TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúng ta cùng thắp bùng lên!

Thứ năm - 13/05/2021 05:19 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   547
Chúng ta cùng thắp bùng lên!

Chúa Nhật XX - TN – C

Chúng ta cùng thắp bùng lên!

Niềm tin Ki-tô giáo, có thể nói rằng, là một niềm tin luôn phải đương đầu với nhiều sự bách hại. Niềm tin của người Ki-tô hữu, còn là một niềm tin luôn phải đối diện với những bắt bớ, tù đày và chết chóc.

Thật vậy, nói tới bạo lực, bắt bớ, khủng bố, chết chóc đối với Ki-tô giáo, thì, nó đã có ngay từ những ngày đầu sơ khai của Giáo Hội.

Theo sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại, thì, ông Tê-pha-nô chính là người đầu tiên bị bắt bớ và bị giết chết vì niềm tin vào Chúa của mình. Rồi sau đó, như lịch sử Giáo Hội ghi lại, đã có lúc Giáo Hội bị bắt hại hàng trăm năm.

Và, gần đây nhất, “…vào khoảng 9 giờ 45 sáng ngày 26-7-2016, hai tên khủng bố đã lẻn vào cửa sau thánh đường Saint-Etienne-du-Rouvray, gần Rouen ở mạn tây bắc nước Pháp. Trong cuộc tấn công, hai tên khủng bố dùng dao sát hại cha Jacques Hamel, 86 tuổi đang dâng lễ và làm bị thương một tín hữu khác”.

Phản ứng về sự kiện trên đây, Cha Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, ra thông cáo nói rằng: “Lại một tin khủng khiếp, thêm vào một loạt những vụ bạo hành trong những ngày này làm cho chúng ta kinh hoàng xúc động, gây ra đau khổ vô biên và lo âu. Chúng tôi theo dõi tình hình và chờ thêm các thông tin để hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra”. (nguồn: radiovatican.va)

Vâng, đúng là thật “khủng khiếp”, thật “đau khổ vô biên và lo âu”. Nhưng, không có gì ngạc nhiên về những khủng khiếp, đau khổ và lo âu đó. Vì, trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su đã có lời khuyến cáo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”.

Tiếp theo lời khuyến cáo, một ngày nọ, không dài dòng văn tự, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ, rằng: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51).

Sự chia rẽ đó, không xảy ra ở đâu xa, nhưng, ở ngay trong một nơi tưởng chừng như là “tổ ấm”, đó là gia đình. Hôm ấy, Đức Giê-su cảnh báo rằng: “Từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

**

Thoạt nghe những lời như thế, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng phải nản lòng. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng tự hỏi: Phải chăng những lời nói đó mâu thuẫn với những gì Đức Giêsu giảng dạy? Phải chăng, những lời nói đó tố cáo Đức Giêsu là một con người hiếu chiến? Phải chăng những lời nói đó như là một lời tuyên chiến với thế giới con người?

Xin thưa, hiểu như thế chẳng khác nào mấy ông thầy bói mù xem voi. Mỗi ông nhận xét về con voi theo cảm xúc riêng của mình.

Hiểu như thế là hiểu một cách lệch lạc về thông điệp mà Đức Giêsu muốn công bố.
Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn rao giảng một thứ Tin Mừng cứu độ. Và thông điệp mà Đức Giêsu muốn gửi đến cho nhân loại đó chính là thông điệp về tình yêu.

Tình yêu mà Đức Giêsu nói đến, đó là một thứ tình yêu thương “người liều mạng sống vì người mình yêu”. Tình yêu mà Ngài nói đến còn là một thứ tình “yêu thương kẻ thù nghịch”.

Không, Đức Giê-su không dạy mọi người hiếu chiến. Trái lại, Ngài đã truyền dạy, rằng: “Anh em đã nghe dạy rằng: ‘mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em; đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 38).

Thật vậy, chính cái chết của Đức Giêsu trên đồi Golgotha, với lời cầu nguyện rằng “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” đã chứng thực cho những lời Ngài giảng dạy.

***
Thế thì tại sao Đức Giê-su lại tuyên bố, rằng, Thầy “đem sự chia rẽ” đến thế gian? Thưa, Ngài nói như thế không phải là để chia rẽ giữa con người với con người, nhưng chính là để “rẽ” con người ra khỏi Satan.

Con người, như lời thánh Phao-lô mô tả, luôn bị giằng co giữa thiện và ác. Thật mỉa mai khi “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (x.Rm 7, 19).

Vì sao con người lại có sự giằng co như thế? Thưa, thánh nhân trả lời, đó là do: “tội vẫn ở trong tôi”.

Thế nên, Đức Giê-su khi nói “đem chia rẽ đến” thế gian, chính là để “rẽ” con người ra khỏi vũng lầy tội lỗi, để nhờ đó, con người, như lời tác giả thư Do Thái nói, “cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình” (x.Dt 12, ..1).

Nói tắt một lời, với thông điệp này, Đức Giê-su mời gọi những ai đến với Ngài, phải có một sự lựa chọn giữa “thiện và ác”, dù sự lựa chọn đó có phải rơi vào tình trạng “cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

****

Thế nên, giờ đây, điều mà chúng ta cần hỏi, cần biết, đó là, chúng ta đã “rẽ” ra khỏi Satan, ra khỏi “gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình”?

Vâng, hãy để một phút hồi tâm, và tự hỏi, là một môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta đã rẽ-ra-khỏi “những việc do tính xác thịt gây ra như: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén”, hay chưa? Hay ta cho rằng: rẽ-ra-khỏi những việc do tính xác thịt gây ra, quá khó!

Hãy nhớ rằng, thánh Phao-lô có nói: “những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”.

Và đây, có rất nhiều tấm gương nhân đức, trong Giáo Hội, đã có thể “rẽ” ra khỏi sự những việc do tính xác thịt nêu trên.

Đầu tiên là Tê-pha-nô, người tử đạo tiên khởi, chính ngài đã “rẽ” sự hận thù đối với những kẻ bắt bớ và kết án mình, ra khỏi tâm hồn bằng lời cầu nguyện đầy lòng thứ tha, rằng: “Lạy Chúa xin đừng chấp họ tội này”, như một điển hình.

Chúng ta cũng đừng quên tấm gương cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã thực thi trọn vẹn “những ước mong” mà Đức Giêsu đã nói với các môn đệ năm xưa, rằng; “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.

Với mười ba năm “tù không tội”, trong đó có chín năm biệt giam, chỉ thấy máu và nước mắt, ấy thế mà Ngài chưa một lần khơi dậy ngọn lửa hận thù, trái lại, qua Ngài, người ta đã thấy “ngọn lửa tình yêu”, và ngọn lửa tình yêu đó đã “bùng lên” nơi con tim Nguyễn Hoàng Đức, một đảng viên CS, người đã từng là cán bộ phòng tôn giáo của bộ công an.

Có lẽ, chuyện tuy đã cũ, nhưng có gì ngăn cản chúng ta nhắc lại, nhất là nhắc lại để mỗi chúng ta coi đó như là tấm gương mẫu mực cho việc “rẽ” ra khỏi sự những việc do tính xác thịt, mà chúng ta cũng phải thực thi.

Hãy tìm đọc lai bài viết với tựa đề “Con đường đức tin vào Nước Chúa qua cây cầu Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận” của Nguyễn Hoàng Đức. Vâng, bài viết đó như là một lời chứng, chứng thực cho việc vị cố hồng y đã thực thi hoàn hảo tình yêu thương và lời mời gọi tha thứ mà Thầy Giêsu đã giảng dạy.

Nói cách khác, cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận chính là bàn tay nối dài của Đức Giêsu để “ném lửa vào mặt đất”, không phải ngọn lửa hận thù mà là ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa đó đã “bùng lên” không chỉ nơi nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, mà còn nơi nhiều người khác nữa.

Cho nên, đừng chủ bại mà nghĩ rằng, tôi chỉ là người trần mắt thịt, trước một xã hội hôm nay đầy cám dỗ và quyến rũ, đầy mưu ma chước quỷ, để “bùng lên” ngọn lửa tình yêu, quả là một thách thức lớn.

Để có thể vượt qua thách thức này, tác giả thư gửi Do Thái có lời khuyên: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”

Phải “thắp bùng lên” ngọn lửa tình yêu, vì như lời C. S. Lewis có nói: “Trong vũ trụ, không hề có mảnh đất trung lập, mỗi phân vuông, mỗi tích tắc đều được Chúa nhận là của Người, rồi bị Satan nhận làm của nó”. (nguồn: internet)

Vâng, Satan đã “nhận làm của nó”, thế nên, đừng ngạc nhiên khi hôm nay đâu đâu cũng xảy ra thảm cảnh, “ba chống lại hai, hai chống lại ba”. Đừng ngạc nhiên khi chúng ta phải chứng kiến cảnh chia rẽ hay chống đối, trong gia đình cũng như ngoài xã hội chỉ vì để bảo vệ đức tin, chân lý hay sự thật.

Điều quan trọng, đó là, trong việc tranh luận để bảo vệ đức tin, chân lý hay sự thật, chúng ta có dùng lời lẽ “dịu dàng và khiêm nhường”, hay không!

Đừng quên, lời-dịu-dàng, Kinh Thánh nói: “khiến cơn giận tiêu tan”. Còn sự khiêm nhường thì sao? Thưa, sách xưa có câu: “sự khiêm nhường thì người ta càng phục”.

“Dịu dàng và khiêm nhường”. Đó… đó chính là dầu để thắp lên ngọn lửa tình yêu, một ngọn lửa, xưa kia, Chúa Giêsu đã “ước mong phải chi lửa ấy đã thắp bùng lên”.

Vâng, các môn đệ xưa, đã thắp bùng lên. Và, hôm nay, là tôi và bạn, “chúng ta cùng thắp bùng lên”, chứ!

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây