TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa trao yến bạc – ta vui sinh lời

Thứ sáu - 17/11/2023 07:30 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   779
Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu với tiêu đề: “Dụ ngôn những yến bạc” (x.Mt 25, 14-30).

Chúa Nhật XXXIII – TN – A
Chúa trao yến bạc – ta vui sinh lời

tbd 171123a


Lòng trung thành nghĩa là gì? Thưa, theo tự điển Tiếng Việt Phổ Thông, lòng trung thành có nghĩa là: “Trước sau một lòng một dạ giữ trọn niềm tin, giữ trọn tình cảm gắn bó, những điều cam kết đối với ai hay cái gì.”

Còn theo Wikipedia định nghĩa, thì: “Lòng trung thành, nói chung, là một sự tận tâm và hết lòng với một quốc gia, chính nghĩa, triết lý, đất nước, nhóm người hoặc một người cụ thể. Triết học không đồng ý về những gì có thể là một đối tượng của lòng trung thành, như một số người cho rằng sự trung thành chỉ có ý nghĩa giữa các cá nhân và chỉ một con người mới có thể là đối tượng của lòng trung thành. Định nghĩa về lòng trung thành trong luật pháp và khoa học chính trị là sự trung thành của một cá nhân với một quốc gia, hoặc với quốc gia mà người đó lớn lên, hoặc với một quốc gia được tuyên bố là tuyên thệ (nhập tịch)”.

Khi nói tới lòng trung thành, người Nhật xem đó như là đức tính quan trọng. Đức tính này, thường được thể hiện rõ nét ở những người võ sĩ đạo.

Còn Ki-tô giáo thì sao? Thưa, cũng vậy. Trong những ngày còn tại thế, một ngày nọ, Đức Giê-su đã gián tiếp nói với các môn đệ mình về lòng trung thành, rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó chủ này mà khinh dể chủ nọ.” (x.Mt 6, 24).

Để cho các môn đệ (và cũng là cho chúng ta) thấy cái kết quả sẽ dành cho những ai không có lòng trung thành, Đức Giê-su đã kể một dụ ngôn. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu với tiêu đề: “Dụ ngôn những yến bạc” (x.Mt 25, 14-30).

**
Vâng, dụ ngôn được kể rằng: “Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.” Rồi, khi những người đầy tớ đến, “ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.” Sau đó, “ông ra đi”.

Khi ông chủ ra đi. Chuyện kể tiếp rằng: “Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.” Cũng vậy, “người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.” Riêng người đã lãnh một yến, thì sao nhỉ! Thưa, anh ta “đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.”

“Rồi… thời gian lặng lẽ trôi…”, trôi theo dòng đời dài lâu, thì ông chủ về. Ông về và ông đến, “đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.”

Người đầu tiên gặp ông chủ, là người đã lãnh nhận năm yến. Anh ta đến đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.”

Tiếp đến, “người đã lãnh hai yến cũng tiến lại và nói: Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.”

Thưa quý vị, nếu quý vị dự định mở một cửa hàng buôn bán, quý vị có “định” mướn hai người đầy tớ này không? Có, có lẽ… mỗi chúng ta sẽ có những định đoán khác nhau. Thế nhưng, sẽ là tiếc nuối đấy, nếu chúng ta không “định” mướn hai vị này!

Tại sao! Thưa, chúng ta cùng nghe ông chủ nói về hai vị đầy tớ này nhé! Vâng, sau khi nghe hai vị đầy tớ này tường trình “thành quả lao động” của mình, ông chủ cất tiếng khen ngay: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (x.Mt 25, 23).

Cuối cùng là người lãnh một yến. Anh này nói gì nhỉ! Thưa, anh ta nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy.”

Của-ông-đây, ông-cầm-lấy. Tất nhiên là vậy. Thế nhưng, có ai bỏ tiền đầu tư lại không mong muốn có lời! Do vậy, với người lãnh một yến, ông chủ đã có lời phê phán một cách gay gắt với anh ta rằng: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác… đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!”

Thật đáng tiếc cho người lãnh một yến, vì đã sai lầm khi nhận định về ông chủ của mình. Sự sai lầm đó đã đem đến cho anh ta nhiều hậu quả nghiệt ngã.

Hậu quả thứ nhất, đó là, ông chủ ra lệnh “lấy yến bạc khỏi tay (anh ta) mà đưa cho người đã có mười yến.” Hậu quả thứ hai, đó là, ông chủ ra lệnh: “Hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

***
Giải thích dụ ngôn này, một số nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng: Ông chủ chính là Thiên Chúa (cũng có thể hiểu là Đức Giê-su). Những người đầy tớ chính là chúng ta.

Trong dụ ngôn, ông chủ giao cho các đầy tớ người năm yến, người hai yến, người một yến. Trong thực tế, “Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người các tài năng, khả năng, năng lực v.v… như những ‘yến bạc’ vô giá.” Lm. Nguyễn Xuân Trường đã có lời chia sẻ như thế.

Và, ngài thêm lời rằng: “Nói theo ngôn ngữ kinh tế thời nay thì Chúa cấp vốn, Chúa đầu tư cho chúng ta sức lực, nguồn lực, tài năng và tài nguyên. Nhiệm vụ của chúng ta là phải sinh lời, phải phát triển.”

Suy nghĩ một cách sâu xa và thực tế hơn. “Năng lực” Thiên Chúa ban cho chúng ta, có thể là chức vụ Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ. “Khả năng” Thiên Chúa giao phó cho chúng ta, có thể là thiên chức làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. “Tài năng” Thiên Chúa ban cho chúng ta, có thể là một bác sĩ, là một lương y, là một nhà giáo, v.v…

Chúng ta sẽ nhận! Vâng, hãy nhận và đừng phân bì rằng thì-là-mà sao Chúa ban cho ông kia chức vụ Giám Mục, ông nọ làm Giám Đốc Công Ty. Còn phần con, thân phận con… điều Chúa ban cho con chỉ là một tên nhân viên “quét thẻ”!

Muốn lãnh năm yến ư! Nói rõ hơn, muốn Chúa ban ơn được làm linh mục ư! Nếu muốn, hãy tự hỏi, ta sẽ sống trung thành với nhiệm vụ được giao, trung tín với những lời đã thề hứa, hứa “tự là hoạn nhân vì Nước Trời”? Hay ta lại “tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau”, ngoái đàng sau chiêm ngắm một mỹ nhân nào đó, để rồi trong một phút yếu lòng, ta rơi vào thảm cảnh “hồn lỡ sa vào đôi mắt em”… đầy hối tiếc!

Chia sẻ về việc người nhận được năm nén, hay hai nén, hoặc một nén, Lm. Charles E. Miller, có lời khuyên, rằng: “Tốt hơn là ta nên làm điều gì đúng, chứ không phải điều mình muốn. Từ (câu chuyện dụ ngôn), có thể rút ra một bài học là ta phải sẵn lòng làm những gì đúng dưới mắt Thiên Chúa, có nghĩa không nhất thiết là những điều to tát cho Ngài, mà bất cứ gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta”.

Do vậy, đừng thoái thác nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta thiên chức làm chồng hay làm vợ, làm cha hay làm mẹ. Nhận được “yến bạc” này, mỗi chúng ta sẽ có được những đứa con quý báu như những “cục vàng” của mẹ. Đó là chưa nói đến người vợ đảm đang và đạo đức của mỗi chúng ta, “nàng quý giá vượt xa châu ngọc” (x.Cn 30, 10).

Với “yến bạc” này, Lm. Nguyễn Xuân Trường dí dỏm nói: “Các cha đi tu có suốt đời mơ cũng chẳng được.”

Có thể Thiên Chúa trao cho ta nhiệm vụ là một bác sĩ, là một lương y. Vâng, cũng hãy nhận. Và, đừng quên lời thề Hypocrat: “…Người yếu đau, bệnh tật phải cứu chữa tận tình, không tư lợi cho mình, luôn đề cao y đức.” Nói theo ngôn ngữ ngày nay: “lương y như từ mẫu”.

Còn… còn rất nhiều nhiệm vụ (yến bạc), Thiên Chúa giao phó cho chúng ta. Vấn đề của chúng ta, đó là, khi “ông chủ (Giê-su) đến tính sổ và thanh toán sổ sách”, chúng ta có thể trình diện trước mặt Ngài và nói: “tôi đã gây lời được năm nén, hai nén”! Nói cách khác, tôi có là “đầy tớ tài giỏi và trung thành” của ông chủ Giê-su?

****
Nói đến “lòng trung thành”, nói không sợ sai, các Thánh Tử Đạo Việt Nam chính là mẫu mực để chúng ta noi theo. Các thánh tử đạo Việt Nam, đã không “đem chôn những yến bạc” mà ông chủ Giê-su đã giao phó. Các ngài đã sinh lời, việc sinh lời đó được minh chứng qua sự trung tín và lòng trung thành trong đức tin của các ngài, nó được đóng ấn bằng chính việc tử vì đạo của các ngài.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã tin vào Chúa Giêsu, đã sẵn sàng chịu bắt bớ tù đày, chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt, dẫu cho đó là cái chết, chỉ vì trung thành với niềm tin của mình.

Vâng, sẽ là thiếu xót nếu chúng ta không biết đến những hình phạt mà các ngài đã phải lãnh chịu. Những hình phạt đó rất khủng khiếp. Đó là: bị gông cùm, xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói. Nặng hơn thì bị voi dầy, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Tàn bạo hơn thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc bị thiêu sống. Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (một hình thức phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt)… cho tới chết. Án nhẹ nhất, đó là khắc lên trên trán hai chữ “tà đạo”.

Xưa, trong một lần lên Giêrusalem, khi loan báo về cái chết của Người, một cái chết để cứu chuộc nhân loại, Đức Giêsu đã tuyên phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).

Và ngày nay, các thánh tử đạo Việt Nam đã thực hiện lời truyền dạy của Thầy Giê-su. Các ngài đã sẵn sàng “chết đi”. Chết đi để trở thành những ““Martyr”, những Martyr của lòng trung thành và tình yêu thương.

Như Roma vào những thế kỷ đầu, với ba trăm năm bách hại, Việt Nam vào những thế kỷ sau cũng lãnh chịu ba trăm năm bách hại, trải qua sáu triều đại: Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Có rất nhiều “Martyr” ở khắp nơi trên thế giới. Riêng những Martyr ở Việt Nam, có vào khoảng hàng trăm ngàn người, trong số đó, có 118 vị chính thức được tôn phong. Xin đơn cử ba vị, đó là: linh mục Gioan Đạt – thừa sai Gagelin Kính và linh Mục Đặng Đỉnh Viên.

Với linh mục Gioan Đạt, khi ngài vừa dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói: “Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều”.

Với thừa sai Gagelin Kính, ngài đã viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an.

Còn với linh mục Đặng Đình Viên thì sao? Thưa, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng.

Qua những chứng từ trên, có thể nói rằng, các thánh tử đạo Việt Nam đã để lại cho chúng ta những tấm gương mẫu mực về “lòng trung thành” với niềm tin của mình. Vì thế, thật phải đạo, khi hôm nay toàn thể Giáo Hội “Kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam”.

Để, để cho Thánh Lễ “kính trọng thể các ngài” sinh ơn ích, thiết tưởng mỗi chúng ta đừng quên thực hiện những gì người đầy tớ lãnh nhận năm nén và người đầy tớ nhận hai nén, đã làm. Việc hai vị đầy tớ này đã làm, chúng ta biết rồi, đó là: “gây lời”.

Nói theo cách nói của Lm. Nguyễn Xuân Trường: “Chúa trao yến bạc – ta vui sinh lời”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây