Tham dự cuộc tiếp kiến bao gồm các nhà lập pháp và các lãnh đạo chính trị và dân sự của một số quốc gia; đặc biệt có Đức Hồng Y Schönborn và Đức Thượng phụ Ignatius Aphrem II của Giáo hội Chính thống Syro.
Hợp tác trong sứ mạng của Giáo hội
Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “Từ khi thành lập vào năm 2010, Mạng lưới các nhà lập pháp Công giáo Quốc tế đã đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy công việc của Tòa Thánh, làm chứng cho Phúc Âm trong việc phục vụ các quốc gia của anh chị em và cộng đồng quốc tế nói chung”. Ngài cảm ơn tình yêu họ dành cho Giáo hội và sự sẵn sàng hợp tác trong sứ mạng của Giáo hội.
Còn nhiều việc cần làm để chống lại Covid
Đề cập đến hậu quả tàn phá về kinh tế và xã hội do đại dịch gây nên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến trách nhiệm phục vụ lợi ích chung của các nhà lập pháp và các lãnh đạo chính trị. Theo Đức Thánh Cha, “Điều này đòi hỏi không chỉ đơn giản là chống lại virus hoặc tìm cách trở lại nguyên trạng trước đại dịch; nó đòi hỏi phải đối mặt với những nguyên nhân sâu xa hơn mà cuộc khủng hoảng đã bộc lộ và làm trầm trọng hơn: nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, thất nghiệp phổ biến và thiếu khả năng tiếp cận giáo dục”.
Những thách đố của công nghệ mới
Đức Thánh Cha đề cao ơn gọi phục vụ công ích và nhấn mạnh rằng đó phải luôn là mục tiêu của các nhà chính trị , “vì một nền chính trị tốt là điều không thể thiếu đối với tình huynh đệ chung và hòa bình xã hội” (Fratelli Tutti, 176). Từ đó ngài nói đến thách thức quản lý công nghệ vì lợi ích chung. Trong khi đề cao những tiến bộ của khoa học và công nghệ, những sản phẩm tuyệt vời của sự sáng tạo của con người do Thiên Chúa ban tặng, Đức Thánh Cha cảnh giác: “Tuy nhiên, nếu chỉ để những sáng tạo này tự nó và cho các lực lượng thị trường, mà không có các hướng dẫn phù hợp được cung cấp bởi các hội đồng lập pháp và cơ quan công quyền được hướng dẫn bởi ý thức trách nhiệm xã hội, thì chúng có thể trở thành mối đe dọa đối với phẩm giá của con người”.
Theo Đức Thánh Cha, “Bằng các chính sách và quy định, các nhà làm luật có thể bảo vệ nhân phẩm khỏi bất cứ điều gì có thể đe dọa nó”. Ngài đưa ra ví dụ về tai họa của các nội dung khiêu dâm trẻ em, việc lạm dụng dữ liệu cá nhân, các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện và lan truyền thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội. Do đó, “Luật pháp khôn ngoan có thể hướng dẫn sự phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ lợi ích chung”.
Đề ra quy luật phát triển toàn diện con người và hoà bình
Đức Thánh Cha khuyến khích các nhà lập pháp suy gẫm một cách nghiêm túc và sâu sắc về những rủi ro và khả năng liên quan đến các tiến bộ khoa học và công nghệ, để các luật và quy định quốc tế chi phối chúng có thể tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người và hòa bình, hơn là nhắm đến sự tiến triển như là cùng đích. (CSR_5762_2021).
Hồng Thủy - Vatican News