TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chỉ cần tin thôi

Thứ ba - 11/05/2021 03:11 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   921
Chỉ cần tin thôi

Chỉ cần tin thôi

Ngày 14.03.2012 vừa qua, trên trang mạng VietCatholic có đăng một bài viết, tác giả là Phùng Văn Phụng với “title” sau đây: “Từ bác sĩ trở thành linh mục để phục vụ hết mình cho người phong cùi”.

Đây không phải là một câu chuyện giả tưởng, nhưng đó là một câu chuyện “người thật việc thật” giữa cuộc đời hôm nay.

Mở đầu tác giả viết rằng: “Một ngày vào năm 1973, các báo ở Sàigòn đồng loạt đưa tin về cái chết của Jean Cassaigne, một người Pháp, nguyên là Giám Mục Sàigòn nhưng lại qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sàigòn đi Đà Lạt. Nguyễn Viết Chung đọc tiểu sử của vị cố Giám Mục trên một tờ báo và không hiểu do đâu anh ta lại mong muốn được nên giống vị Giám Mục ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Anh chẳng biết gì về Đạo Công giáo, thế mà Đức Cha Cassaigne lại là thần tượng của anh”. (ngưng trích)

Xuyên suốt bài viết, tác giả họ Phùng mô tả đầy đủ chi tiết về Nguyễn Viết Chung, từ lúc anh ta còn là sinh viên y khoa, cho tới lúc trở thành bác sĩ và cuối cùng là linh mục.

Khi chàng sinh viên Viết Chung trở thành bác sĩ, anh ta xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh để thực hiện điều anh ta ước nguyện.

Đã có nhiều người thắc mắc và tự hỏi rằng, điều gì đã khiến anh chàng họ Nguyễn đó, sau khi trở thành bác sĩ lại xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh để thực hiện giấc mơ nêu trên?

Thưa rằng, đó là do tác động của ba người, thứ nhất là Giám mục Jean Cassaigne, thứ hai là linh mục Lichetenberger, vị linh mục này là giáo sư bác sĩ, ông ta dạy môn mô phôi học cho chàng Viết Chung, cuối cùng là dì hai Loan, người đã phục vụ tại trại phong Bến Sắn 17 năm, và đã chết vì bịnh ung thư ở tại trại này.

Ba người đó như là tấm gương mẫu mực cho cuộc đời tận hiến, để rồi hôm nay linh mục bác sĩ Nguyễn-Viết-Chung noi theo con đường tận hiến đó, tận hiến đời mình cho những người bệnh nhân khốn khổ bị xã hội làm ngơ.

Vâng, tất cả họ, bởi là người Kitô hữu, là môn đệ của Thầy Giêsu, họ hiểu Thầy Giêsu muốn gì khi Ngài nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mc 2, 17).

***

“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Đức Giêsu đã tuyên bố điều này trong một bữa tiệc tại nhà ông LêVi, một thủ lãnh trong ngành thu thuế. Không chỉ tuyên bố xuông, Ngài đã thực hiện như là một thầy thuốc mẫu mực trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng.

Trong ba năm đó, bất cứ ai bị ốm đau, bệnh hoạn tật nguyền hoặc kinh phong bại liệt, nếu được đem đến với Đức Giêsu, tất cả họ đều được Ngài chữa trị lành bệnh.

Không những thế, Đức Giêsu còn tìm đến với bệnh nhân, có khi chỉ là tình cờ, như hôm Ngài đến nhà ông Simon và Anrê, ở đấy, Đức Giêsu đã chữa cho nhạc mẫu của Phêrô dứt hẳn cơn sốt đang hoành hành trên cơ thể của bà ta.

Có khi chính người nhà khiêng bệnh nhân đến tìm gặp Ngài, đó là trường hợp một người bị bại liệt được bốn người khiêng đến cho Đức Giêsu chữa trị.

Cũng có khi người ta mời Ngài về nhà như trường hợp ông trưởng hội đường tên là Giaia.

Câu chuyện được thánh sử Máccô kể lại rằng: Hôm ấy, khi Đức Giêsu đang ở bên bờ Biển Hồ, ông Giaia tìm đến. Thật xúc động làm sao về cử chỉ của ông Giaia, vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Ngài và nói: “Con bé nhà tôi gần chết rồi”. Ông ta khẩn khoản nài xin Đức Giêsu đến nhà ông để cứu con ông.

Trước lời khẩn khoản đó, không như các thầy thuốc thời nay, đa số họ thường hay đòi hỏi thủ tục “đầu tiên”, thầy thuốc Giêsu “nơ pa” chuyện đó.

Vâng, y đức của một người thầy thuốc chân chính không phải là “tiền đâu” mà là nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân và làm hết khả năng của mình để cứu người bệnh.

Hai yếu tố sống còn đó đã được Đức Giêsu thực hiện đầy đủ. Thật vậy, sau lời thỉnh cầu của ông Giaia, người ta thấy Đức Giêsu “liền ra đi với ông”. Người ta còn thấy cả một rừng người “đi theo và chen lấn Người”. (Mc 5, 24).

Thế nhưng, thật đáng tiếc! Chưa kịp đến nhà Giaia thì có mấy người từ nhà ông đến bảo “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa ?”

“Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Vâng, có vẻ như đây là một lời trách móc! Có vẻ như họ trách Đức Giêsu mất quá nhiều thời gian cho một người đàn bà mắc bệnh băng huyết đã mười hai năm, nay nghe tin Ngài đi ngang qua nên đã gặp và xin Ngài chữa bệnh!!!

Sự thật… vâng, sự thật còn tệ hơn cả một lời trách móc. Khi Đức Giêsu đến, họ đã “chế nhạo Ngài” (Mc 5, 40). Họ nghi ngờ về quyền năng của Đức Giêsu. Đứa bé đã chết rồi, Ngài có phải là thần thánh đâu mà chỉ cần “đặt tay lên cháu, để nó… được sống” ... như lời khẩn khoản của ông Giaia???

Có lẽ họ chưa được nghe nhiều về quyền phép của Đức Giêsu, chưa chứng kiến người đàn bà băng huyết chỉ một động tác “sờ vào áo của Người” thế mà đã được “khỏi hẳn bệnh”.

Không thấy nói những người chế nhạo Đức Giêsu có “bà con” với ông Giaia hay không. Chỉ thấy Đức Giêsu lịch sự mời họ ra ngoài sau khi Ngài nói “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5, … 39).

Đứa bé ngủ ư! Thì nhìn đấy, nếu đứa bé chết, Đức Giêsu cần gì bảo với họ “cho con bé ăn”. Và hãy nhìn kìa, biết bao người đang ở đó, họ đã phải “kinh ngạc sững sờ” khi thấy Đức Giêsu cầm tay đứa bé và nói: “Talithakum… Thầy truyền cho con trỗi dậy”.

Vâng, câu chuyện được ghi lại rằng “lập tức con bé đứng dậy và đi lại được”.    

Một chút tâm tình

Qua phép lạ cải tử hoàn sinh cho con ông Giaia và phép lạ chữa lành căn bệnh băng huyết cho người đàn bà, chúng ta thấy gì?

Vâng, có hai điều mà chúng ta cần suy nghĩ.

Thứ nhất đó là giữa sự sống và cái chết chỉ bằng một “cái chạm”.

Thứ hai, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy quyền năng của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đã tạo dựng ra sự sống, vì thế, Người có quyền trên sự sống.

Vâng, “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1, 13).

Sự chết đến thế gian chính là do ma quỷ, như lời Kinh Thánh có chép rằng “chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian”. Và có lời cảnh báo rằng: “những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2, 24).

Xưa kia, con ông Giaia và người đàn bà bệnh hoạn đã không phải “nếm mùi cái chết” là bởi một “cái chạm”. Cái chạm vào Chúa và cái chạm từ nơi Chúa đến.

Cũng vậy với chúng ta hôm nay, để không phải “nếm mùi cái chết – cái chết đời đời”, chúng ta cũng phải “chạm” vào Chúa Giêsu, không phải Chúa Giêsu bằng thể xác như xưa, nhưng là “thịt và máu” Chúa Giêsu nơi Bàn Tiệc Thánh Thể.

Bởi nơi đó, một lần nữa, chúng ta sẽ thấy được quyền năng từ Thiên Chúa “chạm” vào chúng ta, “cái chạm” đó làm cho chúng ta dù đã “nếm mùi cái chết – cái chết thể xác” cũng sẽ được “sống lại vào ngày sau hết” để được hưởng “sự sống muôn đời”. (x. Ga 6, 54)

Muốn được hưởng điều này, chúng ta phải có “lòng tin”.

Một phút suy tư

Thật ra, qua hai phép lạ nêu trên, có thêm điều thứ ba chúng ta cũng cần suy nghĩ.

Vâng, chúng ta sẽ làm gì khi chính chúng ta, hay một người thân nào đó trong gia đình chúng ta bịnh hoạn đau yếu, thậm chí cũng “gần chết” như đứa bé con ông Giaia?

Chúng ta sẽ chạy đến Chúa và Mẹ Maria để cầu xin Người cho chúng ta tìm được thầy thuốc giỏi có lương tâm nghề nghiệp!

Hay nghe đồn rằng ở núi Ông Cấm, núi Bà Đen, có ông thầy, bà thầy giỏi chữa bệnh bằng bùa phép, chúng ta vội vàng tìm đến xì xụp “lạy thầy, lạy bà cho con cái phép chữa bịnh”!!!

Ai trong anh em đau yếu ư! Tông đồ Giacôbê nói: “Hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy,… (và) sức dầu nhân danh Chúa” (Gc 5, 14).

Viết tới đây, tôi… (xin phép được xưng tôi) xin kể một câu chuyện hầu quý vị. Vâng, tôi có một người anh bịnh rất nặng. Anh ấy bị sơ gan cổ trướng. Căn bịnh này giới y học thường gọi là “sát thủ giấu mặt”. Sở dĩ gọi như thế là vì loại bịnh này tiến triển một cách âm thầm. Khi nó “lộ mặt” thì... hỡi ơi! đã là giai đoạn thứ… thứ mấy rồi.

Sau nhiều tháng ngày vật vã với căn bệnh, anh ấy bị hôn mê sâu hai ngày hai đêm. Bác sĩ như muốn chê. Chúng tôi có mời một vị linh mục đến xức dầu. Đó là linh mục Phạm Bá Lãm chánh xứ nhà thờ Hòa Hưng.

Đúng như thánh Giacôbê nói: “Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh, người ấy được Chúa nâng dậy…” (Gc 5, 15). Sau khi Cha Lãm sức dầu và đọc lời nguyện, khuôn mặt anh ấy tỏa một sắc hồng nhạt thật lạ lùng.

Và đúng là Chúa đã nâng anh ta dậy. Vị bác sĩ điều trị cho anh ta không khỏi ngạc nhiên. Ông ta nói: “đây là trường hợp một phần ngàn”.

Con ông trưởng hội đường rồi cũng chết. Người đàn bà mắc bệnh băng huyết cũng đã chết. Anh tôi, gần một năm, sau ngày chịu phép sức dầu, cũng đã “chầu Chúa”.

Thế nhưng, chính nhờ những biến cố đó, họ và thân nhân của họ cho chúng ta thấy, như lời Phaolô nói, “sự trổi vượt về đức tin” mà họ đã có.

Vâng, với Đức Giêsu thì: “Chỉ cần tin thôi” (Mc 5, …36).

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây