TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngọn Lửa Chân Lý

Thứ hai - 18/10/2021 19:29 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1039
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).
Ngọn Lửa Chân Lý

NGỌN LỬA CHÂN LÝ
(Thứ Năm sau Chúa Nhật XXIX TN – Lc 12,49-53)

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Lửa mà Chúa Kitô đem xuống trần gian là gì? Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh đồng thuận với nhau đó là sức mạnh hủy diệt và cũng là nguồn lực thanh tẩy. Thánh Gioan Tẩy giả đã rao giảng rằng Ngài làm phép rửa bằng nước để kêu gọi dân Chúa bấy giờ sám hối, ăn năn, nhưng chính Chúa Kitô, Đấng đến sau ngài sẽ làm phép rửa cho họ bằng Thánh Thần và lửa (x.Mt 3,11-12).

Lửa là một trong các dấu chỉ nói về Chúa Thánh Thần như trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Nhiều nhà tu đức luận suy ngọn lửa mà Chúa Kitô mang xuống gian trần chính là Tình yêu cực thánh. Điều này cũng dễ hiểu vì Thánh Thần là hồng ân vô giá mà Chúa Cha và Chúa Con tặng ban cho nhân trần. Tuy nhiên, trong lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả thì Thánh Thần và lửa là hai thực tại khác nhau. Xin có vài nghĩ suy theo chiều kích này.

Hai hiệu quả chính của lửa là sự sáng và sức nóng. Nếu hiểu ngọn lửa mà Chúa Kitô ném vào thế gian là nguồn lực thanh tẩy thì nguồn lực ấy chính là ánh sáng chân lý. Trước mặt Philatô chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Tôi xuống thế gian là để làm chứng cho chân lý. Ai hâm mộ chân lý thì nghe tiếng Tôi (x.Ga 18,37). Ánh sáng chân lý vừa có sức hủy diệt sự xấu, điều sai lầm vừa là nguồn lực thanh tẩy lương tri nhân loại.

Với góc nhìn này thì chúng ta sẽ dễ hiểu hơn những lời Chúa Giêsu nói tiếp sau. Trước hết là phép rửa mà Người sắp chịu, đó là khổ hình thập giá. Lời chân lý Người rao giảng vạch trần sự tham lam, giả dối của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo. Lời ấy cũng làm rõ sự sai lầm trong cách giảng dạy của họ. Và cái giá mà Chúa Giêsu phải trả theo ba lần tiên báo của Người là cái chết trên thập giá do bởi tay các Thượng Tế, luật sĩ và kỳ lão ở Giêrusalem (x.Mt 16,21).

Cũng với góc nhìn này chúng ta có thể hiểu lời Người nói rằng Người đến không phải để đem bình an nhưng là đem sự chia rẽ và sự chống đối nhau ngay cả giữa những người thân trong gia đình. Bằng ngọn lửa chân lý, Chúa Kitô muốn đốt cháy và thiêu hủy thứ rượu cũ là niềm tin còn hạn chế của dân Chúa khi nhìn Đấng Tạo Thành như là một ông chủ quyền uy khả úy, nhưng đầy sự nghiêm khắc và lắm khi quá “khó tính” nữa. Và Người muốn đốt cháy luôn một vài kiểu cách sống đức tin mà nhiều vị lãnh đạo bấy giờ thiết lập khiến cho dân Chúa khó có thể đến với Cha trên trời trong tình con thảo.

Qua ngọn lửa chân lý, Chúa Kitô gieo vào trần gian thứ rượu mới đó là lời mạc khải hoàn hảo về Đấng Tạo Thành. Người là Cha Toàn Năng đầy lòng thương xót. Và cái bình mới chính là tâm tình và cung sống của những người con đích thực. Con cái bày tỏ lòng thảo hiếu với Cha trên trời là nỗ lực làm rạng rỡ Danh Cha, làm cho nước Cha trị đến và thánh ý Cha thể hiện, đồng thời hết lòng yêu thương tha nhân như anh chị em một nhà trong tình hiệp thông và liên đới.

“Không ai đang uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “rượu cũ thì ngon hơn” (Lc 5,39). Đây chính là lý do làm phát sinh sự chia rẽ ngay cả giữa các thành viên trong gia đình mà Chúa Giêsu nói rõ. Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Ngài được sai đến để soi sáng hướng dẫn chúng ta hiểu đúng và đủ đầy lời mạc khải của Chúa Kitô (x.Ga 16,12-15). Theo dòng thời gian Chúa Thánh Thần luôn không ngừng tác động để Giáo hội canh tân theo ý Đấng thiết lập. Công đồng Vatican II là một đan cử việc Giáo hội đón nhận ngọn lửa chân lý. Và điều đã xảy ra từ xưa thì nay vẫn tái hiện. Đó là sự chống đối, chia rẽ cách này thể khác vì người ta nói: cái xưa, kiểu cách sống đạo cũ tốt hơn”.

Phải chăng những nỗ lực cải tổ Giáo hội của Đức Phanxicô vài năm gần đây cũng là một hiện tượng lịch sử đang lặp lại? Đức Giáo Hoàng Phanxicô mạnh mẽ khẳng định: “Chân lý đang còn ở phía trước”. Quả thật Chúa Thánh Thần chưa hề “thất nghiệp”. Ngài mãi vẫn hoạt động trong Giáo Hội và đang cùng với Tân Nương là Giáo Hội cất lời: “Xin Người (Chúa Kitô) ngự đến” (Kh 22,17).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây