TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người tu sĩ trẻ với những thách đố

Thứ sáu - 26/11/2021 21:33 | Tác giả bài viết: Giuse Lưu Hành, SDB |   1341
Đời sống thánh hiến đến từ tiếng gọi của Thiên Chúa với sự tác động của Chúa Thánh Thần, để rồi con người lắng nghe và đáp trả tiếng gọi ấy cách quảng đại dấn thân.
Người tu sĩ trẻ với những thách đố

Người tu sĩ trẻ với những thách đố

Khởi đầu Tông Huấn Đời sống thánh hiến, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phao lô II đã nói về đời sống thánh hiến như sau: “Đời sống thánh hiến bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội Người qua trung gian của Chúa Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin mừng, các nét đặc trung của Chúa Giêsu – khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục – trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời.”

Đời sống thánh hiến đến từ tiếng gọi của Thiên Chúa với sự tác động của Chúa Thánh Thần, để rồi con người lắng nghe và đáp trả tiếng gọi ấy cách quảng đại dấn thân. Thế nhưng, thân xác thì yếu hèn và hữu hạn, con người dù được thánh hiến cũng khó trách khỏi những khó khăn và thách đố, đặc biệt trong thời đại hôm nay. Là một tu sĩ trẻ, tôi thấy mình cũng đang bị những thách đố thế trần bao vây từng ngày, và mỗi ngày tôi phải cậy dựa thật nhiều và ơn thánh Chúa, nguồn trợ lực chính cho cuộc đời tôi để vượt qua mọi khó khăn.

1. Ràng buộc gia đình

Đầu tiên, tôi xin lặp lại những lời mà Hiến chế Tín Lý - Lumen Gentium, số 11 đã nói đến: “Gia đình như là Hội Thánh tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, cha mẹ phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới thánh chức.” Đó là vai trò đặc biệt quan trọng từ gia đình mà giờ đây các tu sĩ phải trân trọng, vì nhờ gương sáng và đời sống đạo đức của những bậc cha mẹ mà hình thành nhân cách tu sĩ ngay từ khi còn trong gia đình. Thế nhưng, đôi khi cũng từ những ảnh hưởng và ràng buộc ấy, người tu sĩ cũng chịu ảnh hưởng bởi những mối quan hệ thân tình với gia đình quá mức, hoặc chính nơi gia đình, những bậc phụ huynh lại trở thành rào cản cho sự dấn thân tuyệt đối của con mình cho Chúa và sứ mệnh phục vụ tha nhân.

Trong Tin mừng thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu nói với dân chúng rằng: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” [1] Theo cách hiểu đơn giản, thì người tu sĩ bỏ mọi sự để trở nên giống Đức Kitô - Sequela Christi – theo sát Đức Kitô, đó là một điều kiện căn bản và cần thiết để dành trọn thời gian, sức lực cho Chúa và những gì thuộc về Chúa. Từ bỏ không có nghĩa là quên lãng, nhưng từ bỏ là việc dành riêng con người mình để thuộc trọn về Chúa.

Người tu sĩ hôm nay dễ bị trách là quên gia đình, quên những lời hỏi thăm cách thể lý…, nhưng chúng ta phải hiểu chính những ràng buộc ấy làm cho người tu sĩ đôi lúc chỉ nghĩ về gia đình mà bỏ quên lý tưởng theo Chúa và phục vụ một mình Người mà thôi. Các bậc làm cha mẹ, chúng ta phải hiểu rõ điều này hơn ai hết, để thấu hiểu và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cái là những tu sĩ của Chúa và của Giáo hội; vì đôi khi những lo lắng sự đời làm cho người tu sĩ dễ chán nản và mất niềm vui đời sống thánh hiến, để rồi từ đó mất đi niềm hăng say phục vụ với sự mệnh của một Tu sĩ thánh hiến.

2. Dưới con mắt người đời

Nhiều lúc tôi suy nghĩ, cả thế giới có hàng tỉ người, thế những chỉ có một số ít những người được tuyển chọn và gọi để dành riêng cho Chúa, nhưng rồi chính số ít những người theo Chúa lại là mối bận tâm cho nhiều người trong xã hội này.

Vẻ bề ngoài. Người ta vẫn nói biết người biết mặt khó biết lòng, chiếc áo không làm nên thầy tu, vậy nên đừng bao giờ vội đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Người tu sĩ không sống trong một thế giới ảo, những là sống thực giữa đời thực, với những văn hoá nơi từng môi trường cụ thể, họ phải thích nghi để rồi phù hợp với đời sống thánh hiến theo phong tục tập quán nơi họ sinh sống. Người tu sĩ hoàn toàn giống nhau với lý tưởng trở thành một Đức Kitô mới – người mục tử nhân lành – cho con người hôm nay, nhưng với những cách thức và phương thế hoàn toàn khác nhau. Không thể so sánh đời sống tu trì của tu sĩ với chủng sinh, cũng chẳng thể so sánh một dòng tu hoạt động với dòng tu chiêm niệm; bởi lẽ linh đạo và con đường hoạt động của mỗi dòng tu sẽ phải phù hợp với chính sứ mệnh của học giữa lòng Giáo hội.

Đời sống thánh hiến làm cho người tu sĩ trở nên cho sứ mệnh phục vụ Thiên Chúa và con người; được sai đến với muôn dân trong từng hoàn cảnh cụ thể. Nói cách khác, đời sống thánh hiến cũng cần hội nhập văn hoá, chúng ta đừng sợ sự hội nhập sẽ làm tan biến sứ mệnh của đời sống mình, nhưng nếu duy trì được căn tính của đời sống thánh hiến, thì việc hội nhập văn hoá sẽ trở thành một thứ men mới làm dậy lên cả khối bột khổng lồ là nơi mà người tu sĩ tiếp xúc. Người tu sĩ noi gương Chúa Giêsu, chính Chúa sống như một người nghèo nhất, cũng tiếp xúc với người tội lỗi nhất, cũng ăn uống và dùng bữa chung với quân thu thuế và phường tội lỗi…, và chính vì thế mà Chúa cũng bị lên án, thì đời sống người tu sĩ hôm nay cũng chịu chung một hoàn cảnh với Thầy của mình. Nhưng nếu chúng ta không can đảm, không dám đối diện thực với từng hoàn cảnh để vượt qua, chúng ta rất dễ bị nhấn chìm trong những lời lên án ấy.

3. Yêu nửa vời

Thánh Gioan định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu, và thánh nhân cũng nói về một tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu như sau: “Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng”, bên cạnh đó, thánh Gioan cũng hé mở cho chúng ta hành động yêu thương đến cùng của chính Chúa Giêsu: “Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” [2]. Chúa Giêsu đã yêu đến cùng với một tình yêu nhưng không, cúi xuống để rửa chân cho môn đệ mình, một hành động xem chừng như của phận tôi tớ, nhưng Chúa đã không nề hà việc ấy. Yêu đến cùng để rồi chết đau khổ trên thánh giá, một tình yêu cao trọng nhất trong mọi thứ tình yêu; người tu sĩ hôm nay cũng được  mời gọi để hành động như thế, trở nên giống thầy mình trong mọi sự, kể cả việc được cùng chết như thầy mình.

Yêu nửa vời rất dễ đến với người tu sĩ trẻ hôm nay, bởi lẽ những khó khăn và thử thách luôn tràn lan trong xã hội này và đến từ mọi khía cạnh cuộc đời; nếu chính chúng ta là những tu sĩ không kiên vững trong ơn gọi thì làm sao giúp đỡ anh chị em mình trong xã hội hôm nay. “Việc tìm kiếm vẻ đẹp của Thiên Chúa thúc đẩy người được thánh hiến chăm sóc hình ảnh Thiên Chúa đã bị bóp méo trên bộ mặt anh chị em mình, những bộ mặt hốc hác vì đói khổ, những bộ mặt thất vọng vì những lời hứa hẹn chính trị, những bộ mặt tủi hổ vì thấy văn hoá của mình bị chà đạp, những bộ mặt kinh đảm vì bạo lực mù quáng xảy ra thường ngày, những bộ mặt lo âu của người trẻ, những bộ mặt của những phụ nữ bị xúc phạm và hạ giá, những bộ mặt mệt mỏi của những người di dân không được ai tiếp nhận, những bộ mặt u buồn của những người có tuổi không có những điều kiện tối thiểu để sống cho ra sống”.[3] Đó là những việc cần làm để yêu thương với trái tim của Đức Kitô, nhưng nếu người tu sĩ không có một tình yêu đủ lớn và kiên vững thì làm sao xoa dịu nỗi đau của con người thời đại; mặt khác, nếu người tu sĩ không sống tròn đầy tình yêu và hạnh phúc đời thánh hiến, thì sao có thể trở thành tấm gương sáng cho người đời soi rọi.

Con đường duy nhất, ngắn nhất, để người tu sĩ thực thi tình yêu trọn vẹn, là con đường qua Ðức Kitô và sống trong Ngài. Trong thư gửi tín hữu Philípphê, thánh Phaolô tông đồ nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hang với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”[4]. Con đường thánh hiến là con đường trở nên giống Đức Kitô – yêu như Người yêu – phục vụ như Người đã phục vụ, và tình yêu trở nên vẻ đẹp của đời sống thánh hiến, và vẻ đẹp ấy hệ tại ở việc làm chứng cho cuộc sống tràn đầy niềm vui và bình an, đó là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa.

Đồi với đời sống thánh hiến, tình yêu là nguồn mạch và ơn gọi của đời sống chúng ta, hình thành nên nội dung của việc làm chứng và sứ mệnh của chúng ta, đồng thời cũng là đích điểm khi kết thúc cõi đời này. Ơn gọi cũng có nghĩa là kinh nghiệm được chiêm ngắm với lòng trìu mến, được yêu thương cách cá vị, được gọi đích danh và được Thiên Chúa sai đi. Do đó tình yêu là điểm khởi đầu, là con đường phải bước theo và mục tiêu cần đạt được.[5]

Để kết thúc cho những suy tư về người tu sĩ trẻ với những thách đố, tôi ý thức thân phận nhỏ bé của mình trong bàn tay tình yêu của Chúa, vì nếu không phải do ý Chúa muốn thì tôi chẳng hiện hữu và cũng chẳng được Chúa kêu gọi hiến thánh cho Người qua con đường tu trì. Từ đây, tôi cũng kêu gọi anh chị em hãy trân trọng số ít những người theo Chúa cách cụ thể với con đường tu trì, họ rất cần những lời cầu nguyện, động viên và an ủi hơn là những lời chỉ trích, soi mói từ những yếu đuối và bất toàn mà ai cũng phải có. Hơn thế nữa, giống như lời Thánh Phaolô đã nói về những sự thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là biết Đức Giêsu Kitô; nếu quả thật người tu sĩ có những khó khăn, thử thách và thiệt thòi theo cái nhìn của thế gian, chúng ta hãy tự hào vì biết Đức Giêsu Kitô. 

Giuse Lưu Hành, SDB

 


[1] X. (Lc 14, 26)

[2] X. (Ga13, 1; 15)

[3] x. Đại hội IV của Hội đồng Giám mục Mỹ châu – Latinh, văn kiện việc Phúc âm hoá mới, việc thăng tiến con người và văn hoá Kitô giáo, kết luận, s. 178, Celam (1992).

[4] X. (Pl 2, 8)

[5] x. Vẻ đẹp đời sống thánh hiến, biên dịch Lm Fx. Phạm Đình Phước, SDB, năm 2019

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây