Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 14/04/2021 20:33 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
830
Con hủi (tiếng Ba Lan: Trędowata) được viết năm 1909, là tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất của nữ văn sĩ người Ba Lan Helena Mniszek (1878–1943).
Con Hủi
Con hủi (tiếng Ba Lan: Trędowata) được viết năm 1909, là tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất của nữ văn sĩ người Ba Lan Helena Mniszek (1878–1943). Trái với thái độ lạnh nhạt và hờ hững của các nhà phê bình, tiểu thuyết Con hủi lập tức trở thành một hiện tượng văn học làm náo động thị trường xuất bản, được tái bản liên tục hàng chục lần với số lượng kỉ lục thời gian đó, là tác phẩm văn học bán chạy nhất trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Sau đó tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và được chuyển thể thành 3 phim điện ảnh (các năm 1926, 1936, 1976) và một bộ phim truyền hình (năm 2000).
Nội dung tác phẩm là câu chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch giữa đại công tử Waldemar Michorowski - chàng thanh niên thuộc dòng họ quyền quý nhất cả nước với Stefcia Rudecka - con gái của một điền chủ nhỏ nhưng tài sắc vẹn toàn. Thất vọng trước mối tình đầu, Stefcia rời nhà đến làm gia sư cho Lucia Elzanowska, em họ của Waldemar. Vượt qua những hiểu lầm ban đầu, họ dần có cảm tình với nhau. Khi bà ngoại Stefcia mất, qua quyển nhật ký để lại, nàng biết được trước đây ông nội Waldemar là Maciej Michorowski cũng từng yêu bà ngoại nàng tha thiết nhưng mối tình bị giới quý tộc phản đối và họ không đến được với nhau. Vì vậy, Stefcia không dám thừa nhận tình yêu với Waldemar và định bỏ đi. Nhưng khi đi cùng nàng đến ga tàu, Waldemar đã bộc lộ tình cảm sâu sắc với nàng và hứa sẽ làm đến cùng để bảo vệ tình yêu này. Trải qua bao đấu tranh gay go với gia đình, xã hội, tình yêu của họ đã thắng, họ được làm lễ đính ước và chuẩn bị cho ngày cưới. Nhưng giới quý tộc không cam chịu thất bại, chúng dùng thủ đoạn hèn hạ để phá vỡ hạnh phúc đôi trẻ. Những bức thư nặc danh được gửi liên tiếp cho Stefcia, nói rằng nàng không xứng đáng với cuộc hôn nhân này và đối với giới quý tộc, nàng sẽ mãi mãi là một “con hủi”, và nàng đã gục ngã. Nàng chết đúng hôm ngày cưới do bệnh viêm não, trong tấm áo cưới trắng tinh như tâm hồn trinh bạch và cao quý của nàng. (1)
Trước kia, bệnh phong là bệnh nan y nên người ta rất khiếp sợ nó. Trong xã hội, người bị nhiễm bệnh thường bị thành kiến, bị kỳ thị, bị hắt hủi, xa lánh thậm chí ngược đãi như bỏ trôi sông, chôn sống, đẩy vào rừng cho thú dữ ǎn thịt. (2)
Về thể xác: Bệnh phong hủi có những triệu chứng để xem biết ai đã mắc chứng bệnh này. Nó có thể bắt đầu bằng những mụn nhỏ và lở loét, những chỗ ung lở thì có mùi tanh hôi. Ở trên mặt thì lông mày rụng hết, mặt lộ ra, thanh quản bị lở, giọng nói trở nên khàn đặc, hơi thở khò khè... cuối cùng điên loạn, hôn mê và chết.
Cũng có thể bắt đầu bằng tình trạng mất cảm giác ở một vài phần thân thể, dây thần kinh bị nhiễm trùng, gân cốt co lại làm cho hai bàn tay trông giống như móng thú vật. Tiếp theo là tay chân bị lở loét, ngón tay ngón chân rụng dần cho đến khi cả hai bàn tay bàn chân rớt hẳn ra. Đó là cái chết tiệm tiến kinh khủng làm cho con người chết từng phần một.
Về tinh thần: Đau khổ tinh thần còn lớn hơn đau khổ về thể xác. Người phung cùi phải sống tách biệt khỏi gia đình và bạn hữu, bị coi như đã chết. Nếu gặp người mạnh khỏe ngoài đường, họ phải hô hoán lên cho người ta biết là mình mắc bệnh, như là dấu hiệu đề phòng cho người khác. Ngoài ra, người phong cùi không được phép đến nơi thờ phượng công cộng vì phong cùi bị coi là nhơ bẩn và còn bị coi là bị Chúa phạt.
Thời trung cổ, người nào mắc bệnh phung cùi thì thầy cả mặc áo lễ, cầm thánh giá đưa người bệnh vào nhà thờ và cử hành lễ an táng.
Đọc những vần thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, người thi sĩ thời danh mắc bệnh ở trại Quy Hoà, biểu lộ những rung cảm trong cảnh sầu khổ, chúng ta mới hiểu được nỗi đau đớn trong cảnh cô đơn thất vọng của người bị bệnh cùi thế nào (3) như được thể hiện trong bài Rướm Máu:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút Mỗi lời thơ đều dính não cân ta Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt Như mê man chết điếng cả làn da.
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh, Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.
Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng Cho ngây người mê dại đến tâm can Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng Mà muôn năm rướm máu trong không gian. Hàn Mặc Tử (4)
Thực ra bệnh phong chỉ lây khi tiếp xúc lâu dài với các thể phong nặng (phong hở) như phong ác tính, phong đang tiến triển, chảy nước mũi nhiều và có tổn thương lở loét ở da, ở bàn tay, bàn chân. Các thể phong nhẹ khác như phong bất định, phong củ ít có khả nǎng lây hơn nhiều. (5)
Vài câu chuyện phong hủi trong Thánh Kinh
Thánh Kinh cũng có những câu chuyện về phong hủi.
Vì lòng ghen tị, bà Ma-ri-am và ông A-ha-ron phản đối ông Mô-sê. Họ nói: “Đức Chúa chỉ phán với một mình Mô-sê sao? Người đã chẳng phán với cả chúng ta nữa ư?” (Ds 12,2). Đức Chúa nghe được. Ngài nổi cơn thịnh nộ mà bỏ đi. “Khi mây bốc lên khỏi Lều, thì bà Mi-ri-am bị cùi, mốc thếch như tuyết; ông A-ha-ron quay nhìn bà Mi-ri-am, thì kìa bà đã bị cùi” (Ds 12,10). Dẫu được ông Mô-sê chuyển cầu, bà Ma-ri-am “vẫn phải biệt cư ở ngoài trại bảy ngày rồi mới được vào lại.” (Ds 12,13).
Theo sách Lê-vi chương 12, những người mắc bệnh phong hủi sẽ bị “tuyên bố là ô uế” (Lv 12,7), “họ phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46).
Trong chương 5 của sách Các Vua quyển thứ Hai có kể lại câu chuyện ông Na-a-man được chữa khỏi bệnh phung hủi (2V 5,1-27).
“Ông Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội của vua A-ram, là người có thần thế và uy tín trước mặt chúa thượng của ông, vì Đức Chúa đã dùng ông mà ban chiến thắng cho A-ram. Nhưng ông lại mắc bệnh phung hủi” (c.1). Một cô bé người Ít-ra-en giúp việc cho vợ ông Na-a-man, nói với bà chủ: “Ôi, phải chi ông chủ con được giáp mặt vị ngôn sứ ở Sa-ma-ri, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phung hủi!” (c.3). Ông tin lời và trẩy đi Ít-ra-en. Đứng trước cửa nhà ngôn sứ Ê-li-sa, người của Đức Chúa sai sứ giả ra nói với ông: “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch.” (c.10). Ông giận dữ bỏ đi. Nhưng vẫn tin lời người của Đức Chúa. “Ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.” (c.14). Ông quay trở lại nhà ngôn sứ Ê-li-sa, đứng trước mặt người của Đức Chúa và nói: “Nay tôi biết rằng: Trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en” (c.14) và ông xin phép “mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa” (c.17).
Thánh sử Lu-ca kể lại cho chúng ta câu chuyện 10 Người Phong Hủi Được Chữa Lành (Lc 17,11-19).
“11Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!”14Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. 15Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? 18Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”. 19Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
Bất chấp những luật lệ cấm đoán tiếp xúc với mọi người, ít nhất phải giữ khoảng cách 2 mét, nếu đầu gió, phải giữ khoảng cách 45 mét (6). Họ đã kêu lớn: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!”. Và Đức Giêsu bảo họ đi trình diện với các tư tế? Tại sao?
Theo sách Lê-vi, những người mắc bệnh phong hủi bị “tuyên bố là ô uế” (Lv 12,7), họ phải ở “một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46). Họ bị cách ly với cộng đồng. Họ không được tham dự mọi nghi lễ phụng tự. Họ được xem như đã chết. Đi trình diện với tư tế để xác nhận mình đã lành bệnh, không còn ô uế nữa, và được tái nhập với cộng đoàn.
Chính vì can đảm vượt qua những trở ngại, kêu cầu danh Giê-su, họ đã gặp Đấng Cứu thế và được sống.
Và những người tin vào Chúa Ki-tô
Khi chúng ta tin vào Chúa Ki-tô và chịu phép rửa, chúng ta trở thành “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.”(1P 2,9).
Chính vì tin vào Đấng Mê-si-a, mà nhiều người bị kỳ thị, bị hắt hủi, mặc dù được Chúa Giê-su khen ngợi. Như viên sĩ quan bách quản, người ngoại đã có lòng tin mạnh mẽ hơn bất cứ người Ít-ra-en nào: “Tôi nói cho các ông hay: Ngay cả trong dân Ít-ra-en, Tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7,9). Hay nói về người đàn bà “ngoại” Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri-a, Chúa khen bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (Mc 7,29). Hoặc bên bờ giếng Gia-cóp, Chúa Giê-su đã biết rõ người đàn bà đang nói với mình là ai, Người thấy hết cả cõi lòng của người đàn bà, đến nỗi người đàn bà đã chạy vào thành và nói với người ta: “Ðến mà xem: Có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Ðức Ki-tô sao?” (Ga 4,29). Còn đối với người Sa-ma-ri nhân hậu, Chúa đã quả quyết: Chính ông ta là người đã chạnh lòng thương và bác ái với người đồng loại chứ không phải là vị tư tế, thầy Lê-vi hay bất cứ người Do-thái nào khác (x.Lc 10,29 37).
Vào thời Giáo Hội sơ khai, các tông đồ bị bắt bớ, đánh đập (Cv 4,1...), các tín hữu bị kỳ thị, bị ruồng bắt như thánh Lu-ca viết: “Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: Ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8,1.3).
Khi thành Rô-ma bị đốt cháy, vua Nê-ron đã đổ tội cho người Ki-tô, và bắt đầu một cuộc bách hại khủng khiếp trên toàn đế quốc Rô-ma, kéo dài hơn 300 năm, buộc các tín hữu phải ẩn mình trong các hang hốc của thành Rô-ma như những “con hủi” để giữ đức tin của mình. (7)
Và ngay tại quê hương yêu dấu của tôi, để giữ Đạo Yêu Thương, các tiền nhân đã chịu bao nhiều cảnh gian truân, khổ cực, bao nhiêu kỳ thị cay đắng... đến nỗi, họ phải bỏ mảnh đất quê cha đất tổ yêu dấu mà vào rừng sâu nước độc để được giữa Đạo Chúa cách trọn vẹn như các tiền nhân tại Linh địa La Vang thời của vua Cảnh Thịnh. (8)
Hôm nay, trong một thế giới tục hóa và muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người, các người tin Chúa vẫn bị xua đuổi, bách hại, kỳ thị một cách khốc liệt. Như bà Asia Bibi (9), như các tín hữu bị giết ở Ấn độ (10), ở Châu phi (11) … hay, như ở Maryland, họ lợi dụng giãn cách xã hội mùa đại dịch Covid-19 mà đưa ra những điều kiện “kỳ thị quái gở” bắt tín hữu phải tuân theo nếu muốn được mở cửa lại Nhà Thờ (12).
Không chỉ với những người ngoài Ki-tô giáo bách hại, mà ngay cả những người tin Chúa cũng bách hại chính anh chị em mình: Khi chúng ta xem anh chị em là những “con hủi” vì một lý do nào đó đã loại trừ anh chị em ra khỏi cuộc sống cộng đoàn, ghét bỏ, bôi nhọ và cách ly họ với mình.
Với tôi, và với bạn, chúng ta đối xử với anh chị em mình như thế nào? Có là những “con hủi” trong tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta hay không?
7.6.2020 Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu Nguyễn Thái Hùng