TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC thăm viếng nước nào trong năm 2022?

Thứ ba - 11/01/2022 18:24 | Tác giả bài viết: |   1455
Năm 2022 mới bắt đầu và dù chưa có những khẳng định nào từ phía Vatican
ĐTC thăm viếng nước nào trong năm 2022?

ĐTC có thể thăm viếng những nước nào trong năm 2022?

Cứ bước sang một năm mới, một trong những câu hỏi mà những cây bút chuyên về Vatican lại thường đặt ra đó là: những quốc gia nào Đức Thánh Cha có thể viếng thăm trong năm nay. Năm 2022 mới bắt đầu và dù chưa có những khẳng định nào từ phía Vatican, giới báo chí cũng đưa tên một số nước mà Đức Thánh Cha có thể viếng thăm trong năm 2022, ví dụ như Hungary, Kazakhstan, Malta, Libăng, Canada, v.v...

Hồi đầu năm 2021, sau khi Đức Thánh Cha đã huỷ mọi chuyến viếng thăm trong năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, giới báo chí đưa ra những đồn đoán về những chuyến tông du nước ngoài có thể có của Đức Thánh Cha trong năm 2021. Ngoài chuyến viếng thăm Iraq đã được xác định vào tháng 3, họ đưa ra tên những quốc gia có thể được đón tiếp Đức Thánh Cha như Kazachstan hay Serbia, Libăng hay Nam Sudan, đảo Sýp hay Hungary, v.v...

Tiêu chuẩn cho một cuộc viếng thăm của ĐTC

Người ta thường hay xác định những tiêu chuẩn cho một cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Ngoài những lý do như có một sự kiện lớn của Giáo hội địa phương, Đức Thánh Cha muốn đi đến những nơi cần niềm hy vọng và trên hết là đến những nơi ngài có thể bắc những nhịp cầu nối kết, hay ưu tiên cho những vùng ngoại biên, những nơi bé nhỏ chưa từng được một Giáo hoàng viếng thăm. Nhưng rồi Đức Thánh Cha cũng có những luật trừ của ngài, thường được gọi là những bất ngờ ngạc nhiên mà ít người tưởng tượng trước được.

Trong năm 2021 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có thể thực hiện các chuyến viếng thăm nước ngoài, nhưng không phải mọi nơi như báo chí dự đoán. Cụ thể ngài đã thăm Iraq từ ngày 5-8/3, trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên viếng thăm nước này. Sau đó, ngài đã thăm thủ đô Budapest của Hungary và Slovakia từ ngày 12-15/9, và cuối cùng là thăm đảo Sýp và Hy Lạp từ ngày 2-6/12.

Tuỳ thuộc tình hình sức khoẻ của ĐTC

Còn trong năm 2022 này thì sao? Chắc chắn Đức Thánh Cha có chương trình thăm nhiều nước khác nhau, trong đó có những nơi đã được lên kế hoạch nhưng ngài chưa thực hiện được vì lý do nào đó, và có những nơi ngài đã bày tỏ mong ước viếng thăm. Trong năm 2021 vừa qua, đã nhiều lần Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn viếng thăm một số quốc gia nhưng chưa có chuyến viếng thăm nào được xác định. Hiển nhiên là phần lớn các cuộc viếng thăm sẽ tuỳ thuộc vào sức khoẻ của Đức Thánh Cha và ngài có thể thực hiện được bao nhiêu. Đức Thánh Cha đã 85 tuổi, đã trải qua một cuộc phẫu thuật hồi tháng 7 năm ngoái, và điều hợp lý là ngài chỉ nên thực hiện ba hay tối đa là bốn chuyến viếng thăm quốc tế trong năm. Tuy nhiên ý muốn viếng thăm của ngài thì chắc chắn là rất mạnh mẽ.

Hungary

Trước hết có thể nói đến việc Đức Thánh Cha muốn thăm Hungary. Đây có thể là một điều gây ngạc nhiên bởi vì ngài mới đến thủ đô Budapest của nước này hôm 12/9/2021 để chủ sự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể quốc tế. Thực ra mong muốn của Đức Thánh Cha là một cuộc viếng thăm thực sự, khi ngài có thể đến những địa điểm quan trọng đối với Giáo hội Công giáo Hungary. Đối với Đức Thánh Cha, mọi thứ dường như đã được quyết định, đến nỗi khi gặp đan viện phụ Cyrilo Tamas Horotobagyi của Pannhonalma hôm 16/12/2021, ngài nói rằng ngài sẽ thăm đan viện. Đan viện Pannhonalma đã được thành lập 1025 năm và là đan viện có truyền thống đại kết mạnh mẽ.

Kazakhstan

Quốc gia kế tiếp Đức Thánh Cha có thể viếng thăm là Kazakhstan. Từ 14-15/9 năm nay tại nước này sẽ có cuộc Gặp gỡ lần thứ 7 của các Tôn giáo Truyền thống. Theo giới báo chí, Đức Thánh Cha có thể đến Kazakhstan bởi vì Đức Thượng phụ Kirill của Chính thống giáo Mátxcơva cũng sẽ tham gia cuộc họp. Và Nur-Sultan, thủ đô của Kazakhstan, sẽ là một địa điểm trung lập và tối ưu cho cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ của Mátxcơva, sau cuộc gặp tại La Habana vào năm 2016.

Cũng cần nhớ rằng Kazakhstan đã ký một biên bản ghi nhớ với Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn vào năm 2019. Điều này “sẽ mở ra những cơ hội mới và những cách thức hứa hẹn hơn để thực hiện các dự án chung, nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và hiểu biết giữa các đại diện của các tôn giáo khác nhau”. Hồi tháng 12/2020, đại sứ của Kazakhstan cạnh Toà Thánh, Alibek Bakayev, đã nói về chuyến viếng thăm có thể của Đức Thánh Cha tại nước này. Và mới đây, Chủ tịch Thượng viện của nước này đã đến thăm Đức Thánh Cha.

Cuộc gặp gỡ có thể giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ Kirill của Mátxcơva

Có những dấu hiệu tích cực cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ Kirill của Mátxcơva. Trong cuộc họp báo trên máy bay từ Hy Lạp trở về Roma Đức Thánh Cha cho thấy ngài sẵn lòng cho cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Kirill. Tiếp đó là cuộc viếng thăm Đức Thánh Cha của Tổng giám mục Hilarion của Chính Thống Nga vào ngày 22/12/2021. Trong tuyên bố sau đó, tổng giám mục Hilarion nói rằng có thể có một cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ Kirill nhưng sẽ tốt hơn nếu nó không diễn ra trước lễ Phục Sinh.

Libăng

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ mong muốn mạnh mẽ về một chuyến viếng thăm Libăng. Mong muốn này được ngài nói đến trong thư gửi nhân dân Libăng trong dịp Giáng sinh năm 2019. Năm 2021, sau cuộc viếng thăm Iraq hồi tháng 3, Đức Thánh Cha đã nhận được lời mời chính thức của Tổng thống Michel Aoun đến viếng thăm Libăng. Cuộc viếng thăm Libăng vào tháng 9/2012 của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức là lần cuối một vị Giáo hoàng thăm Li-băng.

Trong thư gửi tổng thống Michel Aoun hồi cuối tháng 4/2021, Đức Thánh Cha tái bày tỏ mong muốn rằng cuộc viếng thăm Libăng và dân tộc Libăng thân yêu sẽ sớm được thực hiện, và ngài cầu nguyện cho người dân Li-băng giữ lòng can đảm và hy vọng trong thử thách mà họ đang chịu đựng. Vào cuối buổi tiếp kiến chung ngày 4/8 cùng năm 2021, Đức Thánh Cha lại nói với các tín hữu Libăng rằng ngài rất mong muốn được đến thăm nơi này trong tương lại gần. Sự quan tâm quý mến của Đức Thánh Cha dành cho Libăng được thể hiện cách đặc biệt trong ngày suy tư và cầu nguyện cho Libăng hôm 1/7/2021. Việc Đức Thánh Cha viếng thăm Libăng có lẽ sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian và nó sẽ diễn ra ngay sau khi tình hình chính trị ở nước này được ổn định.

Papua New Guinea, Indonesia và Đông Timor

Cũng thế, Đức Thánh Cha ấp ủ giấc mơ đến Papua New Guinea, một chuyến đi đã được lên kế hoạch vào năm 2020 (mặc dù chưa chính thức) và Đức Thánh Cha muốn thực hiện, có thể ngay cả khi không thực hiện các điểm dừng đã dự kiến ​​ở Indonesia và Đông Timor. Các nguồn tin khác nói rằng Đức Thánh Cha sẽ không chỉ bao gồm Indonesia và Đông Timor trong chuyến viếng thăm, mà còn dừng lại ở Singapore, như thế ngài sẽ tiến gần hơn đến Trung Quốc theo một cách nào đó. Mọi thứ sẽ diễn ra (nếu có) trong nửa cuối năm.

Malta

Sau đó, vẫn còn một chuyến đi nhiều khả năng hơn, đó là chuyến thăm Malta. Chuyến đi này đã được Vatican thông báo hồi tháng 2/2020. Phòng Báo chí Toà Thánh đưa tin rằng Đức Thánh Cha sẽ đến Malta và Gozzo vào ngày 31/5/2020, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Logo và chương trình của cuộc viếng thăm đã được thông tin. Đây là cuộc viếng thăm theo bước thánh Phaolô tông đồ nhưng cũng nhấn mạnh đến vấn đề di dân. Nhưng rồi đại dịch bùng phát ở châu Âu và chuyến đi đã bị huỷ bỏ. Cho đến nay Vatican chưa thông báo về kế hoạch viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Malta.

Santiago de Compostela

Theo giới báo chí, cũng có khả năng Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Santiago de Compostela - như được thông báo bởi chính Đức Thánh Cha - để kết thúc Năm Thánh của Đền thánh. Đây không phải là chuyến viếng thăm đến Tây Ban Nha, nhưng chỉ đến Đền thánh. Ngày 8/8/2021, trong cuộc họp báo giới thiệu về Đại hội Giới trẻ châu Âu năm 2022, Đức tổng giám mục Julian Barrio của Santiago de Compostela bày tỏ hy vọng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thành phố này vào năm 2022 để gặp gỡ các Kitô hữu trẻ của châu Âu nhân dịp Ngày Hành hương Giới trẻ châu Âu.

Cuộc gặp gỡ giới trẻ châu Âu trùng hợp với Năm Thánh Gia-cô-bê tông đồ. Năm Thánh đã được Đức Thánh Cha cho phép kéo dài đến năm 2022, do tình hình đại dịch Covid-19. Giáo phận Compostela đã trình bày sáng kiến này để thu hút hàng ngàn người hành hương châu Âu đến gặp gỡ nhau tại thủ phủ của miền Galicia vào mùa hè năm 2022.

Serbia

Ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô là đến Nga, nhưng rất khó để chuyến đi trở thành hiện thực trong năm nay. Tuy nhiên, có một giả thuyết về một chuyến đi đến Serbia, được chính quyền Belgrade ủng hộ mạnh mẽ trong một thời gian, điều này có thể giúp bình thường hóa quan hệ giữa Chính Thống giáo và Công giáo ở vùng Balkan. Trong tang lễ của Đức Thượng phụ Chính thống Irenej, Phủ Tổng thống Serbia cho biết rằng Tổng thống Aleksandr Vucic luôn coi trọng công việc của vị Giáo chủ, cả trong việc chuẩn bị cơ sở cho chuyến thăm có thể có trong tương lai của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới Serbia”.

Đồng thời, Đức Tổng Giám mục Luciano Suriani, Sứ thần Toà Thánh tại Serbia, nhắc lại rằng “Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một số lần, đã bày tỏ tình cảm của mình đối với Đức Thượng phụ Irenej và đối với đất nước này, và không giấu mong muốn đến viếng thăm. Đối với tôi, các nhà chức trách chính trị dường như sẵn sàng chấp nhận chuyến viếng thăm, cũng như nhiều công dân, những người, trong những năm gần đây, đã công khai bày tỏ điều đó với tôi. Mong ước của tôi là thời gian cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha, cho đến nay một số người vẫn cho là chưa chín mui, sẽ sớm thành hiện thực!”

Canada, Nam Sudan, Congo...

Lúc này có vẻ như vẫn chưa phải là thời gian cho những chuyến viếng thăm xuyên lục địa, mặc dù Đức Thánh Cha hứa đến Canada để xin tha thứ cho những gì đã xảy ra ở các trường nội trú, đã được công bố chính thức. Thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh hôm 27/10/2021 nói rằng “Hội đồng Giám mục Công giáo Canada đã mời Đức Thánh Cha thực hiện một cuộc tông du đến Canada, cũng trong bối cảnh tiến trình mục vụ lâu dài nhắm hòa giải với các dân tộc bản địa. Đức Thánh Cha tỏ cho thấy ngài sẵn sàng đến thăm đất nước vào một thời điểm được quyết định là thích hợp”.

Các trường nội trú là các trường do chính phủ tài trợ, trong đó nhiều trường được điều hành bởi các tổ chức Kitô giáo. Các trường được thành lập để hòa nhập trẻ em Bản địa vào văn hóa châu Âu-Canada, hoạt động từ những năm 1880 đến những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, nhằm mục đích giáo dục và biến đổi thanh thiếu niên người bản địa và hòa nhập họ vào xã hội Canada. Hệ thống trường của chính phủ buộc trẻ em bản địa phải tách khỏi gia đình trong một thời gian dài và cấm chúng thừa nhận di sản và văn hóa bản địa của chúng hoặc nói ngôn ngữ của chúng. Các cựu học sinh kể về tình trạng lạm dụng rộng rãi trong hệ thống trường nội trú. 

Đức Thánh Cha đã chia sẻ nỗi buồn của mình về điều mà ngài mô tả là “tin tức gây sốc” khi vào mùa hè vừa qua, hàng trăm ngôi mộ vô danh được phát hiện trong khuôn viên của trường nội trú thổ dân ở Kamloops do Giáo hội điều hành. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 6/6/2021, Đức Thánh Cha nói rằng ngài cầu nguyện cho Giáo hội Canada và cho người dân, đồng thời ngài đã đưa ra lời kêu gọi các cơ quan chính trị và tôn giáo của Canada làm việc cùng nhau để làm sáng tỏ vấn đề và dấn thân cho “một con đường hòa giải và chữa lành”.

Cuối cùng, mặc dù hiện tại vẫn chưa xác định được chuyến đi đến Nam Sudan, nơi mà Đức Thánh Cha muốn thực hiện từ năm 2019. Tuy nhiên, nếu Đức Thánh Cha có thể thực hiện việc viếng thăm Nam Sudan, thì có thể ngài sẽ đưa Cộng hòa Dân chủ Congo vào chung hành trình của cuộc tông du.

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây