Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 09/04/2021 08:56 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
869
Hôm nay, Hội Thánh mừng kính sự trở lại của vị tông đồ dân ngoại, một tông đồ nhiệt thành và vĩ đại của Hội Thánh, đã đưa không biết bao nhiêu người tin vào Chúa. Điều này có ý nghĩa gì với tôi? Còn bạn thì sao?
Niềm Vui Mỗi Ngày
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”. Thánh Vịnh 37,4
25 tháng Giêng 2021
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
Loan Truyền Lời Chúa
Thánh Phaolô trở lại.
Trong các thư của thánh Phaolô có những câu tuyệt vời như:
“Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20).
“Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10).
Câu mà tôi tâm đắc nhất lại là câu: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.” (1Cr 9,16).
Tôi chỉ là một tín hữu giữa muôn vàn tín hữu. Vậy tôi phải làm gì?
Thánh sử Máccô thuật lại, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao lại cho các môn đệ một sứ vụ, đó là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16a).
Loan báo Tin Mừng nào?
Thưa, Tin Mừng về Đức Giêsu, Con Thiên Chúa (Lc 1,35), là Thiên Chúa (Ga 20,28), Đấng mà ngôn sứ Môsê và các ngôn sứ đã nói tới (Ga 1,45), Đấng đã bị đóng đinh vào thập giá, đã chết và đã sống lại (x. Lc 24,10-35).
Thánh Phaolô có tên Do Thái là Saulô, sinh ra tại Tarsô (Cv 22,3), cha mẹ gốc Do Thái thuộc chi họ Bengiamin (Rm 11,1; Ph 3,5). Bởi đó ngài nói được cả hai thứ tiếng Hylạp và Aram (Cv 21,40. 26,14). Ngài lên Giêrusalem theo học với thầy Gamalien (Cv 22,3) và trở thành người biệt phái nghiêm nhặt (Cv 23,6; Lc 15,9; Gl 1,13; Ph 3,5). Do đó, khi thấy một nhóm tôn giáo mới xuất hiện, Saulô đã nhiệt thành tìm cách ngăn chặn. Nhiệt tâm ấy đã dẫn tới việc đổ máu Stêphanô, trong ấy Saulô không chỉ chứng kiến mà dường như giữ phần chủ chốt (x. Cv 1,58).
Nhiệt tâm còn thúc đẩy ngài đi xa hơn nữa trên đường đi Đamát tìm bắt người tin vào Đức Kitô, và trên con đường này, ngài đã gặp được Đức Giêsu Kitô, Đấng đã phục sinh từ cõi chết.
Câu chuyện được thánh sử Luca kể lại trong sách Công vụ 9,1-23 hoặc chính ngài đã kể lại, để biện minh trước mặt người Do Thái (Cv 22,1-21) hay trước mặt vua Ácríppa (Cv 26,1-23).
Tại biến cố Đamát, ngài đã hỏi: “Lạy Chúa tôi phải làm gì?” (Cv 22,10), vì ngài biết “Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26,14).
Người dân Việt đã được nghe rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô từ năm 1533.
Vào ngày 24 tháng 11 năm 1960, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được Thánh giáo hoàng Gioan XXIII thành lập.
Theo Niêm Giám 2016 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 1960 có 2.094.540 người công giáo, chiếm 7,17% dân số toàn quốc; năm 1999 có 5.228.000 người, chiếm 6,6%; năm 2009 có 5.677.086 người chiếm 6,6%; năm 2015 có 6.756.303 chiếm 7% dân số (1).
Sau hơn sáu mươi năm trưởng thành và phát triển, tỉ lệ số tín hữu tại Việt Nam là khoảng 7 %.
Dân số Việt Nam năm 1962, khoảng 33.275.000 người với 17.000.000 người ở miền Bắc và 16.275.000 người ở miền Nam (2)
Dân số Việt Nam vào ngày 18.01.2021 là 97.796.536 người (3).
Hôm nay, Hội Thánh mừng kính sự trở lại của vị tông đồ dân ngoại, một tông đồ nhiệt thành và vĩ đại của Hội Thánh, đã đưa không biết bao nhiêu người tin vào Chúa. Điều này có ý nghĩa gì với tôi? Còn bạn thì sao?
Chúng ta phải làm gì để những người chưa biết Chúa được niềm vui gia nhập Hội Thánh Chúa?
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con ...