TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Không chờ con khóc

Thứ hai - 29/11/2021 04:23 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   770
“Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32).
Không chờ con khóc

KHÔNG CHỜ CON KHÓC

 

(Thứ Tư sau Chúa Nhật I Mùa vọng – Is 25,6-10a; Mt 15,29-37)

Đến trần gian này, sứ mạng chủ yếu của Chúa Kitô là mạc khải chân dung cũng như thánh ý của Đấng Toàn Năng. Chân dung Đấng Toàn Năng là Cha đầy lòng thương xót đã được tỏ bày qua lời giảng dạy của Chúa Kitô và nhất là qua cuộc đời của Người, các hoạt động, cung cách hành xử và đỉnh cao là cuộc tử nạn phục sinh của Người.

Bài Tin Mừng ngày thứ Tư sau Chúa Nhật I Mùa Vọng mà Giáo hội cho trích đọc giúp chúng ta thấy được hình ảnh Đấng Toàn Năng đầy lòng thương xót qua tấm lòng cũng như hành động của Đấng làm người, Giêsu Kitô. Thánh sử Luca tường thuật sau khi rời khỏi miền Tia và Xiđon thì Chúa Giêsu lên núi và ngồi xuống (x.Mt 15,29). Người ngồi xuống để rao giảng với tư cách một vị thầy dạy chân lý. Và khi đám đông dân chúng đem theo những kẻ què quặt, đui mù tàn tật, câm điếc và nhiều thứ bệnh khác đặt dưới chân Người thì Người thể hiện là một vị lương y lành nghề đã chữa cho tất cả được khỏi bệnh.

Tuy nhiên điều khiến chúng ta phải kinh ngạc đó là sau ba ngày sống với đám đông dân chúng như là vị thầy dạy chân lý, vị thầy thuốc lành nghề, thì Chúa Giêsu lại chạnh lòng thương trước rất nhiều cái “bao tử” đang cồn cào của đám đông. Không chờ con khóc mà mẹ vẫn biết nhu cầu của con để đáp ứng thì mới đúng là từ mẫu. Không chờ đám đông khẩn xin như họ đã xin chữa bệnh, chính Chúa Giêsu đã đi bước trước chăm lo nhu cầu thiết thực của đám đông lúc bấy giờ. Người nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32). Và Chúa Giêsu đã dùng quyền năng để ban cho đám đông no nê từ bảy chiếc bánh và ít con cá nhỏ được hóa ra nhiều. Lời Ngôn sứ Isaia xưa nói về bữa tiệc cánh chung nay đã được Chúa Giêsu hiện thực hóa. “Ngày ấy trên núi này, Thiên Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc đầy thịt béo và rượu ngon.” (Is 25,61 tt).

Thánh Gioan Tông đồ nói: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là chính Người đã yêu thương chúng ta” (1Ga 4,10). Và Ngài nói tiếp: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19). Và đây là một trong những thánh ý Thiên Chúa được tỏ bày qua lời của Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trong lần thứ nhất Người hóa bánh ra nhiều: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16).

Đi bước trước để phục vụ tha nhân đó mới chính là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Tuy nhiên để có thể sống như thế thì tiên vàn chúng ta phải biết nhạy bén với nhu cầu của tha nhân. Có tấm lòng và sự gắn bó thiết thân thì mới có thể nhận ra anh chị em quanh chúng ta, những người đang sống với chúng ta đang có nhu cầu gì về vật chất cũng như tinh thần, về thể lý cũng như tâm linh. Với hàng mục tử thì Đức Phanxicô có kiểu nói là hãy nhuốm mùi chiên. Với thân phận con chiên thì cũng nên có chút tấm lòng mục tử và dĩ nhiên là có sự tri âm, tri kỷ cách nào đó với chiên cùng đàn cũng như chiên ngoài đàn. Thiết tưởng rằng dù trong vai vị nào thì không gì hơn hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, Đấng vừa là mục tử nhân lành vừa là con chiên ngoan hiền gánh tội trần gian (x.Ga 1,29; 10,11).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây