Trong tuyên bố gửi cho hãng tin Fides, Ủy ban cho biết những con số này gia tăng đáng kể từ năm 2019, do xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu và nghèo đói. Và tác động của đại dịch Covid làm cho tình cảnh phức tạp này thêm trầm trọng. Đại dịch cho thấy sự bất bình đẳng và nghèo đói ảnh hưởng đến việc có được lương thực của phần lớn dân số thế giới. Covid-19 cũng đã khiến nhiều quốc gia trở nên dễ bị tổn thương bởi những cú sốc kinh tế, gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Trong thư ngỏ kêu gọi các lãnh đạo thế giới đối phó với tình cảnh đói kém, 260 tổ chức nhân đạo viết: “Mỗi ngày chúng tôi là nhân chứng sự đau khổ và cả khả năng phục hồi của toàn bộ người dân ở Yemen, Afghanistan, Ethiopia, Nam Sudan, Burkina Faso, Cộng hòa Dân chủ Congo, Honduras, Venezuela, Nigeria, Haiti, Cộng hòa Trung Phi, Uganda, Zimbabwe, Sudan.
Con người gây nên đói kém nhưng cũng có thể ngăn chặn hậu quả của nó
Thư khẳng định rằng “chính những hành động của con người đã dẫn đến nạn đói kém và chính những hành động của chúng ta có thể ngăn chặn những thiệt hại nặng nề nhất. Tất cả chúng ta đều giữ vai trò. Chúng tôi yêu cầu quý vị cung cấp thêm 5,5 tỷ đô la viện trợ lương thực khẩn cấp để hỗ trợ hơn 34 triệu người trên khắp thế giới, những người đang ở bên bờ vực của nạn đói.”
Vào tháng 3 năm 2020, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu “để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Covid-19”. Lời kêu gọi này dẫn đến một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc ủng hộ một “giai đoạn nhân đạo” toàn cầu nhằm chống lại đại dịch. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an được các tổ chức xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Đức Giáo hoàng Phanxicô, ủng hộ. (Fides 21/04/2021).
Hồng Thủy - Vatican News