TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cơn khát của Chúa

Thứ tư - 21/02/2024 22:59 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   1180
Nếu đọc Tin Mừng thứ tư, chúng ta sẽ thấy Gioan tường thuật lại hai lần Chúa Giêsu khát nước.
Cơn khát của Chúa

CƠN KHÁT CỦA CHÚA, MINH CHỨNG CỦA MỘT TÌNH YÊU ĐI BƯỚC TRƯỚC

Nếu đọc Tin Mừng thứ tư, chúng ta sẽ thấy Gioan tường thuật lại hai lần Chúa Giêsu khát nước. Lần thứ nhất tại bờ giếng Giacóp giữa giờ ngọ. Ngài đi đường mệt mỏi và khát nước nên đã ngỏ lời xin người phụ nữ Samari cho chút nước uống (x. Ga 4, 7). Lần thứ hai là vào lúc chiều muộn trên đồi Golgotha khi Chúa Giêsu đã nói “ta khát” lúc ngài bị treo trên thập giá (x.Ga 19, 28).[1]

Nước là thứ quan trọng trong đời sống con người. Thiếu nước có thể gây ra nổi loạn chiến tranh, có thể làm cho sự sống chấm dứt. Quả vậy, khi băng qua sa mạc để về Đất hứa, những người Israel kêu trách Đức Chúa và họ gây sự với ông Môsê, một chút nữa là họ lấy mạng của ông. Họ đã toan làm chuyện ấy bởi họ nói rằng “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy” (Xh 17, 4).[2] Ấy mới thấy nước rất quan trọng quan trọng như thế nào đối với sự sống của con người, vật nuôi và cây trồng. Tuy nhiên, đó có phải là thứ nước duy nhất mà con người cần hay không?

Khi ngỏ lời xin chút nước uống, Chúa Giêsu đã bày tỏ cơn khát thực sự của mình: Cơn khát của một con người. Tuy nhiên, Chúa Giêsu còn cho thấy có những cơn khát nữa. Ngài là con người thì Ngài thấy khát về thể lý. Nhưng Ngài là Thiên Chúa và Ngài lại khát nhiều cơn khát nữa mà Tin mừng hôm nay dẫn đưa chúng ta đến điều đó.

Chúa Giêsu khát cơn khát của người mục tử đi tìm con chiên lạc, Ngài khát mong đưa các con chiên lạc thoát cảnh hiểm nguy khỏi sói dữ, khỏi vực sâu để về về hợp đoàn với các con chiên khác ở trong đồng cỏ xanh và suối nước trong. Chúa Giêsu khát mong chiên lạc trở về, Ngài khát mong cơn khát của gà mẹ muốn quy tụ tất cả các con của mình ở dưới cánh dang rộng để tránh cho con khỏi hiểm họa của diều hâu. Chúa Giêsu khát mong cơn khát của người thầy mong môn đồ mở lòng đón nhận lời sự thật để nhờ đó họ thoát khỏi những u mê lầm lạc. Chúa Giêsu khát mong cơn khát của Đấng cứu độ mong con người được giải thoát khỏi xiềng xích sự chết, Ngài mong càng có nhiều người tin vào lời của Chúa, nhờ đó được Thánh Thần tình yêu đưa sự sống vĩnh cửu.

Chúng ta thấy rằng, vì những cơn khát đó mà Chúa Giêsu đã lên đường. Ngài vượt qua những biên giới của địa lý, của văn hóa, của giới tính mà cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp là một ví dụ điển hình. Trong vai là một người xin nước uống, Chúa Giêsu đã khơi lại niềm khát khao sự thật nơi người phụ nữ dân ngoại này. Chúng ta thấy rằng khởi đầu cuộc đối thoại diễn ra khó khăn bởi người phụ nữ dè chừng, cảnh giác và không tin tưởng. Không bao giờ có chuyện một người Do Thái lại hạ mình để giao tiếp với người dân ngoại Samari. Lại càng không có chuyện một người đàn ông lạ giao thiệp với một người phụ nữ ở nơi công cộng. Vì thế, người phụ nữ cảnh giác trước lời xin nước của chúa Giêsu. Nhưng chúng ta thấy, nhờ ơn Chúa qua cơn khát ở giếng nước Giacóp này, người phụ nữ đã gặp được Đấng Cứu độ. Chúa Giêsu đã làm một người khát và ngài đã đi bước trước để ngỏ lời xin người phụ nữ.

Ngày hôm nay Chúa vẫn khát mong và ngỏ lời xin chúng ta đến với ngài. Người phụ nữ Samari đã gặp một người Do Thái, nhưng đây không phải là một người Do Thái bình thường mà là người tuyên bố “ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời” (Ga 4, 14). Nước trường sinh Chúa Giêsu trao tặng chính là sự thật, là tình thương mà con người của chị đang rất thiếu thốn. Lúc này, không phải một người Do Thái bình thường chào đón chị mà là Đấng Cứu độ trần gian đang ngỏ lời. Đấng ấy biết rõ cuộc đời của chị bị chìm sâu như thế nào. Tuy vậy, Chúa Giêsu đã không xa lánh con người tội lỗi này. Trái lại, Ngài mời chị đến nhận nước hằng sống. Quá vui mừng khi có một người hiểu và thông cảm với một cuộc đời ba chìm bảy nổi này, chị chạy về thành loan báo cho nhiều người cùng đến để gặp Đức Giêsu Kitô hầu niềm vui gặp gỡ Đấng Cứu độ lan tỏa đến nhiều người[3]. Đến để giải tỏa cơn khát và loan báo cho nhiều người biết đến nguồn mạch sự sống nơi Chúa cũng là quyền lợi và bổn phận của mỗi người Kitô hữu. Trong cuộc đời, chúng ta thấy rằng mình đang tự thu mình trong cuộc gặp gỡ với người khác, bởi vì cái tôi quá cao ở trong lòng. Ta hạn chế mình trong những tương quan bởi chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ phải hi sinh, sợ mất danh dự. Tuy nhiên, khi không đến với tha nhân, chúng ta lâm vào những cơn khát cơn khát của thiếu yêu thương.

Chúa Giêsu giúp cho chúng ta hiểu được cơn khát nào là cơn khát thật sự cần thiết cho vận mạng của chúng ta, cơn khát nào là cơn khát giả tạo chóng qua. Chúng ta hãy trở về với Chúa ở trong chay tịnh, trong cầu nguyện và trong đời sống mới. Nhờ thế, chúng ta được Chúa cho thỏa mãn cơn khát. Chúa vẫn ngày ngày chào đón chúng ta để đổ vào lòng chúng ta tràn đầy Thánh Thần tình yêu của người. Hãy khát mong Đức tin để chính Chúa sẽ làm cho đức tin của chúng ta nên sống động. Con đường của đổi mới không phải là chúng ta trải qua những vất vả của cuộc sống này như những người Do Thái đi trong sa mạc mà kêu trách Chúa, nhưng là đi qua sa mạc của cuộc đời này với đầy lòng tin tưởng và yêu mến. Không có ai có thể làm thỏa mãn được cơn khát thâm sâu của chúng ta ngoại trừ Đức Giêsu Kitô – Đấng đã chủ động kêu khát để đến với chúng ta.

Đức Hữu

 


[1] Có một sự đối xứng đáng ngạc nhiên giữa bài tường thuật về sứ vụ của Chúa Giêsu ở Samari và bài trình thuật về cuộc Tử Nạn của Ngài trong Tin Mừng Gioan. Quả thật, cả hai đều kể ra thân xác mệt mỏi của Ngài, cơn khát của Ngài và sự hoàn tất công việc của Ngài. Từ đó, họ nghĩ rằng có một mối liên hệ giữa công trình truyền giáo mà Chúa Giêsu thực hiện ở Samari, ở đó, Ngài được tuyên xưng là “Đấng Cứu Độ trần gian” và công trình cứu độ thế giới mà Ngài thực hiện trên thập giá; nghĩa là giữa thời gian mặc khải Đấng cứu độ trần gian và thời gian thực hiện ơn cứu độ cho trần gian. Lúc đó, “mười hai giờ trưa” ở trong câu chuyện này ám chỉ đến “mười hai giờ trưa” trong 19, 14, giờ siêu thăng, giờ ban Thánh Thần, giờ sinh ra Giáo Hội.
 

[2] Ông Môsê đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của dân chúng. Họ sợ hãi trước một cái chết thảm khốc: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?”. Đoạn, sự nghi nan ngờ vực trở thành lời nói phạm thượng: “Có Chúa ở giữa chúng tôi hay không?”.

Trước cuộc nổi loạn của dân chúng, ông Môsê sợ hãi kêu lên cùng Chúa: “Tôi phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ còn chút nữa là họ lấy đá ném chết tôi!”. Ông Môsê chấp nhận đánh cược niềm tin của mình; Thiên Chúa phục hồi uy tín cho ông trước mắt mọi người khi cho ông thực hiện ân ban của Ngài trước sự chứng kiến của một số kỳ mục mà ông dẫn theo đến tảng đá.

Chính nhờ niềm tin mà ông Môsê đã vượt qua cơn nguy khốn này. Ông tin rằng không gì mà Thiên Chúa không thể làm được. Hơn nữa, ông đặt trọn niềm tin tưởng vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng, bất chấp những cằn nhằn gây gổ của dân Ngài, đã không từ chối ra tay cứu giúp họ. Đức tin không thể tương hợp với sự tuyệt vọng.

Việc dân Do-thái thách thức và cằn nhằn gây gổ ở Maxa và Mêriba được sách Đệ Nhị Luật nêu lên: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Maxa” (Đnl 6, 16). Khi chịu thử thách trong hoang địa, Chúa Giêsu đáp lại cơn cám dỗ thứ hai của Xatan cũng bằng chính những lời này: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4, 7).

[3] Lời chứng của người phụ nữ làm xôn xao dân Samari và thúc dục họ lên đường đích thân đến với Chúa Giêsu, xin Ngài ở lại với họ, và Ngài đã chấp nhận ở lại với họ hai ngày.

Dù khởi điểm niềm tin của họ xuất phát từ lời chứng của người phụ nữ, tuy nhiên niềm tin của họ không dừng lại nhưng vượt qua lời chứng này: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (4, 42). Do đâu mà dân Samari đạt đến một niềm tin sâu xa như vậy, nếu không phải là họ đã lợi dụng hai ngày Đức Giê-su ở lại với họ để đích gặp gỡ và đối thoại với Ngài? Nếu thế, đức tin của họ không còn dựa trên lời chứng của người phụ nữ, nhưng trên kinh nghiệm cá nhân của mình trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với Đức Kitô. Lúc đó, sự kiện “Dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày” (4, 40) phải là trọng tâm của câu chuyện giữa Chúa Giê-su và dân Samari.

Thật kỳ diệu, “Đấng Cứu Độ xuất thân từ dân Do-thái” được người Samari đón tiếp một cách nồng hậu và được tuyên xưng là “Đấng cứu độ trần gian”, tức là Đấng vượt lên trên tất cả mọi xung đột chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. Sự nghịch lý này vang dội ngay ở đầu Tin Mừng:

“Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở thành con Thiên Chúa” (Ga 1, 11-12).

Thánh ký kết thúc câu chuyện của mình bằng cách gợi lên tước hiệu mà dân Samari ban cho Ngài: “Đấng cứu độ trần gian”. Quả thật, thánh Gioan là thánh ký duy nhất sử dụng tước hiệu này. Toàn bộ câu chuyện nhận được ý nghĩa sâu xa của nó: loan báo chiều kích hoàn vũ của ơn cứu độ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây