TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đại hội FABC 50 - Ngày thứ mười tám

Thứ ba - 01/11/2022 22:46 | Tác giả bài viết: |   725
Sau 18 ngày nhóm họp, Đại hội FABC 50 đã bế mạc sáng 30. 10. 2022, với Thánh lễ Tạ ơn do Đức hồng y Luis Antonio Tagle, Quyền Tổng trưởng Bộ loan báo Tin Mừng, Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại FABC 50, chủ tế.
Đại hội FABC 50 - Ngày thứ mười tám

ĐẠI HỘI FABC 50: NGÀY XVIII - THÁNH LỄ BẾ MẠC
 

WHĐ (01.11.2022) - Sau 18 ngày nhóm họp, Đại hội FABC 50 đã bế mạc sáng 30. 10. 2022, với Thánh lễ Tạ ơn do Đức hồng y Luis Antonio Tagle, Quyền Tổng trưởng Bộ loan báo Tin Mừng, Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại FABC 50, chủ tế.

Cùng với hơn 200 hồng y và giám mục tham dự viên Đại hội, còn có sự hiện diện của quý đại biểu, quý khách mời, quý linh mục, tu sĩ, và giáo dân trong thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Mông Triệu, Bangkok, Thái Lan.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức hồng y Luis Antonio Tagle (phiên bản viết do Joel Vasquez Ocampo thực hiện)

Đức hồng y Luis Antonio Tagle

Xin chào Anh chị em! (Sawasdee khap)

Quy tụ trong Thánh lễ Tạ ơn bế mạc Đại hội FABC50 hôm nay, mỗi chúng ta có thể mượn lời của Tác giả Thánh vịnh để nói lên tâm tình: Con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.” (x. Tv 145, 1). Chúng ta ngợi khen Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần vì đã đồng hành với chúng ta và kêu gọi chúng ta, các Giáo hội ở Châu Á, để đồng hành với nhau và với các dân tộc Á Châu.

Chúng tôi cảm ơn các Giáo hội địa phương đã tham gia vào những cuộc tham vấn trước Đại hội. Chúng tôi cũng cảm ơn các Ủy ban khác nhau, đã minh xác rằng Đại hội là khoảng thời gian thánh để phân định hành động của Thiên Chúa trong Dân Chúa. Chúng tôi cảm ơn quý chuyên gia, quý khách mời, quý đại biểu giám mục, và những người dân thật tuyệt vời của Bangkok và Thái Lan, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, và các nhân viên đã tận tuỵ làm việc hầu đáp ứng mọi nhu cầu của chúng tôi. Quý vị đã cho thấy hành trình cùng nhau nghĩa là. Tôi xin mang đến cho tất cả anh chị em một Sứ điệp về sự hiệp thông và gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô, vì tuy ở Rôma, Đức Thánh Cha đã luôn đồng hành với chúng ta trong những ngày qua. Ngài đang theo dõi chúng ta. Đức Mẹ, các Thiên thần, các Thánh, đặc biệt là Các Thánh Á Châu cũng là những vị đồng hành thiết thân của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện cách riêng cho các nạn nhân của vụ giẫm đạp xảy ra ở Hàn Quốc ngày hôm qua; và cũng ngày hôm qua có một cơn bão đi qua Philippines. Do đó, chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đã bị ảnh hưởng.

 

Cùng nhau hành trình như các dân tộc Châu Á… và họ đã đi theo một con đường khác (Mt 2,12). Đây là chủ đề, là kinh nghiệm, và tôi dám nói, là tương lai của Đại hội, được tổ chức để kỷ niệm FABC được thành lập cách đây 50 năm. Trước đây, hiện tại và trong tương lai, không có con đường nào khác cho FABC, Liên Hội đồng Giám mục Á châu, ngoài hành trình cùng nhau. Không có lộ trình nào khác, ngoài lộ trình cùng nhau, trước đây, hiện nay và trong tương lai.

Chúng ta có thể nghĩ hoặc thậm chí có thể yêu cầu rằng, chúng ta cần phải làm một cuộc hành trình. Hành trình là cuộc sống. Rất thường xuyên, ngay cả ở châu Á, cuộc sống được mô tả như một cuộc hành trình. Sứ mạng là một cuộc hành trình. Nhưng tại sao lại hành trình cùng nhau? Chẳng phải là sẽ dễ chịu hơn khi đi theo con đường riêng của mình sao? Tại sao lại đi cùng nhau? Bạn đã kết hôn được 30 năm và bạn nói rằng, Liệu tôi có thể có một hành trình cho riêng mình, dù chỉ một lần được chăng? Tại sao lại phải luôn cùng với nhau?” Cộng đoàn tu trì có thể thắc mắc, “Tại sao lại cùng nhau giải trí? Tại sao phải luôn cùng với nhau?” Nếu chúng ta phải thực hiện hành trình cùng nhau, thì sẽ tiến hành như thế nào đây? Làm sao để chúng ta cùng nhau thực hiện điều đó?

Cùng nhau là gì? Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay, Chúa nhật XXXI thường niên, đặc biệt là bài Tin Mừng (Lc 19, 1-10), chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự Cùng nhau. Tôi xin chia sẻ 3 điểm đơn giản.

Đức Giêsu, một Ai đó trong cuộc Hành trình

Điểm thứ nhất: Đức Giêsu được mô tả trong Tin Mừng như một người đang trên cuộc hành trình. Đức Giêsu đến Giêricô và đi ngang qua thành phố ấy. “ ý đi ngang qua thành phố (Lc. 19, 1). Tại đây, Người bắt gặp Giakêu, người đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có. Có lẽ Giakêu trở nên giàu có là nhờ hành vi thiếu trung thực, và Đức Giêsu nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc. 19, 5). Người không nói "Tôi muốn đến nhà ông" nhưng "Tôi phải ở lại nhà ông". Đức Giêsu có ý đi qua Giêricô. Người có chủ đích: "Tôi phải ở lại nhà ông" “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc. 19, 10). Đức Giêsu cố ý có cuộc hành trình này, Người ý đến nhà Giakêu. Đức Giêsu chọn Giakêu làm bạn đồng hành trên hành trình của Người.

Hành trình cùng nhau phải có chủ ý. Chúng ta phải chọn hành trình cùng nhau. Thậm chí 4 tháng thảo luận về "hành trình cùng nhau" sẽ chẳng có giá trị gì trừ khi chúng ta có chủ tâm. Chúng ta chọn việc hành trình cùng nhau như một lộ trình. Chúng ta cùng nhau hành trình. Chúng ta không thể để cuộc hành trình cùng nhau thành sự may rủi; và chúng ta không được thờ ơ với nó. “Tôi có chủ ý,”Chúng tôi chủ tâm làm điều đó”, “Tôi tìm kiếm bạn”, “chúng ta tìm kiếm nhau”, chúng ta tìm kiếm bạn đồng hành trong cuộc hành trình.

Hành trình với những người có thể khác biệt với chúng ta

Điểm thứ hai. Đức Giêsu đã chọn ai làm cộng sự hoặc người đồng hành trong cuộc hành trình? Không phải là người trong sạch nhất, không phải là người thánh thiện nhất, không phải là người ngay thẳng nhất, không phải là người hoàn hảo nhất, không phải là người sẽ làm cho Ngài được xã hội chấp nhận hơn, cũng không phải là người thuộc nhóm mà Người chia sẻ mọi điểm chung. Như chúng ta đã nói, Đức Giêsu đã chọn Giakêu, một người trưởng thu thuế, và là người bị dân chúng coi như kẻ phản bội vì đã cộng tác với lực lượng ngoại bang đến chiếm đóng. Giakêu là người mà không ai muốn đi cùng. Bạn sẽ hủy hoại tên tuổi của mình khi đi cùng Giakêu. Nếu bạn muốn tương lai của bạn bị hủy hoại, thì hãy bước đi với Giakêu; và không ai dám hủy hoại cuộc đời của mình bằng cách đi với Giakêu.

Nhưng có một điểm tốt trong tâm hồn của Giakêu: Ông muốn nhìn thấy Đức Giêsu. Theo Phúc Âm, ông là người thấp bé. Vì vậy, ông trèo lên cây để nhìn thấy Đức Giêsu, nhưng có thể, ông trèo lên cây cũng là để không bị mọi người nhìn thấy. Có lẽ, đó là một cách ẩn náu để bảo vệ mình khỏi bị chế giễu. Từ trên cây, ông có thể nhìn thấy nhưng không bị nhìn thấy. Thật bất ngờ! Đức Giêsu nhìn thấy ông. Người nhìn thấy ông và bảo ông xuống mau. "Nhanh lên nào!" Đức Giêsu rất phấn khích và Người không thể chờ đợi lâu hơn nữa. "Xuống mau đi nào!" Hãy xuống đây đi. Hãy lộ diện trước đám đông. Hãy xuống đây và cùng đi với Tôi về nhà ông. Đức Giêsu sẽ vào nhà ông. Đức Giêsu sẽ đi vào trái tim ông. Đức Giêsu sẽ đi vào vết thương của ông, vào sự mặc cảm tội lỗi, và vào sự tủi thẹn của ông. Đức Giêsu sẽ mang tất cả những điều đó trên hành trình cùng nhau của Người với ông.

Thiên Chúa muốn chúng ta đồng hành với những người có thể khác biệt với chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta đồng hành với những người đang lẩn trốn: trốn trong sự tủi nhục, hoặc bị người khác che khuất. Thiên Chúa muốn chúng ta đi với với những người bị cô lập, cô đơn, coi thường, ô danh, những người trong những con hẻm tối tăm và khu ổ chuột, những người băng rừng vượt biển trong đêm tối. Thiên Chúa muốn chúng ta đồng hành với những người có địa vị cao, giống như Giakêu ở trên cây. Những chức vụ cao trong chính trị, kinh doanh, quân đội. Thiên Chúa muốn chúng ta đồng hành với những người nghèo khổ, bị khinh miệt và bị gạt ra bên lề những người tị nạn, di cư, tản cư, và những người dân bản địa, những người bị tổn thương và bị bóc lột, giới trẻ, phụ nữ, và các gia đình. Chúng ta sẽ đồng hành với nhau khi chúng ta đối diện với sự bị hất hủi; khi chúng ta đối diện với thái độ cực đoan; khi chúng ta đối diện với những mối đe dọa trong cuộc sống; khi chúng ta đối diện với bạo lực, xung đột, và mâu thuẫn của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Chúng ta sẽ đồng hành với những người thuộc các tôn giáo và văn hóa khác. Đúng vậy. Chúng ta chủ ý làm cuộc hành trình với họ.

Hành trình của lòng thương xót, trắc ẩn, kiên nhẫn, công bằng và bác ái

Điểm thứ ba và là điểm cuối cùng: Cuộc hành trình cùng nhau sẽ như thế nào? Điểm đến của nó là ở đâu? Như các Bài đọc cho chúng ta thấy, đó sẽ là một cuộc hành trình của lòng thương xót, của lòng trắc ẩn, chứ không phải của sự hủy diệt. Một hành trình của sự kiên nhẫn, chứ không lên án, một hành trình kết thúc ở mảnh đất xinh đẹp của công bằng và bác ái.

Ông Giakêu rốt cuộc cũng được đối xử như một con người, một người có thể lộ mặt ra, một người có thể chia sẻ vết thương của mình, và một người được yêu thương. Đức Giêsu nói rõ, “Ông ấy cũng là con cháu tổ phụ Ápraham” (Lc. 19, 9). Giakêu là một trong số chúng ta. Chúng ta thuộc về nhau. Trở thành một diện mạo có nhân phẩm, Giakêu khám phá ra các anh chị em của mình, ông nhớ đến những người nghèo khổ và những người mà ông có thể đã đối xử bất công. Người nghèo và những nạn nhân của ông, những người trước đây có lẽ chỉ là phương tiện, thì giờ đây, khi ông được phục hồi nhân phẩm, ông cũng nhận ra nhân phẩm của họ. Giakêu hứa sẽ trả lại tiền gấp 4 lần cho những ai đã bị ông cưỡng đoạt. Vượt lên trên những đòi hỏi của công bằng: đó là tình yêu. Giakêu sẽ tặng một nửa tài sản của mình cho người nghèo. Giờ đây, người nghèo cũng là bạn đồng hành của ông.

Đức Giêsu là Con Đường Khác

Cùng nhau hành trình như các dân tộc Châu Á… và họ đã đi theo một con đường khác. Đức Giêsu chỉ cho chúng ta con đường khác. Đức Giêsu là con đường khác:

- khác với những kẻ phá vỡ sự đoàn kết nhằm duy trì sự chia rẽ;

- khác với những kẻ che khuất người khác làm khiến họ trở thành vô hình;

- khác với những kẻ đánh mất lòng thương xót đối với tha nhân.

Đức Giêsu là đường, và thể hiện một con đường khác luôn được đổi mới. Đức Giêsu hứa rằng Ngài sẽ ở với chúng ta cho mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). “Emmanuel,” “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” mãi mãi. Chúng ta sẽ không bao giờ đơn độc trong cuộc hành trình của mình. Vì vậy, chúng ta hãy bước đi với Người, giống như Người, với nhau, và với các dân tộc Á Châu.

Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô rất có thể muốn nói lên những lời của Thánh Phaolô mà chúng ta đã nghe trong Bài Đọc 2 (2 Th 1, 11-2, 2).

Vì thế, lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em: xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin.

Như vậy, danh của Chúa chúng ta là Ðức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô. Amen.

Đức giám mục Allwyn D’Silva

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức giám mục Allwyn D’Silva công bố Sứ điệp Đại hội FABC gửi cho các dân tộc ở Châu Á.

Được biết, sau thời gian bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19, Đại hội FABC nhân kỷ niệm 50 năm thành lập (1970-2020) với Chủ đề “FABC 50: Cùng nhau hành trình như các dân tộc Châu Á… và họ đã đi theo một con đường khác” (Mt 2, 12) đã được tiến hành từ ngày 12 - 30. 10. 2022 tại Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận Bangkok, Baan Phu Waan, Thái Lan.

Đại hội quy tụ hơn 200 đại biểu bao gồm các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân từ 29 quốc gia thành viên, trong đó 6 giám mục đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: dominusest.ph (30. 10. 2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây