TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy Tin (Ga 14, 1-12)

Thứ ba - 02/05/2023 20:49 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   871
Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài.

HÃY TIN
Chúa Nhật 5 Phục Sinh: Ga 14, 1-12

 

LmTN 030523a

 

Suy niệm

Có biết bao điều làm cho con người xao xuyến: bệnh tật, tai ương, xã  hội suy đồi, sự dữ lan tràn… Ngay cả trong cộng đoàn Giáo Hội sơ khai vẫn có những bất công, và kêu ca. Cho đến hôm nay vẫn luôn có những tranh chấp và chia rẽ, đến nỗi có những cuộc khủng hoảng đức tin, khiến nhiều Kitô hữu đã đi theo các giáo phái hoặc gia nhập các tôn giáo khác. Giáo Hội xem ra đang thụt lùi và suy thoái. Đức Giêsu biết và thấy trước tất cả những điều đó, nhưng Ngài khuyên “Lòng chúng con đừng xao xuyến”, vì Ngài nhìn mọi sự từ trên cao, nên cái nhìn của Ngài bao quát hơn và trọn vẹn hơn: Ngài không chỉ thấy hiện tại đang bế tắc mà còn thấy cả một tương lai xán lạn.

Chúng ta có thể tóm gọn bài Phúc Âm bằng hai chữ: “Hãy Tin”. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài. Tin vào Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu, cũng là Cha đầy lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta. Tin vào Thiên Chúa chính là tin vào Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Là Đường để chúng ta an tâm vững vàng bước đi trong cuộc đời này. Là sự thật để chúng ta thoát khỏi những mưu mô và giả trá của thế gian. Là sự sống để chúng ta được sống dồi dào hôm nay, và sẽ sống viên mãn trong Chúa mai ngày.

Tin vào Đức Giêsu cũng chính là tin vào Thiên Chúa, “vì ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Các môn đệ xưa thấy Chúa Giêsu bằng xương thịt, còn chúng ta thấy Chúa Giêsu bằng Lời Chúa. Qua Lời Chúa ta thấy rõ sự thật về con người Chúa Giêsu, không chỉ là Đấng quyền năng đem lại sự sống mới cho con người trên mọi phương diện, mà còn là Đấng đầy lòng thương xót, đón nhận chúng ta từ mọi tình trạng. Ngài là mẫu mực cho đời sống làm người của chúng ta. Tin vào Chúa cũng là tin vào chính mình, để biết xây dựng cuộc đời mình nên giống Chúa.

Tuy nhiên, ai không siêng năng đọc Lời Chúa, không thành tâm lắng nghe Lời Chúa, không sốt sắng suy niệm và sống Lời Chúa, thì không thể biết Đức Kitô và sống theo chân lý của Ngài. Chúng ta theo đạo không phải là theo một giáo thuyết, một mớ những hiểu biết, hay những giới luật cần thiết bên ngoài, mà là theo Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Chẳng có chủ nghĩa, triết thuyết hay giáo thuyết nào đem lại cho ta nguồn sống linh thiêng; cũng không có chế độ hay chính sách nào giải phóng ta khỏi nô lệ tội lỗi và chính mình ngoài Đức Kitô, vì Ngài là Đấng ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài. Biết bao người vẫn tìm kiếm chân lý và khao khát Thiên Chúa không ngừng, nhưngKhông ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.   

Các nhà sáng lập tôn giáo chỉ đường cho ta đi tới chứ họ không phải là đường; họ giúp cho ta thấy sự thật chứ họ không phải là sự thật; họ dạy cho ta biết cách sống chứ họ không phải là sự sống. Họ có thể là những ngôi sao dẫn đường chỉ lối, nhưng vẫn không tránh được những thiếu sót. nhập nhằng, vì họ cũng chỉ là những con người. Chỉ có Đức Kitô là tất cả cho chúng ta trong mọi sự. Lời thánh Phêrô cho ta thấy được diễm phúc của cuộc đời Kitô hữu:“Vinh dự cho anh em là những người tin... anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa... Đấng đã kêu gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng huyền diệu.” (1Pr 2, 7-9).

Nhận ra sự diễm phúc của mình, nhưng tin không phải là một ý niệm hay một sự đồng thuận trong tư tưởng, mà tin là hành động: một hành động dấn thân bằng cả cuộc đời, tức là dám sống chết cho điều mình tin. Từ đức tin này, thánh Phêrô đã đề ra nguyên tắc để mọi người tham gia vào việc chung của Giáo Hội: “Anh em hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động xây nên ngôi đền thờ Thánh Thần”. Mỗi người là một viên đá, một thành viên độc đáo, một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo Hội. Vì thế mỗi người phải sống với tất cả trách nhiệm và lòng yêu mến thâm sâu của mình.

Nhưng ta nên biết rằng, đức tin ấy chứa đựng trong ta như trong bình sành dễ bể, vì thân phận người yếu đuối và mỏng giòn, dễ hướng chiều theo sự lôi kéo của ma quỉ, thế gian và xác thịt. Vì thế, mỗi ngày cần có giờ ở bên Chúa, đọc Lời Chúa, nghe tiếng Chúa. Thánh Thể phải là trung tâm của đời sống ta, và là cao điểm của sự kết hợp mật thiết với Chúa, để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh và sinh hoa kết trái. Ước chi mọi người xung quanh có thể nhìn thấy Đức Kitô Phục Sinh đang sống động nơi chúng ta qua đời sống chân thật và yêu thương phục vụ hằng ngày, và qua đó cũng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Giữa một thế giới duy khoa học,
duy thực nghiệm và duy tương đối,
mà tin vào một Thiên Chúa vô hình,
người ta thấy thật xa xôi mù mịt.


Giữa một thế giới duy nhân bản,
duy lý trí và duy thực dụng,
mà tin vào một Thiên Chúa làm người,
thì đúng là mông lung và liều lĩnh.


Giữa một thế giới duy vật duy cảm giác,
mà tin Chúa dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục mỏng giòn yếu đuối,
trong một Hội Thánh còn những bất toàn,
lại càng khiến người ta phải nghi nan,
vì trước mắt xem ra đầy giới hạn.


Giữa một thế giới văn minh vật chất,
đầy những lạc thú mà phải từ bỏ mình,
vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa,
xem ra có vẻ ngây ngô và dại dột,
vì trước mắt không thấy gì tươi tốt,
dễ khiến cho con người phải bôn chôn.


Nhưng nếu không có đức tin vào Chúa,
đời con vẫn đầy dẫy những hoang mang,
nếu chỉ đặt hy vọng ở đời này,
con sẽ thấy đời mình bất hạnh thay,
vì bản thân mọi người đều phải chết,
và cuối cùng là chấm hết hư vô.


Chẳng ai cứu độ con ngoài chính Chúa,
là đường là sự thật là sự sống,
ai đi nữa cũng chỉ là hư không,
mọi chủ trương cũng chỉ là trống rỗng,
xin cho con vững một lòng tin mến,
để nhờ Ngài mà đến với Chúa Cha. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây