KÝ ỨC VỀ MỘT NGƯỜI CHA
(Lễ cầu hồn cho cha Đaminh Vũ Đức Hậu) - Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
9g30 sáng thứ Bảy ngày 23-12-2017, nhận điện thoại của ông Chủ tịch Hội đồng giáo xứ: “Cha ơi, Công an huyện báo tin cha Đaminh Hậu, cha xứ Bác ái vừa bị tai nạn giao thông và qua đời rồi”. Bàng hoàng, xót xa và đọc kinh cầu nguyện cho ngài, người cha và là người anh trong thiên chức linh mục. Cách đây hơn 22 năm tôi được Đức Giám mục bổ nhiệm làm phó xứ giáo xứ Châu Sơn, vừa học tập kinh nghiệm mục vụ nơi ngài và vừa phụ giúp ngài những gì có thể. Ngài là cha quản xứ đầu đời linh mục của tôi và ngài nói tôi cũng là cha phó đầu tiên phụ giúp ngài. Xin phép ngài để kể lại hai bài học mà ngài khuyên dạy tôi, một bằng lời và một bằng gương sáng.
Bài học bằng lời: Xảy ra chuyện xích mích, bất hòa giữa đôi vợ chồng trẻ. Người vợ vào trình với tôi. Tôi định đến nhà ngay để giải quyết vấn đề. Trước khi đi tôi trình với cha xứ. Ngài khuyên bảo tôi: “Cha phó ơi, chưa tận thế đâu! Nếu không phải là trường hợp khẩn cấp thì hãy thong thả. Ngày mai hãy đến nhà và cha sẽ thấy sự thể sẽ khác đi nhiều so với lời kể của cô vợ”. Dần dà tôi mới nghiệm rằng có rất nhiều việc, đặc biệt những việc liên quan đến con người, đến nhân sự mà vội vàng ra quyết định ngay thì rất dễ mắc sai lầm và thường là khó khắc phục hậu quả. Tôn trọng tính thời gian là một cách hành xử vừa khôn ngoan vừa khiêm nhu của người lãnh đạo.
Tuy nhiên nếu xét như là châm ngôn sống thì câu “chưa tận thế đâu” phải chăng không thích hợp lắm nếu áp dụng vào trường hợp lìa đời cách đột ngột như cha Đaminh chúng ta đây. Chúa Giêsu đã từng nhiều lần mời gọi hãy tỉnh thức và sẵn sàng luôn vì không biết giờ nào, ngày nào chúng ta ra khỏi trần gian này. Chắc hẳn cha già Đaminh cũng không thể lường trước tai nạn vừa qua và cái giờ ngài kết thúc cuộc lữ hành trần thế. Thế thì thử hỏi ngài có sẵn sàng không và sẵn sàng như thế nào? Điều ấy thì chỉ mình Chúa biết rõ. Chúa Giêsu đã từng diễn giải về động thái tỉnh thức sẵn sàng cho ông Phêrô qua câu chuyện dụ ngôn người quản lý trung tín vuông tròn bổn phận cứ đến giờ phân phát lúa thóc cho gia nhân chứ không chơi bời ăn uống say sưa đánh đập tôi trai, tớ gái… và chúng ta biết rằng tỉnh thức sẵn sàng là vuông tròn bổn phận với người dưới quyền, với những người được trao phó cho mình chăm sóc (x.Lc 12,39-48).
Thực tế thì vẫn có đó một vài mục tử khi bề trên, khi giám mục gọi thì sẵn sàng ngay, còn khi con chiên cần thì lần lữa cách này kiểu khác. Được chung sống cùng nhà với cha Đaminh hai năm và gần đây có hỏi ngài về việc về nghỉ hưu thì ngài nói là sẵn sàng vâng lệnh bề trên về Tòa Giám mục ngay, mà nếu cha xứ mới cần nhờ ở lại một thời gian thì cũng sẵn sàng. Như thế thì tôi thiết nghĩ rằng tai nạn vừa qua dù với chúng ta là quá đột ngột nhưng với cha già thì sẽ chẳng còn là bất ngờ bao nhiêu. Một mục tử tuổi đời đã kề 80 mà vẫn chuyên chăm phục vụ cộng đoàn với khả năng có thể, dẫu cho tấm thân ngài đang gánh nhiều loại thứ bệnh tật, thì theo thiển ý của tôi ngài đáng được xếp vào hàng quản lý trung tín và khôn ngoan, biết tỉnh thức và sẵn sàng.
Bài học thứ hai là tấm gương sáng về lòng tin. Cách đây hơn 22 năm, tôi, ông cha phó đang dâng lễ thì thấy cha xứ quỳ tham dự Thánh Lễ trước mặt mình. Dù đã dâng Lễ rồi, tuy nhiên khi không có việc gì cấp thiết thì ngài luôn hiện diện với cộng đoàn cùng tham dự Thánh lễ do ông cha phó dâng. Một hành vi đức tin song hành giữa lời giảng dạy và hành động: “Thánh Lễ là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu”. Quả thật đã từng có đó một vài hiện tượng cá biệt tuy không là xấu nhưng lại vô tình gây gương mù gương xấu cho tín hữu giáo dân. Được nghe bà con kể lại, nhân mùa bóng đá, giải World Cup, ở giáo một xứ nọ, trong khi một linh mục dâng Thánh Lễ thì hai, ba linh mục khác vì đã dâng Lễ rồi nên ở trong nhà xứ xem bóng đá. Mải mê theo dõi và có khi buộc miệng la hét lớn tiếng mỗi khi có một đội ghi bàn thắng đẹp. Thế là nhiều giáo dân phàn nàn: giáo dân chúng con đội mưa gió đến Nhà thờ dự Lễ, còn các cha thì lại ngồi trong nhà xem Ti vi, xem bóng đá và còn ăn nhậu nữa đó.
Đức chân phước giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Ngày nay người ta thích nghe theo các chứng nhân hơn là các nhà giảng dạy. Nếu người ta có nghe theo nhiều vị thầy giảng dạy thì trước hết họ đã là chứng nhân, nghĩa là luôn sống điều mình rao giảng”. Sống với cha Đaminh thời gian không dài nhưng vẫn đủ cho tôi xác tín lời thánh giáo phụ Âugustinô: “Cho anh chị em, tôi là giám mục, là mục tử. Cùng với anh chị em, tôi là tín hữu, là con chiên”.
Sống mầu nhiệm các thánh thông công, theo ánh sáng đức tin Công giáo thì giờ đây linh hồn cha Đaminh không thể làm được gì cho bản thân, chỉ cậy nhờ tình thương của Thiên Chúa, công nghiệp vô cùng của Chúa Kitô, lời cầu bàu của các thánh và chút công nghiệp của các tín hữu còn lữ thứ là chúng ta, để xin Chúa rút ngắn thời gian thanh luyện nếu còn điều gì phải đền trả cho cân xứng với sự thánh thiện vô biên của Thiên Chúa, Đấng là Cha toàn năng chí Ái nhưng cũng là Đấng công minh công bình vô cùng. Vậy nếu cha Đaminh còn phải đền trả thì ngài cần đền trả những sự gì? Chắc chắn đó là những gì ngài còn thiếu sót trong phận người, phận người con cái Thiên Chúa, cách riêng trong vai trò là tín hữu và dĩ nhiên cả trong phận vụ người mục tử.
Hiệp với Hy tế cực thánh của Chúa Kitô sẽ được hiện tại hóa lát nữa đây trên bàn thờ này, ước gì chúng ta dâng trao cho ngài một chút tỉnh thức sẵn sàng khi vuông tròn bổn phận với người thuộc quyền là đoàn cháu con, với những người mà Chúa qua Hội thánh trao phó cho chúng chăm sóc. Ước gì chúng ta dâng trao cho ngài một vài hành vi sống đức tin như là người tín hữu chính danh chính hiệu mà nói theo cách của đức cố giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai là sống cho ra người có đạo. Và xin anh chị em cũng hãy giúp các mục tử chúng tôi dâng trao cho ngài chút công nghiệp khi chúng tôi, các mục tử không chỉ biết tin điều mình đọc là Lời Chúa, không chỉ giảng dạy điều mình tin mà còn biết thực thi những gì mình giảng dạy.
Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn