TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hòa bình

Thứ hai - 28/11/2022 19:16 | Tác giả bài viết: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm |   766
“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,4)
Hòa bình

HÒA BÌNH
 

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,4)

Người Công giáo bước vào Mùa Vọng 2022 khi chiến tranh giữa Nga và Ukraina vẫn đang tiếp diễn. Chưa có những dấu hiệu tích cực cho hòa bình, hơn thế nữa mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân vẫn đang lơ lửng trên đầu. Cách đây hai tuần, khi tham dự hội nghị của Bộ Truyền thông Vatican, tôi ngồi gần Đức cha Borys Gudziak, Tổng giám mục Philadelphia của người Công giáo Ukraina tại Hoa Kỳ, ngài tặng tôi quyển sách về Giáo Hội Công giáo Ukraina, The Ukrainian Greek Catholic Church: A Short History, và kể cho tôi nghe về nỗi thống khổ của người dân Ukraina trong cuộc chiến hiện nay: hàng triệu người di tản, cơ sở và nhà cửa bị tàn phá, tang thương và chết chóc, đói rét trong mùa đông khắc nghiệt đang tới…

Bỗng nghe lời Kinh Thánh thật tha thiết: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,4). Cũng một chất liệu là sắt thép, người ta có thể chế tạo thành gươm đao để giết chóc lẫn nhau hoặc thành cày cuốc để phục vụ sự sống. Cũng một chất liệu là năng lượng nguyên tử, người ta có thể sử dụng để phục vụ nền văn minh nhân loại hoặc để hủy diệt cả nhân loại. Gươm đao hay cày cuốc chỉ là phương tiện, chính con người mới là chủ thể sáng tạo và sử dụng. Cho nên hòa bình hay chiến tranh là do con người và sâu xa nhất là tự lòng người.

“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,4). Để gươm đao thành cuốc thành cày, ông thợ rèn phải đưa nó vào lò lửa để ngọn lửa nung nấu nó thành mềm mại, sau đó mới chế tạo khối sắt thép ấy thành cày thành cuốc. Hình ảnh ấy cũng diễn tả quá trình biến đổi lòng người để có thể đi từ chiến tranh đến hòa bình. Phải chấp nhận từ bỏ ý muốn thống trị, ích kỷ, kiêu căng, thù hận, và thay vào đó bằng ước muốn yêu thương, tha thứ, phục vụ. Quả là một quá trình khó khăn và đau đớn, đòi hỏi rất nhiều hi sinh và từ bỏ. Có lẽ vì thế mà hòa bình cứ mãi chỉ là mơ ước.

Chiến tranh và hòa bình đâu chỉ là chuyện của Nga và Ukraina mà còn là chuyện của mỗi chúng ta. Hãy nhìn lại xem gia đình mình có thực sự bình an không hay đang có những mâu thuẫn ngấm ngầm giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau. Hãy nhìn lại xem giáo xứ của chúng ta có thực sự bình an không hay đang có những xung đột giữa linh mục và giáo dân, hoặc giữa giáo dân với nhau. Lý do nào dẫn đến những xung đột ấy? Chúng ta có đủ khiêm tốn để nhận phần lỗi của mình chăng? Cần phải làm gì để xây dựng bình an?

Trong lễ Đêm Giáng Sinh, Hài nhi Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình và lễ Giáng Sinh vẫn được gọi là ngày lễ của Hòa Bình, ngày ngưng mọi tiếng súng. Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị để đón tiếp Vị hoàng tử hòa bình ấy vào trong thế giới. Chúng ta cầu xin cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraina sớm chấm dứt, “dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”, và hòa bình sẽ thống trị trái đất này.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Tuần I Mùa Vọng 2022
Nguồn:
giaophanmytho.net (28.11.2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây