TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC mời gọi học ở trường Chúa Thánh Thần

Chủ nhật - 05/06/2022 19:53 | Tác giả bài viết: |   1024
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu học ở trường của Chúa Thánh Thần, đồng hành với Giáo hội và mở lòng ra với thế giới.
ĐTC mời gọi học ở trường Chúa Thánh Thần

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống: ĐTC mời gọi học ở trường của Chúa Thánh Thần

Trong bài giảng Thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu học ở trường của Chúa Thánh Thần, đồng hành với Giáo hội và mở lòng ra với thế giới.

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật ngày 5/6/2022, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Hồng y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự Thánh lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha giải thích hai cụm từ "mọi điều" và "tất cả" trong lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: "Chúa Thánh Thần, Đấng Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy anh em mọi điều sẽ nhắc cho anh em tất cả những điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14,26). Đức Thánh Cha nói rằng đó không phải là vấn đề số lượng: "Thiên Chúa không muốn tạo ra các bộ bách khoa toàn thư hay các học giả uyên bác. Không. Đó là vấn đề về chất lượng, về quan điểm. Chúa Thánh Linh giúp chúng ta nhìn mọi thứ theo một cách mới, theo cái nhìn của Chúa Giê-su. Người diễn tả như sau: trên hành trình rộng lớn của cuộc sống, Người dạy chúng ta phải khởi hành từ đâu, cần theo đường nào và bước đi như thế nào." Đức Thánh Cha phân tích cách thế khác nhau của Chúa Thánh Thần và thần ác về ba điểm này.

Chúa Thánh Thần chỉ cho chúng ta điểm khởi đầu

Trước hết: khởi hành từ đâu. Thật vậy, Chúa Thánh Thần chỉ cho chúng ta điểm khởi đầu của đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu nói về điều đó trong câu đầu tiên của bài Tin Mừng ngày hôm nay, khi Người nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em sẽ tuân giữ các điều răn của Thầy” (câu 15). Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ tuân giữ: đây là lý luận của Chúa Thánh Thần. Chúng ta thường nghĩ ngược lại: nếu chúng ta tuân giữ các điều răn, chúng ta yêu mến Chúa Giêsu. Chúng ta thường nghĩ rằng tình yêu nhất thiết phải bắt nguồn từ việc chúng ta tuân giữ các điều răn, từ sự trung thành và lòng đạo đức của chúng ta. Ngược lại, Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta rằng, không có tình yêu thương là nền tảng, mọi thứ khác đều vô ích. Và tình yêu này không nảy sinh do khả năng của chúng ta nhưng là quà tặng của Người. Chính Thánh Thần Tình Yêu đổ tràn tình yêu vào trong lòng chúng ta, chính Người làm cho chúng ta cảm thấy được yêu và dạy chúng ta biết yêu. Người là “động cơ” của đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Ký ức của Thiên Chúa

Chính Người nhắc nhở chúng ta về điều này, bởi vì Người là ký ức của Thiên Chúa, Đấng nhắc nhở chúng ta về tất cả những lời của Chúa Giêsu (xem câu 26). Chúa Thánh Thần là một ký ức hoạt động, đốt cháy và nhen nhóm tình cảm của Thiên Chúa trong trái tim. Chúng ta đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Người trong ơn tha thứ tội lỗi, khi chúng ta được tràn đầy sự bình an của Người, sự tự do và an ủi của Người. Điều cần thiết là phải nuôi dưỡng ký ức thiêng liêng này. Chúng ta luôn ghi nhớ những điều sai trái: chúng ta lắng nghe tiếng nói vang trong nội tâm chúng ta, điều nhắc nhở chúng ta về những thất bại và thiếu sót, tiếng nói tiếp tục nói với chúng ta: "Xem kìa, một lần ngã gục nữa, một lần thất vọng nữa, ngươi sẽ không bao giờ thành công, ngươi không thể thực hiện nó". Ngược lại, Chúa Thánh Thần lại nhắc một cách hoàn toàn khác: "Con là con Thiên Chúa, con là một thụ tạo độc nhất, được lựa chọn, quý giá, luôn được yêu thương: ngay cả khi con đã mất lòng tin vào chính mình, thì Thiên Chúa vẫn tin tưởng con!".

Tuy vậy, bạn có thể phản đối: đây là những lời tốt đẹp, nhưng tôi có quá nhiều vấn đề, vết thương và lo lắng không thể giải quyết bằng những lời an ủi dễ dàng! Tuy nhiên, đó là nơi mà Chúa Thánh Thần yêu cầu bạn để Người được bước vào. Bởi vì Người, Đấng An Ủi, là Thần khí chữa lành và phục sinh và có thể biến đổi những vết thương đang nung nấu bên trong bạn. Người dạy chúng ta không nên bám chặt vào ký ức về những người và tình huống đã làm tổn thương chúng ta, nhưng hãy để Người thanh tẩy chúng bằng sự hiện diện của Người. Người đã làm như thế với các Tông đồ và với những thất bại của các ngài. Các ngài đã rời bỏ Chúa Giêsu trước cuộc Khổ nạn, thánh Phêrô đã chối bỏ Người, thánh Phaolô đã bắt bớ các Kitô hữu: bao nhiêu lỗi lầm, bao nhiêu mặc cảm tội lỗi! Nếu chỉ để mặc các ngài, các ngài không có lối thoát. Không. Nhưng với Đấng An Ủi thì có. Bởi vì Chúa Thánh Thần chữa lành ký ức. Bằng cách nào? Bằng cách đặt điều quan trọng lên hàng đầu: ký ức về tình yêu của Thiên Chúa, ánh mắt yêu thương của Người dành cho chúng ta. Như thế Người đặt cuộc sống của chúng ta trong trật tự: Người dạy chúng ta đón nhận chính mình, tha thứ cho chính mình, hòa giải chính mình với quá khứ. Để bắt đầu lại.

Đường nào phải đi

Ngoài việc nhắc nhở chúng ta về điểm xuất phát, Chúa Thánh Thần còn dạy chúng ta phải đi những con đường nào. Chúng ta học điều này từ bài đọc thứ hai, nơi Thánh Phaolô giải thích rằng những người được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn (Rm 8,14) “bước đi không phải theo xác thịt nhưng theo Thần khí” (c. 4). Nói cách khác, trước những ngã rẽ của cuộc sống, Chúa Thánh Thần gợi cho chúng ta con đường tốt nhất để đi. Vì vậy, điều quan trọng là phải có thể phân biệt tiếng nói của Người với giọng nói của ác thần.

Chúng ta hãy đưa ra một số ví dụ: Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ nói với bạn rằng mọi thứ đều ổn trên con đường của bạn. Không, Người sửa lỗi cho bạn, Người cũng khiến bạn than khóc cho tội lỗi của mình; Người thúc đẩy bạn thay đổi, chiến đấu với sự giả dối và sự giả hình của bạn, ngay cả khi điều này đòi hỏi nỗ lực, đấu tranh nội tâm và hy sinh. Ngược lại, thần dữ thúc đẩy bạn luôn làm những gì bạn muốn và thích; nó khiến bạn tin rằng bạn có quyền sử dụng tự do của mình theo ý muốn. Nhưng sau đó, khi bạn còn lại với sự trống rỗng nội tâm, nó buộc tội bạn và ném bạn xuống đất. Chúa Thánh Thần, Đấng sửa lỗi cho bạn trên hành trình của bạn, không bao giờ bỏ bạn ngã quỵ trên mặt đất, nhưng nắm lấy tay bạn, an ủi và luôn khuyến khích bạn.

Còn nữa, khi bạn thấy rằng sự cay đắng, bi quan và những suy nghĩ buồn rầu đang khuấy động trong bạn, thì thật tốt khi biết rằng điều này không bao giờ đến từ Chúa Thánh Thần. Nó xuất phát từ thần ác, thứ thường mang đến những điều tiêu cực và thường sử dụng chiến lược này: nó nuôi dưỡng sự thiếu nhẫn nại, tự thương hại, khiến bạn phàn nàn và phản ứng với vấn đề bằng cách chỉ trích, đổ mọi lỗi lầm cho người khác. Nó khiến chúng ta lo lắng, nghi ngờ và than van rầu rỉ. Trái lại, Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta đừng bao giờ mất lòng tin tưởng và luôn bắt đầu lại. Bằng cách nào? Bằng cách tham gia trước, không cần đợi người khác bắt đầu. Và sau đó mang đến cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ hy vọng và niềm vui, không phải là những lời phàn nàn; đừng bao giờ ghen tị với người khác, nhưng hãy vui mừng trước những thành công của họ.

Chúa Thánh Thần không phải là duy lý tưởng

Hơn nữa, Chúa Thánh Thần là cụ thể, không phải là duy lý tưởng: Người muốn chúng ta tập trung vào nơi đây và bây giờ, bởi vì nơi chúng ta đang ở và thời gian chúng ta đang sống là thời gian và nơi chốn của ân sủng. Ngược lại, thần ác muốn lôi kéo chúng ta khỏi nơi đây và bây giờ, đưa chúng ta đi nơi khác: nó thường neo chúng ta vào quá khứ: vào hối tiếc, hoài niệm, thất vọng. Hoặc nó chỉ cho chúng ta về tương lai, nuôi dưỡng nỗi sợ hãi, ảo tưởng, hy vọng hão huyền. Không, Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến tình yêu ở đây và bây giờ: không phải là một thế giới lý tưởng, một Giáo hội lý tưởng, nhưng là những điều thực sự, dưới ánh sáng của mặt trời, trong suốt, đơn giản. Khác biết bao với thần dữ, kẻ thúc giục nói xấu, những lời đàm tiếu, nhiều chuyện!

Dạy Giáo hội bước đi như thế nào

Chúa Thánh Thần muốn chúng ta đến với nhau; Người biến chúng ta thành Giáo hội - đây là khía cạnh thứ ba và cuối cùng - và ngày nay dạy cho Giáo hội bước đi như thế nào. Các môn đệ ẩn trốn trong Nhà Tiệc Ly, rồi Chúa Thánh Thần hiện xuống và làm cho các ngài mạnh mẽ đi ra. Không có Thần Khí, thì các ngài cô đơn, túm tụm lại với nhau. Với Thần Khí, họ cởi mở với tất cả mọi người. Trong mọi thời đại, Chúa Thánh Thần lật ngược các kế hoạch của chúng ta và mở ra cho chúng ta sự mới mẻ của Người; luôn luôn dạy cho Giáo hội tầm quan trọng cốt yếu của việc phải đi ra ngoài, thúc đẩy loan báo Tin Mừng, không được khép kín trong chính mình: để không là một đoàn chiên củng cố tường rào bao vây, nhưng là một đồng cỏ rộng mở để mọi người có thể nuôi dưỡng mình bằng vẻ đẹp của Thiên Chúa; để là một ngôi nhà ấm cúng không có tường ngăn cách. Tinh thần thế gian thúc đẩy chúng ta chỉ tập trung vào các vấn đề và lợi ích của chúng ta, vào nhu cầu xem ra có vẻ phù hợp, vào việc bảo vệ kiên quyết quốc gia và nhóm của chúng ta. Đó không phải là cách của Chúa Thánh Thần. Người mời gọi chúng ta quên đi chính mình và mở rộng tấm lòng với tất cả mọi người. Và do đó Người làm cho Giáo hội tươi trẻ.  Chúng ta hãy nhớ điều này: Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội trẻ trung, chứ không phải chúng ta. Bởi vì Giáo hội không tự lập chương trình, và các dự án hiện đại hóa là không đủ. Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi nỗi ám ảnh về những sự cấp bách và mời gọi chúng ta bước đi trên những lối đi của Người, cổ xưa nhưng mãi mãi mới mẻ, những con đường làm chứng, nghèo khó, truyền giáo, và bằng cách này Người giải thoát chúng ta khỏi bản thân và sai chúng ta đi vào thế giới.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đến trường học của Chúa Thánh Thần, để Người dạy chúng ta mọi điều. Chúng ta hãy cầu khẩn Người mỗi ngày, để Người nhắc nhở chúng ta luôn bắt đầu từ cái nhìn của Thiên Chúa trên chúng ta, tiến bước trong những lựa chọn của chúng ta bằng cách lắng nghe tiếng Người, cùng nhau bước đi, như một Giáo hội, ngoan ngoãn theo sự hướng dẫn của Người và cởi mở với thế giới.

Hồng Thủy - Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây