Mẹ Nhân Loại
Người Mẹ đồng trinh của Con Thiên Chúa làm người, tượng trưng cho Đất hướng về Trời, thứ đất đã hóa hình, đất của ánh sáng, đất hướng về ngày mới. Từ đó mà có vai trò quan trọng của Đức Mẹ: Trong tư tưởng Ki tô giáo, như là một mẫu mực và một cầu nối giữa trần gian và thiên gian, hạ giới và thượng giới.
Đức Maria là nhịp cầu nối thiên quốc và trần thế, một con người trung gian cần thiết để nhân loại có được Đấng Cứu Thế. Vai trò trung gian của ngôi Đền Thờ, vừa là nơi hình thành bởi vật chất vừa là nơi linh thiêng để Thiên Chúa ngự đến, tâm hồn người tín hữu cũng cần được dọn thanh sạch để Thiên Chúa ngự đến. Trong lời kinh cầu Đức Mẹ, người tín hữu cũng ca ngợi: “Đức Mẹ là Đền vàng Thiên Chúa ngự”. Thiên Chúa cư ngụ nơi trần thế, nơi những tâm hồn trong sạch và từ đó Thiên Chúa thực thi ơn cứu độ nhờ sự đón nhận của những người công chính, tay sạch, lòng thanh.
Vai trò trinh nữ là một vai trò cần thiết và vai trò trinh tiết để hạ sinh cũng là vai trò cần thiết hơn, vì thế trong hôn nhân Kitô giáo cũng mời gọi sống thanh sạch để hạ sinh những người con thánh cho trần thế. Đức Maria đồng trinh khi sinh hạ nhờ “Xin Vâng” việc Thiên Chúa làm; những bà mẹ công giáo sinh hạ để lời hứa chúc phúc được thực hiện.
Hòa bình được xây dựng bằng những tâm hồn trong sạch, vương quốc bình an được xây dựng bằng những tấm lòng ngay.
Trong hạ sinh của Thiên Chúa, hài nhi Giêsu đã ra đời mà không có vai trò nào của người đàn ông. Đây là ước mơ cao nhất trong lịch sử của con người được diễn tả trong nhiều huyền thoại thời Cổ đại nói về sự sinh hạ kỳ diệu của các bán thần.
Trong các nền văn hóa: Các trinh nữ đen tượng trưng cho đất chưa khai thác, chưa được làm cho thụ thai, nêu bật yếu tố thụ động của trạng thái trinh nguyên. Vào cuối thời Trung đại, người ta chuộng tô đen, bắt chước màu sẫm của các bình phương Đông, biểu lộ của màu sẫm là màu của đất còn hoang sơ, chưa được gieo trồng và mọc lên các thứ cây, đất còn nguyên sơ.
Trong các thần thoại: Các vị bán thần được hạ sinh không nhờ đến người cha thường hay được nhắc đến bằng cách: Người mẹ dẫm lên dấu chân lạ, hoặc trong lúc tắm ở dưới sông, hoặc trong giấc mơ. Những giấc mơ thần thoại này muốn nói lên điều mong ước sâu xa của nhân loại: Ước mong trở về thiên đường đã đánh mất. Một thiên đường mà những người con của nhân loại đựơc sinh ra mà không nhuốm màu tội lỗi.
Vai trò của Đức Maria, thực hiện trong lịch sử nhân loại một thực tại hóa Lời của Thiên Chúa, không chỉ là giấc mơ trở về thiên đường mà là sanh hạ Đấng Cứu Thế. Không khép lại bằng con đường trở về như người ta vẫn thường quan niệm: Trở về là sự hoàn nguyên, giống như bốn mùa thay đổi nối tiếp: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trở về với tình trạng nguyên thủy hẳn không phải là thiên đường bị đánh mất. Trở về, hoàn nguyên, làm nên tâm thức nuối tiếc thiên đường bị đánh mất, không nói được vai trò quan trọng của Đức Maria.
Việc Đức Maria trong sự trinh khiết hòan tòan là một thực tại, được Thiên Chúa tặng ban cho lịch sử của nhân loại, chuẩn bị cho trái đất có một người nữ hòan tòan để sẵn sàng đón nhận Đấng Cứu Thế. Việc cộng tác của con người trong việc hạ sinh này là: “Xin vâng” để Thiên Chúa thi hành ý định của Người. Vai trò sinh hạ của Đức Maria đưa nhân loại sang một lãnh vực khác vượt xa cõi thiên đường năm xưa đánh mất: Một nhân loại mới được sinh ra trong tư cách người con trong Người Con của Thiên Chúa. Đó là một mầu nhiệm biến đổi mà thánh Irênê đã viết: “Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con Thiên Chúa”. Nhân loại mới nay trở thành “con trong Người Con”. Đây là một cuộc bứt phá vượt xa công trình sáng tạo tự ban đầu.
Không chỉ thể hiện ước mong của các nền văn hóa mà còn là một thực hiện quá ước mong, vượt xa mọi khả năng có thể tưởng tượng. Thấy được điều này, mới thấy vai trò quan trong của Đức Maria được Thiên Chúa chuẩn bị và tặng ban cho lịch sử của nhân loại. Đức Maria là hoa trái tuyệt diệu nhất trong nhân loại, xứng đáng danh hiệu Mẹ của nhân loại, Mẹ của muôn loài thọ sinh, để nhờ Mẹ mà một nhân loại mới được hạ sinh.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan