TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngày Quốc Tế Ông Bà và Người Cao Tuổi - NVMN

Thứ bảy - 24/07/2021 08:23 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   2154
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Ngày Quốc Tế Ông Bà và Người Cao Tuổi - NVMN
Ngày Quốc Tế Ông Bà và Người Cao Tuổi - NVMN 
 
Niềm Vui Mỗi Ngày

“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4


Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi - NVMN

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Ngày lễ kính thánh Gioakim và Anna, ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Tân ước không nêu tên các ngài, và ngay cả trong gia phả của thánh sử Mátthêu và Luca cũng thế.

Truyền thống cho chúng ta biết danh tánh Gioakim và Anna vào khoảng năm 200 để tôn kính Đức Trinh nữ Maria.

Thánh Anna được Giáo Hội Đông Phương tôn kính từ thế kỷ thứ V; Thánh Gioakim thì mãi đến thế kỷ XVI mới thấy xuất hiện. Và sau cùng, khi canh tân phụng vụ, thánh giáo hoàng Phaolô VI thiết lập lễ chung 2 vị vào ngày 26.7 hằng năm. (1)

Tại buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa nhật 31.01.2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo rằng ngài quyết định thiết lập Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi. Đó là ngày Chúa Nhật thứ Tư của tháng Bảy, gần với ngày lễ Thánh GioaKim và Anna.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đề cập đến ngày 02.02 - Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa trong Đền Thánh. Ngài nói: “Khi ông Simêon và bà Anna, cả hai đều đã cao niên, được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn gợi lên những suy nghĩ và lời nói khôn ngoan nơi những người cao niên: lời nói của họ rất quý giá vì đó là những bài ca tụng Thiên Chúa và gìn giữ cội nguồn của các dân tộc. Họ nhắc nhở chúng ta rằng tuổi già là một hồng ân và ông bà là mắt xích kết nối các thế hệ khác nhau, để truyền kinh nghiệm sống và đức tin cho những người trẻ. Ông bà thường bị lãng quên và chúng ta quên đi sự phong phú của việc gìn giữ cội nguồn và sự truyền lại này. Và vì điều này, tôi quyết định thiết lập Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi, hàng năm sẽ được cử hành trong toàn Giáo hội vào Chúa Nhật thứ Tư của tháng Bảy, gần với ngày lễ Thánh GioaKim và Anna, ông bà của Chúa Giêsu. Điều quan trọng là ông bà gặp gỡ con cháu và con cháu gặp gỡ ông bà, bởi vì - như ngôn sứ Giôen nói - trước con cháu, ông bà sẽ mơ, và những người trẻ, lấy sức mạnh từ ông bà, sẽ tiến lên, nói lời ngôn sứ”.
(2)


Trong Thánh Kinh, chúng ta cũng gặp thấy nhiều câu nói về người già, người cao tuổi:

“Người cao niên phán đoán, bậc kỳ lão chỉ bảo, thật đẹp đẽ biết bao! Sự khôn ngoan của các vị bô lão, tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân. Thật đep đẽ chừng nào! Giàu kinh nghiệm là triều thiên cho bậc bô lão. Lòng kính sợ Đức Chúa là niềm hãnh diện của các ngài” (Hc 25,4-6).

“Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa. Cành lá của khôn ngoan là cuộc đời trường thọ” (Hc 1,20).

“Còn trẻ con không lo dành dụm, về già lấy đâu ra mà có? Người khôn ngoan phán đoán, bậc lão thành chỉ bảo, thật đẹp đẽ biết bao! Sự khôn ngoan của các vị bô lão, tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân thật đẹp đẽ chừng nào! giàu kinh nghiệm là triều thiên hàng bô lão lòng kính sợ Đức Chúa là niềm hãnh diện của các đấng ấy” (Hc 25,3-6).

“Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển” (Cn 16,31).

“Tuổi già đáng kính trọng, không phải vì trường thọ, cũng không phải vì cao niên, nhưng vì người đầu bạc thì khôn ngoan. Người tuổi già thì đẹp lòng Chúa, được Chúa yêu dấu” (Kn 4,1-7).

 “Người tuổi già thì đẹp lòng Chúa, được Chúa yêu dấu” (Kn, 4,7).

Đức nguyên giáo hoàng Biển Đức XVI cũng nói: “Thật là đẹp ở trong tuổi già! Trong mỗi lứa tuổi, ta cần biết khám phá sự hiện diện và phúc lành của Chúa và những phong phú mà lứa tuổi ấy chứa đựng”. Đó là hồng ân.

Vì vậy sách Huấn Ca nhắn nhủ người trẻ: “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi. Ai thảo kính mẹ mình thì như người thu được kho tàng. Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính. Vào ngày bĩ cực, công việc của con sẽ được nhớ đến, như băng giá trời tối, tội con sẽ tan đi. Người lộng ngôn, khinh cha, dể mẹ, là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng tác thành nên họ” (x. Hc 3,1-16).

Trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất (25.7.2021), ngay lời mở đầu, ngài nói:

 “Thầy luôn ở cùng anh chị em” (x. Mt 28,20): đây là lời Chúa đã hứa với các môn đệ trước khi về trời. Hôm nay Ngài lặp lại lời này với mỗi anh chị em, các bậc ông bà và người cao niên. Với tư cách Giám mục Rôma và cũng lớn tuổi như anh chị em, tôi muốn gởi đến anh chị em trong Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ nhất cùng những lời này: “Tôi luôn ở cùng anh chị em”. Toàn thể Giáo hội gần gũi với anh chị em – hay đúng hơn, với tất cả chúng ta – và quan tâm đến anh chị em, yêu thương anh chị em và không muốn để anh chị em đơn độc!

Tôi biết rõ thông điệp này đến với anh chị em vào thời khắc khó khăn: đại dịch như cơn bão dữ dội và bất ngờ vùi dập chúng ta; đó là thời gian thử thách đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với chúng ta, những người cao tuổi. Nhiều người trong chúng ta ngã bệnh, những người khác qua đời hoặc chứng kiến cái chết của vợ/chồng hoặc những người thân yêu, cũng có những người rơi vào tình trạng tách biệt và cô đơn kéo dài.

Chúa nhận biết tất cả những nỗi thống khổ của chúng ta trong thời gian này. Ngài gần gũi với những ai cảm thấy buồn phiền vì bị cách ly. Ngài không dửng dưng với nỗi cô đơn của chúng ta, mà trong mùa dịch nỗi cô đơn này lại càng trở nên gay gắt hơn. Có một truyền thống kể lại rằng, thánh Gioakim, ông ngoại của Chúa Giêsu, cũng đã bị những người xung quanh xa lánh vì ngài không có con; cuộc sống của ngài, cũng như của bà Anna vợ ngài, bị coi là vô tích sự. Thế rồi Thiên Chúa đã sai thiên thần đến an ủi. [...]

Ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất, như trong những tháng ngày đại dịch này, Chúa vẫn tiếp tục sai các thiên thần đến để xoa dịu nỗi cô đơn của chúng ta và nhắc nhở chúng ta: “Thầy luôn ở cùng anh chị em”. Ngài nói điều này với mỗi anh chị em, và Ngài nói điều đó với tôi. Đó là ý nghĩa của Ngày này, Ngày mà tôi muốn chúng ta cử hành lần đầu tiên trong năm đặc biệt này, sau thời gian dài bị cô lập và khi cuộc sống xã hội dần dần bắt đầu trở lại. Mong sao mọi bậc ông bà và người lớn tuổi, đặc biệt những người lẻ loi nhất trong chúng ta, được một thiên thần thăm viếng!

Đôi khi các thiên thần đó mang khuôn mặt con cháu chúng ta, có lúc lại là khuôn mặt của các thành viên trong gia đình, của các bạn thân thiết hoặc những người mà chúng ta quen biết trong thời kỳ khó khăn này. [...]

Chúa vẫn gửi cho chúng ta những sứ giả qua Lời Chúa. Ngài không bao giờ để cho cuộc đời chúng ta thiếu vắng Lời của Ngài. Mỗi ngày chúng ta nên đọc một trang Tin Mừng, cầu nguyện bằng các Thánh vịnh, đọc các sách Ngôn sứ ...! Chúng ta sẽ nhận ra sự thành tín của Chúa. Kinh Thánh cũng sẽ giúp chúng ta hiểu trong cuộc sống hiện tại điều gì Chúa yêu cầu chúng ta phải gì. Vì vào mỗi giờ trong ngày (x. Mt 20,1-16) và ở mỗi giai đoạn cuộc đời, Chúa vẫn tiếp tục sai thợ vào làm vườn nho cho Chúa. [...]

Do đó, tại một thời điểm quyết định của lịch sử, mỗi anh chị em cũng có một ơn gọi được đổi mới. Anh chị em có thể tự hỏi: Làm sao có thể thế được? Sức lực tôi đang dần cạn kiệt và tôi không nghĩ mình có thể làm được nhiều việc. [...]

Chính Chúa Giêsu đã nghe ông Nicôđêmô hỏi một câu tương tự: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được?” (Ga 3,4). Chúa trả lời, điều đó có thể xảy ra nếu chúng ta mở lòng đón nhận sự tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng muốn thổi đâu thì thổi. Chúa Thánh Thần vẫn hằng luôn tự do, Ngài đến bất cứ nơi đâu và làm bất kỳ điều gì Ngài muốn. [...]

Không ai được cứu một mình. Tất cả chúng ta đều mắc nợ lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều là anh chị em.

Cuối cùng là cầu nguyện. Như đấng tiền nhiệm của tôi, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, một vị cao niên thánh thiện vẫn tiếp tục cầu nguyện và làm việc cho Giáo hội, đã từng nói: “Lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, giúp ích cho thế giới có lẽ hữu hiệu hơn là hoạt động tất bật của nhiều người”. (3)

Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất được tổ chức vào Chúa Nhật, 25.07.2021 kèm theo Ơn Toàn Xá của Tòa Thánh.

Ơn Toàn Xá là ân sủng do Giáo hội ban cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria và tất cả các thánh để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra. Ơn Toàn Xá làm sạch tâm hồn như thể một người vừa được rửa tội.

Ơn Toàn Xá này dành cho những tín hữu đã chu toàn các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha) và thực thi một trong ba qui định của Tòa Ân Giải Tối Cao như sau: 

1. Tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành vào Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi vào ngày 25.7 hoặc thánh lễ Chúa Nhật, 25.07.2021. 

2. Nếu không thể thực hiện yêu cầu thứ nhất thì dành thời gian thích đáng để thăm viếng, cách trực tiếp hay trực tuyến – chẳng hạn như gọi điện thoại thăm hỏi - những người già yếu đang gặp khó khăn hoặc những người đang gặp hoạn nạn, chẳng hạn những người đau yếu, những người bị bỏ rơi, những người khuyết tật và những người ở trong những trường hợp tương tự.

3. Thông cáo của Tòa Ân giải Tối cao cũng cho biết Ơn Toàn Xá cũng có thể được ban cho những người, vì những lý do chính đáng, không thể ra khỏi nhà và “hiệp nhất cách thiêng liêng với các cử hành thánh của Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những nỗi đau hay những đau khổ trong cuộc sống của họ, đặc biệt là trong thời gian phát sóng Thánh lễ, qua các phương tiện truyền hình và đài phát thanh, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội mới.  (4)

Chúng ta, những người làm cha mẹ, ông bà nội ngoại đã sống như thế nào giữa đại dịch? Chúng ta, những người làm cha mẹ, ông bà nội ngoại có là những người “thông truyền niềm tin, sự kiên nhẫn, mời gọi chúng ta cầu nguyện, nhất là chuyển cầu, kêu gọi chúng ta ở cạnh những người đang ở trong tình trạng túng thiếu và cần thiết”.(5) Chúng ta, những người làm cha mẹ, ông bà nội ngoại có là một hồng ân “tại một thời điểm quyết định của lịch sử cũng có một ơn gọi được đổi mới giữa đại dịch hôm nay?

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...

Nguyễn Thái Hùng
25.7.2021
+++++++++++++


1. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/ngay-26-07-thanh-gioakim-va-thanh-anna-32938
2. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-01/dtc-thiet-lau-nga-quoc-te-ong-ba-cao-tuoi.html
3. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-the-gioi-ong-ba-va-nguoi-cao-tuoi-lan-thu-nhat-25-7-2021--42285
4. http://www.vietcatholic.com/News/Home/Article/269872
5. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-the-gioi-ong-ba-va-nguoi-cao-tuoi-lan-thu-nhat-25-7-2021--42285








 
 Tags: nvmn

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây