TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm C

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 31-33a.34-35)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC tiếp Ngoại giao đoàn

Thứ sáu - 16/05/2025 08:07 | Tác giả bài viết: Hồng Thủy - Vatican News |   46
Ngài mời gọi Ngoại giao đoàn suy tư về 3 từ khóa quan trọng trong hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh: hòa bình, công lý và sự thật.
cq5dam thumbnail cropped 750 422 (1)
cq5dam thumbnail cropped 750 422 (1)

Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Gặp gỡ Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh vào sáng thứ Sáu ngày 16/5/2025, Đức Thánh Cha Lêô XVI nói rằng hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh được hướng dẫn bởi yêu cầu về mục vụ, do đó Tòa Thánh không tìm kiếm các đặc ân nhưng gia tăng sứ vụ theo tinh thần Tin Mừng để phục vụ nhân loại. Ngài mời gọi Ngoại giao đoàn suy tư về 3 từ khóa quan trọng trong hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh: hòa bình, công lý và sự thật.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong bài diễn văn, trước hết Đức Thánh Cha Lêô cảm ơn các thông điệp từ các nước chúc mừng ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng, cũng như lời chia buồn về sự qua đời của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô; những thông điệp này là dấu hiệu cho thấy sự tôn trọng và khích lệ việc đào sâu các mối quan hệ.

Ngoại giao Tòa Thánh phục vụ gia đình nhân loại

Đức Thánh Cha nói rằng Ngoại giao đoàn như là gia đình chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống và đặt nền móng trên các giá trị nhân bản và thiêng liêng. Ngài cũng nhắc rằng nền ngoại giáo của Tòa Thánh diễn tả tính Công giáo của Giáo hội, và trong hoạt động ngoại giao, Tòa Thánh được hướng dẫn bởi yêu cầu về mục vụ, là điều thúc đẩy Tòa Thánh không tìm kiếm các đặc ân nhưng gia tăng sứ vụ theo tinh thần Tin Mừng để phục vụ nhân loại, chống lại mọi sự thờ ơ và không ngừng kêu gọi lương tâm luôn chú ý đến tiếng kêu của người nghèo, người thiếu thốn và người bị thiệt thòi, cũng như những thách thức đặc trưng của thời đại chúng ta, từ việc bảo vệ thụ tạo đến trí tuệ nhân tạo.

Khát vọng ôm lấy mọi dân tộc và từng cá nhân

Sự hiện diện của các đại sứ cạnh Tòa Thánh, đối với Đức Thánh Cha, “là một món quà cho phép tôi canh tân khát vọng của Giáo hội – và của chính tôi – là vươn ra và ôm lấy mọi dân tộc và từng cá nhân trên vùng đất này, những người mong muốn và cần sự thật, công lý và hòa bình!”. Thông qua công việc liên tục và kiên trì của Phủ Quốc vụ khanh, Đức Thánh Cha muốn củng cố sự hiểu biết và đối thoại với các đại sứ và các quốc gia của họ. Ngài tin rằng Chúa sẽ ban cho ngài nhiều cơ hội hơn nữa để viếng thăm các nước, đón nhận những cơ hội trong tương lai để củng cố đức tin của rất nhiều anh chị em rải rác khắp thế giới và xây dựng những cây cầu mới với tất cả mọi người thiện chí.

Đức Thánh Cha mời gọi Ngoại giao đoàn ghi nhớ ba từ khóa tạo nên trụ cột của hoạt động truyền giáo của Giáo hội và công tác ngoại giao của Tòa Thánh.

Hòa bình: ân sủng đầu tiên của Chúa Kitô

Từ đầu tiên là hòa bình. Đức Thánh Cha lưu ý rằng hòa bình không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh và xung đột, hay đơn giản là một lệnh ngừng bắn. Nhưng theo quan điểm Kitô giáo – cũng như trong các kinh nghiệm tôn giáo khác –, “hòa bình trước hết là một món quà: món quà đầu tiên của Chúa Kitô” (Ga 14,27). Ngài giải thích: “Đây là một món quà chủ động, hấp dẫn, thu hút và lôi cuốn mỗi người chúng ta, bất kể nguồn gốc văn hóa hay tôn giáo, và trước hết đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hoàn thiện bản thân. Hòa bình được xây dựng trong trái tim và từ trái tim, xóa bỏ lòng kiêu hãnh và sự đòi hỏi, và kiềm chế ngôn ngữ, bởi vì bạn có thể làm tổn thương và giết người bằng lời nói, không chỉ bằng vũ khí”.

Các tôn giáo đóng góp cho hòa bình

Từ đó, Đức Thánh Cha nói rằng các tôn giáo và đối thoại liên tôn có thể đóng góp để thúc đẩy hòa bình và điều này đòi hỏi sự tôn trọng hoàn toàn đối với quyền tự do tôn giáo ở mọi quốc gia, đòi hỏi một mong muốn đối thoại chân thành, được thúc đẩy bởi mong muốn gặp gỡ thay vì xung đột, đòi phải có ý chí ngừng sản xuất các công cụ hủy diệt và chết chóc.

Để theo đuổi hòa bình đòi hỏi phải thực hành công lý

Từ khóa thứ hai Đức Thánh Cha suy tư là công lý. Ngài nói: “Để theo đuổi hòa bình đòi hỏi phải thực hành công lý”. Ngài khẳng định: “Tòa Thánh không thể không lên tiếng trước vô số sự mất quân bình và bất công dẫn đến, trong số những thứ khác, điều kiện làm việc không xứng đáng và xã hội ngày càng chia rẽ và xung đột”. Ngài nói rằng những người lãnh đạo các chính phủ có nhiệm vụ xây dựng xã hội dân sự hòa hợp và hòa bình, trước hết bằng cách đầu tư vào gia đình, được xây dựng trên nền tảng sự kết hợp ổn định giữa một người nam và một người nữ, bảo vệ phẩm giá của mỗi người. Ngài nói: “Mỗi người chúng ta, trong cuộc sống, có thể thấy mình khỏe mạnh hay đau yếu, có việc làm hay thất nghiệp, ở quê hương hay ở xứ người: tuy nhiên, phẩm giá của chúng ta vẫn luôn giống nhau, phẩm giá của một thụ tạo được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương”.

Sự thật là yếu tố cần thiết để xây dựng được mối quan hệ thực sự hòa bình

Từ khóa cuối cùng Đức Thánh Cha muốn nói đến đó là sự thật, yếu tố cần thiết để xây dựng được mối quan hệ thực sự hòa bình. Ngài nói: “Khi các từ ngữ mang hàm ý mơ hồ và mâu thuẫn và thế giới ảo, với nhận thức thay đổi về thực tế, chiếm ưu thế không thể kiểm soát, thì việc xây dựng các mối quan hệ chân thực trở nên khó khăn, vì thiếu các tiền đề khách quan và thực tế của giao tiếp”.

Chân lý không bao giờ tách rời khỏi lòng bác ái

Ngài cũng khẳng định rằng “Giáo hội không bao giờ có thể được miễn nói lên sự thật về con người và thế giới, và khi cần thiết có thể dùng đến ngôn ngữ thẳng thắn, điều có thể gây ra một số hiểu lầm ban đầu. Tuy nhiên, chân lý không bao giờ tách rời khỏi lòng bác ái, mà gốc rễ của nó luôn quan tâm đến cuộc sống và lợi ích của mọi người nam và nữ”.

Chân lý là gặp gỡ chính Chúa Kitô

Đức Thánh Cha giải thích thêm, “theo quan điểm Kitô giáo, chân lý không phải là sự khẳng định các nguyên lý trừu tượng và không liên quan đến con người, mà là cuộc gặp gỡ với chính con người Chúa Kitô, Đấng sống trong cộng đoàn các tín hữu. Vì vậy, sự thật không làm chúng ta xa cách mà ngược lại cho phép chúng ta đối mặt mạnh mẽ hơn với những thách thức của thời đại, chẳng hạn như vấn đề di cư, sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có đạo đức và bảo vệ Trái đất thân yêu của chúng ta. Đây là những thách thức đòi hỏi sự dấn thân và hợp tác của mọi người, vì không ai có thể nghĩ đến việc đối mặt một mình”.

Tái khẳng định cam kết xây dựng một thế giới hòa bình

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn với lời tái khẳng định cam kết của Tòa Thánh trong việc đồng hành cùng mọi quốc gia trong việc xây dựng một thế giới mà tất cả mọi người đều có thể sống trong phẩm giá và hòa bình. Ngài bày tỏ: “Tôi hy vọng rằng điều này sẽ xảy ra ở mọi nơi, bắt đầu từ những nơi chịu đau khổ nặng nề nhất, như Ucraina và Thánh Địa”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây