TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bằng chứng về Kitô giáo sơ khai tại Galilê

Thứ bảy - 19/06/2021 22:52 | Tác giả bài viết: |   897
Bằng chứng đầu tiên về Kitô giáo sơ khai được tìm thấy ở một ngôi làng miền Galilê.
Bằng chứng về Kitô giáo sơ khai tại Galilê

TẢNG ĐÁ KHẮC CHỮ “CHÚA KITÔ SINH RA BỞI ĐỨC MARIA” BẰNG CHỨNG ĐẦU TIÊN VỀ KITÔ GIÁO SƠ KHAI TẠI GALILÊ

WHĐ (18.03.2021)Bằng chứng đầu tiên về Kitô giáo sơ khai được tìm thấy ở một ngôi làng miền Galilê.

Dòng chữ Hy Lạp cung cấp bằng chứng về một nhà thờ có từ thời Byzantine thế kỷ thứ 5 nhưng tới nay chưa được ai biết đến; việc phát hiện này đã “khép lại câu chuyện vòng vo” về khu định cư của người theo Kitô giáo ở ngôi làng Taibe nhỏ bé vùng Thung lũng Jezreel[1].

Với những từ, "Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Maria”, các nhà khảo cổ học đã khám phá ra bằng chứng đầu tiên về một khu định cư của các Kitô hữu thời ban đầu từ 1.500 năm trước, tại nơi ngày nay là vị trí của một ngôi làng Ả Rập nhỏ gần Nadarét.

Theo các nhà nghiên cứu của Cơ quan quản lý cổ vật Israel, một dòng chữ Hy Lạp được phát hiện gần đây dâng kính Đấng Cứu Thế của Kitô giáo, ban đầu được đặt ở lối vào của một nhà thờ ở thế kỷ thứ 5, nhưng chưa từng được biết đến. Khối đá khắc chữ được phát hiện gần đây đã được sử dụng lại lần thứ hai trong một bức tường của một cấu trúc cuối thời kỳ Byzantine trong cuộc khai quật ở Taibe, nằm trong Thung lũng Jezreel ở miền bắc Israel.

Theo văn bản, nhà thờ được thành lập dưới sự bảo trợ của tổng giám mục khu vực Beit She'an nổi tiếng vào cuối thế kỷ thứ 5 tên là Theodosius, là người có tên trong văn bản, và văn bản bị phá hủy một phần này đã cung cấp cho các nhà khảo cổ học một niên đại chắc chắn.

Nhà khảo cổ Walid Atrash của Cơ quan Cổ vật Israel nói với tờ Times of Israel: “Dòng chữ có tầm quan trọng là mãi cho đến bây giờ chúng tôi vẫn không chắc chắn biết rằng có những ngôi nhà thờ vào thời kỳ đó trong khu vực này.” Những di tích khác từ thời kỳ đó đã được phát hiện ở gần Tamra và một tu viện đã được phát hiện thời gian gần đây bởi Nurit Feig của IAA và Moti Aviam của trường Trường Đại học Kinneret ở khu lân cận Kfar Kama.

Atrash cho biết tàn tích của một nhà thờ thời Thập tự chinh trước đây đã được phát hiện tại Taibe, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng về sự hiện diện của những Kitô hữu từ thời Byzantine trước đó. Mặc dù địa điểm không được đề cập trong Tân Ước, nhưng việc phát hiện ra rằng có một nhà thờ thời Byzantine được xây dựng ở đây là “không có gì đáng ngạc nhiên”, Atrash nói.

Dòng chữ mới đã “khép lại câu chuyện vòng vo, và bây giờ chúng tôi biết rằng có những Kitô hữu ở khu vực này vào thời kỳ đó,” ông nói.

Công việc khai quật một tòa nhà thời kỳ Hồi giáo có dòng chữ Hy Lạp vào cuối thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, 'Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Maria', được sử dụng lần thứ hai, được khai quật tại làng et-Taiyiba (Taibe) ở Thung lũng Jezreel. (Einat Ambar-Armon / Cơ quan quản lý cổ vật Israel)

Bản khắc được phát hiện sử dụng lại lần thứ hai nơi một khối tường xây trong một tòa nhà hai phòng được trang trí lộng lẫy, được xây dựng vào cuối thời kỳ Byzantine, khi cả người Kitô hữu và người theo đạo Do Thái cư trú ở Galilê. Các nhà khảo cổ tin rằng tòa nhà đã được sử dụng tốt vào thời kỳ sơ khai của Hồi giáo. Atrash cho biết, không rõ ban đầu những Kitô hữu hay người theo đạo Do Thái đã xây dựng nó.

Theo Leah DiSegni, nhà nghiên cứu tại Viện Khảo cổ thuộc Đại học Do Thái của thành Giêrusalem, bản văn Hy Lạp với bảy dòng chữ trên một tảng đá đã bị phá hủy một phần là một dòng chữ có lời dâng kính, được chạm khắc ngay lúc đầu khi đổ móng tòa nhà vốn được giả định là ngôi nhà thờ. Theo DiSegni, dòng chữ đó viết: “Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Maria. Công trình này của vị giám mục [Theodo] sius kính sợ Chúa nhất và ngoan đạo nhất và của người khốn khổ Th[omas] được xây dựng từ nền tảng - - -. Ai bước vào cũng nên cầu nguyện cho họ”.

Một tòa nhà thời Hồi giáo có dòng chữ Hy Lạp vào cuối thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, 'Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Maria', được tìm thấy sử dụng lại lần thứ hai, được khai quật tại làng et-Taiyiba (Taibe) ở Thung lũng Jezreel. (Tzachi Lang / Cơ quan quản lý cổ vật Israel)

Theo DiSegni, cách diễn đạt “Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Maria” được coi như một quyền năng thần thông đem lại may mắn xua đuổi sự nhòm ngó của thần dữ.

Có một khoảng hình tròn lớn để trống cắt ngang dòng chữ mà Atrash cho biết đã từng là một cây thánh giá lớn. Atrash tin rằng một cách giải thích cho việc mất đi cây thánh giá là cây thánh giá đã bị phá hủy một cách có chủ ý - bởi những Kitô hữu hoặc người theo đạo Do Thái sống trong khu vực - trước khi tảng đá được sử dụng lại để xây bức tường của tòa nhà sau này. Ông nói, dòng chữ này xoay ngược vào bên trong bức tường và không thể nhìn thấy được. Tòa nhà được xây dựng trước khi Hồi giáo ra đời, nhưng vẫn được sử dụng trong thời kỳ Hồi giáo.

Các sinh viên từ chương trình dự bị quân sự Hanaton làm việc trong quá trình khai quật một tòa nhà thời kỳ Hồi giáo, trong đó có dòng chữ Hy Lạp vào cuối thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, 'Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Maria', được sử dụng lại lần thứ hai, ở làng et-Taiyiba (Taybeh ) ở Thung lũng Jezreel. (Einat Ambar-Armon / Cơ quan quản lý cổ vật Israel)

Atrash cho biết một cách giải thích khác cho việc mất đi cây thánh giá là nhà thờ ban đầu, không còn được sử dụng vào thời kỳ cuối của đế chế Byzantine, đã bị phá hủy trong một số trận động đất thường xảy ra trong khu vực vào thời gian này. Tảng đá có thể đã bị hư hại và sau đó được sử dụng lại bởi những Kitô hữu hoặc người theo đạo Do Thái, là những người ngay sau đó đã xây dựng một cấu trúc gồm hai phòng, có sàn nhà được trang trí theo kiểu ghép khảm hình học môsaic, đã được khai quật thời gian gần đây bởi các sinh viên, tình nguyện viên, kết hợp với các công nhân từ cộng đồng địa phương.

Atrash cho biết việc đề cập đến tên gọi Theodosius trong bản khắc, và địa điểm được cho là của bản khắc đó, ở ngay lối vào, cho thấy manh mối rằng nó được sử dụng trong một nhà thờ, hơn là trong một đan viện, bởi vì rõ ràng là chỉ trong nhà thờ thì bản khắc đó mới có thể chào đón các giáo dân bước vào cửa của nhà thờ, hơn là phục vụ một cộng đoàn đan viện khép kín. DiSegni ghi chú trong thông cáo báo chí của IAA, “Dòng chữ chào mừng những người bước vào và chúc lành cho họ. Do đó, rõ ràng rằng tòa nhà là một nhà thờ, chứ không phải một đan viện: Các nhà thờ đón chào các tín hữu ở lối vào, trong khi các đan viện không có khuynh hướng làm như vậy”.

Atrash giải thích thêm rằng Theodosius khuyến khích việc xây dựng các nhà thờ trong khu vực của ông và việc nhắc đến tên ông ở đây cho thấy một khoản quyên góp tài chính nhờ vai trò của ông ở Beit She'an, là trung tâm của đời sống tôn giáo và là thủ phủ của Palaestina Secunda, một tỉnh Byzantine, từ năm 390 sau Chúa giáng sinh cho đến khi người Hồi giáo xâm lược vào khoảng năm 636 công nguyên.

Một dòng chữ Hy Lạp vào cuối thế kỷ thứ 5 CN, 'Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Maria,' gần đây được tìm thấy tại làng et-Taiyiba (Taibe) trong Thung lũng Jezreel. (Tzachi Lang / Cơ quan quản lý cổ vật Israel)

Dòng chữ và tòa nhà hai phòng được phát hiện trong quá trình khai quật và bảo tồn do Tzachi Lang và Kojan Haku của IAA chỉ đạo trước khi xây dựng một con đường bên trong ngôi làng nhỏ Taibe miền Galilê ngày nay.

 


 

 

 

[1] Chú thích của người dịch:

Thung lũng Gítrơen (Jezreel) lấy tên từ thành phố cổ Jezreel (tiếng Do Thái là Yizre'el; יזרעאל ;) nằm trên một ngọn đồi thấp nhìn ra phía nam thung lũng. Từ Jezreel xuất phát từ tiếng Do Thái, và có nghĩa là “Thiên Chúa gieo trồng” (https://wikiqube.net/wiki/Jezreel_Valley).

Chính vì vậy mà trong sách tiên tri Hôsê 2:21-23 có chép “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa. Vào ngày đó, Ta sẽ đáp lại, - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ đáp lại trời, và trời sẽ đáp lại đất. Đất sẽ đáp lại lúa mì, rượu mới và dầu tươi, và những thứ đó sẽ đáp lại Gítrơen. Ta sẽ gieo trồng nó làm của riêng Ta trong xứ sở, sẽ chạnh thương con bé Lô Rukhama ("Không-được-thương"), sẽ nói với thằng Lô Am-mi ("Không-phải-dân-Ta"): "Ngươi là Am-mi" ("Dân-Ta"). Còn nó sẽ thưa: "Thiên Chúa của con !"

Cụm từ “Thung lũng Jezreel” được dùng để chỉ phần trung tâm của thung lũng, xung quanh thành phố Jezreel, trong khi phần phía tây nam được gọi là “Thung lũng Mêghiđô”, theo tên gọi thành phố cổ Megiddo. Đây cũng là lý do sách Các vua quyển thứ II, chương 9 có nói sau khi Giêhu giết Giôram ở đồng rộng Nabốt tại Gítrơen thì ông đã đuổi giết Akhigia ở Mêghiđô cũng thuộc thung lũng này.

Có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất về thung lũng Gítrơen trong Kinh Thánh là câu chuyện về cái chết của hoàng hậu Izabel, một vị hoàng hậu tàn ác nhất trong lịch sử Do Thái. Đây là vị hoàng hậu có gốc gác dân ngoại, thờ ngẫu tượng, tiêu diệt các tiên tri của Chúa, đem việc thờ ngẫu tượng vào dân Do Thái, hăm dọa tiên tri Êlia. Cái chết và cách chết của người phụ nữ này được tiên báo trước trong sách Các Vua, quyển I, chương 2: 23 và điều này thành hiện thực trong sách Các Vua, quyển II, chương 9: 30-37. Sau khi Giêhu giết vua Giôram, ông đối mặt với Izabel tại Gítrơen. Tại đây ông đã thúc giục các thái giám giết Izabel bằng cách ném ra ngoài cửa sổ ở thành phố Gítrơen. Họ tuân theo, ném Izabel ra ngoài cửa sổ và để Izabel nằm chết trên đường phố bị chó ăn thịt. Chỉ còn lại hộp sọ, bàn chân và bàn tay của Izabel, như lời tiên tri Êlia đã nói trước.

Thung lũng này có núi Tabor, đây cũng là nơi, theo sách Thủ Lãnh, chương 4, Barăk và Ðêbôrah chiến thắng dân Canaan. Núi Tabor, theo niềm tin của các Kitô hữu, cũng là nơi Chúa Giêsu biến hình.

 

Tác giả: Amanda Borschel-Dan
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: timesofisrael.com (20.01.2021)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây