TÊN THÁNH GIUSE:
JOS: CÔNG CHÍNH - VÂNG LỜI – KHÔN NGOAN
Giuse công chính, vâng lời,
Khôn ngoan, gương mẫu, miệt mài, khiêm cung.
Justitia (công chính): “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1,19). Sách Khôn Ngoan, chương 10 đã nêu ra các mẫu gương sống công chính như ông Nôê (Kn 10,4), tổ phụ Ápraham (Kn 10,5), ông Lót (Kn 10,6), tổ phụ Giacóp (Kn 10,10), ông Giuse con ông Giacóp (Kn 10,13), và Dân được ông Môsê dẫn ra khỏi Aicập (Kn 10,15.20). Chúng ta thấy các nhân vật này mỗi người đều có nét riêng về sự công chính của mình trong lịch sử cứu độ, tuy nhiên, tất cả đều có chung một điểm là biết điều chỉnh cuộc đời, và ý muốn của mình, theo chương trình, và ý định của Thiên Chúa. Danh từ “the just”, “le juste” (người công chính) có nguồn gốc từ động từ “adjust”, “ajuster” (điều chỉnh): người công chính là người biết điều chỉnh ý mình theo ý Chúa, đường lối mình theo đường lối Chúa, tắt một lời, người công chính là người biết quy hướng toàn bộ con người và cuộc đời mình theo thánh ý Chúa. Hiểu công chính theo nghĩa này, thì quả thật, thánh Giuse đích thực là người công chính, bởi vì, toàn bộ những gì ghi chép về thánh Giuse đều cho thấy ngài mềm dẻo, để mặc cho Chúa muốn uốn nắn thế nào tùy Chúa. Ước gì chúng ta biết bắt chước thánh Cả: hãy để Chúa Thánh Thần mặc tình dẫn dắt chúng ta.
Oboedientia (vâng lời): Tin Mừng bốn lần thuật lại việc sứ thần truyền tin cho thánh Giuse trong giấc mộng, lần nào, ngài cũng liền trỗi dậy và làm theo. Đó là thái độ vâng lời triệt để, một nhân đức trổi vượt của thánh Giuse. Tuy nhiên, khi đứng trước chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa, lúc đầu, thánh Giuse cũng lo sợ như Môsê trước bụi gai đang bốc cháy (Xh 3,6), như Isaia đứng trước sự hiện diện của Đấng ba lần Thánh (Is 6,5), như Dacaria trong Đền Thờ (Lc 1,13), và như Đức Maria khi sứ thần truyền tin (Lc 1,30). Lo sợ trước sứ vụ mà Thiên Chúa ủy thác là thái độ thường thấy ở người công chính, nhưng, cũng như những người công chính khác, khi đã được giải thích, thánh Giuse đã mau mắn vâng phục thiên ý: đón nhận sứ vụ để cộng tác vào chương trình mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi Mẹ Maria, nơi Thai Nhi và nơi chính mình. Ước gì khi đứng trước lời mời gọi của Chúa, cho dẫu lúc đầu, có thể, chúng ta còn ngần ngại trước những công việc khó khăn, nhưng, với lòng khiêm nhường vâng phục, chúng ta dám can đảm đưa vai gánh lấy sứ vụ mà Chúa trao phó như thánh Cả!
Sapientia (khôn ngoan): Đức Mẹ được mệnh danh là Tòa Đấng Khôn Ngoan (Sedes Sapientiae). Đức Gioan Phaolô II trong bài huấn dụ ngày 04/09/1963 tại Castel Gandolfo đã nói: Đức Maria là Tòa của Đấng Khôn Ngoan, bởi vì, Mẹ đã đón tiếp Đức Giêsu là Đấng Khôn Ngoan nhập thể vào trong cung lòng của mình. Thánh Giuse được Thiên Chúa ủy thác cho sứ vụ cao trọng: gìn giữ hai kho tàng quý giá là: Đấng Khôn Ngoan, và Tòa Đấng Khôn Ngoan, ắt hẳn, Thiên Chúa đã phú ban cho ngài Đức Khôn Ngoan khi đặt ngài bên cạnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Thánh Cả Giuse được tuyển chọn để làm Bạn Trăm Năm của Tòa Đấng Khôn Ngoan, là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, là Từ Mẫu của Đức Giêsu, Đấng Khôn Ngoan. Với danh nghĩa ấy, Thánh Cả đã thương yêu, giữ gìn Mẹ, và bảo toàn danh thơm tiếng tốt cho Mẹ trước mặt thiên hạ. Từ tâm hồn trong sạch đầy tràn Đức Khôn Ngoan, đôi tay ngài đã bồng bế Chúa Con và giúp đỡ Đức Mẹ. Ước gì chúng ta cũng biết mở rộng lòng ra, để đón nhận ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để như thánh Cả Giuse, chúng ta cũng bảo tồn được những kho tàng khôn ngoan quý báu của thập giá, điều mà thế gian cho là điên rồ và ngu dại!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn