Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu diễn ra trong hai ngày 22 và 23/4. Đây là Hội nghị do tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng nhân Ngày Trái đất 2021.
Ngoài tổng thống và phó tổng thống Mỹ, còn có 40 nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị, trong đó có tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Ý Mario Draghi.
Hội nghị tập trung làm việc trên bốn lĩnh vực: khuyến khích các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới giảm lượng khí thải và duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C; huy động tài trợ của khu vực công và tư nhân để dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang không phát thải và giúp các quốc gia dễ bị tổn thương ứng phó với tác động của khí hậu; nêu bật các lợi ích kinh tế của hành động vì khí hậu, bao gồm tạo việc làm và đảm bảo cho tất cả cộng đồng đều được hưởng lợi từ nền kinh tế dựa trên năng lượng sạch; kích thích các công nghệ đồng hành với các quá trình giảm phát thải.
Đức Thánh Cha đã tham dự Hội nghị ở phiên họp thứ hai, bằng cách gửi một sứ điệp video. Ở phiên họp này, các vị lãnh đạo tập trung thảo luận về các giải pháp khí hậu, như về các khoản đầu tư vào việc sử dụng tài chính công để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, trên hết tại các nước đang phát triển. Cụ thể, cân nhắc để chuyển 3 ngàn tỷ đô la đầu tư tư nhân cho một nền kinh tế không phát thải vào năm 2050.
Trong sứ điệp, trước hết, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui khi thấy các vị lãnh đạo quy tụ lại với nhau cho sáng kiến về khí hậu. Ngài nói: “Một sáng kiến, qua các nhà lãnh đạo thúc đẩy tất cả chúng ta, tất cả nhân loại. Nó đặt chúng ta bước đi, hướng tới Cuộc gặp gỡ Glasgow, nhưng cụ thể hơn là để nhận trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên, món quà mà chúng ta đã lãnh nhận và chúng ta phải chăm sóc, gìn giữ và tiếp tục. Và điều này còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa, vì đó là thách đố chúng ta sẽ gặp trong giai đoạn sau đại dịch này. Đại dịch vẫn chưa chấm dứt, nhưng chúng ta phải nhìn về phía trước, bởi vì nó là một cuộc khủng hoảng. Chúng ta biết rằng từ một cuộc khủng hoảng, người ta không bước ra giống nhau, chúng ta bước ra hoặc tốt hơn hoặc tồi tệ hơn”.
Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp, nói đến mối quan tâm chung của tất cả mọi người về một “môi trường sạch hơn, trong lành hơn và một môi trường được gìn giữ”. Vì vậy cần phải chăm sóc thiên nhiên, để chính thiên nhiên cũng chăm sóc chúng ta.
Ngọc Yến - Vatican News