Trong ý hướng đó, nhân dịp tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô từ ngày 18 đến 25/1 này, hãng tin Kai của Công Giáo Ba Lan đã đề ra sáng kiến tổ chức một cuộc họp đại diện các Giáo Hội Kitô tại nước này, hôm 15/1 vừa qua tại thủ đô Varsava với chủ đề “Sinodarity đại kết”, xét vì Tòa Thánh cũng mời gọi các Giáo Hội Kitô anh em tham gia tiến trình hai năm chuẩn bị cho Thượng HĐGM thế giới vào tháng 10 năm 2023 tại Roma về chủ đề “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.
Thượng HĐGM này phản ứng một trong những mối quan tâm lớn của Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay là làm sao đưa Giáo hội hoàn vũ đi vào tiến trình hiệp hành vì ngài xác tín “Sinodalità” hay “Sinodality” thuộc về bản chất của Giáo hội và tiến trình này có thể giúp Giáo hội ra khỏi khủng hoảng và hăng say chu toàn sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó.
Mới đây, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và ĐHY Mario Grech, Tổng thư ký thượng HĐGM, khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho Thượng HĐGM, cũng như cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, kể cả việc học hỏi nhau về “Sinodarity”.
Một từ nhiều nghĩa
Đây là một từ khó dịch cho đúng, vì trong các Cộng đoàn Kitô khác, từ này không được hiểu giống như trong Công Giáo, như trong phiên họp tại Varsava:
Giáo hội Tin Lành Luther Ba Lan
Mục sư tiến sĩ Adam Manila, Chủ tịch Hội đồng Công tọa của Giáo hội Tin Lành Augsburg tại Ba Lan (Synod of The Evangelical-Augsburg Church) đã trình bày quan điểm của Giáo Hội này và khẳng định rằng “Synodality” là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành của giáo phái Luther, mặc dù không được trình bày chính thức trong các sách của Giáo hội này. Mục sư nói: “Synodality”, ở đây có thể dịch là “đồng nghị” là cách thức Giáo Hội điều hành. Nó được thực hiện qua các cuộc gặp gỡ của giáo sĩ, tức là những người được truyền chức, và các giáo dân để bàn và quyết định về những vấn đề quan trọng liên quan đến cộng đoàn Giáo Hội. Phong trào cải cách đã xác định các nguyên tắc này khi từ một sáng kiến hạ tầng, nó trở thành một cộng đoàn và cần phải có những quy luật rõ ràng để hoạt động.
Mục sư Adam Manila nhắc lại đại hội đầu tiên có tính chất đồng nghị là Công nghị hồi năm 1528 tại Zurich Thụy Sĩ trong Giáo hội cải cách của Zwingli. Nhà cải cách này nhấn mạnh rằng trách nhiệm về Giáo hội được ủy cho các mục sư tại các xứ đạo trên toàn tiểu bang và cho các đại biểu giáo dân. Công thức được đề ra bấy giờ được các nhóm cải cách khác chấp nhận và trở thành một giải pháp cho toàn thể cộng đoàn Tin Lành hoàn cầu.
Mục sư Manila nhấn mạnh rằng yếu tính của “Synodality” theo nghĩa của Tin Lành là xác tín theo đó toàn thể Giáo hội là một cộng đoàn các tín hữu trên thế giới và ý tưởng chức tư tế chung của mọi Kitô hữu đã chịu phép rửa tội. Trách nhiệm ấy của Giáo Hội được ủy cho các mục sư cai quản giáo xứ trong toàn tiểu bang và các đại biểu giáo dân. Giáo sĩ và giáo dân đồng trách nhiệm.
Công nghị toàn Giáo hội là thẩm quyền cao nhất gồm khoảng 70 người, một nửa là giáo sĩ và một nửa là giáo dân. Các thành viên này giữ các chức vụ quan trọng nhất. Công nghị Giáo hội nhóm họp mỗi năm một lần, đề ra mọi luật lệ cho Giáo hội, tuyển chọn các giám mục, mục sư, chủ tịch Hội đồng Công tọa, xác định ngân sách của Giáo hội, v.v.
Giáo Hội Chính Thống
Về phần Giáo hội Chính Thống tự quản Ba Lan, trong phiên họp, linh mục Henryk Paprocki, thuộc Giáo hội này, đã trình bày về nguyên tắc “Synodality” theo Chính Thống giáo: đây là quy luật được thiết lập trong Giáo hội những thế kỷ đầu tiên và tiếp tục được Chính Thống ngày nay tuân hành. Chính Thống dịch từ Synod, là “Hội đồng” hoặc Công nghị và nguyên tắc này đã có từ trước công đồng chung Nicea năm 325. Công đồng này buộc các vị Tổng Giám mục đứng đầu giáo tỉnh phải triệu tập một “Công nghị” mỗi năm 2 lần, trong đó tất cả các giám mục trong giáo tỉnh phải có mặt, trừ những vị về hưu hoặc đau yếu có giấy chứng nhận. Các công nghị địa phương được tiến hành 2 lần một năm, vào Mùa Chay và Mùa Vọng. Trong các công nghị đó, các quyết định được đề ra cho giáo tỉnh. Mặt khác, quyền bính trên bình diện toàn Giáo hội thì thuộc thẩm quyền của Công đồng chung, được triệu tập khi đức tin hoặc sự hiệp nhất của Cộng đoàn bị đe dọa. 7 Công đồng chung đầu tiên được triệu tập đứng trước sự xuất hiện của những giáo huấn sai lầm về Kitô học hoặc về Chúa Ba Ngôi.
Trong Chính Thống giáo, đặc tính hiệp hành được biểu lộ trước tiên trên bình diện địa phương với sự tham gia tích cực của các giáo dân. Đặc tính Synodality này được nới rộng cho các giáo xứ trong đó cơ quan quyết định là Hội đồng giáo xứ. Cha xứ không thể một mình đưa ra các quyết định cho giáo xứ của mình. Tuy cha xứ là đồng chủ tịch của Hội đồng giáo xứ, nhưng có một đồng chủ tịch thứ hai là một giáo dân. Hội đồng giáo xứ chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chánh và những vấn đề thực hành của xứ đạo.
Giáo hội Methodist
Hiện diện tại phiên họp ở Varsava cũng có Đức giám mục Andrzej Malicki, Chủ tịch của Giáo hội Tin Lành Methodist ở Ba Lan. Trong bài phát biểu, ngài nói từ Synod, công nghị, được dùng để chỉ đường lối tập đoàn cai quản Giáo hội Methodist, tuy rằng từ này không được dùng trong các văn kiện chính thức của Giáo hội. Giáo hội này dùng từ “Thánh Nghị”, Holy Conference. Hệ thống này được áp dụng ở mọi cấp độ trong việc quản trị Giáo Hội. Cơ quan có thẩm quyền cao nhất là Tổng thánh nghị, nhóm họp 4 năm một lần, phần lớn diễn ra tại Mỹ. Ở cấp thấp hơn, có các Hội đồng trung ương như ở Mỹ. Giáo hội Methodist ở Ba Lan thuộc về Hội đồng Trung và Nam Âu Châu, bao gồm Giáo hội tại 16 nước, đứng đầu là 1 giám mục cư ngụ hiện nay tại Zurich Thụy Sĩ. Việc trực tiếp điều hành Giáo hội tại mỗi nước do một vị gọi là “giám lý”, vì vị đồng sáng lập Giáo hội Methodist Jan Wesley, không muốn dịch từ Episkopos là Giám mục, Bishop, như được dùng trong Giáo hội Anh giáo. Tuy nhiên thẩm quyền cao nhất là Hội đồng thường niên, bao gồm các giáo sĩ và các đại biểu giáo xứ. Giống như trong Tin Lành Luther, Hội đồng thường niên này gồm khoảng 70 người, một nửa là giáo dân, nửa còn lại là giáo sĩ. Thẩm quyền của Hội đồng này là bầu vị thủ lãnh của Giáo Hội, với nhiệm kỳ đầu tiên là 4 năm, có thể tái cử lần thứ hai với nhiệm kỳ 6 năm, và tối đa được ở chức vụ này trong 10 năm. Nếu vị ấy chưa về hưu thì có thể trở lại làm việc trong giáo xứ.
Ở cấp độ thấp hơn có Hội đồng miền. Tại Ba Lan, Giáo Hội Methodist có 4 Hội đồng miền. Thẩm quyền cao nhất trong giáo xứ là Hội đồng giáo xứ, Hội đồng này bầu lên các thành viên Hội đồng giáo xứ do một mục sư đứng đầu.
Đặc tính Synodality theo ĐTC Phanxicô
Những quan niệm trên đây của các Giáo hội Kitô anh em khác nhiều so với đặc tính Synodality mà ĐTC Phanxicô nhấn mạnh và muốn toàn Giáo hội Công Giáo tiến bước theo.
Nguyên ngữ Hy lạp của từ Sinodo có nghĩa là “đồng hành”, cùng đi, hay bây giờ được dịch là “Hiệp hành” tuy rằng từ này chưa hề có trong từ điển Việt Nam nào cho đến nay.
Trong diễn văn dài 40 phút với 4 ngàn đại biểu của Giáo phận Roma hôm 18/9 năm ngoái (2021), Đức Thánh Cha giải thích “Synodality, sinodalità”, như một lối sống và hành động của Giáo Hội: lắng nghe nhau và có thái độ mục vụ, đặc biệt đứng trước cám dỗ của chủ nghĩa duy giáo sĩ và thái độ cứng nhắc.
Ngài nói: “Đề tài Hiệp hành tính không phải là một chương trong khảo luận Giáo hội học, và càng không phải là một kiểu thời trang, một khẩu hiệu hay một từ ngữ mới cần sử dụng hoặc lèo lái trong các cuộc gặp gỡ của chúng ta. Không phải vậy, Sinodalità biểu lộ bản chất của Giáo Hội, hình thể, kiểu sống và sứ mạng của Giáo hội.” Và Đức Thánh Cha dựa vào sách Tông Đồ công vụ, với nhiều giai thoại để chứng tỏ Giáo hội là hiệp hành. Ngài nhấn mạnh rằng “Trong tiến trình hiệp hành, giai đoạn giáo phận rất quan trọng, vì thực hiện sự lắng nghe toàn thể các tín hữu đã chịu phép rửa [...].”
Sự kiện Đức Thánh Cha nói đến sự can dự của toàn thể dân Chúa vào tiến trình công nghị khiến cho một số người cho rằng đây là một chủ trương “dân chủ hóa Giáo hội”, và họ quan niệm công nghị hay Thượng Hội Đồng Giám Mục là một thứ “nghị viện” của Giáo hội. Nhưng Đức Thánh Cha đã hơn 1 lần bác bỏ quan niệm này và khẳng định rằng hiệp hành tính không phải là một thứ nghị viện trong đó các quyết định được thông qua theo thể thức đa số phiếu.
Điều chắc chắn là Đức Thánh Cha không chủ trương dân chủ hóa Giáo hội, trong đó “cá đối bằng đầu”. Ngài không thay đổi Giáo luật về các phẩm trật và cách điều hành trong Giáo Hội; đối với ngài, Thượng HĐGM thế giới tiếp tục chỉ có tính cách tư vấn chứ không có thẩm quyền quyết định. Các điều khoản trong tài liệu chung kết của Thượng HĐGM, dù được đại đa số các nghị phụ bỏ phiếu thông qua, nếu ĐTC thấy điều đó là không thích hợp, thì nó chỉ nằm trên giấy tờ, như đề nghị truyền chức linh mục cho những người nam đã có gia đình được đa số các nghị phụ Thượng HĐGM về miền Amazon thông qua. Hoặc tất cả các điều quan trọng khác, quyết định chung kết tùy thuộc một mình Đức Thánh Cha, sau khi ngài lắng nghe các ý kiến.
G. Trần Đức Anh O.P.