Các bạn trẻ thân mến,
Cha rất vui khi được lắng nghe những lời của Đức Tổng Giám mục Bernard, những lời chứng và các câu hỏi của các con. Bây giờ cha cố gắng trả lời cho các con ba câu hỏi này.
Cha bắt đầu với câu hỏi của Peter và Zuzka, câu hỏi của các con về tình yêu lứa đôi. Tình yêu là giấc mơ lớn nhất của tất cả chúng ta trong cuộc sống, nhưng đây không phải là giấc mơ rẻ tiền. Giống như tất cả những điều tuyệt vời trong cuộc sống, tình yêu rất đẹp, nhưng không dễ dàng. Tình yêu là giấc mơ, nhưng để giải thích nó thì không dễ chút nào. Cha lấy lại một câu của các con. Các con đã nói rằng: “Chúng con đã bắt đầu cảm nhận món quà này với đôi mắt hoàn toàn mới”. Các con nói đúng: chúng ta cần phải có đôi mắt mới, đôi mắt không bị vẻ bề ngoài đánh lừa. Các con thân mến, chúng ta đừng tầm thường hóa tình yêu, bởi vì tình yêu không chỉ đơn giản là một cảm xúc hay cảm giác, mặc dù nó có thể bắt đầu theo cách đó. Tình yêu không phải là có tất cả mọi thứ và ngay lập tức, nó không đáp ứng luận lý sử dụng và vứt bỏ. Tình yêu là sự chung thủy, là món quà và trách nhiệm.
Tính chân thực đúng nghĩa ngày nay, cuộc cách mạng thực sự, là đánh đổ văn hóa tạm thời, vượt lên trên bản năng và nhất thời, là yêu thương suốt đời và với trọn bản thân. Chúng ta không ở đây để sống qua ngày, nhưng là để làm cho cuộc sống đạt được thành tựu. Nếu các con nhớ lại một số câu chuyện tuyệt vời mà các con đã từng đọc trong tiểu thuyết, hoặc xem trong những bộ phim khó quên hoặc nghe kể một số câu chuyện cảm động, thì các con sẽ thấy rằng luôn có hai điều đi cùng nhau: một là tình yêu, hai là phiêu lưu, tính anh hùng. Để làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tuyệt vời, chúng ta cần tình yêu và sự anh hùng. Nếu chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu trên Thánh giá, chúng ta sẽ thấy cả tình yêu vô biên và lòng can đảm của Người trong việc trao ban cuộc sống đến cùng, không đo lường được. Trước mắt chúng ta là chân phước Anna Kolesárová, một nữ anh hùng của tình yêu. Ngài nói với chúng ta hãy nhắm đến những mục tiêu cao. Xin các con đừng để những tháng ngày của các con trôi qua như tiểu thuyết truyền hình nhiều tập.
Do đó, khi các con mơ về tình yêu, đừng đi tìm kiếm những tác động đặc biệt, nhưng hãy nhận ra rằng mỗi người trong các con đều đặc biệt. Mỗi người trong chúng ta là một hồng ân và chúng ta có thể biến cuộc sống của chúng ta thành một ân ban. Những người khác, xã hội, người nghèo đang chờ đợi các con. Hãy mơ về một vẻ đẹp vượt lên trên dáng vẻ bên ngoài, xu hướng thời trang. Hãy mơ ước, không lo sợ về việc xây dựng một gia đình, sinh dưỡng và nuôi dạy con cái, trải nghiệm cuộc sống và chia sẻ tất cả với một người khác. Đừng xấu hổ về những lỗi lầm và yếu đuối của các con, vì có một người sẵn sàng chấp nhận và yêu chúng, một ai đó sẽ yêu các con như các con là. Những giấc mơ nói cho chúng ta biết về một cuộc sống mà chúng ta muốn. Những giấc mơ tuyệt vời không phải là những chiếc xe hơi đẹp, những bộ quần áo thời trang hoặc những kỳ nghỉ xa xỉ. Đừng quan tâm đến những người nói với các con về những giấc mơ nhưng sau đó lại bán cho các con những ảo tưởng: họ là những người bóp méo hạnh phúc . Chúng ta được tạo dựng cho một niềm vui lớn hơn nhiều. Mỗi người chúng ta là duy nhất. Chúng ta được đặt để trong thế giới này để được yêu thương vì chúng ta là, và để yêu thương người khác theo cách độc đáo và đặc biệt của riêng chúng ta. Cuộc sống không phải là một trò chơi, nơi chúng ta có thể ngồi trên băng ghế, chờ đợi để được gọi. Không, mỗi người chúng ta là duy nhất trong mắt Chúa. Vì vậy, đừng bao giờ để mình bị “đồng nhất hóa”, chúng ta không được dựng nên hàng loạt, nhưng mỗi người là duy nhất và tự do. Và chúng ta trong thế giới để sống câu chuyện tình yêu với Chúa, để đưa ra những quyết định táo bạo và vững chắc, để dám liều lĩnh trong sự mạo hiểm tuyệt vời của tình yêu. Các con có tin điều này không? Đây có phải là giấc mơ của các con không?
Cha muốn cho các con một vài lời khuyên. Để tình yêu có kết quả, đừng quên cội nguồn. Cội nguồn của các con là gì? Chắc chắn, là cha mẹ và đặc biệt là ông bà của các con, vì họ đã chuẩn bị mảnh đất mà chính nơi đó các con đã lớn lên. Hãy chăm tưới cội nguồn của các con, thăm viếng ông bà của các con; điều đó sẽ tốt cho các con. Hãy đặt câu hỏi, dành thời gian để lắng nghe những câu chuyện của ông bà. Ngày nay, con người có nguy cơ lớn lên nhưng không có nguồn gốc, bởi vì chúng ta luôn có xu hướng chạy, làm mọi thứ một cách vội vàng. Những gì chúng ta thấy trên internet có thể ngay lập tức vào nhà chúng ta; chỉ cần một cú nhấp chuột thì mọi người và mọi thứ hiện trên màn hình. Và rồi những khuôn mặt đó có thể trở nên quen thuộc hơn so với những khuôn mặt những người đã sinh ra chúng ta. Bị lấp đầy bởi các tin nhắn ảo, chúng ta có nguy cơ mất đi gốc rễ thực sự của mình. Bị ngắt kết nối với cuộc sống, hoặc mơ mộng viển vông trong sự trống rỗng, không phải là một điều tốt; đó là một sự cám dỗ của kẻ ác. Chúa muốn chúng ta có nền tảng vững chắc, được kết nối với cuộc sống. Đừng bao giờ đóng cửa lòng mình, nhưng hãy luôn luôn mở ra với người khác!
Vâng, nhưng các con sẽ nói với cha rằng thế giới nghĩ khác. Người ta nói rất nhiều về tình yêu, nhưng thực tế lại áp dụng một nguyên tắc khác: mỗi người chỉ quan tâm đến chính mình. Các bạn trẻ thân mến, đừng để mình bị điều khiển bởi điều này, bởi điều không đúng và bởi cái ác xung quanh chúng ta. Đừng để mình bị cầm tù bởi nỗi buồn hoặc nhượng bộ với những người nói với các con rằng sẽ không bao giờ thay đổi được. Nếu các con tin vào điều này, các con sẽ trở nên bi quan, một căn bệnh làm chúng ta già đi từ bên trong. Các con già đi trong khi vẫn còn trẻ. Ngày nay, có rất nhiều nỗ lực gây chia rẽ, rất nhiều người sẵn sàng đổ lỗi cho mọi người và mọi thứ, những người lan truyền tiêu cực, những người chuyên phàn nàn. Đừng chú ý đến họ, vì bi quan và phàn nàn không phải là Kitô hữu. Chúa không ưa sự buồn bã và tự nản. Chúng ta không được dựng nên để cắm mặt xuống đất, nhưng là để ngước nhìn Trời cao.
Nhưng khi chúng ta cảm thấy chán nản, chúng ta phải làm gì? Có một phương thuốc không thể sai lầm có thể đưa chúng ta trở lại đứng vững trên đôi chân của chúng ta. Petra, đó là những gì con đã nói: Bí tích Hoà giải. Con hỏi cha làm thế nào để những người trẻ có thể vượt qua những trở ngại trên đường để đến với lòng thương xót của Thiên Chúa. Ở đây cũng là vấn đề của việc chúng ta nhìn mọi thứ như thế nào, và của việc nhìn vào những gì thực sự quan trọng. Nếu cha hỏi tất cả các con nghĩ gì khi các con đi xưng tội, cha chắc chắn rằng câu trả lời của các con sẽ là “tội lỗi”. Nhưng cha hỏi các con, tội lỗi có thực sự là trung tâm của Bí tích Hoà giải không? Chúa có muốn các con đến gần Người chỉ nghĩ đến các con và tội lỗi của các con không; hay là nghĩ về Người? Cái gì là trung tâm, tội lỗi của chúng ta hay Người Cha tha thứ tất cả tội lỗi? Chúng ta không đi xưng tội để bị trừng phạt và bị sỉ nhục, nhưng như những người con chạy về trong vòng tay yêu thương của Cha. Và Cha sẽ nâng chúng ta lên trong mọi hoàn cảnh, Người tha thứ cho chúng ta tất cả tội lỗi.
Cha cho các con một lời khuyên nhỏ: sau mỗi lần Xưng Tội, hãy ngồi thinh lặng trong giây lát để nhớ đến ơn tha thứ mà các con đã lãnh nhận. Hãy gìn giữ sự bình an đó trong tâm hồn, sự tự do nội tâm mà các con đã cảm nhận được. Giờ đây, tội lỗi của các con không còn nữa, nhưng là sự tha thứ mà Chúa đã ban cho các con. Hãy gìn giữ điều đó; đừng để nó bị đánh cắp. Lần tới khi các con đi xưng tội, hãy nhớ đến điều này: Tôi sẽ đến để nhận lại cái ôm đã làm cho tôi bình an. Tôi sẽ không đi đến trước một vị thẩm phán, nhưng đến với Chúa Giêsu, đấng yêu thương và chữa lành tôi. Trong lúc Xưng Tội, chúng ta hãy để cho Chúa ở vị trí ưu tiên. Nếu Chúa là người giữ vai chính, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp và Xưng tội sẽ trở thành Bí tích của niềm vui. Đúng thế, niềm vui; không lo sợ bị phán xét nhưng là niềm vui. Điều quan trọng là các linh mục phải có lòng thương xót. Xin các cha giải tội đừng bao giờ tò mò hay dò hỏi, nhưng hãy hành động như những người anh trao ban sự tha thứ của Chúa Cha, đồng hành trong vòng tay này của Chúa Cha.
Nhưng ai đó có thể nói, “Nhưng con xấu hổ, con không thể vượt qua điều này khi đi xưng tội”. Đây không phải là vấn đề, nhưng là một điều tốt, bởi vì nó có nghĩa là các con không chấp nhận những gì các con đã làm. Cảm thấy xấu hổ là một dấu hiệu tốt, nhưng giống như bất kỳ dấu hiệu nào khác, nó đòi hỏi vượt lên trên. Đừng để sự xấu hổ giam cầm, bởi vì Thiên Chúa không bao giờ xấu hổ về các con. Người yêu các con tại chính nơi đó. Và Người luôn yêu thương các con.
Một nghi ngại cuối cùng: “Con không thể tha thứ cho chính mình, vậy làm thế nào Chúa có thể tha thứ cho con nếu con luôn phạm đi phạm lại cùng một vài tội?” Nhưng - nghe này, có bao giờ Chúa bực mình, khi con đến để xin Người tha thứ không? Không! Không bao giờ. Thiên Chúa đau khổ khi chúng ta nghĩ rằng Người không thể tha thứ cho chúng ta, bởi vì điều đó giống như chúng ta nói với Người: “Ngài yếu trong tình yêu!”. Trái lại, Thiên Chúa vui mừng mỗi khi tha thứ cho chúng ta. Khi Người nâng chúng ta lên, Người tin tưởng chúng ta như thể đó là lần đầu tiên. Chúa không bao giờ nản lòng. Chúng ta là những người dễ nản lòng, Chúa thì không. Người không nhìn chúng ta như những tội nhân để dán nhãn, nhưng là những người con để yêu thương. Không nhìn con người sai lỗi nhưng nhìn con cái được yêu thương; hơn nữa, đang bị thương tích, do đó Người cảm thông và dịu dàng hơn. Vì vậy, đừng bao giờ quên, mỗi khi chúng ta đi xưng tội, trên thiên đàng có một lễ hội. Điều này cũng xảy ra như vậy trên mặt đất!
Cuối cùng, Peter và Lenka, các con đã trải nghiệm thập giá trong cuộc sống của các con. Cám ơn chứng tá của các con. Các con đã hỏi làm thế nào để khuyến khích người trẻ không sợ ôm lấy thập giá. Ôm lấy: đó là một động từ đẹp. Ôm giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi. Khi chúng ta được ôm, thì chúng ta sẽ lấy lại niềm tin vào chính mình và vào cuộc sống. Vì vậy, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu ôm chúng ta. Bởi vì khi chúng ta ôm Chúa Giêsu, là chúng ta ôm niềm hy vọng. Chúng ta không thể tự mình ôm lấy thập giá; đau khổ không cứu được ai. Chính tình yêu biến đổi nỗi đau. Vì vậy, chúng ta hãy luôn luôn ôm lấy thập giá cùng với Chúa Giêsu và đừng bao giờ ôm thập giá một mình! Khi chúng ta ôm lấy Chúa Giêsu, niềm vui sẽ được tái sinh. Và niềm vui của Chúa Giêsu giúp chúng ta tìm thấy sự bình an, ngay cả giữa nỗi buồn. Trên mọi thứ, cha muốn các con có được niềm vui này. Cha muốn các con mang nó đến cho bạn bè của các con. Không phải là các bài giảng, nhưng là niềm vui. Không phải lời nói, nhưng là những nụ cười và sự gần gũi huynh đệ. Cám ơn các con đã lắng nghe! Cha xin các con một điều cuối cùng: đừng quên cầu nguyện cho cha. Ďakujem! [Cám ơn!]