Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nói về tình hình thế giới với những cuộc xung đột lớn, làm cho niềm tin nơi người khác của con người bị khước từ. Chính viễn cảnh ảm đạm này đòi hỏi một sự can thiệp dứt khoát của một kỷ nguyên sửa chữa.
Đức Thánh Cha viết: “Theo nghĩa này, động từ ‘xây dựng’ mà anh chị em chọn rất phù hợp. Khả năng thiết kế tuyệt vời xuất hiện trong tâm trí của những nghệ nhân, có thể nhìn thấy vẻ đẹp đã có trong chất liệu thô. Vì thế cần một dấn thân cụ thể: trở thành những nghệ nhân đáng tin cậy. Tuy nhiên, phải rất cẩn thận để không xây dựng chúng một cách ngẫu nhiên mà theo một dự án chính xác”.
Để có thể làm được điều này, theo Đức Thánh Cha, cần phải có niềm tin. Tin vào chính mình và người khác. Nhưng trước hết là tin cậy nơi Chúa, như lời Chúa trong sách Ngôn sứ Giêrêmia: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái”. (Gr 17, 7-8).
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, ngôn sứ chỉ cho thấy rằng chính việc tin tưởng nơi Chúa cho phép chúng ta không làm nô lệ cho những lợi ích đảng phái, nhưng có một viễn cảnh vượt qua những giới hạn và mâu thuẫn. Niềm tin là một lời kêu gọi mạnh mẽ vào hy vọng, truyền cảm hứng cho những hành động mới, định hướng các kỹ năng, khuyến khích dấn thân, mang lại sức sống cho cuộc sống.
Ở điểm này Đức Thánh Cha nói thêm rằng, tất cả mọi người đều cần nhau. Niềm tin không thể tồn tại nếu không có người khác. Gặp gỡ phải trở thành ước muốn lớn nhất của chúng ta, là mục tiêu cần kiên trì theo đuổi, bởi vì “con người không thể hiểu biết tường tận sự thật về chính mình nếu không gặp gỡ người khác” (Fratelli tutti 87). Đây là chiều kích cho phép chúng ta biến sự ích kỷ thành tình huynh đệ, bệnh vô cảm thành sự say mê, gươm đao thành cuốc cày. Đây là cách để thoát ra khỏi lý luận chiến tranh, coi người khác là kẻ thù và sự đe doạ, đồng thời phác hoạ những con đường có thể cho hoà bình.
Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi các doanh nhân, các chuyên gia, các đại biểu của các tổ chức hợp tác, kinh tế và văn hóa đang gặp nhau tại Verona, mỗi người trong lĩnh vực của mình, thúc đẩy và nuôi dưỡng một nền văn hóa gặp gỡ và tin tưởng, theo gương cha Adriano Vincenzi, người với niềm đam mê đã có ý tưởng và bắt đầu hành trình của lễ hội quan trọng này. (CSR_5026_2022).
Ngọc Yến - Vatican News