Niềm Vui Mỗi Ngày
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
14 tháng 4.2021
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
Sách
Con Đường Sách tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, nằm sau lưng Nhà thờ Chính Tòa, tổ chức Ngày Sách và Văn Hóa Đọc Việt Nam để khuyến khích mọi người đọc, để đưa sách đến với mọi người, về với mọi buôn làng...
Có những câu danh ngôn hay về sách như :
Đọc sách hay cũng giống như trò truyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua. – Rene Descartes
Một cuốn sách hay trên giá sách là một người bạn dù quay lưng lại nhưng vẫn là bạn tốt. – Khuyết danh
Tôi đọc sách không phải là để nâng cao trí thức mà để nâng cao tâm hồn. – Guérin
Đọc sách hay, làm cho thân ta được ít lỗi. - Khuyết danh
Hãy cho biết anh đọc những sách gì, tôi sẽ nói rõ anh là ai. Đúng vậy, nhưng tôi sẽ biết rõ anh hơn, nếu anh cho tôi biết anh đã đọc lại những gì. - François Mauriae
Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn. – Barack Obama
Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc. – Harvey MacKay
Chúng ta sẽ trở thành gì phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi tất cả các thầy cô giáo đã xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở. – Thomas Carlyle
Sách không chỉ là sách, chúng là cuộc sống, là trái tim và hạt nhân của những thời đại đã qua, là lý do mà con người lao động và chết, là cốt lõi và tinh hoa của bao cuộc đời. – Marcus Tullius Cicero
Chúng ta là ai, mỗi người trong chúng ta là ai nếu không phải tổ hợp của kinh nghiệm, thông tin, những cuốn sách chúng ta đã đọc, những điều chúng ta đã tưởng tượng ra? – Italo Calvino
Việc đọc đối với tâm trí cũng giống như thể dục đối với cơ thể. – Joseph Addison
Sách: Những người bạn đồng hành không bao giờ rời bỏ ta. – Marcus Tullius Cicero
Ngôi nhà không có sách là ngôi nhà nghèo nàn, thậm chí dù sàn nhà được trải toàn thảm đẹp và trên tường dán giấy trải tường và treo tranh quý giá. – Hermann Hesse
Chế độ đọc của mỗi người cũng nên được lên kế hoạch cẩn thận như thực đơn hàng ngày, bởi đó cũng là thức ăn, thiếu nó người ta không thể phát triển về tinh thần. – Andrew Carnegie
...
Vào năm 2016, trên Dân Trí có đăng bài viết của Ths Trương Khắc Trà, với tựa đề : “Nhậu” nhiều, đọc ít và sự lên ngôi của văn hóa rẻ tiền.
“Năm qua, ngành văn hóa thu được 2.000 tỷ đồng từ các hoạt động xuất bản với 24.000 cuốn sách, 375 loại ấn phẩm. Một lĩnh vực khác xem chừng ít liên quan đến sách vở là 3 tỷ lít bia được tiêu thụ nếu quy ra tiền sẽ là 66.000 tỷ đồng, gấp 33 lần tiền mua sách. [...] Có gần 30 triệu người dân chưa bao giờ biết sách là gì, 44% dân số thỉnh thoảng đọc, coi như không bởi vì đọc sách không thể nào làm bạn với … cưỡi ngựa xem hoa! Người Việt chỉ đọc 0.8 cuốn sách/năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Nghịch lý thay, một đất nước có 480 trường đại học, hàng trăm viện nghiên cứu, tỷ lệ sinh viên trên dân cao ngất ngưỡng nhưng tại sao tỷ lệ đọc sách lại thấp đến vậy? Những con số trên đã trả lời vì sao sinh viên Việt Nam thiếu kiến thức, vì sao những tấm bằng cử nhân ngày càng kém giá trị và vì sao bạo lực ngày càng tăng trong khi đạo đức luân thường xuống cấp nghiêm trọng…”. (1)
Đọc bài báo trên mà lòng cảm thấy buồn. Còn tôi thì sao?
Tôi sinh ra cùng năm với Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập (Năm 1960). Sống làm con Chúa cũng “Sáu mươi năm cuộc đời”. Hai cuốn sách quan trọng đối với người Kitô hữu, theo tôi, là cuốn Thánh Kinh và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
Cuốn sách giáo lý đầu tiên được biên soạn dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô V, là quyển giáo lý của Công Đồng Trentô gọi là Sách Giáo Lý Rôma (1566).
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo mới được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố năm 1992 với 2865 số.
Vào năm 2005, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI giới thiệu Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, gồm 598 số. Đức Thánh Cha viết trong Tự Sắc Chấp Nhận và Công Bố Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Toát yếu mà hôm nay Tôi giới thiệu cho Hội Thánh phổ quát là một tổng hợp trung thành và chắc chắn sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Bản Toát Yếu này chứa đựng cách ngắn gọn mọi yếu tố căn bản và nền tảng của đức tin Hội Thánh, tạo thành một thứ thủ bản “cầm tay – Vademecum” như vị Tiền nhiệm của Tôi ước muốn, cho phép mọi người, dù tin hay không, có thể có được một cái nhìn toàn diện về đức tin Công giáo.
Bản Toát Yếu này phản ánh cách trung thành sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo ngay trong cấu trúc, nội dung lẫn ngôn ngữ; hy vọng nhờ sự hỗ trợ và động viên của Bản Toát Yếu này, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo được biết đến cách rộng rãi hơn và được đào sâu nhiều hơn.
Với sự tin tưởng, Tôi trao Bản Toát Yếu này trước tiên cho toàn Hội Thánh và đặc biệt cho từng người Kitô hữu, để vào thiên niên kỷ thứ ba này, mỗi người nhờ vào Bản Toát Yếu, có được một sức bật mới trong cố gắng Phúc Âm hoá và giáo dục đức tin. Đây phải là đặc điểm của tất cả các cộng đoàn trong Hội Thánh và của tất cả những ai tin vào Đức Kitô, bất luận tuổi tác hay thuộc quốc gia nào.
Nhờ tính chất ngắn gọn, trong sáng và đầy đủ, bản Toát yếu này cũng nhắm đến mọi người, đang sống trong một thế giới phân tán và có quá nhiều sứ điệp, khao khát biết được con Đường Sự Sống, Chân Lý, đã được Thiên Chúa trao phó cho Hội Thánh của Con mình. (2)
Năm 2011, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI giới thiệu cuốn Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo Cho Người Trẻ (YouCat: Youth Catechism) gồm 527 số. Trong Lời Giới Thiệu, ngài viết:
“Một số người nói với tôi rằng, ngày nay những người trẻ không quan tâm đến giáo lý, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi chắc rằng tôi có lí. Không nên phán đoán người trẻ theo bề ngoài, những người trẻ muốn biết cuộc sống thực sự là thế nào. Một cuốn tiểu thuyết về tội phạm được hấp dẫn bởi vì nó thu hút người ta về việc của người khác, nhưng riêng chúng ta có cuốn sách giáo lý, nó hấp dẫn bởi vì nó nói với chúng ta về số phận của chúng ta, và liên quan mật thiết với mỗi người chúng ta.
Vì lý do này, tôi mời các bạn: Hãy nghiên cứu giáo lý! Đây là mong muốn chân thành của tôi.
Biết rằng, giáo lý không cung cấp các giải pháp dễ dàng, nó đòi các bạn một cuộc sống mới, nó giới thiệu với bạn thông điệp của Tin Mừng như "viên ngọc đáng giá tuyệt vời" (Mt 13,45) đổi lấy tất cả mọi thứ bạn có.
Vì vậy tôi yêu cầu bạn: nghiên cứu các giáo lý với niềm đam mê và kiên trì! Hy sinh thời gian của bạn cho việc này! [ ... ]
Bạn phải biết những gì bạn tin tưởng, bạn phải biết đức tin của bạn cách chính xác, như các chuyên gia điều hành một máy tính, như một nhạc sĩ biết phần trình diễn của mình.
Phải, bạn phải có nhiều hơn nữa, bắt rễ sâu trong đức tin hơn, so với thế hệ của cha mẹ bạn, để chống cự mạnh mẽ và dứt khoát chống lại sự cám dỗ của thời nay.(3)
Sáu mươi năm cuộc đời. Sáu mươi năm làm con Chúa. Nhìn lại mình, nhiều lúc ta đọc muôn ngàn sách khác mà quên đi cuốn sách“hấp dẫn bởi vì nó nói với chúng ta về số phận của chúng ta, và liên quan mật thiết với mỗi người chúng ta.” Quên đọc cuốn sách quyết định cuộc đời của con người. Quên đọc cuốn sách quyết định hạnh phúc của con người, hạnh phúc đời này và hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
Bắt đầu không bao giờ là muộn!
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
Nguyễn Thái Hùng
++++++++++++++
(1)https://dantri.com.vn/dien-dan/nhau-nhieu-doc-it-va-su-len-ngoi-cua-van-hoa-re-tien-20160103091119228.htm
(2) http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/tusachgiaolygp/00ToatYeuGLCG.htm
(3) http://giaoxuxuantinh.com/duc-tin/youcat-giao-ly-cong-giao-cho-nguoi-tre-180.html