TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình

Thứ năm - 13/05/2021 03:41 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   682
Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình

Chúa Nhật Lễ Lá

Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình

Hôm nay Chúa Nhật Lễ Lá. Như vậy, chỉ còn một tuần nữa, toàn thể Giáo Hội sẽ long trọng cử hành Lễ Phục Sinh. Trong tuần này, Giáo Hội dành riêng ba ngày, gọi là “Tam Nhật Vượt Qua”, cũng còn được gọi là Tam Nhật Thánh hoặc Tam Nhật Phục Sinh. Đây chính là trung tâm điểm của Đức tin Ki-tô giáo.

Tam Nhật Thánh được bắt đầu từ chiều thứ Năm Tuần thánh, với ngày này, Giáo hội cử hành một thánh lễ kỷ niệm việc Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể. Kế đến là thứ sáu Tuần Thánh, với ngày này, Giáo Hội tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Sau đó, vươn tới cao điểm là một thánh lễ trong đêm Vọng Phục Sinh, và kết thúc với một thánh lễ Mừng Chúa Phục Sinh được cử hành chính ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Tưởng chúng ta cũng nên biết, trong ngày thứ sáu Tuần Thánh, để cho việc tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su được trọn vẹn, hầu hết ở mọi thánh đường đều có tổ chức cuộc “đi đàng Thánh Giá”.

Mừng Chúa Giê-su Phục Sinh, mà không cử hành việc “đi đàng Thánh Giá”, thì, đó là một thiếu xót lớn. Tại sao? Thưa, vì đó chính là con đường Chúa Giê-su đã đi qua, con đường mà Ngài đã ba lần loan báo cho các môn đệ, rằng: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá…”. Vâng, đúng là “Đường Thánh Giá”.

Thật ra, đã có lúc, con đường đó được mang tên: Via Dolorosa – Con đường thảm sầu.

Vâng, chúng ta hãy trở lại Via Dolorosa, của hơn hai ngàn năm trước đó. Chuyện kể rằng: Vài hôm trước, con đường này đã được trải thảm bằng những tấm áo choàng, cùng với một rừng người cầm cành thiên tuế ra đón Đức Giê-su. Họ nghênh đón Ngài với những lời reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” (x.Mc 11, 8-10)

Với thánh sử Luca, ngài đã tường thuật lại rằng: “Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường”. Và “Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!”...

Nhưng, có ngờ đâu, chỉ vài hôm sau, Đức Vua Giê-su đã phải bước đi trên con đường này như một tội đồ. Và cuối cùng là một bản án tử chết treo trên thập giá tại đồi Golgotha.

Rất buồn, đó là một thảm kịch, thảm kịch bắt đầu sau khi Thầy và trò “đi ra núi Oliu”. Tại đây, trong thinh lặng của nguyện cầu, Đức Giêsu xao xuyến bồi hồi, bồi hồi đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất”.

Có một người trong nhóm mười hai phản bội Ngài. Và tệ thật, bàn tay kẻ phản bội Ngài lại cùng đặt trên bàn với Ngài. Người đó chính là Giuđa Iscariot. Vài hôm trước, y đã âm thầm đi gặp các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ để thảo luận về cách thức nộp Đức Giêsu cho họ và thương lượng về tiền thưởng cho y...

Các thượng tế hứa hẹn rằng, sẽ “cho hắn ba mươi đồng bạc”. Thế nên “từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.” Và khi được Giuđa cho biết thời cơ đã đến, một toán người liền được các thượng tế và kỳ mục phái đi truy bắt Đức Giêsu.

Tại núi Oliu, nơi kẻ phản bội biết chắc Đức Giêsu cùng các môn đệ đang hiện diện, bỗng náo động bởi tiếng binh khí va chạm cùng tiếng vó ngựa khua vang cả một góc trời đêm.

Sự trang nghiêm của nguyện cầu bị phá vỡ bởi những tiếng hò hét. Và khi kẻ dẫn đầu là Giuđa Iscariot xuất hiện. Y lại gần Đức Giêsu để hôn người.

Hôn ư!… một cử chỉ biểu lộ tình yêu thương, nay lại là một dấu hiệu để bắt bớ sao! Thưa, đúng vậy. Đó là một ám hiệu mà y đã nói với đồng bọn: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.” Vâng, đó là một “nụ hôn của thần chết”.

Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng. Đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59).

Nhưng hôm nay, tại Oliu, Giêsu người Nazareth, Ngài đứng lặng “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”. (Tv 55).

Toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái ập đến bắt Đức Giêsu. Họ bắt Ngài chỉ vì Ngài đã dám tuyên bố rằng “Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày sẽ xây cất lại”. Họ bắt Ngài chỉ vì Ngài nhìn nhận mình chính là “Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.

Họ trói Ngài rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha. Tại đây, toàn thể những thành viên Hội Đồng Công Tọa quá đỗi bất ngờ trước chiến tích của tên “phản thùng” Giuđa.

Màn đấu tố Đức Giêsu suốt đêm tại dinh thượng hội đồng đầy bất công và tàn nhẫn. Thế nhưng, điều đó cũng chưa làm họ mãn nguyện. Họ muốn tìm một đồng minh từ Philatô, nên đã “dẫn độ” Đức Giê-su đến dinh quan tổng trấn.

Trên đường tới dinh quan tổng trấn, ngoài những sự đau đớn do bị đánh đập tra tấn, Đức Giê-su còn đau đớn hơn khi “gà chưa kịp gáy” thì người môn đệ của mình “đã ba lần chối là không biết Thầy”.

Rồi tại dinh quan tổng trấn, khi Philatô xuất hiện. Ông ta đã chết lặng khi nhìn thấy thân thể rã rời của Đức Giêsu sau một đêm bị những trận đòn. Hình hài của Đức Giêsu, thật đúng như những gì ngôn sứ Isaia đã tiên tri về Ngài: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).

Chỉ qua vài lời thẩm vấn, Phi-la-tô cho rằng, Đức Giê-su “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14). Thế nhưng, dù có thẩm quyền, nhưng ông ta không đủ can đảm trả tự do cho Đức Giê-su, vì ông ta sợ, sợ trước những tiếng gào thét, ném về Đức Giê-su: “Giết! Giết nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá”.

Sau một chút do dự, Philato “chữa cháy” bằng việc đem ra một tên tội phạm, một gã cướp khét tiếng, phạm nhiều tội ác và sa lưới pháp luật, tên là Baraba.

Như một thông lệ, vào những ngày lễ lớn, quan Tổng trấn đại diện cho Rôma, có thói quen ân xá cho một phạm nhân. Năm đó, Tổng trấn Philatô đã đưa Đức Giêsu và Baraba ra trước mặt dân chúng và hỏi họ nên tha cho ai.

Thật đáng tiếc, kế hoạch của quan tổng trấn lại như dầu đổ vào lửa. Hôm đó, toàn dân đã la lớn: tha Baraba và đóng đinh Giêsu.

Vâng, phiên tòa vỡ vụn. Bởi sự hèn nhát cộng với tâm địa của một kẻ bàng quang, qua việc “rửa tay”, Philatô phủi bỏ trách nhiệm của mình. Để rồi, mệt mỏi vì những tiếng gào thét cuồng nộ của đám đông, quan tổng trấn ngượng ngùng “trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá” (x.Mc 15, …15).

Via Dolorosa – Con đường thảm sầu bắt đầu với một Giê-su “ôm vết thương rỉ máu” từng bước tiến về Golgotha. Người ta thấy có một nhóm phụ nữ “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”, thế nhưng, Đức Giêsu đã quay lại và cho họ một lời khuyên chân tình: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28).

Các bà quên rằng, Đức Giêsu, nếu muốn, Ngài đã có thể cầu xin Thiên Chúa Cha “cấp ngay cho (Ngài) hơn mười hai đạo binh thiên thần” để giải thoát Ngài.

Nhưng! “như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?”. Vâng, Đức Giê-su đã “xin theo ý Cha”.

**

Chúa Nhật hôm nay, chúng ta “Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu”. Những bài đọc trong Phụng Vụ có vẻ khá dài, dài như mười bốn chặng đàng Thánh Giá mà chúng ta sẽ nguyện ngắm vào thứ sáu Tuần Thánh.

“Đi đàng Thánh Giá ư!”… Vâng, có bao giờ chúng ta tự hỏi mình, rằng: mỗi khi làm việc này, tôi nghĩ mình là ai trong một rừng người đi theo Đức Giê-su trên “con đường sầu khổ”… là ai trong một rừng người đứng đau đáu nhìn Ngài đầu đội mão gai, hai tay dang trước trời cao, thân hình dính chặt vào thập giá bằng những chiếc đinh?

Tôi là ai? Vâng, về câu hỏi này, ngài Ron Rolheiser, OMI, trong bài “Viết lại cuộc xử án của chúng ta”, đã nhận xét: “Thánh Kinh tập trung rất nhiều vào cuộc xử án Ngài, mô tả dài và chi tiết. Và mô tả đó thật vô cùng sâu cay. Chúa Giêsu bị xử án, nhưng lại được viết ra như thể, tất cả mọi người đang bị xử án, chứ không phải Ngài”.

Thật đúng, đúng là một nhận xét chí lý. Tất cả chúng ta đang bị xử án. Hãy thử nghĩ xem! Xưa: người Do Thái đòi thả Baraba, một tên sát nhân. Nay, trước một lựa chọn công bằng và bất công, lòng khoan dung và thói hung bạo, v.v… ta chọn điều gì?

Chọn công bằng và khoan dung hay chọn “Baraba – biểu tượng của hung bạo và bất công”?

Liệu chúng ta cũng sẽ bỏ Chúa, như xưa các môn đệ bỏ Thầy mình, khi chúng ta gặp những sự đe dọa, đe dọa phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền bạc, danh vọng, địa vị, quyền hành, quyền lực?

Vâng, không có gì là không thể. Vào từng lúc, từng thời điểm trong cuộc sống, rất có thể chúng ta cũng hét lên: “Chúng tôi chẳng có vua nào cả… chẳng có Chúa nào cả”.

Trở lại việc “đi đàng Thánh Giá”. Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình. Vâng, chuyện đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Và, thật đau lòng khi ngài Ron Rolheiser, nhận xét: “nhưng chẳng có nhiều thay đổi đâu. Chọn lựa của những người trong cuộc xử án và kết án Chúa Giêsu, cũng chính là những chọn lựa mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay. Và gần như mọi ngày, chúng ta chẳng làm gì tốt đẹp hơn họ, vì, với sự mù quáng và tư lợi, chúng ta vẫn và quá thường xuyên, nói rằng: Dẫn hắn đi. Đóng đinh hắn vào thập giá! Thế đó”.

Không! Hôm nay, chúng ta, không ngoài ai khác, phải làm một cái gì đó để thay đổi lời nhận xét này.

Phải làm gì ư! Thưa, tệ lắm cũng phải có được một cái nhìn như viên đại đội trưởng xưa, chỉ trong vài phút nhìn Đức Giêsu hấp hối trên thập giá, thế mà ông ta đã nhận ra Ngài “Quả thật là Con Thiên Chúa”.

Vâng, bao năm qua, chúng ta có hằng ngàn giờ phút nhìn Đức Giê-su hấp hối, qua việc “đi đàng Thánh Giá”, hãy tự hỏi, nhìn Ngài trên Thánh Giá, tôi có thật sự tin điều năm xưa Ngài đã nói với ông Nicôđêmô, rằng, “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”, hay không?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, tại Golgotha, một trong hai tên gian phi, đã được hưởng ơn cứu độ, nhờ lời khẩn cầu của y, rằng: “Ông Giê-su ơi! Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”.

Vâng, sẽ là một thay đổi, thay đổi lớn trong đời sống đức tin của chúng ta, nếu… nếu việc đi đàng Thánh Giá của chúng ta luôn được kết hợp với lời khẩn nguyện, rằng: “Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình. Con đớn đau nhìn vũ trụ tự hối. Xin giúp con đường thiêng liêng theo lối. Quyết từ nay thờ Chúa hết tâm tình.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây