Theo tinh thần của mối phúc đầu tiên được Chúa Giêsu công bố: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ”, cuộc gặp gỡ có tiêu đề: “Caritas, Tình bạn xã hội và Chấm dứt Nghèo đói. Khoa học và Đạo đức của Hạnh phúc”.
Đức Thánh Cha mở đầu sứ điệp bằng cách giải thích rằng hạnh phúc là ước muốn sâu xa nhất của mỗi người, và Chúa hứa điều đó cho những ai theo lối sống của Người. Đây cũng là ước muốn được chỉ ra trong các Mối phúc, mà đối với Thánh Augustinô tiêu biểu cho “mọi sự hoàn hảo của cuộc sống chúng ta”. Theo Đức Thánh Cha, mọi người đều hướng tới hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng có quan niệm giống nhau về hạnh phúc.
Ngài lưu ý rằng ngày nay chúng ta đang đứng trước một mô hình phổ biến “tư tưởng duy nhất”, lẫn lộn giữa tiện ích với hạnh phúc, và được coi là tiêu chí hợp lệ duy nhất của sự phân định. Đây là một hình thức tinh vi của chủ nghĩa thực dân ý thức hệ, nghĩa là áp đặt ý thức hệ, theo đó hạnh phúc chỉ bao gồm những gì tiện ích như của cải, danh vọng và tiền bạc. Tất cả những điều này làm cho phẩm giá con người và hành tinh bị suy giảm, trong khi nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng.
Đức Thánh Cha nói, để thoát khỏi tình trạng này, cần phải thực hiện một mô hình cách mạng về các mối phúc của Chúa Giêsu, bắt đầu từ mối phúc đầu tiên. “Tinh thần nghèo khó” chính là bước ngoặt mở ra con đường hạnh phúc qua sự thay đổi hoàn toàn mô hình. Đó là một bảo đảm nhằm đạt tới sự viên mãn mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi.
Sau đó, Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh sự khác biệt giữa nghèo tinh thần và nghèo vật chất, nghĩa là bị tước đoạt những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Cái nghèo này làm suy yếu tự do của con người làm cho con người trở thành nạn nhân của những hình thức nô lệ mới. Ngài nói thêm: “Ngày nay, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng tăng, gây bất ổn xã hội. Nguyên nhân do tình huynh đệ, tình bạn xã hội, sự tin tưởng, tôn trọng nền tảng của sự chung sống đang bị xói mòn”.
Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha viết rằng tinh thần nghèo khó là cách duy nhất có thể bảo đảm phúc lợi cá nhân, kinh tế và xã hội địa phương và toàn cầu. Cần phải xây dựng một phong trào toàn cầu chống lại sự dửng dưng nhằm tạo ra hoặc tái tạo các thể chế xã hội được truyền cảm hứng từ các Mối phúc và thúc dục mọi người tìm kiếm văn minh tình thương.
Ngọc Yến - Vatican News