TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giao Thừa: Nén hương trầm trong đạo hiếu Việt Nam

Thứ bảy - 03/02/2024 08:50 | Tác giả bài viết: Lm.Jos Tạ Duy Tuyền |   160
Hình như nỗi nhớ này nó còn vượt lên trên những tình cảm ruột thịt ấy, vì khi đốt lên nén hương, hoà trong làn khói hương nghi ngút, trong mùi trầm ngào ngạt, lòng ta như muốn bay về cội nguồn, mong tìm về quê hương thời tuổi thơ, nơi chứa đựng vùng trời kỷ niệm thân thương, mà khi đi xa ta cũng chạnh lòng vấn vương: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” 
Giao Thừa: Nén hương trầm trong đạo hiếu Việt Nam
GIAO THỪA: NÉN HƯƠNG TRẦM TRONG ĐẠO HIẾU VIỆT NAM 

Ngày Tết, cùng với đất trời giao hòa, con người dường như cũng gần gũi nhau hơn. Trong cái không khí ấm áp với gió xuân nhè nhẹ của ngày Tết, ta lại nhớ về mái nhà xưa, về quê hương, nơi đó có những người thân yêu, ruột thịt. Bên mâm cơm gia đình, gợi nhớ những người ở xa, ngậm ngùi nghĩ về những người thân đã khuất. Người Việt có thói quen đốt lên một nén hương gợi nhớ về biết bao kỷ niệm thân thương như câu thơ xưa đã viết:

"Đêm qua đốt đỉnh hương trầm

Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê" 

'Nhớ quê', quê nào đây? Có phải khu vườn quanh nhà có cây ổi, cây xoài hay cụm chuối sau nhà? Có phải cánh đồng lúa cho ta mùi thơm bông lúa mới? Có phải mái nhà tranh đơn sơmà nay chỉ còn là một hoài niệm? Nếu chỉ thế thì đâu phải đợi vào đêm, trong phút giờ tĩnhmịch, ta mới chạnh lòng vương vấn tâm tư? Có phải ông bà tổ tiên đã mất? Có phải là cha mẹ, anh em hiện nay không còn hoặc đang xa cách? Có thể là như thế, nhưng nếu chỉ là thế thôi thì cũng chẳng phải đợi vào đêm, phải đốt hương trầm lên mới nhớ đến quê nhà. 

Hình như nỗi nhớ này nó còn vượt lên trên những tình cảm ruột thịt ấy, vì khi đốt lên nén hương, hoà trong làn khói hương nghi ngút, trong mùi trầm ngào ngạt, lòng ta như muốn bay về cội nguồn, mong tìm về quê hương thời tuổi thơ, nơi chứa đựng vùng trời kỷ niệm thân thương, mà khi đi xa ta cũng chạnh lòng vấn vương: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” . 

Như thế, nhớ quê ở đây là nhớ về cội nguồn, nhớ về nguồn gốc tổ tiên: “vì chim có tổ, nước có nguồn, con người có cha mẹ sinh ra”. Đây là nỗi nhớ trong tiềm thức nay trỗi dậy trong ta nhớ như in về tình yêu của cha, của mẹ, của anh chị em trong nhà. 

Người Việt Nam với đạo hiếu làm đầu nên con cháu dù giầu hay nghèo vẫn không bao giờ quên ơn tổ tiên. Đây là lý do trong gia đình người Việt luôn có bàn thờ tổ tiên với khói hương trầm nghi ngút toả lan như hương hồn ông bà vẫn bao bọc con cháu. Sự thờ kính tổ tiên, có khi được thu gọn rất nhỏ, mà gia đình nghèo đến cỡ nào cũng có thể có. Một chiếc chén ăn cơm còn nguyên lành, chứa trong đó lưng bát gạo, và có thể trở thành bát hương, để rồi trầm tư cắm trên đó vài nén nhang tỏ lòng thành kính. 

Hành vi này cao đẹp biết bao, nó diễn tả bao điều suy tư trầm mặc trong cuộc sống: Chẳng phải vì nghèo mà oán trách tổ tiên, chẳng vì nghèo mà quên tiên tổ. Nhớ về tổ tiên là nét đẹp văn hoá Việt Nam. Nó đẹp bởi vì tấm lòng của con cháu hiếu nghĩa với tiên tổ, nó đẹp bởi vì dẫu cho nghèo vẫn giữ được sạch, dẫu cơ hàn vẫn giữ lòng thờ kính mẹ cha.

Mỗi khi thắp nén hương, lòng trí ta vẫn vang lên một lời khuyên, vẫn gợi nhớ biết bao điều ngày xưa ông, bà, cha, mẹ dạy bảo, nhớ bao ngày ấu thơ được nghe chuyện cổ tích bắt đầu bằng câu: “ngày xưa có mẹ”, “ngày xưa có ba”. 

Như vậy, văn hoá bát hương- nén nhang còn là cách để con cháu nhắc nhở nhau nhớ giữ lấy lề thói tổ tiên và dòng tộc. Đồng thời, nhắc nhở nhau tiếp nối truyền thống đạo hiếu thờ kính tổ tiên của cha ông bao đời để lại. 

Chiếc bát hương của một thời đang được thay thế bằng những chiếc lư đồng, bằng những bình lắc xông hương trong nghi thức phụng tự, nhưng dù sao vẫn không thể xoá nhoà chiếc bát hương của lòng thành kính thưở nào.

Giáo Hội Công Giáo sau Công Đồng Vat II đã  mở ra con đường hội nhập văn hoá địa phương, từ đó Giáo Hội đã thích nghi những nền văn hoá cốt lõi của Người Việt là “đạo thờ cúng tổ tiên” và hoàn chỉnh việc thờ kính tổ tiên theo tinh thần ky-tô giáo. 

Giáo hội khuyến khích làm bàn thờ gia tiên trong gia đình. Đây là một cách làm cho người Kitô hữu không quên cội nguồn và sống phúc âm giữa lòng dân tộc. Trên bình diện quốc gia thì Giáo Hội cũng khuyến khích bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân. Chúng ta vẫn có thói quen dành ngày Mồng Hai Tết để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên của dòng tộc mình, có lẽ phải vượt xa hơn nữa là hướng về tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Các ngài là những người mở bờ cõi đất nước và gìn giữ, bảo vệ để chúng ta có được nét đẹp quê hương hôm nay.

Những năm gần đây, chúng ta thấy nhiều giáo xứ cũng lập bàn thờ tổ tiên của dân tộc trong các nhà thờ. Bàn thờ tổ tiên hình chữ S với mâm ngũ quả để nhắc nhở nhau “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và nguyện cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu bình an.

Khởi đầu năm mới, chúng ta hướng về Thiên Chúa là cội nguồn sự sống, là Đấng ban phát mọi ơn lành để thờ lạy, tôn vinh và chúc tụng vì những ơn lành Ngài đã ban xuống trên cuộc đời ta. Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta tưởng nhớ đến các bậc tổ tiên, những người đã xây dựng giang sơn, mở rộng bờ cõi quê hương, cũng như những người có công đức sinh thành dưỡng dục chúng ta. 

Vì thế, trong bầu khí mừng xuân Giáp Thìn và nhớ về cội nguồn.  Chúng ta cùng thắp nén hương trầm để cầu nguyện cho tổ tiên và xin các ngài mãi luôn phù hộ cho con cháu hôm nay, cho quê hương Việt Nam luôn thanh bình, cho con người luôn gần nhau hơn trong tình nghĩa anh em một nhà, một dân tội, một cội nguồn từ chính Thiên Chúa tác sinh muôn loài.

Xuân Giáp Thìn

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây