TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thông điệp của ĐTC qua việc chọn Hồng y

Thứ sáu - 03/06/2022 19:42 | Tác giả bài viết: |   1004
Đức Thánh Cha lại có những tiêu chí của ngài và ngài sử dụng các Công nghị phong Hồng y như một hình thức điều hành Giáo hội.
Thông điệp của ĐTC qua việc chọn Hồng y

Thông điệp của Đức Thánh Cha qua việc chọn 21 Hồng y mới

Khi nói rằng tiêu chuẩn chọn Hồng y của Đức Thánh Cha Phanxicô là “không có tiêu chuẩn”, thực ra đó chỉ là nhận định theo yếu tố bên ngoài, còn chính Đức Thánh Cha lại có những tiêu chí của ngài và ngài sử dụng các Công nghị phong Hồng y như một hình thức điều hành Giáo hội. Một trong những tiêu chí đó là mở rộng sự đại diện của các Hồng y khắp các châu lục và cách đặc biệt, đến các Giáo hội bị xem là ở vùng ngoại biên.

Hôm Chúa Nhật 29/5/2022, sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng cùng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã công bố tên của 21 vị sẽ được ngài thăng làm Hồng y trong Công nghị vào ngày 27/8/2022.

Như từ nhiều năm nay, tiêu chuẩn chọn Hồng y của Đức Thánh Cha là “không có tiêu chuẩn”. Trong khi chỉ có một vài vị giám mục đang nắm giữ các vai trò lãnh đạo các cơ quan Toà Thánh có thể được dự đoán sẽ được thăng Hồng y thì có rất nhiều vị mà ít ai nghĩ đến, hoặc sẽ không bao giờ nghĩ đến, lại được Đức Thánh Cha chọn vào số Hồng y đoàn.

Điều bất ngờ gây ngạc nhiên

Trong số 21 vị sẽ được thăng Hồng y vào tháng 8 tới đây, gồm 16 Hồng y cử tri, tức là những vị dưới 80 tuổi và có quyền bầu Giáo hoàng, và 5 vị trên 80 tuổi không còn quyền bầu Giáo hoàng, có những cái tên gây nên rất nhiều sự ngạc nhiên cả cho đương sự và cho người khác. Ví du như trường hợp Đức cha Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông toà của Ulanbato, Mông Cổ. Ngài đã chia sẻ với Vatican News về việc được Đức Thánh Cha thăng làm Hồng y: “Đó là một bất ngờ rất lớn đối với tôi. Tôi nhận được tin báo vào cuối Thánh lễ Chúa Nhật từ các nữ tu dòng truyền giáo Consolata ở nhà tổng quyền của họ, và đó là một khoảnh khắc huynh đệ và bất ngờ. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là về thực tế rằng Đức Thánh Cha rất quan tâm đến một Giáo hội thuộc một thiểu số tuyệt đối, như Giáo hội ở Mông Cổ. Do đó, chúng tôi cảm thấy rất biết ơn đối với sự quan tâm của người kế vị thánh Phêrô đối với một Giáo hội nhỏ bé ở trong bối cảnh ở bên lề xã hội. Rõ ràng là sự ngạc nhiên và biết ơn về những điều sẽ có thể có ý nghĩa đối với Giáo hội ở đất nước này.”

Mở rộng sự hiện diện của Hồng y đoàn đến các Giáo hội nhỏ và ở vùng ngoại biên

Nếu như trước đây, một số giáo phận được xem như là các giáo phận thuộc các Hồng y, các giám mục của các giáo phận này hầu như chắc chắn sẽ được thăng Hồng y, ví dụ như giáo phận Milano của Ý với hơn 5 triệu tín hữu, hay các giáo phận Venezia, Krakow, Paris, Los Angeles và San Francisco, vv., thì hiện nay các giám mục của các giáo phận quan trọng này vẫn là các giám mục.

Từ lâu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắm mở rộng Hồng y đoàn vượt trên các giới hạn tại các giáo phận quan trọng. Các đại diện của Hồng y đoàn dưới thời của ngài có tính cách toàn cầu hơn. Cụ thể, với lần công bố Hồng y mới nhất này, các nước Paraguay, Đông Timor và Singapore là những nước lần đầu tiên có Hồng y. Thậm chí Đức Thánh Cha Phanxicô còn chọn Đức cha Giorgio Marengo, Phủ doãn tông toà Ulanbato của Mông Cổ, như đã nói ở trên, đang lãnh đạo một cộng đoàn dân Chúa chỉ có hơn một ngàn tín hữu.

Số Hồng y tại các châu lục

Công nghị Hồng y lần tới này sẽ có 6 Hồng y cử tri mới đến từ Á châu, 4 vị từ châu Âu, 4 vị từ Mỹ châu và 2 vị thuộc Phi châu. Trong khi Á châu đã có 15 Hồng y cử tri, và người ta nghĩ rằng Đức Thánh Cha sẽ không chọn thêm Hồng y cho châu lục này. Tuy nhiên con số Hồng y mới của Á châu lại nhiều nhất.

Trong khi châu Phi hiện có 15 Hồng y cử tri thì chỉ có hai tân Hồng y. Châu Đại dương hiện có 3 Hồng y, nhưng không có vị nào người Úc.

Sau Công nghị Hồng y ngày 27/8/2022, Hồng y đoàn sẽ có 132 Hồng y có quyền bầu Giáo hoàng trong mật nghị Hồng y trong tương lai, 12 vị nhiều hơn con số 120 Hồng y do Thánh Giáo hoàng Phaolô VI quy định.

Cho đến cuối tháng 8/2022, trong hơn 9 năm làm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăng tất cả 83 Hồng y cử tri, chiếm 62% số Hồng y trong mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng trong tương lai. Vào cuối năm 2022 sẽ có thêm 6 Hồng y tròn 80 tuổi và không còn quyền bầu Giáo hoàng, số Hồng y cử tri còn lại là 126 vị, trong đó có 82 vị được Đức Thánh Cha Phanxicô thăng làm Hồng y, chiếm 65%.

21 Hồng y tân cử sẽ được nhận mũ đỏ vào ngày 27/8/2022 đến từ các nước Anh, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Nigeria, Ấn Độ, Brazil, Hoa Kỳ, Đông Timor, Ý, Ghana, Singapore, Paraguay, Colombia và Bỉ. Sau ngày này, châu Âu sẽ có 55 Hồng y cử tri, châu Phi có 16, Bắc Mỹ 16, Trung Mỹ 7, Nam Mỹ 15, châu Á 19 và châu Đại dương 3.

Đến cuối năm 2022, Trung Mỹ còn 5 Hồng y cử tri, Nam Mỹ 14, châu Âu 52, trong đó có 82 vị được thăng bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, 34 vị bởi Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI và 10 vị bởi thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Trong Công nghị Hồng y vào tháng 8, Đức Thánh Cha cũng thăng 5 Hồng y trên 80 tuổi và không có quyền bầu Giáo hoàng. Như vậy, trong 8 Công nghị trong 9 năm qua, ngài sẽ thăng tất cả là 27 Hồng y trên 80 tuổi. Đây là một kỷ lục so với các Giáo hoàng tiền nhiệm. Đức Biển Đức XVI, trong 5 lần Công nghị, đã thăng 16 Hồng y trên 80 tuổi. Còn thánh Gioan Phaolô II, trong 9 Công nghị, đã thăng 20 vị.

Lãnh đạo giáo triều Roma không phải là tiêu chuẩn để thăng Hồng y

Đối với các lãnh đạo tại Giáo Triều Roma, trong khi một số sẽ được Đức Thánh Cha thăng làm Hồng y vào tháng 8 tới đây, thì một số vị lại không có tên trong danh sách. Cụ thể, các vị sẽ được thăng làm Hồng y gồm Đức tổng giám mục Lazarus You Heung-sik, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ; Đức tổng giám mục Arthur Roche, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích; và Đức tổng giám mục Fernando Vergez Alzaga, Chủ tịch Phủ Thống đốc Quốc gia Thành Vatican. Ngược lại, Đức tổng giám mục Rino Fisichella, hiện là Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh cỗ võ Tái Truyền giảng Tin Mừng, và sẽ cùng với Đức Hồng y Luis Antonio, là đồng Tổng trưởng của Bộ Loan báo Tin Mừng, sau khi Tông hiến mới về giáo triều Roma được áp dụng, không được thăng Hồng y trong Công nghị lần này.

Quan tâm đến vấn đề gia đình, di dân

Đức Thánh Cha Phanxicô được cho là nhấn mạnh đến vấn đề gia đình khi thăng Đức cha Oscar Cantoni của giáo phận Como, miền bắc nước Ý, làm Hồng y. Đức cha Cantoni là một trong những người đầu tiên áp dụng tông huấn Amoris laetitia - Niềm vui của Tình yêu.

Đức Thánh Cha cũng được cho là đề cao vấn đề di dân khi chọn Đức tổng giám mục Jean-Marc Aveline của giáo phận Marseille, miền nam nước Pháp, làm Hồng y. Vào tháng 4/2021, Đức tổng giám mục Aveline đã yết kiến Đức Thánh Cha và đề nghi ngài viếng thăm Marseille để cổ võ một nền “thần học của Địa Trung hải”, điều Đức Thánh Cha đã khởi xướng trong chuyến viếng thăm đảo Lampedusa vào năm 2013 và tiếp tục phát triển nó với chuyến thăm thành phố Napoli vào năm 2015.

Đức cha Aveline đã trình bày với Đức Thánh Cha về một cuộc hành hương Địa Trung Hải và khởi xướng ý tưởng về một Thượng hội đồng ngoại thường cho vùng Địa Trung Hải. Đức Thánh Cha dường như thích ý tưởng này hơn sáng kiến “Biên giới hòa bình ở Địa Trung Hải” do Hội đồng giám mục Ý đưa ra. Vì vậy, sự lựa chọn Đức tổng giám mục Aveline không chỉ ảnh hưởng đến các giám mục Pháp mà còn mang lại một tín hiệu rõ ràng cho các giám mục Ý.

Không loại trừ sắc tộc nào

Trong số các Hồng y tân cử cũng có Đức cha Peter Ebere Okpaleke của giáo phận Ekwulobia ở miền đông nam Nigeria. Ngài được Đức Biển Đức XVI bổ nhiệm làm giám mục Ahiara vào năm 2012 nhưng không thể định cư tại giáo phận vì những người Công giáo địa phương yêu cầu một giám mục thuộc sắc tộc khác. Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả tình hình là “không thể chấp nhận được”. Năm 2020, ngài bổ nhiệm Đức cha Okpakele làm giám mục tiên khởi của giáo phận Ekwulobia. Việc chọn Đức cha Okpaleke gửi đi một thông điệp rõ ràng: người ta không thể chống lại ý muốn của Đức giáo hoàng liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục và trên hết, nó không thể được thực hiện vì lý do sắc tộc.

Hồng y Ấn Độ đầu tiên thuộc tầng lớp ngoại cấp Dalit

Đức tổng giám mục Anthony Poola của giáo phận Hyderabad, Ấn Độ, sẽ là Hồng y đầu tiên xuất thân từ tầng lớp ngoại cấp Dalit, một tầng lớp bị xem là thấp kém trong xã hội. Việc chọn ngài làm Hồng y đưa ra một tín hiệu vững chắc cho xã hội Ấn Độ.

Hồng y đầu tiên của Đông Timor

Đức tổng giám mục Virgílio do Carmo Da Silva của giáo phận Dili, Đông Timor, cũng được thăng làm Hồng y trong Công nghị vào tháng 8. Đức Thánh Cha đã nâng Dili lên thành tổng giáo phận vào năm 2019 và việc trao chiếc mũ đỏ cho vị tổng giám mục đầu tiên là một dấu hiệu quan trọng bày tỏ sự quan tâm chú ý của Đức Thánh Cha.

Trong số các Hồng y được nêu tên còn có Đức cha Richard Kuuia Baawobr của Wa, Ghana, 62 tuổi, cựu Bề trên Tổng quyền của Dòng Thừa sai Châu Phi (thường được gọi là các Cha dòng Trắng) và Đức tổng giám mục William Goh của Singapore, 64 tuổi, người đã lãnh đạo Tổng giáo phận này từ năm 2013. Việc thăng các vị lên hàng Hồng y đáp ứng các tiêu chí về sự đại diện phổ quát của các Hồng y trên toàn thế giới.

Hồng y trẻ tuổi nhất

Còn Đức cha Giorgio Marengo, đại diện tông toà của Ulanbato, một thừa sai dòng Consolata, được bổ nhiệm làm giám mục từ năm 2020, ở tuổi 47, ngài sẽ trở thành vị Hồng y trẻ tuổi nhất trong Hồng y đoàn.

Khi nói rằng tiêu chuẩn chọn Hồng y của Đức Thánh Cha Phanxicô là “không có tiêu chuẩn”, thực ra chỉ là theo quan điểm của người quan sát bên ngoài, còn chính ngài lại có những tiêu chí của ngài và ngài sử dụng các Công nghị phong Hồng y như một hình thức điều hành Giáo hội. Tiêu chí đầu tiên là tính đại diện, và Đức Phanxicô đã mở rộng đáng kể sự đại diện của các Hồng y cử tri. Sau Công nghị vào tháng 8, 18 quốc gia trước đây chưa bao giờ có Hồng y sẽ có đại diện trong Hồng y đoàn.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã sử dụng các Công nghị phong Hồng y để thay đổi sâu sắc hồ sơ của Hồng y đoàn. Cho đến nay, ngài đã thăng 83 Hồng y cử tri và đến sau Công nghị vào tháng 8 thì ngài sẽ thăng 101 vị. Đức Thánh Cha đã xác định rõ những vị trí mà ngài quan tâm, nhấn mạnh rằng Giáo triều không phải là tiêu chí để ngài chọn Hồng y, nhưng lại nhấn mạnh tầm quan trọng của các giáo phận ngoại biên.

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây