TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giê-su ơi… xin nhớ đến con

Thứ sáu - 24/11/2023 03:18 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   309
“Đức Giê-su là Vua của thế giới, trị vì giữa các quốc gia”.

Lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua
Giê-su ơi… xin nhớ đến con

 

tbd 241123b


Chúa Nhật hôm nay (26/11/2023) kết thúc năm Phụng Vụ. Và theo truyền thống, toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành thánh lễ kính “Đức Giê-su Ki-tô là Vua”.

Vâng, trước trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi học đường, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, từ bỏ quyền trở nên con Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập thánh lễ này.

Đó là vào năm 1925. Vào năm đó, “Đức Piô XI tổ chức Năm thánh trọng thể đánh dấu 1.600 năm Công đồng Nicaea. Công đồng Nicaea được nhóm họp vào năm 325, các nghị phụ của Công đồng đã khẳng định Thiên tính trọn vẹn của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa Con, đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Lời tuyên bố của Công đồng đã trở thành một tín điều mà sau đó được mở rộng thành Kinh tin kính Nicea, mà chúng ta vẫn tuyên xưng trong Thánh lễ Chúa nhật và lễ Trọng.

Trong suốt Năm Thánh, Đức Piô XI không ngừng nhấn mạnh đến Vương quyền của Chúa Kitô như được tuyên xưng trong Kinh tin kính: ‘Nước Người sẽ không bao giờ cùng’. Cụ thể, chủ đề về Vương quyền của Chúa Kitô liên tục xuất hiện trong việc cử hành lễ Truyền tin, lễ Hiển linh, lễ Biến hình, và lễ Thăng thiên của Giáo hội.

Để nhìn nhận Đức Giêsu Kitô chính là vị vua tối cao duy nhất, Đấng thống trị bằng sự thật và tình yêu đối với mọi người, mọi quốc gia, và mọi tương quan trần thế, vào ngày 11.12.1925 khi kết thúc năm Thánh, Đức Piô XI đã ban hành Thông điệp Quas Primas, cho thêm ngày lễ “Chúa Giêsu Kitô Vua của chúng ta” vào Lịch Phụng vụ của Giáo hội.

Theo hướng dẫn của Thông điệp Quas Primas, Lễ Chúa Kitô Vua được cử hành hằng năm vào Chúa nhật cuối cùng của tháng mười một. Với sự chọn lựa này, Lễ Chúa Kitô Vua rơi vào 4 tuần trước Mùa Vọng như lời nhắc nhở rằng: Chúa Giêsu Kitô không chỉ là Vua của thế giới, trị vì giữa các quốc gia, mà Người còn là vị Vua vĩnh cửu, được tôn vinh bởi Các Thánh trên thiên quốc, và một ngày nào đó Người sẽ trở lại để phán xét loài người.” (nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/doi-net-ve-le-chua-kito-vua-48809)

**
Vâng, thông điệp Quas Primas gợi cho chúng ta nhớ đến lời Đức Giê-su, trước khi về trời, đã tuyên phán với các môn đệ rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” (x.Mt 26, 18). Lời tuyên phán này, có thể hiểu một cách gián tiếp rằng, “Đức Giê-su là Vua của thế giới, trị vì giữa các quốc gia”.

Mà nào chỉ có vậy đâu! Trong những ngày Đức Giê-su còn tại thế, không ít người cũng đã thừa nhận thần tính, quyền cai trị và nhất là quyền năng của Ngài.

Điển hình là người đàn bà xứ Ca-na-an, người đã xin Đức Giê-su chữa đứa con gái của mình bị quỷ ám. Rồi đến hai người mù tại Giê-ri-khô. Và, một anh mù khác, cũng tại Giê-ri-khô tên là “Ba-ti-mê, con ông Ti-mê”. Tất cả những người này, khi gặp Đức Giê-su, họ đều lớn tiếng kêu lên, rằng: “Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít.”

Thời đó, tưởng chúng ta cần biết, gọi Đức Giê-su là Con-vua-Đa-vít, đó là một danh xưng cao trọng. Gọi Đức Giê-su với danh xưng cao trọng, đủ để nói rằng, những người kêu xin đã tin rằng, Ngài là Đấng Messia - Vị “thủ lãnh” cứu tinh của dân tộc.

Tuy nhiên, những lời xưng tụng (nêu trên) chỉ là những xưng tụng của từng cá nhân. Tung hô Đức Giê-su là Vua, là một tập họp của hàng trăm, hàng trăm người. Đó là hôm Ngài cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem. Chuyện kể rằng: “Nghe tin Đức Giê-su tới… họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng Vua Israel” (x.Ga 12, 12-13).

***
Tất cả những điều được diễn giải nêu trên đủ để nói rằng “Đức Giêsu Kitô là Vua”. Đức Giê-su là Vua. Thế nhưng, Ngài lên ngôi vua không như những vị vua trần thế.

Nói về những vị vua trần thế, có lẽ chúng ta chỉ cần nói sáu chữ: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Tuy nhiên, có ba ông vua của dân Israel, thời Cựu Ước, tưởng cũng nên nói đến. Nói đến, vì ba ông vua này, được cho là nhận được nhiều “ơn Chúa”, thế mà cũng gây ra nhiều tai tiếng. Ba vị vua này, đó là: Saul, David, và Salomôn.

Với vua Saul… Thiên Chúa đã phán: “Ta hối hận đã đặt Saul làm vua, vì nó đã bỏ không theo Ta và không thi hành các lệnh của Ta.” (1S 15, 10).

Còn về vua David… Thiên Chúa đã phán: “Chính Ta đã xức dầu tấn phong ngươi làm vua Israel… Vậy, tại sao ngươi dám khinh màng lời Đức Giavê mà làm điều dữ trái mắt Người. Ngươi đã lấy gươm đâm Uria, người xứ Hitit và đoạt lấy vợ nó làm vợ ngươi.” (2S 12, 7-9).

Còn “ông thần” Salômôn ư! Ông ta có 700 vợ chính thức và 300 hầu thiếp (1V 11, 3). Ông đã bỏ Đức Chúa Giavê để thờ tà thần của các người vợ của ông. Giavê phán với Salômôn: “Bởi ngươi đã nên thể ấy nơi ngươi… Ta sẽ giựt lấy vương quyền của ngươi mà trao cho thuộc hạ của ngươi.” (1V 11, 11).

Ba vị vua này nên bình luận như thế nào? Riêng tôi (người viết) chắc cũng chỉ bình luận sáu chữ: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Nhưng thôi! Chúng ta dừng ở đây và trở lại với Vua Giê-su. Vua Giê-su thì sao! Thưa, Vua Giêsu lên ngôi không bằng một cuộc đảo chánh, như ông Qaboos Bin Sa’id (thuộc vương quốc Hồi giáo Oman), đã làm một cuộc đảo chánh lật đổ người cha mình vào năm 1970.

Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết lễ đăng quang của Đức Giê-su được diễn ra trong chính ngày Ngài tử nạn tại đồi Golgotha.

“Khởi đầu là cuộc khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem, hôm đó Đức Giêsu đã ngồi trên lưng một con lừa con. Qua cử chỉ này, Đức Giêsu đã khẳng định rằng, Ngài là Vua, nhưng Ngài là Vua không theo các cung cách của vua chúa trần gian. Tất cả bản án của Chúa Giêsu đều xoay quanh tước hiệu Vua của Ngài.” Lm Giuse Nguyễn Hữu An, trong bài viết: “Giê-su – Vua tình yêu”, đã có lời nhận định như thế.

Vâng, nhận định của ngài Lm. rất đúng. Vua Giêsu không dùng bạo lực, dùng thủ đoạn, dùng sức mạnh của họng súng, để thống trị, để nô lệ hóa người dân, như xưa kia có vài vị vua, vài vị lãnh tụ trần gian đã hành xử, hành xử đến nỗi dân tộc Việt Nam đã phải “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu - một trăm năm đô hộ giặc Tây”, vào những thế kỷ trước. Hồi ấy, trả lời quan tổng trấn Philatô, Đức Giê-su nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.”

Chúng ta cùng nghe lại lời đối đáp giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su. “Ông có phải là vua dân Do-thái không?... Nước tôi không thuộc về thế gian này… Vậy ông là vua sao?... Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này…”

Nhằm mục đích là VUA. Bởi vì, Ngài: “đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.”

****
Đức Giê-su là Vua. Chúng ta gọi Ngài là Vua của vũ trụ. Bởi vì, Ngài chính là “Ngôi Lời”, là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Gio-an có lời viết, rằng: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).

Đức Giê-su là Vua. Chúng ta gọi Ngài là Vua của trần gian, của nhân loại. Bởi vì chính Ngài sẽ là người đến phán xét trần gian với tư cách một vị Vua. Một ngày nọ, chính Đức Giê-su đã tuyên phán rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê…” (Mt 25, 31-34).

Chúng ta cùng nghe thêm một lần nữa lời Vua Giê-su đã tuyên bố: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”.

Thế nên, khi đã là một Ki-tô hữu, chúng ta cần ghi nhớ. Ghi nhớ để hiểu rằng, chúng ta đang sống ở thế gian này, nhưng không thuộc về thế gian.

Không thuộc về thế gian, thế nên hãy tránh xa những vị thần-thuộc-thế-gian, đó là: thần-quyền-lực, thần-tiền-bạc, thần-danh-vọng, thần-dâm-bôn, thần-phóng-đãng, thần-hận-thù, thần-chia-rẽ-bè-phái, thần-say-sưa-chè-chén, v.v

Suy niệm về lời tuyên bố (nêu trên) của Đức Giê-su, Lm Charles E.Miller có lời chia sẻ rằng: “Nước của Người không phải là một vương quốc của thói dối trá và hủy diệt, mà là của sự thánh đức và ơn sủng; không phải là một vương quốc của nạn bóc lột, hận thù và bạo lực, mà của công lý, tình yêu và an bình.”

Chưa hết, ngài Lm Charles còn có lời khuyên rằng: “Là thành viên của Giáo Hội, chúng ta được kêu gọi nên một ‘bí tích’ của vương quốc này, một ‘dấu chỉ’ cho thế giới thấy Nước Thiên Chúa thật như thế nào.” “Dấu chỉ” đó… Đức Giê-su nói rồi: “làm chứng cho sự thật.”

Thì đây! Trước câu hỏi của tổng trấn Phi-la-tô: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này… Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. (Ga 18, 33… 37).

Với Lm. Giuse Nguyễn Hữu An, ngài cũng có lời chia sẻ rằng: “Nước Chúa không thuộc về thế gian, có nghĩa là bất cứ nước nào, bất cứ chế độ nào, với nền văn minh nào, cũng không thể đồng hóa với nước Chúa. Nước Chúa ở trong các tâm hồn, những tâm hồn khao khát sự thật, tôn trọng sự thật, và nhất là đón nhận sự thật. Sự thật đó là tình yêu cứu độ Chúa Giêsu đem đến.”

Khao khát sự thật, tôn trọng sự thật, và nhất là đón nhận sự thật chính là “vật liệu” để xây dựng lên một Vương Quốc của Vua Giê-su.

*****
Vua chúa hay lãnh tụ trần gian như thế nào, Vua Giê-su ra sao, chúng ta biết rồi. Vấn đề còn lại, đó là chúng ta chọn ai? Chúng ta sẽ là “thần dân” của ai?

Vâng, đó mới là điều quan trọng. Mỗi chúng ta hãy tự hỏi lòng mình rằng, Đức Giêsu đã thật sự là Vua của chính bản thân chúng ta chưa!

Ngài đã “cư ngụ” giữa trái tim của chúng ta chưa! Ngài có ảnh hưởng mãnh liệt đến tư tưởng, lời nói và việc làm của chúng ta chưa!

Câu trả lời thuộc mỗi chúng ta. Thế nhưng, dù nhận hay không nhận Đức Giêsu là Vua, chúng ta cũng không thể loại bỏ Ngài. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có lời rằng: “Con người sẽ không bao giờ loại bỏ (được) Đức Kitô ra khỏi lịch sử của mình”.

Nói cách khác, Đức Giê-su Kitô không bao giờ loại bỏ chúng ta ra khỏi Vương Quốc của Ngài. Chỉ cần một cử động của tâm hồn, như cử động của tên gian phi bị treo trên thập giá bên Đức Giê-su, và nói: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Có phần chắc Ngài sẽ nói với chúng ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. (Lc 23, 39-43).

Một điều chúng ta cần biết, nếu Đức Giê-su chỉ là Vua của thế giới, của vũ trụ, Vua muôn vua, nhưng lại không phải là Vua của cuộc đời chúng ta, thì chẳng ích lợi gì cho chúng ta.

“Tuyên xưng thật mạnh mẽ trên lý thuyết, mà thực tế đời sống của ta lại chứng tỏ trái ngược lại, thì sự tương phản ấy chỉ cho thấy sự giả dối hay giả hình của ta thôi!” Lm Giuse Nguyễn Hữu An đã mạnh mẽ khuyến cáo như thế. Và, ngài Lm. thêm lời rằng: “Tôi rất thích lời của tổng thống Bush: ‘Show, but don’t tell!’: Hãy chứng tỏ (bằng thực tế, bằng hành động) chứ đừng nói suông!”

Vâng, hãy chứng tỏ, không nói suông bằng cách thực hành ý muốn của Đức Giê-su. Ngài rất muốn chúng ta: “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết”, v.v… với bất cứ ai, dù người đó chỉ là “những người anh em bé nhỏ nhất”, vì Vua Giê-su đã nói: “là các ngươi làm cho chính Ta vậy.” (x.Mt 25, 40).

Chúa Nhật hôm nay, toàn thể Giáo Hội kính trọng thể “Đức Giê-su Ki-tô là Vua”. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta tái xác nhận rằng: “Chúa Giêsu là Vua. Chúa muôn thuở là Vua. Chúa muôn thuở là Vua… (muôn vua)”.

Vâng, để cho sự tái-xác-nhận đem lại ơn ích cho mỗi chúng ta, hãy ngước lên thánh giá Chúa Ki-tô, một Chúa Ki-tô đã chiến thắng tử thần và đang “ngự bên hữu Chúa Cha” mà cầu xin, xin theo cách tên gian phi năm xưa đã xin, rằng: “Giê-su ơi… xin nhớ đến con”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây