Tham dự cuộc gặp gỡ có đại diện các tôn giáo như Hồi giáo Shi’a, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, vv. Đặc biệt có sự hiện diện của Đức Thượng phụ Bartolomeo của Chính Thống giáo Constantinople, Đức tổng giám mục Anh giáo Justin Welby của Canterbury, và Đại imam Sheikh Ahmed el-Tayyeb của đại học Hồi giáo Al-Azhar.
Giảm khí thải xuống mức zero
Trong lời kêu gọi được ký kết, gần 40 lãnh đạo tôn giáo nói: “Thế giới được kêu gọi để đạt được mức khí thải carbon bằng zero càng sớm càng tốt, với việc các quốc gia giàu có đi đầu trong việc giảm lượng khí thải của chính họ và tài trợ cho việc giảm phát thải từ các quốc gia nghèo hơn”.
Các lãnh đạo tôn giáo nhấn mạnh: “Điều quan trọng là tất cả các chính phủ áp dụng một đường hướng sẽ hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5°C (2,7°F) so với mức tiền công nghiệp” Để đạt được những mục tiêu này của Thỏa thuận Paris [2016], Hội nghị thượng đỉnh COP26 cần đưa ra những hành động ngắn hạn đầy tham vọng từ tất cả các quốc gia với những trách nhiệm khác nhau”.
Tài liệu chung cũng kêu gọi các chính phủ “nâng cao tham vọng và sự hợp tác quốc tế của họ để ủng hộ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch; áp dụng các phương thức sử dụng đất bền vững; chuyển đổi hệ thống thực phẩm trở nên thân thiện với môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương; chấm dứt nạn đói; và để thúc đẩy lối sống và mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững”.
Chữa lành nhân loại bị thương tích
Tài liệu viết: “Chúng ta được thừa hưởng một khu vườn: chúng ta không được để lại một sa mạc cho con cái của mình”. “Các thế hệ tương lai sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội bảo vệ ngôi nhà chung của mình". “Các nhà khoa học đã cảnh báo chúng ta rằng có thể chỉ còn một thập kỷ nữa để khôi phục hành tinh. Chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế, hiện diện tại COP26, thực hiện hành động nhanh chóng, có trách nhiệm và chia sẻ để bảo vệ, phục hồi và chữa lành nhân loại bị thương tích của chúng ta và ngôi nhà được giao cho chúng ta quản lý.”
Hy vọng liên đới
Các lãnh đạo tôn giáo đưa ra lời kêu gọi: “Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người trên hành tinh này tham gia cùng chúng tôi trong hành trình chung này, biết rõ rằng những gì chúng ta có thể đạt được không chỉ phụ thuộc vào cơ hội và nguồn lực, mà còn dựa trên hy vọng, lòng dũng cảm, sự liên đới và thiện chí”.
“Trong một thời đại đầy chia rẽ và tuyệt vọng, chúng ta nhìn vào tương lai với hy vọng và đoàn kết. Chúng ta cố gắng phục vụ mọi người trên thế giới, đặc biệt là người nghèo và các thế hệ tương lai, bằng cách khuyến khích tầm nhìn ngôn sứ, một hành động sáng tạo, tôn trọng và can đảm vì lợi ích của Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta”. (CNA 04/10/2021).
Hồng Thủy - Vatican News