Chúa Nhật - Lễ Chúa Thăng Thiên
Chúng ta hãy đi… làm chứng về Chúa
Đức tin Công Giáo dạy chúng ta, rằng: Đức Giê-su – “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”.
Những điều chúng ta tin (nêu trên), không phải là niềm tin vô căn cứ. Trái lại, niềm tin chúng ta tin là do các thánh tông đồ truyền dạy. Ngày nay, chúng ta gọi là đức tin “tông truyền”.
Mà, đúng là vậy. Các thánh tông đồ chính là những người đã được thấy, được nghe, được ăn uống, được đụng chạm đến Đức Ki-tô Phục Sinh. Các ngài cũng chính là những nhân chứng, chứng kiến Thầy Giê-su “được rước lên trời” Sự kiện vô tiền khoáng hậu này, đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (x.Mc 16, 15-20).
**
Theo Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại, thì: Sau khi từ cõi chết trỗi dậy, một ngày nọ, Đức Giê-su đã “tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa.”
Các-ông-đang-dùng-bữa, thì sao! Thưa, theo dân gian Việt Nam, thì: “Trời đánh tránh bữa ăn”. Ấy thế mà, Đức Giê-su lại không “tránh”. Mà, Ngài có phải là người Việt Nam đâu! Thế nên, hôm đó… hôm đó Ngài đã không ngại “đánh các ông”. Đức Giê-su đã “đánh” các ông bằng một lời “khiển trách”. Ngài khiển trách các ông chỉ vì “các ông không tin và cứng lòng… các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy”.
Những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy là ai? Thưa, đó là bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã đi báo tin cho các môn đệ rằng “Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin” (x.Mc 16, 11).
Đó còn là “hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường về quê”. Hai người này cũng đã được Đức Giê-su “tỏ mình ra”. Thế là “Họ trở về báo tin cho các ông… nhưng các ông… cũng không tin hai người này”. (x.Mc 16, 13).
Như đã nói ở trên, Đức Giê-su đã khiển trách. Thế nhưng, không vì thế mà Ngài lại không trao cho các ông sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hôm ấy, đứng trước nhóm Mười Một, Đức Giê-su phán truyền, rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”.
Và để các ông vững tin cho sứ vụ của mình, Đức Giê-su tuyên bố: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”.
Vâng, suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, đã có không ít nhà truyền giáo khi “nhân danh Chúa”, họ đã làm được những việc rất phi thường. Đại diện cho những người này là “anh cả” Phê-rô.
Sách Công Vụ (9, 32-35) có ghi lại rằng: “Bấy giờ ông Phê-rô rảo khắp nơi, xuống thăm cả dân thánh cư ngụ tại Lốt. Nơi đây ông gặp thấy một người tên là Ê-nê liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê bại. Ông Phê-rô nói với anh ta: ‘Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy.’ Lập tức anh đứng dậy. Tất cả những người cư ngụ ở Lốt và đồng bằng Sa-ron thấy anh, và họ trở lại cùng Chúa”.
Thấy chưa! Chỉ cần nhân danh Đức Giê-su Ki-tô… thì bệnh nhân Ê-nê khỏe mạnh. Mà, nếu thể xác bệnh nhân không khỏi bệnh, thì tâm hồn bệnh nhân sẽ thư thái bình an. Điều này, ngày nay đã xảy ra, rất… rất nhiều. Nhiều bệnh nhân đã thư thái bình an, sau khi các linh mục “đặt tay trên các người bệnh”, qua bí tích xức dầu.
Trở lại câu chuyện Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ. Hôm ấy, sau khi trao cho các ông sứ vụ loan báo Tin Mừng, thánh sử Mác-cô, với tất cả lòng cung kính, đã mô tả một Đức Giê-su “Chúa nay thực đã hiển vinh… Tiến lên về bến Thiên Đàng”.
Vâng, rất ngắn gọn, thánh sử Mác-cô viết: “Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. (x.Mc 16, 19).
Biến cố Đức Giê-su “được đưa lên trời” còn được sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại như sau: “Người được cất ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh, và nói: Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 11).
***
Đức Giê-su đã “được rước lên trời”. Và, Chúa Nhật hôm nay (12/05/2024), như một truyền thống đẹp, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Chúa Thăng Thiên.
Mừng lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ trang hoàng nhà thờ đầy những bông hoa! Chúng ta sẽ treo những tấm “băng-đờ-rôn” với dòng chữ Mừng Chúa Thăng Thiên! Chúng ta sẽ treo một tấm ảnh rõ lớn, Chúa Giê-su đang bay về trời, trước tiền sảnh nhà thờ!
Nếu, nếu có làm, thì hãy làm giản dị thôi. Và, nhớ đừng quá “đăm đăm” xem những công việc đó là điều thiết yếu. Điều chúng ta cần “đăm đăm”, đó là hãy đăm đăm nhìn vào “lời chỉ bảo” của Đức Giê-su.
Đức Giê-su đã chỉ bảo điều gì? Thưa, Ngài đã chỉ bảo rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”
Chưa hết. Đức Giê-su còn chỉ bảo, rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đa, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”.
Vâng, lời-chỉ-bảo của Đức Giê-su, là thế đó. Xưa thật là xưa, các môn đệ đã thực hiện. Rồi đến các thánh Giáo Phụ, quý ngài cũng đã thực hiện. Nói chung, suốt hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội, qua các nhà truyền giáo, cũng đã thực hiện.
Còn hôm nay, thì sao? Thưa, là chính chúng ta. Chúng ta phải là những người thực hiện lời chỉ bảo của Đức Giê-su.
Theo tông huấn Giáo hội tại Châu Á ở số 45, do Đức Gioan Phaolo II viết, thì: “Như Công đồng Va-ti-can II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô.
Do ơn sủng và do tiếng gọi của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao… Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”. (nguồn: Tông Đồ Giáo Dân Thực Hành).
Vâng, lời mời gọi là như thế. Thế nên, tất cả giáo dân hãy nhận lấy. Nói rõ hơn, tất cả chúng ta hãy đi… đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng.
Không nhất thiết chúng ta phải đi tới Phi Châu, tới Trung Đông hay một nơi nào đó trên thế giới. Nơi chúng ta cần đi, đó là: “hãy đi vào đời”.
Hãy-đi-vào-đời… Đi vào đời, để nói với những ai đang “dong duổi đường gió bụi, gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”, rằng: hãy về đây… “Về đây nấp bóng Sao Mai, về đây quên lãng những ngày truân chuyên”.
Hãy-đi-vào-đời… Đi vào đời, để nói với những ai đang “mê mải tìm hoan lạc, những ngày đêm thổn thức băn khoăn”, rằng: hãy về đây… “Về đây ngỏ hết tâm can, về đây Mẹ có muôn ngàn yêu thương”.
Hãy-đi-vào-đời… Đi vào đời, để nói với những ai đang “sống mãi trong do dự, kiếp trần gian lữ thứ đau thương”, rằng: hãy về đây. “Về đây nấp bóng Trinh Vương, về đây hưởng phúc Thiên đàng yên vui”.
Hãy-đi-vào-đời… Đi vào đời, để nói với những ai đang “say đắm trong muôn tội, tâm hồn đang lạc lối Thiên cung”, rằng: hãy về đây. “Về đây thống hối lỗi chung, về đây Mẹ sẽ rửa lòng sạch trong”.
Hôm nay, chúng ta đang sống trong “tháng hoa – tháng nhớ về Mẹ Maria”. Thế nên, đúng là một “cơ duyên”, một cơ duyên để chúng ta lớn tiếng nói với mọi người rằng: Hãy về đây! “Về đây Mẹ sẽ thương yêu, về đây Mẹ sẽ ban nhiều ơn thiêng”.
Lớn tiếng nói với mọi người như thế, chính là chúng ta đã lớn tiếng “loan báo Tin Mừng”. Nói cách khác, chính là chúng ta đã đáp lời mời gọi của Đức Giê-su: “Anh em hãy đi… Hãy là chứng nhân của Thầy.”
Vâng, đừng do dự nữa. Chúng ta hãy đi… làm chứng về Chúa.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn