TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi

Thứ năm - 13/05/2021 03:57 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   971
Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi

Chúa Nhật IV - PS – C

Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi

Thiên Chúa nói chuyện với con người. Và con người cũng đã trò chuyện cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa lắng nghe con người và con người cũng đã lắng nghe Thiên Chúa.

Thật vậy, nơi vườn Eden năm xưa, Thiên Chúa và con người đã từng sóng đôi bên nhau trò chuyện. Thiên Chúa đã nói với con người, rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở… và thống trị mặt đất”. Con người đã nghe lời Thiên Chúa phán truyền: “Hãy làm bá chủ chim trời cá biển và mọi giống vật trên mặt đất”.

Thiên Chúa còn nói với con người, rằng: “Ta ban cho các ngươi mọi thứ có mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cỏ trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi”. Sau đó Người nói tiếp: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn”. Con người đã nghe và biết rằng: “…ngày nào ăn… chắc chắn sẽ phải chết”.

Buồn thay! Trong một khoảng khắc “rong chơi cuối trời quên lãng”, con người quay ra “nói chuyện” với Satan, đôi tai con người xoay qua “nghe” Satan nói. Và rồi, những lời đường mật của Satan đã làm cho con người sa ngã và phạm tội bất tuân.

Kết cuộc, con người mất đi những gì Thiên Chúa đã ban cho, để rồi, “nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa… con người sợ hãi… và lẩn trốn” (x.St 3, 8-10)

Tuy nhiên, Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh nói: “Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi”.

Thế nên, dù con người vì phạm tội và mất đi mối tương giao với Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn không vì thế mà quên lãng con người. Người vẫn tìm cách “kết nối” lại mối tương giao đó.

Thật vậy, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái cho biết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Người Thánh Tử đó chính là Đức Giê-su.

Thiên Chúa, qua Thánh Tử Giê-su, đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa (con người)” để kết nối lại mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa, một mối tương giao như “người mục tử với đàn chiên”

Thật vậy, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Thánh Tử Giê-su đã lớn tiếng nói với mọi người rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10, 11&14)

Với người Do Thái thời đó, khi nói tới hai chữ “mục tử”, không ai lại không hiểu vai trò và sứ mạng mà người mục tử sẽ phải gánh vác.

Sứ mạng đó là gì? Với Đức Giê-su, đó là: “tìm chiên lạc nhà Israel”.

**

Vâng, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, đã có lần, khi nhìn thấy đoàn dân đông đúc kéo đến. Đức Giêsu không khỏi “chạnh lòng thương xót!”. Một lần khác, khi nhìn đoàn dân lũ lượt đi theo, Đức Giêsu đã phải thốt lên với các môn đệ rằng: “họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34)

Nguyên nhân nào, Đức Giê-su lại có cái nhìn về những người đi theo Ngài như thế? Thưa, nguyên nhân gần, đó là: họ đang phải sống trong sự bất công trước ách thống trị của chính quyền thuộc địa Roma. Đồng thời, họ còn phải oằn vai gánh nặng với những luật lệ do “các kinh sư và người Pharisieu” đặt ra hết sức phi lý.

Thì đây, hãy nhìn xem, có phi lý không kia chứ! Các ngài kinh sư và Pharisieu, họ chỉ biết “ngồi trên tòa Môse giảng dạy… rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi, lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục…”.

Chính vì thế, Đức Giê-su đã nhìn những người đi theo mình như là những con chiên bị những kẻ “chăn thuê” dẫn dắt. Thế nên, hôm đó, Ngài đã nói lên một thông điệp, thông điệp rằng: “Tôi phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (x.Ga 10, ...16)

Trước đám đông cử tọa, Đức Giê-su tuyên bố: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, cuối cùng, Ngài đã nói lên lòng mong đợi của một người mục tử nhân lành, rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (x.Ga 10, 27-28)

“Ban cho sự sống đời đời”. Vâng, đó chính là nguyên nhân xa, một nguyên nhân đã làm cho Thiên Chúa “chạnh lòng thương xót” đến nỗi đã sai Con Một Người xuống thế gian, để thế gian được nghe, được nói, được trò chuyện với Thiên Chúa, qua Đức Giê-su.

Thật vậy, trong thông điệp của Đức Giê-su, người Mục Tử nhân lành”, trước đông đảo cử tọa, Ngài đã tuyên bố rằng: “Tôi và Chúa Cha là một”.

***

“Tôi là mục tử nhân lành”, với thông điệp này, nó gợi cho ta nhớ tới Thánh Vịnh 100, 3: “Chính Người đã dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta thuộc dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt”. Ở một chương khác, cũng sách Thánh Vịnh, chúng ta được nghe “…ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95, 7).

Với dân Do Thái xưa, tiêu biểu là vua David, thì đó là một hồng phúc. Chính ông ta đã cảm nhận được điều đó, nên đã thốt lên: “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”. Ông ta, từng là người chăn chiên, ông ta biết, cuộc sống của chiên sẽ như thế nào là do người chăn như thế nào. Mà, người chăn, là một Thiên Chúa giàu tình thương, thì sao lại không là hồng phúc!

Với chúng ta hôm nay, thì sao? Chúng ta, cùng quan điểm vua David, hay như môt số người Do Thái xưa, nhìn Đức Giê-su như là “kẻ điên khùng”, khi nghe thông điệp “người Mục Tử nhân lành, một thông điệp mà Ngài đã công bố? (x.Ga 10, 16-21)

Vâng, Skip Heittzig trong một bài viết mang tựa đề “The good sherperd and his happy sheep”, đã có câu trả lời, rằng: “Chúa gọi chúng ta là chiên vì Ngài biết bản chất của con người. Với bản năng thích hùa theo đám đông, sự sợ hãi và nhút nhát của chúng ta, sự bướng bỉnh và ngu dại của chúng ta và bản chất chống nghịch của chúng ta, chúng ta rất giống những con chiên, hơn nữa chiên không thể tự mình sống còn. Chúng đòi hỏi sự quan tâm thường trực, sự giải cứu và sự chăm sóc của người chăn, nếu không chúng sẽ chết”.

Skip Heittzig chia sẻ tiếp, rằng: “Dù vậy, điểm quan trọng ở đây không phải chúng ta giống như những con chiên, nhưng đúng hơn, chúng ta có một người chăn tuyệt vời”.

Cuối cùng, Skip Heittzig kết luận, “Đó là điều để khoe khoang, hãy nhìn xem Đấng chăn giữ tôi là ai? Hãy xem ai là người kiểm soát cuộc đời của tôi?”

***

Thưa bạn, bạn có đồng ý, đây là một câu trả lời đáng để cho chúng ta suy nghĩ? Nếu có, hãy để tâm hồn mình một phút trong thinh lặng, và tự hỏi: là một Ki-tô hữu, “Chúa có phải là người kiểm soát cuộc đời của tôi? Và tôi đã có được những giây phút “nghe tiếng Ngài gọi”?

Vâng, quả là một câu hỏi không dễ trả lời. Không dễ, như lời mô tả của Ron Rolheiser,OMI, là bởi: “Chúng ta bị bao vây bởi rất nhiều tiếng gọi. Hiếm có giây phút nào trong đời sống mà chúng ta không có ai hay không có cái gì đang gọi tới, ngay cả trong giấc ngủ, những giấc mơ và những cơn ác mộng cũng bắt chúng ta phải chú ý.

Và mỗi một tiếng gọi đều có nhịp điệu và thông điệp riêng của nó. Một số giọng mời gọi chúng ta bước vào, hứa hẹn một cuộc sống tươi đẹp nếu chúng ta làm cái này hay cái nọ, mua sản phẩm này hay ý tưởng kia; một số giọng đe dọa chúng ta. Một số giọng dẫn dắt chúng ta đến gần với thù hận, cay đắng và tức giận, có những giọng khác đòi hỏi chúng ta cố gắng hướng tới thương yêu, lòng biết ơn và tha thứ.

Một số tiếng gọi nói với chúng ta rằng chúng đùa cợt và vui nhộn, chứ không phải là chuyện nghiêm túc, lại có những tiếng gọi khác tuyên bố hùng hồn rằng mình là cấp bách và quan trọng, là tiếng gọi của chân lý không thể kỳ kèo, tiếng gọi của Thiên Chúa”.

Ôi, quả là quá nhiều “tiếng gọi”… Vậy, chúng ta phải làm gì để nhận ra, đâu là tiếng gọi của Thiên Chúa?

Vâng, ngài Ron Rolheiser,OMI cho ta câu trả lời: “có nhiều nguyên tắc từ Chúa Giê-su, Thánh Kinh, và từ những mạch nguồn sâu thẳm của truyền thống Ki-tô của chúng ta vốn có thể giúp ích cho chúng ta”. Và rồi ngài chia sẻ tiếp: “Tiếng gọi của Thiên Chúa được nhận ra trong những lời thì thầm và giọng khẽ, cũng như trong sấm chớp và bão giông”.

Đúng vậy, Samuel như một điển hình. Kinh Thánh kể rằng, đã có lần Đức Chúa thì thầm gọi Samuel trong đêm thanh vắng. Lần đầu tiên, Samuel không nhận ra. Sau, nhờ lời chỉ dẫn của Thầy Ê-li, Samuel đã nhận ra, nghe lời thầy dạy, Samuel cất tiếng nói với Chúa: “Lạy Đức Chúa... tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Và Thánh Kinh, cũng vậy, đó chính là nơi có rất nhiều “tiếng gọi” của Chúa mà chúng ta sẽ được nghe, nếu chúng ta tiếp cận.

Bởi từ Thánh Kinh, chúng ta mới được biết, rằng: có một người Mục Tử Nhân Lành, người đó chính là Đức Giê-su, một Giê-su Phục Sinh, đã hy sinh chính mạng sống mình vì “đàn chiên”, một Giê-su Phục Sinh, vẫn đứng đó, nơi bàn Tiệc Thánh và cất tiếng mời gọi những “con chiên” yêu dấu của mình, rằng: hãy đến để nhận lấy một thứ cỏ, không phải là thứ cỏ dại, nhưng là thứ cỏ đem lại sự sống đời đời, thứ cỏ mang tên “Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô”.

Và, quan trọng hơn hết, qua Thánh Kinh, chúng ta luôn thấy một Đức Giê-su Phục Sinh, vẫn tiếp tục nói lên lòng mong đợi của một người mục tử nhân lành, rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây