Chúa Nhật XXI – TN – B
Chúng ta chỉ phụng thờ CHÚA
Albert Camus có nói: “Cuộc sống của con người là tập hợp của những lựa chọn”. Thật đúng là vậy. Có ai trong chúng ta, lại không hơn một lần sử dụng quyền tự do lựa chọn, cho cuộc sống riêng tư của mình, nhỉ!
Này nhé, về mặt thân xác, vừa mới thức giấc thôi, ta đã nghĩ đến việc lựa chọn, ta sẽ nghĩ: sáng nay điểm tâm món gì, rồi uống gì đây! Hôm nay, đi làm ta sẽ mặc kiểu quần áo gì? Chiều về, ta ăn cơm nhà hay đi restaurant? Rồi sau đó, ta sẽ nhâm nhi café ở đâu nhỉ! Vâng, là cả một núi cho sự lựa chọn.
Ngoài vấn đề thân xác, chúng ta còn phải nghĩ tới vấn đề tinh thần. Món ăn tinh thần của ta hôm nay là gì? Một game show hay một bộ phim truyền hình nhiều tập? Livestream trên facebook hay chat trên zalo?
Chọn lựa một cái gì đó cho thân xác và tinh thần nào đã phải là xong. Chúng ta (nếu không phải là người vô thần) còn có những lựa chọn cho phần tâm linh, đó là lựa chọn đón nhận một niền tin, chấp nhận một chân lý.
Đấy… đấy mới là những lựa chọn khó khăn nhất. Khó khăn là bởi, đôi khi những sự lựa chọn này, nghe thì có vẻ “nghịch nhĩ”, nghĩ thì quả thật là khó hiểu… Ví dụ: “Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi”… Chúa ơi! thật khó hiểu…
Tuy vậy, có những điều nghe thật khó lọt tai, ấy thế mà cũng có người chấp nhận. Chúng ta thử nghe: “Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau. Và miệng hát nghêu ngao…” Sướng thật không! Với “em bé quê”, thì rất giản dị, em chấp nhận, chấp nhận vì đó là niềm vui và hạnh phúc, vì đó là chân lý cho một cuộc sống bình dị, cho bản thân của em ấy.
Chọn lựa một niềm tin, đón nhận một chân lý để được “sống muôn đời”, hạnh phúc hơn cả hạnh phúc của “em bé quê”, đi chứ! Ấy thế mà… thế mà không ít người đã từ chối, từ chối niềm tin và chân lý đó. Họ bỏ đi không tiếc nuối. Sự kiện này xảy ra hơn hai ngàn năm xa trước đó. Và, đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (x.Ga 6, 54a.60-69).
**
Câu chuyện được kể lại, rằng: hôm đó, Đức Giê-su cùng với các môn đệ đến Ca-phác-na-um. Tại đây, Ngài đã có một bài diễn từ, bài diễn từ nói về đời sống siêu nhiên, một đời sống mà con người đừng quá chú trọng đến “lương thực mau hư nát”, nhưng hãy quan tâm đến “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.
Không để cho mọi người đợi chờ, Đức Giê-su tiếp tục lên tiếng nói: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.
Chỉ cần một cử động của tâm hồn: đến và tin. Đến và tin, tin rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Đức Giê-su đã tuyên phán như thế. (x.Ga 6, 51).
Được sống và được sống muôn đời. Vâng, với tâm hồn đơn sơ như “em bé quê”, có thể em ấy sẽ tin. Nhưng với người Do Thái xưa, họ không tin. Hôm ấy, họ đã “tranh luận sôi nổi”. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”
Hôm ấy, bất chấp những lời tranh luận, Đức Giê-su tiếp tục quả quyết, rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (x.Ga 6, 53-55).
Vâng, có thể nói, lời tuyên bố của Đức Giê-su đã làm cho tất cả cử tọa hôm đó, rất khó khăn trong việc đưa ra một sự lựa chọn. Tại sao vậy? Thưa, là bởi, đối với người Do Thái, huyết máu là thứ cấm kỵ, luật Lêvi dạy rằng “bất cứ người nào thuộc nhà Israel… ăn bất cứ thứ huyết nào, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt kẻ ăn huyết và sẽ khai trừ khỏi dân nó… Không một ai trong các ngươi được ăn huyết” (Lv 17, 10…12).
Có phần chắc Đức Giê-su biết điều luật này. Biết, nhưng Ngài vẫn lớn tiếng công bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy… Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
Hôm ấy, Đức Giê-su còn nói: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. (x.Ga 6, 57).
Kẻ-ăn-tôi… Vâng, quá rõ ràng để mọi người hiểu rằng: Đức Giê-su không úp mở, không nói theo kiểu “nghĩa đen – nghĩa bóng”. Và đó là lý do khiến “nhiều môn đệ của Người lên tiếng nói: Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”
Biết… “biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy”, Đức Giê-su bảo các ông: “Điều đó anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?”
Bao nhiêu năm đi theo Đức Giê-su là biết bao lần “được thấy những điều lớn lao” Ngài đã làm, thế mà giờ đây… giờ đây chỉ vì “chưa” thấu hiểu nổi mầu nhiệm bánh hằng sống, các ông đã vội xì xà xì xầm… rõ tệ!
Sau những lời xầm xì, “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”, không đi theo Người, bởi các ông không hiểu lời Thầy Giê-su nói. “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Đức Giê-su đã nói với các môn đệ của mình, như thế.
Nhiều môn đệ đã rút lui, nhưng Nhóm Mười Hai không rút. Ở lại là một thử thách, và thử thách đã được Đức Giê-su gửi đến các ông. Hôm ấy, Ngài đã gửi thử thách đến các ông, qua một câu hỏi, hỏi rằng: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”
Mười hai đôi mắt nhìn nhau. Ông nọ nhìn ông kia như muốn nói “ông đại diện nhóm trả lời đi!”. Vâng, đó chỉ là sự tưởng tượng (của tôi).
Hôm ấy, trả lời câu hỏi của Thầy, chính là ông Simon Phê-rô. Ông ta đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
Ông Phê-rô đã có một lựa chọn, không phải là một sự lựa chọn mù quáng, nhưng là một sự lựa chọn nhờ ông “tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. (x.Ga 6, 69).
***
Tông đồ Phê-rô đã có một sự lựa chọn hoàn hảo.
Nhận định cho lời tuyên xưng của tông đồ Phê-rô, Lm Charles E. Miller có lời chia sẻ: “Không ai áp đặt lời tuyên xưng đức tin này lên miệng Phê-rô. Ông đã lãnh nhận một ơn (đặc biệt), và tự nguyện đáp lại. Ông đã quyết định liên kết chặt chẽ với Đức Ki-tô đến độ luôn một lòng một trí với Người, tuy về sau có đôi lúc nhất thời vấp ngã.”
Đúng, tông đồ Phê-rô “đã liên kết chặt chẽ với Đức Ki-tô”. Ông Phê-rô đã liên kết với Đức Giê-su ngay từ khi quyết định “bỏ chài lưới mà đi theo Ngài”.
Chính sự liên kết chặt chẽ với Đức Giê-su đã giúp ông Phê-rô (sau này) chữa lành một người què ngay bên “cửa Đền Thờ gọi là cửa đẹp” (x. Cv 3, 2-9).
Cuối cùng, cũng theo lời chia sẻ của Lm Charles E. Miller: “Phê-rô nói mình muốn có một mối liên hệ yêu thương, vĩnh viễn, dựa vào lòng trung tín với Đức Ki-tô”.
****
Với những diễn tiến trong cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su với những người Do Thái tại Ca-phác-na-um năm xưa, không có gì phải bàn cãi về niềm tin của chúng ta hôm nay (là tín hữu Công Giáo), vào Bí Tích Thánh Thể. Không gì có thể ngăn cản chúng ta tin, tin rằng: “Bánh và Rượu” sau lời truyền phép của linh mục chủ tế, sẽ trở thành “Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô”.
Thánh Thể là một ân sủng Đức Ki-tô ban cho chúng ta. Đức Giê-su đã chẳng từng nói: “Kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống”, đó sao!
Nhờ Chúa Giê-su mà được sống. Thế nên, chúng ta phải có một sự lựa chọn hoàn hảo.
Chúng ta không thể: “…làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ”.
Chúng ta không thể: “…vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền bạc được”. (x.Mt 6, 24).
Chúng ta không thể dạy con em mình “Chớ giết người”, nhưng rồi vợ chồng ta lại “tay đan tay nhịp bước đi… (phá thai)”.
Chúng ta không thể dạy con em mình “Chớ làm sự dâm dục”, nhưng rồi mỗi khi “sương sương” rồi, chúng ta lại tìm đến… đến đâu thiết nghĩ không cần nói ra ở đây, nhỉ!
Chúng ta không thể dạy con em mình: “Chớ lấy của người”, nhưng rồi trong sở làm chúng ta lại “ăn cắp giờ công” của công ty. Đại loại như đi trễ về sớm, chẳng hạn.
Bí Tích Thánh Thể được gọi là Bí Tích Tình Yêu. Mà, trong tình yêu thì cần gì nhỉ! Chẳng phải là tự nguyện, liên kết chặt chẽ, yêu thương, trung tín và vĩnh viễn, đó sao! Chẳng phải là “tuy hai mà một” đó sao!
Và đó là lý do khi đã chọn lựa việc đi theo Chúa, chúng ta cũng phải sống như thế, như những gì tình yêu đòi hỏi. Thế mới được gọi là một sự lựa chọn hoàn hảo. Phải hoàn hảo, như Gio-suê xưa, rất hoàn hảo cho việc chọn lựa niềm tin, ông đã nói: “Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa”.
Vâng, đó là điều chúng ta nên nói: “Chúng con chỉ phụng thờ Chúa”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn