức Giê-su Hiển Dung. Suy tư về biến cố này, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ có đôi lời chia sẻ: “Như, hai ông Mô-sê và ông Ê-li-a đã được Thiên Chúa ‘dẫn tới núi thánh’ để trở thành chứng nhân của Vinh Quang Thiên Chúa (x.Xh 33, 18-23 & 1V 19, 9-13). Thì, ba vị Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an cũng được Đức Giê-su ‘dẫn tới một ngọn núi cao’ để trở thành chứng nhân của Vinh Quang Con Một Thiên Chúa.

Như, hai ông Mô-sê và ông Ê-li-a đã thoát khỏi cái chết hủy diệt theo một cách nào đó. (Dnl 34, 6 & 1V 2, 11). Đức Giê-su, cũng vậy. Sau khi loan báo cuộc thương khó và cái chết, Người đã cho các môn đệ nếm trước sự phục sinh của Người.”

Với Lm. Charles E. Miller, trong tác phẩm Sunday Preaching, ngài cũng có đôi lời chia sẻ đáng ghi nhớ, lời chia sẻ rằng: “Sự kiện Hiển Dung cho thấy ý nghĩa của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Đức Giê-su muốn dạy (chúng ta) rằng: ‘Người phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang phục sinh’. Mầu Nhiệm Vượt Qua phải tràn ngập lòng trí mọi người, nhất là trong Mùa Chay thánh này. Nó chiếu rọi ánh sáng vào những ngày đen tối nhất và giải tỏa bớt gánh nặng các nỗi đau lớn nhất của chúng ta.”

Những lời chia sẻ nêu trên, thiết nghĩ, chúng ta nên xem đó như là lời mời gọi, một lời mời gọi mỗi chúng ta hãy cùng Đức Giê-su “lên núi”.

“Hãy lên núi!” Nói theo cách nói hôm nay, đó là “hãy đến nhà thờ”. Đến nhà thờ, chúng ta sẽ được “Tham Gia vào Phụng Vụ thánh”.

Đừng coi thường cho việc tham gia này. Bởi vì, “Phụng Vụ thánh”, Lm.Charles nói, đó là: “nguồn mạch không thể thiếu của đời sống Ki-tô giáo đích thực, giúp chúng ta chú tâm vào Mầu Nhiệm Vượt Qua, cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô. Phụng Vụ thôi thúc chúng ta chiêm niệm và suy tư liên lỉ về mầu nhiệm này vì nó làm trọn sự kiện Đức Ki-tô đến thế gian “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Người) mà được cứu độ”.

****
Xưa, khi lên núi, Đức Giê-su đã “biến đổi hình dạng”. Rồi, khi xuống núi, các môn đệ là những người được biến đổi. Các ông đã biến đổi sau khi “được tràn đầy ơn Thánh Thần”.

Ông Phê-rô đã mạnh dạn làm chứng rằng: “khi chúng tôi nói cho anh em… thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: Đây là Con yêu dấu Ta. Ta hết lòng quý mến (2 Pr 1,16-17).

Còn tông đồ Gioan ư! Thưa, ngài Gio-an cũng đã làm chứng rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).

Nay, chúng ta cũng đã cùng Đức Giê-su “đến nhà thờ”. Tại nhà thờ, Đức Giê-su, qua bàn tay các linh mục, đã biến đổi, từ một tấm bánh, từ một chén rượu, thành chính “Mình Máu Thánh Ngài” để ai ăn “sẽ được sống muôn đời.”

Rồi, khi “ra khỏi nhà thờ”, ra khỏi nhà thờ, chúng ta làm sao nhỉ! Có biển đổi không? Phải chăng, đang là một kẻ hung dữ, chúng ta sẽ biến đổi thành “khí cụ bình an của Chúa!” Phải chăng, đang là một kẻ thờ ơ, lãnh đạm trước Chúa, một kẻ ích kỷ trước mọi anh em, chúng ta biến đổi thành một người “biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người!” Phải chăng, đang là “ác quỷ đầy quyền năng”, chúng ta biến thành “thiên thần nhỏ” của Chúa!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên có một ai đó đã nói: “Tất cả những gì tốt đẹp đều kết thúc tốt đẹp”. Thế nên, trong đời sống đức tin, chúng ta cần có một sự khởi đầu tốt đẹp, chỉ có như thế và chỉ như thế, chúng ta mới có thể, có một kết thúc tốt đẹp, trong ngày Chúa quang lâm.

Vâng, rất dễ dàng cho một sự khởi đầu tốt đẹp. Đó là chúng ta “hãy đến nhà thờ”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây